Home Tin Tức Thời Sự Thủ tướng VN cảnh báo khó khăn

Thủ tướng VN cảnh báo khó khăn PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC News   
Thứ Sáu, 02 Tháng 1 Năm 2009 08:53

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng VN kêu gọi 'sức mạnh tổng hợp'

Trong thông điệp đầu năm, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo 2009 sẽ là "một năm nhiều khó khăn và thách thức".

Ông Dũng vừa có bài viết nhân dịp năm mới, được đăng tải trên nhiều báo đài trong nước.

Nhìn lại năm 2008, được coi là 'năm bản lề' trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đảng Cộng sản VN, ông thủ tướng nhận định "tình hình kinh tế thế giới và trong nước biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí vận động theo những xu hướng trái chiều".

Đây là một trong những nguyên nhân khách quan gây khókhăn kinh tế ở trong nước.

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận "những yếu kém trong cơ cấu kinh tế và hiệu quả đầu tư tích tụ từ nhiều năm chậm được khắc phục" cùng "những tồn tại trong chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô" đã dẫn tới tình trạng lạm phát phi mã đầu năm 2008.

Theo thủ tướng Dũng, "vào quý I năm 2008, kinh tế vĩ mô bị đe dọa nghiêm trọng", khiến lãnh đạo VN đã phải đặt kiềm chế lạm phát lên làm ưu tiên hàng đầu.

"Chúng ta đã nghiêm túc kiểm điểm và quyết định điều chỉnh mục tiêu điều hành kinh tế xã hội, chuyển nhiệm vụ trọng tâm vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý."

Bản thông điệp cho hay tới nay, ưu tiên hàng đầu đã được chuyển từ giải quyết lạm phát sang tình trạng suy giảm kinh tế.

Giải pháp của chính phủ

Trước tình hình phát triển hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo năm nhóm giải pháp kinh tế, trong đó hai giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; và kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, ông thủ tướng khuyến cáo các doanh nghiệp VN mở rộng thị trường nội địa và tăng cường nội tiêu để lấy đó làm điểm tựa trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.


Những yếu kém trong cơ cấu kinh tế... những tồn tại trong chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô cùng với những tác động rất mạnh của những yếu tố tiêu cực bên ngoài ... làm cho lạm phát bộc lộ và tăng cao vào quý I năm 2008, kinh tế vĩ mô bị đe doạ nghiêm trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nội lực cũng được coi là định hướng quan trọng trong thu hút đầu tư.

Thông điệp của thủ tướng Dũng cho biết "Chính phủ chủ trương phát hành thêm trái phiếu nhằm huy động nhiều hơn các nguồn lực trong dân để tạo thêm vốn cho đầu tư phát triển".

Ông Dũng cũng đề cập tới gói trợ giúp tài chính 1 tỷ đôla:

"Chính phủ sẽ kiến nghị dành khoảng 17 ngàn tỷ đồng (1 tỷ đôla) để bù khoảng 40% lãi suất vay thương mại nhằm huy động một lượng khá lớn vốn tín dụng với lãi suất thấp (khoảng 400 ngàn tỷ đồng với chu kỳ cho vay 1 năm) để hỗ trợ các doanh nghiệp."

Đặc biệt, ông thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của "sức mạnh tổng hợp" trong việc tháo gỡ các khó khăn về kinh tế.

Ông kêu gọi "phát huy nguồn lực của toàn xã hội và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân" đồng thời chỉ đạo báo chí và truyền thông "phải đưa tin chính xác và có lợi cho sự phát triển của đất nước".

Lang thang, SG
Nếu bộ máy nhà nước vẩn cồng kềnh và lại thêm tách xã tách huyện thường xuyên "để có việc làm", trong lúc nguồn thu ngân sách bị hạn chế thì người bị nạn đầu tiên là dân ngèo. Một ví dụ rõ ràng là từ 1/1/09 các mặt hàng trước đây thuế suất 5% thì từ nay là 10%. Trong khi trời thì cao mà miệng thì lại quá bé, dân tình biết kêu ai ?

DDT
Đi lại vẫn chỉ là"Sức mạnh tổng hợp", "phát huy nguồn lực", "khai thác tiềm năng, nội lực"... cũng như "trồng cây gì", "nuôi con gì", toàn là khẩu hiệu thường ngày chẳng có kế sách gì.

Linh, Moscow
Sau 1 năm lao động hiệu quả, đầu 2009 thu nhập đầu người VN đã trên 1000 đô Mỹ. Với sức cầu lớn như vậy lo gì hàng hóa không bán được. Chỉ có điều hàng nhập khẩu vừa tốt lại rẻ bền hơn hàng sản xuất trong nước nên việc nhập siêu vẫn tiếp tục và thất nghiệp tăng cùng với thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

Để tránh nhập siêu chính phủ phải phá giá VND , nếu vậy “Danh hiệu” thu nhập trên nghìn đô cũng vì thế mà “trôi” đi. Thủ tướng tướng thấy khó khăn là phải quá. Gói cứu trợ 1 tỷ chi thẳng vào một số doanh nghiệp không thể làm hàng hóa VN hấp dẫn người tiêu dùng hơn mà chỉ nhằm cứu 1 số “đại gia” đang ngắc ngoải chạy lấy của.

Tại sao chính phủ không giảm giá đất, đơn giản thủ tục để giá căn hộ phù hợp với sức mua? Thị trường xây dựng sôi động sẽ kéo theo các ngành sản xuất thép, xi măng, nội thất v.v..đi theo. Câu trả lời : quan chức sẽ nghèo đi ,vô số biệt thự của họ mất giá, các “đại gia” nhà nước cũng như tư nhân đang “thổi bong bóng” sẽ sụp đổ. Thật nan giải.

Tôi dự đoán chính phủ sẽ không làm gì ngoại trừ kêu gọi và phát biểu mạnh mẽ. Mọi việc trông chờ vào giải ngân ODA, FDI và thị trường Mỹ, Nhật, EU. Cuối năm tổng kết “tăng trưởng” 6-6,5% đúng theo lệnh của Lãnh đạo. Truyền thông sẽ đưa tin rất "chính xác và có lợi".

Bần nông
Nghe mãi những từ nổi cộm "vĩ mô", "cơ cấu","nghiêm túc kiểm điểm","kiềm chế lạm phát","bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng", thứ dân chỉ biết lao động cơ bắp như tui đây bù trất. Nhưng dân nghèo tui tụi có lúc nào mà không nhiệt liệt hưởng ứng và cật lực phấn đấu để vượt qua những khó khăn khách quan mà nhà nước đang mò mẫm. Xin thủ tướng yên tâm, khó khăn triền miên từ hồi nào đến giờ, dân tình chịu đựng miết cũng đã quen, chớ nào phải chờ tới năm sau mà vội lo cảnh báo.

PPT, VN
Về mặt chủ trương, 5 giải pháp mà Thủ tướng đề ra trong bài viết đầu năm là chuẩn mực. Nhưng về mặt kỹ thuật chỉ đạt được hiệu quả hay không phản tác dụng khi các ngành các cấp nghiêm túc chấp hành.

Sở dĩ đặt thành vấn đề chấp hành vì trong hoàn cảnh kinh tế chuyển biến bất thường, nhiều đảng bộ địa phương và cả cấp bộ có thể có bước chỉ đạo loạn xạ, không phải vì không tin tưởng Thủ tướng mà vì cơ chế chính quyền nước ta chưa tốt và hệ thống Đảng, vốn tập trung nhiều người nặng tính lí thuyết và phân biệt đối xử, vẫn luôn tìm cách can thiệp vào chính quyền các cấp.

Quốc hội cần có cái nhìn tốt hơn với đầu óc phân tích hơn. Người ta biết rằng nhờ có quá trình phát triển rất nhanh trước đây mà dân nghèo cũng được hưởng lợi ít nhiều. Nay tốc độ phát triển chậm lại thì họ chính là người bị ảnh hưởng sớm nhất.

Một chỉ số phát triển cao có lợi cho người nghèo nhưng sẽ có hại cho nền kinh tế trong trường hợp thúc đẩy bởi các gói kích cầu. Tôi nghĩ duy trì tốc độ tăng trưởng vào khoảng 6,5 cho năm 2009 sẽ tốt cho cả hai.