Home Tin Tức Thời Sự Ruth Kuczynski - Nữ điệp viên nổi tiếng nhất mọi thời đại

Ruth Kuczynski - Nữ điệp viên nổi tiếng nhất mọi thời đại PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Ba, 30 Tháng 12 Năm 2008 21:27

 

 

Ruth Kuczynski

 Chỉ 2 năm sau khi qua đời vào ngày 7/7/2000 ở tuổi 93 tại thủ đô Berlin của Đức, bà Ruth Kuczynski, cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo quân đội Liên Xô (GRU) đã được tạp chí Spy Museum bình chọn là nữ điệp viên nổi tiếng nhất mọi thời đại. Đây là một vinh dự dành cho nữ điệp viên huyền thoại này với những chiến công mang tính lịch sử.  

Bà Ruth Kuczynski, còn gọi là Ursula Beurton, sinh ngày 15/8/1903 tại thành phố Berlin trong một gia đình người Đức gốc Do Thái. Cha bà, ông Robert Kuczynski, là một kinh tế gia và là giáo sư đại học còn mẹ là Berta. Cả hai đều là đảng viên đảng Cộng sản Đức. Đây chính là lý do khiến bà Ruth cũng gia nhập đảng Cộng sản Đức vào năm 19 tuổi và chẳng bao lâu đã trở thành thủ lĩnh của phong trào thanh niên của đảng Cộng sản Đức ở thành phố Berlin. Đây chính là lý do khiến bà bị sa thải khỏi nhà xuất bản mà bà đang làm việc.
 
Sau khi mất việc, bà cùng cha và anh trai tên Jurgen đến Mỹ vào năm 1928. Nhiều người cho rằng đây là thời điểm mà bà được GRU tuyển dụng thông qua anh trai vốn là một điệp viên nằm vùng của GRU tại Đức. Năm 1929, bà Ruth quay về lại Đức và lập gia đình với Rudolph Hamburger, một kiến trúc sư và bắt đầu viết báo cho tờ Rote Fahne, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Đức.

Năm 1930, theo yêu cầu của GRU, bà khuyên chồng đến Trung Hoa làm việc. Và chính tại Trung Hoa bà đã tuyển dụng chồng làm việc trong đường dây điệp báo của mình. Nhiệm vụ của đường dây điệp báo này là tìm cách nối liên lạc giữa Moskva và các phong trào du kích do đảng Cộng sản Trung Hoa lãnh đạo, tuyển dụng điệp viên nằm vùng và thu thập thông tin về hoạt động quân sự của Nhật tại Mãn Châu. Dưới lốt phóng viên của báo Rote Fahne, bà cùng cấp trên tên Mark, một điệp viên GRU đội lốt thương nhân, triển khai mạng lưới điệp báo đến nhiều vùng của Trung Hoa, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải và nhất là tại vùng Mãn Châu. Năm 1932, bà Ruth được điều động đến thủ đô Moskva để được huấn luyện nghiệp vụ tình báo và sau đó quay về lại Trung Hoa tiếp tục hoạt động điệp báo.


Năm 1935, khi Nhật xua quân xâm chiến Trung Hoa qua ngả Mãn Châu, để bảo toàn sinh mạng cho các điệp viên nòng cốt, GRU ra lệnh cho Mark và Ruth quay trở lại châu Âu. Năm 1936, bà Ruth hoạt động tình báo tại Ba Lan và đến năm 1938 được lệnh chuyển đến hoạt động tại Thụy Sĩ để xây dựng mạng lưới điệp báo của GRU tại đây. Đây được xem là giai đoạn khó khăn nhất của bà Ruth, một phần do còn chưa nguôi ngoai tình cảm sau khi ly dị với chồng, phần phải nuôi dạy các con còn nhỏ nhưng phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức giao. Với nghị lực phi thường, bà đã vượt qua tất cả các khó khăn và thành công trong nhiệm vụ xây dựng mạng lưới của GRU tại Thụy Sĩ để bí mật tổ chức thâm nhập vào lãnh thổ Đức qua Áo để thu thập thông tin tình báo. Chính mạng lưới tình báo của bà Ruth đã nắm bắt được thông tin về việc trùm phát xít Adolf Hitler ra lệnh tấn công Ba Lan vào tháng 9-1939.
 
Cuộc đời hoạt động tình báo của bà Ruth chuyển sang giai đoạn mới khi bà được tổ chức cho phép lập gia đình với Len Beurton, người Anh, đảng viên đảng Cộng sản Anh vào năm 1940. Nhiệm vụ của bà Ruth là tìm cách nhập quốc tịch Anh để xây dựng mạng lưới tình báo của GRU tại đảo quốc này. Hoạt động tại Anh, bà Ruth gặp nhiều thuận lợi khi cha bà, ông Robert đang giảng dạy môn kinh tế tại Đại học Oxford; chồng mới cưới là Beurton lại gia nhập quân đội Anh; còn anh trai tên Jurgen, điệp viên GRU lại là sĩ quan quân đội Mỹ đang thi hành nhiệm vụ tại Anh. Chính những người này đã cung cấp nhiều nguồn thông tin quý giá giúp bà Ruth phát triển mạng lưới điệp báo của GRU tại Anh.

Năm 1941, thông qua giới thiệu của cha, bà Ruth tiếp cận được với Klaus Fuch, một nhà khoa học người Anh gốc Đức, đang làm việc trong chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Anh và chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân có tên gọi

 
Klaus Fuch
Manhattan của Mỹ. Năm 1942, bà Ruth đã thuyết phục được Klaus Fuch làm việc cho GRU. Hai người thường gặp nhau trong các buổi dạo chơi bằng xe đạp ở vùng đồng quê Oxford để chuyển giao tài liệu (được Fuch sao chép bằng tay) và mệnh lệnh. Chính nhờ những tài liệu liên quan đến chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Anh và Mỹ do Fuch cung cấp thông qua bà Ruth mà đến năm 1949, Liên Xô đã cho nổ thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên.
 
Sử gia người Anh Norman Moss, tác giả cuốn sách có nhan đề "Klaus Fuch: The Man Who Stole the Atomic Bomb", xuất bản năm 1987, đã dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov rằng, chính nhờ công lao của Fuch và bà Ruth mà Liên Xô đã rút ngắn đáng kể thời gian chế tạo bom nguyên tử. Theo đánh giá của các sử gia tình báo quốc tế, mạng lưới tình báo của GRU hoạt động tại Anh dưới sự chỉ huy của bà Ruth là mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả nhất trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến khi Chiến tranh lạnh bùng nổ. Nhiều người còn cho rằng ngay cả Roger Hollis, Giám đốc Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) từ năm 1956 đến 1965, từng được bà Ruth tuyển dụng vào năm 1948. Điệp viên huyền thoại người Anh Melita Norwood cũng từng cộng tác với mạng lưới tình báo của bà Ruth.
 
Năm 1950, khi Klaus Fuch bị phát hiện và bị bắt giữ, GRU đã tổ chức cho bà Ruth cùng chồng đào thoát đến Đông Đức, quê hương của bà. Năm 1951, bà Ruth được đích thân nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin trao tặng Huân chương Cờ Đỏ cao quý về thành tích vang dội của bà trong lĩnh vực tình báo nguyên tử. Tuy là một nhà tình báo lỗi lạc nhưng bà Ruth luôn giữ kín thân phận và chỉ được biết dưới cái tên Ursula Beurton. Bà tiếp tục làm việc cho GRU thêm 15 năm mới nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá tình báo quân đội Liên Xô. Năm 1969, lần thứ hai bà Ruth được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ và đến năm 1984 được Chính phủ Đông Đức trao tặng Huân chương Karl Marx. Năm 1974, được sự cho phép của tổ chức, bà Ruth đã cho xuất bản cuốn hồi ký về cuộc đời hoạt động tình báo của mình có nhan đề "Hồi ký của Sonja" và liền trở thành một cuốn sách bán chạy tại các quốc gia XHCN và nhất là tại Liên Xô. Nhiều sử gia tình báo phương Tây cho rằng, đây là một cuốn cẩm nang về nghệ thuật tình báo mà các cơ quan tình báo phương Tây cần nghiên cứu để bổ sung vào các phương pháp huấn luyện nhân viên tình báo của mình.
 
Bà Ruth qua đời vào ngày 7/7/2000 ở tuổi 93. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin, một cựu nhân viên tình báo Liên Xô, đã gửi vòng hoa phúng điếu và điện chia buồn đến gia đình của bà Ruth, một trong những điệp viên huyền thoại của tình báo Xôviết. Với những thành tích mang tính lịch sử trong cuộc đời hoạt động tình báo của mình, bà Ruth Kuczynski xứng đáng được tạp chí Spy Museum bình chọn là nữ điệp viên nổi tiếng nhất mọi thời đại

Bí ẩn về vụ tấn công cơ sở hạt nhân Pelindaba ở Nam Phi

Câu chuyện này ít người biết đến và đây là lần đầu tiên âm mưu được tiết lộ trên báo chí. Những gì diễn ra tại Pelindaba đáng sợ đến mức các tổng thống phải thức trắng đêm vì nó.

Pelindaba nằm không xa thủ đô của Nam Phi. Đó là nơi mà chế độ Apartheid bí

 
Cơ sở hạt nhân Pelindaba ở Nam Phi nhìn từ hướng Bắc.
mật xây dựng  cơ sở vũ khí hạt nhân. Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, Nam Phi giải giáp và những quả bom nguy hiểm được phá hủy, nhưng số uranium làm giàu cao - gọi là HEU, để chế tạo bom nguyên tử - vẫn còn nằm đó. Còn Nam Phi quả quyết với thế giới rằng Pelindaba là một pháo đài kiên cố.
 
Nhưng vào đêm 7/11/2007, nơi cất giữ uranium ở Pelindaba bị tấn công bất ngờ. "Nó xảy ra đúng 1 giờ đêm. Chúng tôi nghe thấy tiếng động bên trong cơ sở", Anton Gerber nhớ lại. Ông từng làm việc ở Pelindaba suốt 30 năm trong vai trò lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát khẩn cấp cơ sở Pelindaba.
 
Gerber ở trong phòng kiểm soát khi bọn người bịt mặt xông vào. Gerber nói ông nhìn thấy 4 tên lăm lăm súng ống trên tay bước vào hành lang và tiến thẳng về hướng phòng kiểm soát. Bọn chúng đã chọc thủng được hàng rào cài điện 10.000 volt, vượt qua mạng lưới camera theo dõi và tiến gần đến phòng kiểm soát thì hệ thống báo động mới phát tín hiệu.
 
Gerber gọi lực lượng an ninh khẩn cấp. Ông nói: "Chúng tôi đang bị tấn công. Có 4 tên vũ trang bên trong cơ sở". Ngoài Gerber còn có 1 nữ nhân viên khác là Ria Meiring. Bà Ria nhớ lại: "Một tên nắm tóc tôi đẩy ra ngoài, còn 3 tên kia vật lộn với Anton. Nhưng cuộc tấn công vào phòng kiểm soát mới chỉ bắt đầu. Nhóm bịt mặt thứ hai, ở phía khác của cơ sở, đang phá hàng rào điện và bắn vào lính bảo vệ".
 
Matthew Bunn ở Đại học Harvard cho biết HEU cực kỳ khó sản xuất và có giá đến hàng triệu đôla trên thị trường đen. Và nếu như HEU rơi vào tay bọn khủng bố thì chúng sẽ không mấy khó khăn để chế tạo ra một quả bom nguyên tử dạng thô.
 
Bunn giải thích: HEU là chất phóng xạ rất yếu nên không nguy hiểm gì lắm khi dùng tay cầm nó nên đó là yếu tố giúp bọn đột nhập dễ dàng lấy cắp mang đi. Pelindaba chứa hơn 500kg HEU và một phần được sử dụng để sản xuất các sản phẩm y khoa. Nam Phi gọi Pelindaba là "vị trí chủ chốt của quốc gia", một cơ sở được bảo vệ nghiêm ngặt nhất.
 
Bọn tấn công chọn một vị trí ở phía dưới khe núi nằm xa bên dưới con đường vành đai nơi lính gác thường đi tuần. Ở vị trí này thì những người lính phía trên con đường sẽ không thể nhìn thấy.
 
Sau khi đến được hàng rào điện, một tên trong bọn dùng cây kéo nhựa nâng cạnh dưới hàng rào lên cao cách mặt đất khoảng chừng một người chui qua lọt, sau đó đi thẳng đến hộp kiểm soát điện và tắt hết các công tắc điện.
 
Sau đó bọn chúng vô hiệu hóa chuông báo động trên hộp kiểm soát điện, cắt đứt dây cáp thông tin dẫn đến phòng an ninh và tắt hệ thống điện dẫn đến hàng rào. Cuộc tấn công xảy ra ngay vào đêm Trung tâm Pelindaba đều nghỉ làm. Chỉ có Anton Gerber và Ria Meiring ở lại trực.
 
Sau khi bắn bị thương Gerbe, bọn đột nhập biến đi. Nhóm tấn công thứ 2 cũng biến mất sau đó. Rob Adam, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng hạt nhân NEC của Nam Phi và cũng là người quản lý Pelindaba, nói: "Nếu đây là những tên khủng bố dạn dày kinh nghiệm thì Anton Gerber có lẽ sẽ không có cơ hội sống sót". Ông Adam nói, ông không biết bọn đột nhập này muốn tìm kiếm cái gì. Còn Chính phủ Nam Phi nói gì?
 
Đại sứ Abdul Minty, một trong những quan chức hàng đầu Nam Phi về chính sách hạt nhân, nói: "Cho đến bây giờ, theo bằng chứng mà chúng tôi có được thì đây là một âm mưu trộm cắp. Pelindaba nằm cách xa đường cái, bọn chúng nghĩ rằng một nơi an ninh như thế chắc có gì đó giá trị. Không ai biết động cơ của chúng là gì".
 
Một camera lắp tại hàng rào điện đã phát hiện bọn đột nhập này, nhóm lính an ninh phát hiện nhưng không báo cáo về sự xâm nhập của bọn người này. Gerber nghi ngờ có ai đó trong lực lượng an ninh dính dáng đến âm mưu.
 
Matthew Bunn thì cho rằng sẽ hết sức phi lý nếu nói đây là một vụ trộm cắp thông thường: "Bọn người này đã chui qua được hàng rào điện. Bọn chúng còn vô hiệu hóa được những thiết bị điện tử phát hiện sự xâm nhập hiện đại nhất. Chúng còn biết lối đi thẳng đến trung tâm kiểm soát khẩn cấp của Pelindaba. Bọn chúng biết rõ tầm quan trọng của cơ sở mà chúng xâm nhập và biết rõ chúng đang làm gì. Chắc chắn bọn này có nội gián. Và một điều nữa là lực lượng an ninh không đến đúng thời gian".
 
Để cướp được uranium, bọn đột nhập sẽ phải đi qua nhiều tầng an ninh: các hàng rào, camera và các ổ khóa. Trong khi đó bọn cướp lại không gặp khó khăn gì... Đã có nhiều cuộc điều tra được tiến hành, nhưng Gerber cho biết giới chức trách không hỏi han gì ông sau đó. Bây giờ cuộc điều tra đã ngưng lại và không biết kẻ đứng đằng sau vụ tấn công cũng như động cơ của chúng.