Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam sẽ phóng vệ tinh quan sát vào năm 2012

Việt Nam sẽ phóng vệ tinh quan sát vào năm 2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: DCVOnline   
Chúa Nhật, 21 Tháng 12 Năm 2008 03:42

 Việt Nam đang có kế hoạch phóng vệ tinh quan sát trái đất (remote sensing satellite) đầu tiên vào năm 2012. Thông báo trên được ông Nguyễn Khoa Sơn, chủ nhiệm chương trình Khoa học và Công nghệ Vũ trụ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ đưa ra tại diễn đàn các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Regional Space Agency Forum, APRSAF-15) diễn ra tuần trước tại Việt Nam.

Vệ Tinh VNREDSAT-1

Vệ tinh mới của Việt Nam sẽ có tên VNREDSAT-1, được trang bị các thiết bị quang học để chụp các bức ảnh về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai với độ phân giải cao. Tổng kinh phí dự kiến cho công trình này sẽ là 70 triệu đô la. Số tiền này sẽ dùng cho việc chế tạo, phóng vệ tinh, xây dựng trạm điều khiển từ mặt đất (ground station), chuyển giao công nghệ và huấn luyện chuyên viên. Kinh phí cho dự án này sẽ đến từ vốn ODA. Việt Nam đang tìm vốn và giúp đở về kỷ thuật từ các đối tác nước ngoài để việc nghiên cứu tính khả thi của dự án được bắt đầu trong tương lai gần.

Ông Sơn nói: “Khi vệ tinh VNREDSAT-1 đi vào hoạt động vào năm 2012, Việt Nam sẽ tự chụp các hình ảnh mặt đất từ không trung để tăng khả năng quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai”. Hiện nay Việt Nam phải mua các bức ảnh vệ tinh từ các nước khác để dùng vào việc dự báo thời tiết, bảo vệ môi trường và nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên.

Trọng lượng dự tính của vệ tinh VNREDSAT-1 sẽ là 150 kilograms. Như vậy vệ tinh này được sếp vào loại các vệ tinh nhỏ (microsatellites). Vệ tinh này sẽ hoạt động 5 năm trên quỹ đạo (five-year life expectancy).

Đến Năm 2020 sẽ có 3 vệ tinh

Ông Sơn nói thêm: “Việt Nam có thể sẽ có 3 vệ tinh vào năm 2020, trong đó bao gồm một vệ tinh quang học (optical satellite – DCVOnline: VNREDSAT-1) và một vệ tinh thám sát (radar satellite). Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực và chủ động trong việc chế tạo vệ tinh thứ ba. Chiến lược lâu dài của khoa học vũ trụ Việt Nam là làm chủ công nghệ chế tạo, dù cần những kế hoạch dài hạn và cụ thể và đầu tư rất lớn”.
Vào tháng Tư năm nay Việt Nam phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-1, nhưng vệ tinh này là một vệ tinh do Việt Nam thuê các công ty nước ngoài chế tạo và phóng lên. Vệ tinh VINASAT-1 dùng mẫu vệ tinh A2100A của công ty Lockheed Martin

VINASAT-1


Nguồn: Lockheed Martin

của Mỹ, hệ thống điều khiển từ mặt đất đặt tại hai trạm ở Hà Tây và Bình Dương do công ty Integral Systems của Mỹ đảm trách, còn vệ tinh thì được phóng lên bằng rocket Ariane 5 của công ty Arianespace của Pháp. Tổng số kinh phí cho VINASAT-1 là 300 triệu đô la và vệ tinh này hoạt động từ 12 đến 15 năm trên quỹ đạo.

So với các quốc gia trong khu vực

So với các quốc gia trong khu vực đông nam Á thì Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên làm chủ vệ tinh nhân tạo. Ngoại trừ các nước Campuchia, Lào, Brunei, Myanamar và Đông Timor thì các nước khác trong khu vực đều có vệ tinh nhân tạo. Số vệ tinh nhân tạo hiện đang hoạt động của các nước trong khu vực là: Indonesia 5 chiếc, Thái Lan 5 chiếc, Malaysia 3 chiếc, Philippines, Singapore và Việt Nam mỗi nước một chiếc; Indonesia, Thái Lan và Malaysia còn sở hữu chung một vệ tinh khác. Trong khu vực đông nam Á, chỉ có Indonesia và Malaysia là chế tạo được vệ tinh riêng. Vệ tinh của hai nước này chế tạo đều thuộc loại microsatellite. Indonesia chế tạo vệ tinh Lapan-Tubsat và phóng lên quỹ đạo vào tháng Giêng năm 2007, còn Malaysia thì phóng vệ tinh TiungSAT-1 do chính nước này chế tạo vào tháng 9 năm 2000.