Nghĩa tử là nghĩa tận. Nghĩa nào là nghĩa trang. Từ muôn trùng xa cách. Nhắn ai về cố hương. Ðốt nén nhang viễn xứ. Gửi người dưới mộ sâu. Bao nhiêu năm quên lãng. Chợt xót thương một lần...
Thăm nghĩa trang xưa Năm nay mới bước vào mùa Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ, vé máy bay về Việt Nam ăn Tết đã bán hết. Kinh tế lên, người ta có tiền, vui vẻ về quê ăn Tết. Kinh tế xuống, thất nghiệp, buồn tình cũng về quê ăn Tết! Thôi bạn đã về, xin nhắn bạn về thăm một chỗ, Các cháu đã về, xin nhắn cháu về thăm một nơi: Nghĩa trang Biên Hòa. Ngày xưa, lúc mới chạy đi, ông Kỳ viết cuốn sách tựa đề là 20 năm, 20 ngày. Ý ông nói là miền Nam chiến đấu trong 20 năm, nhưng mất trong 20 ngày. Ông hô hào chiến đấu, nhưng ông lại bỏ đi. Hụt hẫng cả đạo quân. Hai mươi năm sau, ông lại ra sách, tự xưng là con của Phật. Rồi ông trở về, cũng thăm lại nghĩa trang. Ngông nghênh, áo xanh, quần xọoc. Ông làm nhục anh em. Ông làm buồn lòng người sống, và ông làm tủi vong linh người chết. Sau khi đóng vai hàng thần lơ láo, ông làm hoen ố hình ảnh nghĩa trang xưa đã hoang phế lại còn thêm ảm đạm. Không, Tôi không muốn các bạn về thăm như ông Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ngày xưa, ông Trung tướng Thiệu có tuyên bố một câu khá ngậm ngùi: “Mất nước, là mất tất cả”. Thật đúng như thế. Chúng tôi và các bạn sĩ quan cao niên, chẳng những mất nước, mất cả binh đoàn, đành mất cả thể diện. Ðám chạy đi mang mối tủi nhục lưu vong, người ở lại gánh nỗi buồn ‘cải tạo’. Nhưng Trung tướng Nguyễn văn Thiệu đã qua đời, ông không biết rằng cho đến ngày nay, ba mươi ba năm sau cuộc chiến, chúng ta chưa mất hết. Chúng ta vẫn còn lại nghĩa trang Biên Hòa. Khi cuộc chiến miền Nam đứt phim vào tháng tư phiền muộn, Bắc quân vào tiếp quản miền Nam. Bộ đội ăn cướp theo binh đoàn. Cơ sở ăn cướp theo chính quyền. Nhà, nhà bị chiếm. Ngành, ngành tiếp quản. Trại lính, nhà thương, phòng sở và doanh trại. Tất cả đều bị chiếm đóng. “Giặc từ miền Bắc vô Nam, bàn tay dính máu đồng bào”. Bài ca tiên tri của cục chính huấn như còn vang vọng nơi đây. Nhưng thực ra, có một nơi, giặc chỉ phá phách mà không chiếm đóng. Ðó là nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Nơi chúng ta đã bỏ lại 16 ngàn tử sĩ dưới mộ sâu, trong lòng đất nơi quê mẹ. Nơi có đại diện quân dân chính. Có đầy đủ quân binh chủng. Nơi thể hiện thực sự tình huynh đệ chi binh. Với tư cách là người biết về nghĩa trang này trước năm 1975 và đã có dịp nghiên cứu suốt 15 năm qua sau cuộc chiến, tôi xin gởi đến các chiến hữu bản tường trình đầu đuôi và các đề nghị cần thiết để cứu lấy nghĩa trang Biên Hòa.
Nghĩa trang ngày gẫy súng
Khi miền Nam gẫy súng ngày 30 tháng 4 năm 1975, nghĩa trang Biên Hòa là phòng tuyến rộng 125 mẫu đang trải qua những giây phút sau cùng. 16 ngàn tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa nằm dưới mộ sâu, chung quanh ‘Nghĩa dũng đài’ chiếm ngụ hơn 50 mẫu. Từ trung tâm chia ra làm 8 lô theo hình nan quạt. Các cấp chỉ huy nằm trong vòng chính giữa, rồi đến vòng cung mai táng các sĩ quan. Mộ chôn từ năm 68 Mậu thân đến mùa hè Ðỏ lửa 72 đã có bệ ciment. Mộ chiến sĩ tử trận sau này còn đắp đất nằm vòng ngoài. Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, những người còn lại quanh nghĩa trang đã chôn cất lần chót tất cả di hài quân dân lẫn lộn vào những mộ tập thể. Từ đó đến nay không có ai được chôn cất thêm tại khu nghĩa trang lịch sử nữa. Sau 1975 nghĩa trang quân đội Biên Hòa chỉ có những ngôi mộ cải táng đem đi, không có chôn cất mới. Bức tượng ‘Thương tiếc’ ngoài đầu xa lộ bị địch phá bỏ, kéo đi. Nhà máy nước Bình An chiếm đóng giữa con đường từ Ðền Tử Sĩ đến Nghĩa Dũng Ðài. Chung quanh khu nghĩa trang, bộ đội, dân chúng và chính quyền chiếm dụng làm doanh trại và nhà cửa. Vì lý do muốn xâm lấn thêm đất vòng ngoài, có lần chính quyền Cộng sản ra lệnh một số ngôi mộ phải cải táng. Ai có thân nhân nằm tại vùng bị giải tỏa phải dọn đi, nếu không, thì chính quyền sẽ giải quyết. Cho đến nay, không ai biết rõ Cộng sản đã giải quyết ra sao, nhưng cụ thể là phía Nam và phía Bắc của vòng tròn chôn cất chung quanh Nghĩa dũng đài đã bị xâm chiếm. Rồi chính quyền cho xây một bức tường theo con đường vòng phía Nam nghĩa trang, chỉ dành lối vào bên hông. Ðường vào cổng chính đã bị nhà máy nước Bình An chắn ngang. Doanh trại bộ đội xây cất thêm phía Bắc. Trồng cây xanh khắp nơi trong nghĩa trang để huấn luyện tân binh. Toàn thể khu vực trở thành vùng quân sự cấm quay phim, chụp hình. Lúc dễ, lúc khó, thân nhân vẫn được vào thăm mộ nhưng phải đi theo bức tường phía Nam và đi ngả sau. Ðó là tình trạng đã xảy ra cho đến tháng 4-1993
Tảo mộ chui Từ khi biết được Nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa vẫn còn đó, chúng tôi bắt đầu liên lạc với các gia đình có mộ tử sĩ. Xin hình ảnh tảo mộ, xin copy của cuốn phim quay việc cải táng. Bắt đầu gởi người về thăm viếng từ 1993 đến 1996. Từ năm 1997, tổ chức các toán thương phế binh Saigon, Gia định đi công tác. Nhiều toán nhận nhiệm vụ vừa tảo mộ vừa vẽ bản đồ. Chúng tôi cần tài liệu để làm mô hình nghĩa trang cho Viện Bảo Tàng. Các anh em thương phế binh thăm mộ ngày Tết, thanh minh tháng ba, tháng năm xá tội vong linh, ngày Quân lực tháng sáu, lễ Giáng sinh, rồi tiếp đó lại chào mừng năm mới. Thực sự cũng chẳng tốn kém nhiều. Một chút tiền gởi thêm là đủ cho các chiến binh quê nhà vận động bà con công tác. Hình chụp được rất nhiều. “Before and After”. Cùng một chỗ. Trước là cỏ mọc um tùm, sau là mộ phần quang đãng. Trước là đám đất xác xơ, sau đã vun lên thành ngôi mả mới. Rồi bia được gắn lại với tên kẻ sơn rõ ràng. Người thương binh còn sống vui mừng, anh tử sĩ đã chết cũng ngậm cười nơi chín suối. Công việc diễn tiến đến nay, trước sau đã 15 năm. Những năm sau này có các đoàn thể và gia đình trong nước hay hải ngoại về tảo mộ. Có gia đình sửa sang phần mộ. Có gia đình cải táng. Bà con hai xã Bình An và Bình Thắng có thêm dịch vụ. Hiện có cả danh thiếp phát ra ghi tên bà Hai, ông Ba chuyên nghề trông nom mộ phần lâu dài, hay chỉ dọn dẹp một lần cho tươm tất.
Cho đến nay, việc tảo mộ tại nghĩa trang Biên Hòa không còn là một công tác tưởng như là điệp vụ khó khăn. Cũng không phải là độc quyền của một cơ quan từ thiện, hay một cá nhân, đoàn thể. Hơn 10 ngàn mộ còn đó, ai cũng có thể tình nguyện vào dọn dẹp. Những người chiến sĩ của chúng ta vẫn mãi mãi nằm chờ dưới đất lạnh nơi quê hương, Anh là bà con thân thuộc của chính chúng ta. Mồ mả đắp xong, cỏ dọn sạch, nén hương viễn xứ đốt lên cho không khí đượm mùi nhang khói. Ðặc biệt mở bao thuốc lá Hoa Kỳ, châm cho mỗi anh một điếu. Một bao là hai mươi điếu. Ðốt cháy đỏ rồi cắm xuống cạnh hai mươi tấm bia ciment đã tàn tạ. Nếu nghe được tiếng động dưới mộ sâu, cũng không phải là chuyện lạ. Các bạn lên nghĩa trang buổi sáng, cùng người dân quê, ta dọn dẹp chừng vài chục mộ phần. Tìm khu nào um tùm, hoang vắng nhất mà công tác. Buổi trưa làm một lễ nhỏ đạm bạc. Chọn một chiến sĩ nằm chính giữa làm bà con, chung quanh mộ của anh là xóm giềng. Làm đến đâu quay phim chụp hình đến đó. Buổi chiều, là giây phút thắp hương và hút chung điếu thuốc giã từ. Mặt trời đã lặn sau Nghĩa dũng Ðài. Cảnh nghĩa trang quân đội tuy hoang vắng thê lương nhưng vẫn có vẻ đẹp trang nghiêm và huyền bí. Mỗi người nằm dưới đất đều có một câu chuyện và chính người viếng mộ cũng có một câu chuyện. Câu chuyện tử sinh đôi ngả. Chuyện chinh chiến, tù đầy, vượt biên và cuộc sống còn lại. Trong suốt 15 năm tổ chức tảo mộ, chúng tôi có 10 đoạn phim quay từ năm 1997 đến năm 2008, và chúng tôi có hàng ngàn tấm hình. Hình các bia mộ, hình cảnh nghĩa trang trước và sau 75, và hình các công trình kiến tạo. Một trong các trưởng toán công tác danh tiếng của chúng tôi là ông Trần Văn Tảo, người đã tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ VNCH nhiều lần, có làm lễ truy điệu và có quay phim. Một hôm ông gọi điện cho chúng tôi, báo cáo tấm mộ bia chiến sĩ vô danh trước đây vẫn còn, sau biến mất, nay mới tìm thấy lại. Nếu không cất đi, sẽ bị phá hoại hay đánh cắp. Ông Tảo nói thời gian gần đây, ông bị đau nặng, không biết sẽ ra đi lúc nào. Vậy xin niên trưởng bên Mỹ lo cho cháu nó ra đi. Cháu đây là tấm mộ bia. Ðó là anh chiến sĩ vô danh, không có tên, nhưng có ghi ngày mai táng. Chúng tôi cho tin về để bác Tảo cất dấu. Sau đó anh em chúng tôi tìm đường cho bia đá vượt biên. Ðây là mộ bia chiến sĩ vô danh duy nhất và nguyên thủy của nghĩa trang quân đội Biên Hòa từ trước năm 75. Cháu qua Hoa Kỳ vào đầu năm 2004. Ðến tháng 4 năm 2004, trưởng toán công tác Trần Văn Tảo qua đời. Công việc giao cho người khác tiếp tục. Tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa ngày nay có một tấm bia chiến sĩ vô danh mới làm lại. Ðây chỉ là phó bản. Bản chính đã đặt tại Viện Bảo Tàng ở San Jose.
Ngày Quân Lực 1975 Nếu năm 1975 không phải là năm Cộng sản tổng tấn công. Nếu không có trận dò dẫm mở đường đánh Phước long. Nếu không có trận dứt điểm Ban Mê Thuột. Không có cuộc triệt thoái 2 quân đoàn từ hỏa tuyến cho đến cao nguyên. Chúng ta đã tổ chức ngày Quân lực tại Nghĩa trang quân đội Biên Hòa vào 19 tháng 6 năm 1975. Ngày đó toàn thể quân đội vẫn còn căng ra khắp bốn vùng đất nước để dành dân giữ đất nên không thể tập trung về Sài Gòn tổ chức diễn hành. Phủ tổng thống và Bộ Tổng tham mưu QLVNCH dồn nỗ lực cho ngày quân lực vinh danh các chiến sĩ đã hy sinh. Tất cả các tiểu khu đều tổ chức lễ chiến sĩ trận vong tại nghĩa trang quân đội riêng của mỗi tỉnh. Trung ương có Bộ Tổng tham mưu phối hợp công tác giữa ba Tổng cục: Tiếp vận, Quân huấn, và Chính trị. 16 ngàn ngôi mộ được hoàn chỉnh với 100% các tấm ciment phải đúc xong, Nghĩa dũng đài với vành khăn tang hoàn tất. Một ngàn sáu trăm sinh viên sĩ quan từ các quân trường Hải,Lục, Không quân về tham dự. Ngay từ buổi chiều hôm trước, các sinh viên đã chia vùng và lên phiên. Mỗi người phụ trách 10 ngôi mộ. Khi hoàng hôn phủ xuống là hương nến thắp lên. Lễ truy điệu lúc 10 giờ đêm, cũng được gọi là đêm Canh Thức. Từ trên Nghĩa dũng đài nhìn xuống hay từ Ðền tử sĩ ngó lên, 16 ngàn ngôi mộ thắp nến một lượt, một ngàn sáu trăm sinh viên sĩ quan cầm đuốc đi lại giữa hàng mộ chí. Ðoàn trực thăng của Phái đoàn Chính phủ, Quốc hội, Tổng thống và các tướng lãnh Tổng tham mưu chiếu đèn đáp xuống. Ðội quân nhạc của Hải, Lục, Không quân cùng rền rĩ tiếng kèn chiêu hồn tử sĩ. Từ phía sau doanh trại của Liên đội chung sự, tiếng nổ vang trời do Công binh đốt mìn và tiếp theo là ngọn lửa bốc cao với các thung dầu thô lấy từ giếng dầu Bạch hổ ngoài khơi biển Ðông. Trên nền trời xám, khói đen bay lên cuồn cuộn như ngọn nấm của bom nguyên tử. Ðó là biểu hiện giấc mơ của Tổng thống Thiệu muốn lấy kho dầu biển Ðông thay cho viện trợ Mỹ mà chống giữ miền Nam. Cầu nguyện cho linh hồn 16 ngàn tử sĩ nằm tại nghĩa trang quân đội Biên hòa phù hộ cho miền Nam đang rã rời vì Mỹ bỏ rơi. Nhưng đây chỉ là giấc mơ không bao giờ thành sự thực. Những tháng đầu của năm 1975 là ngày giờ của thảm họa kinh hoàng nối tiếp. Chúng ta không bao giờ có ngày tưởng niệm 19 tháng 6 năm 1975 tại nghĩa trang Biên Hòa. Ngay sau 30 tháng 4-75, tại nghĩa trang với 16 ngàn ngôi mộ, không một ngôi mộ nào được toàn vẹn, không một tử sĩ nào còn được viếng thăm nhang khói. Hàng trăm ngàn quân, dân, chính Việt Nam Cộng Hòa xếp hàng vào trại ‘cải tạo’.
Dân sự hóa Tháng 7 năm 2007, chính quyền Cộng sản Hà nội ra lệnh dân sự hóa nghĩa trang Biên hòa. Từ 16 ngàn ngôi mộ đã cải táng, đến nay còn hơn 10 ngàn ngôi mộ. Từ 125 mẫu năm 1975 nay bị chiếm hết đất trống nên chỉ còn 52 mẫu. Bức tường phía Nam được xây vào thời kỳ 80. Nay bàn giao xong, bộ đội rút đi. Bức tường phía Bắc xây thêm để ngăn nghĩa trang với khu giao cho Trung tâm giáo dục. Khu phần mộ được gọi là Nghĩa trang nhân dân xã Bình An. Bảng cấm chụp quay phim đã được gỡ bỏ. Việc quản trị chưa có lệnh chi tiết. Cho phép cải táng đem đi nhưng không được phép chôn cất mới, dù rằng tại đây vẫn còn chỗ cho gần 5000 ngôi mộ bỏ trống. Cộng sản vào chiếm nhà của dân Saigon vượt biên. Cộng sản vào chiếm ngụ nhà của HO ra đi. Những ngôi mộ tử sĩ miền Nam cải táng về quê. Không có chiến binh Cộng sản qua đời vào nằm thay thế. Ngay sau khi lệnh dân sự hóa ban hành, chúng tôi có dịp đặt vấn đề với ông Thủ tướng Việt Nam, qua hình thức đặt câu hỏi trực tuyến bằng Internet. Qua đài BBC chuyển tiếp. Câu hỏi được ghi nhận nhưng không có câu trả lời. Tiếp theo, gởi hồ sơ đặt vấn đề đến văn phòng Thủ tướng tại Hà Nội, gởi qua Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, qua đại sứ Mỹ tại Việt Nam, qua các dân biểu. Kết quả cho biết tài liệu đã nhận được nhưng cũng chưa có câu trả lời.
Hỏi thăm Thủ tướng Với tư cách là một công dân Hoa Kỳ, có chiến hữu nằm tại nghĩa trang, chúng tôi đã xin Thủ tướng chính phủ Việt Nam các điều chính sau đây: 1) Ban hành quyết định dành nghĩa trang quân đội Biên Hòa là khu di sản lịch sử của quốc gia, cần bảo vệ và duy trì nguyên trạng. Tuyệt đối không được lấn chiếm, phá hoại hay làm hư hỏng các công trình kiến trúc lịch sử và các phần mộ. 2) Cho điều tra và quy định trách nhiệm cho giới chức nào đã phá hoại 10 thước chiều cao của Nghĩa dũng đài vào năm 2004. Ðây là một công trình có giá trị lịch sử rất quan trọng. Nếu không được bảo vệ sẽ mở đường cho việc phá hoại toàn diện về sau. Lời yêu cầu kể trên dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống Việt Nam, phản ảnh tính văn minh của nhân loại, được bảo vệ bởi các công ước quốc tế về việc tôn trọng di hài tử sĩ, mồ mả chiến binh. Chính phủ Việt Nam đã ký kết từ Geneve 54 đến Paris 73 cũng như các luật lệ theo công pháp quốc tế mà Việt Nam phải tuân thủ với tư cách là thành viên của Liên hiệp quốc.
Nghĩa trang vẫn còn đó, tại sao? Sau 33 năm cuộc chiến, ngày nay nghĩa trang Biên Hòa vẫn còn đó . Lý do chính là vì có sự tới lui thăm viếng của gia đình tử sĩ. Mặc dù bị phá hoại và quên lãng nhưng thực sự vẫn có thể coi như tồn tại. Tuy nhiên không có gì bảo đảm tất cả sẽ bền vững muôn đời. Thời gian, thiên nhiên và chính con người sẽ làm các di tích lịch sử tàn lụi hay được bảo vệ. Vì vậy nhờ sự chia xẻ thông tin, thường xuyên thăm viếng, chúng ta sẽ có nhiều nỗ lực và sáng kiến thích hợp. Nghĩa trang quốc gia Hoa Kỳ tại Arlington là một thí dụ cụ thể. Xin hãy ghi lại những năm lịch sử của một đất nước trẻ trung và hùng cường nhất thế giới. Chiến tranh dành độc lập 1775-1783, tử sĩ chôn khắp mọi nơi. Năm 1864, tử sĩ đầu tiên của cuộc nội chiến Nam Bắc chôn tại Arlington. Khi chiến tranh chấm dứt, miền Bắc chôn tổng cộng 16 ngàn tử sĩ của liên bang tại nghĩa trang quốc gia. Ðồng thời có khu mộ tập thể chôn cất chung binh sĩ của cả hai miền. Trên toàn lãnh thổ của các tiểu bang miền Nam đã có hàng trăm nghĩa trang lớn nhỏ mai táng chiến binh của phe bại trận nhưng đã được xây dựng và bảo toàn bởi luật lệ của liên bang từ phe chiến thắng. Nhưng thực sự phải chờ đến bốn mươi năm sau, mới đến ngày hòa giải dân tộc. Gần 500 ngôi mộ tử sĩ miền Nam được cải táng đem vào chôn tại Arlington, chung quanh tượng đài với hình ảnh bà mẹ chiến sĩ dân quân của phe Liên hiệp thua trận. Tiếp theo, nhiều mộ phần của các chiến sĩ anh hùng hy sinh từ cuộc chiến tranh cách mạng chống Anh Quốc cũng được cải táng đưa vào Arlington. Ðó là phương cách của người Mỹ đối xử với phe thù nghịch sau chiến tranh, dựa trên nền văn hóa trẻ trung của hơn 200 năm lập quốc. Dân tộc Việt Nam chúng ta, với 4,000 năm văn hiến, tiền nhân đã dậy rằng, nghĩa tử là nghĩa tận. Ðến bao giờ nghĩa trang Biên Hòa mới có thể trở thành di sản lịch sử của quốc gia. Ðến bao giờ những di hài các chiến binh miền Nam chết trên chiến trường, trong các trại tù mới được tìm kiếm và đem về cải táng tại Biên Hòa. Lúc đó Nghĩa trang Biên Hòa có còn không? Cứu lấy nghĩa trang Trên đây là toàn bộ bản tường trình về Nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Chúng tôi cũng có một bản tóm lược về lịch sử nghĩa trang đính kèm. Ðể có thể cứu lấy nghĩa trang Biên Hòa một cách cụ thể, xin đề nghị các điểm sau đây: Thứ nhất: Không khuyến khích quý vị về thăm quê hương, nhưng hàng triệu người đã về. Chúng tôi xin các bạn, có về Việt Nam, xin một lần đến thăm nghĩa trang Biên Hòa. Thứ hai: Viết thơ cho dân biểu địa phương để xin quí vị quan tâm đến vấn đề này. Không cần đặt ra những đề nghị phù phiếm, không tưởng. Không đòi hỏi phải xây cất, trùng tu qui mô lớn lao. Không cần phải tổ chức lễ hội giải oan hay hòa hợp. Chỉ cần xin bảo vệ cho toàn thể 52 mẫu còn lại không bị xâm phạm. Các kiến trúc hiện hữu sẽ không bị hư hỏng thêm. Nhiên hậu những bước kế tiếp sẽ được thời gian giải quyết.
Cho tôi xin một mộ phần Cá nhân chúng tôi có một câu chuyện. Năm 1968, chiến tranh khốc liệt, khói lửa lan đến cả Saigon, Chợ lớn. Một lần, tôi và Ðại tá Ðỗ Tùng lên thăm nghĩa trang, gặp Ðại tá Nguyễn tử Ðóa, cục trưởng Quân Nhu. Nửa đùa nửa thiệt, bác Ðỗ Tùng và tôi, xin đặt mỗi người một lô. Bây giờ ông Ðóa qua đời, chôn ở miền Trung Mỹ. Ông Ðỗ Tùng đi trước, chôn ở nghĩa trang Hollywood. Trong số ba anh Bắc kỳ ngày xưa lẩm cẩm dành đất nghĩa trang Biên Hòa, chỉ còn một người, có ngày sẽ về nằm lại ở nơi hẹn ước. Nếu có sớm nằm chơi dưới cội hoa trên miền đất tạm dung thì thế hệ tương lai sẽ thi hành di chúc. Ðứa cháu ba đời đem hũ tro tàn leo 65 bậc thang sắt đặt trên đỉnh ngọn Tháp của Nghĩa dũng Ðài. Ngọn gió đông bắc tháng tư sẽ thổi di hài cát bụi của người giao chỉ bay khắp cánh đồng mộ chí. Sống đã chẳng trọn tình chiến hữu, đành tìm con đường chung sự lãng mạn để trả nợ binh đoàn. 16 ngàn ngôi mộ bỏ lại năm 1975, trên 5,000 tử sĩ đã cải táng về quê khắp 4 vùng chiến thuật. Ðể lại 8 khu nghĩa trang, khu nào cũng còn đất trống. Nếu nghĩa trang được bảo vệ, quý vị thử nghĩ coi, đâu có anh cán bộ cộng sản nào dám vào nằm cạnh nhẩy dù hay thủy quân lục chiến!. Dân chúng cũng không muốn vào đấy nằm. Có chăng là các cựu chiến sĩ VNCH, các thương binh liệt sĩ còn tại Việt Nam. Hay là những người lính tha hương muốn về gởi nắm xương tàn nơi quê hương. Nếu là cựu chiến sĩ, thì vào đó chứ còn đi đâu? Lịch sử nghĩa trang quốc gia Hoa Kỳ cho thấy cả trăm năm sau mà người ta vẫn còn cải táng đem di hài tử sĩ vào Arlington. Ðó là lý do tại sao chúng ta phải cứu lấy nghĩa trang Biên Hòa... Khi tôi chết, đừng đem tôi ra biển, Hãy đem về chôn tại nghĩa trang xưa
|