Home Tin Tức Thời Sự Báo chí nước ngoài nói về vụ phi công Việt Nam bị bắt

Báo chí nước ngoài nói về vụ phi công Việt Nam bị bắt PDF Print E-mail
Tác Giả: Báo Lao Động   
Thứ Sáu, 19 Tháng 12 Năm 2008 07:41

 

Cảnh sát Nhật Bản dẫn giải phi công Đặng Xuân Hợp

Cũng như vụ 2 phi công Việt Nam từng bị bắt trước đây tại Australia, lần này một trong những tâm điểm trên báo chí Nhật Bản và các hãng tin  nước ngoài là vụ phi công Đặng Xuân Hợp bị cảnh sát Nhật bắt hôm 17.12.Hiện cảnh sát Nhật Bản (NB) đang tiếp tục điều tra về cách thức tiêu thụ số hàng sau đó.

Phi công Đặng Xuân Hợp, 33 tuổi, là cơ phó trên chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo hôm 17.12, bị cảnh sát NB tạm giữ ngay khi máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Narita gần thủ đô Tokyo.

Theo cảnh sát NB, phi công Hợp bị tình nghi tham gia vào đường dây vận chuyển hàng đánh cắp của một nhóm tội phạm người VN tại NB, bắt đầu hoạt động vào khoảng năm 2006, chuyên trộm cắp mỹ phẩm, quần áo cùng các hàng hoá khác tại các cửa hàng dược phẩm và nhiều địa điểm khác trên cả nước NB. Tổng giá trị số hàng hoá bị đánh cắp tới nay ước tính hơn 140 triệu yen.

Kết quả điều tra sau đó dẫn tới 85 người bị cảnh sát NB bắt, bao gồm cả nữ nghi can VN 32 tuổi Trần Thị Mỹ Hạnh - người được cho là đã chuyển hàng mỹ phẩm đánh cắp tới cho phi công Hợp hồi tháng 7. Bà ta bị bắt ngay sau đó khi cảnh sát khám nhà và phát hiện có hàng bị đánh cắp cùng giấy tờ có liên quan tới phi công Hợp.

Tiếp đó, báo chí NB hôm 18.12 đưa tin, liên quan đến vụ này còn có 2 tu nghiệp sinh trẻ VN bị bắt vì tội lấy trộm mỹ phẩm, mỗi người đã bị cơ quan chức năng tỉnh Kumamoto kết án 1 năm rưỡi tù giam. Hai người VN khác chuyên doanh thực phẩm Châu AÁ cũng bị bắt vì tội mua hàng trộm cắp. Ngoài ra còn có một người NB vô nghề nghiệp cũng dính líu.

Cảnh sát NB cho rằng, một số hàng hoá đánh cắp được chuyển tới nơi phi công Hợp lưu lại mỗi lần sang NB, rồi được ông Hợp đưa về VN theo hành lý xách tay với tần suất khoảng 1 hoặc 2 lần mỗi tháng và ít nhất là từ năm ngoái. Ông Hợp đã thú nhận có tham gia vận chuyển hàng và được trả thù lao 100USD/lần, nhưng cho rằng không biết đó là hàng ăn cắp.

Một số vụ việc liên quan tới phi công và tiếp viên VNA

+ Cuối tháng 6.2007, VNA quyết định đình bay với 2 phi công thuộc đoàn bay 919, vì vận chuyển trái phép lô hàng mỹ phẩm trị giá khoảng 60 triệu đồng từ Osaka (Nhật Bản) về TPHCM.

+ Ngày 19.3.2007, hai tiếp viên VN trên chuyến bay VN 936 từ Hà Nội đến Incheon (Seoul) bị Hải quan Hàn Quốc tạm giữ, do mang bất hợp pháp 300.000USD từ VN sang Hàn Quốc.

+ Ngày 1.4.2008, VNA buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt - người bị nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma tuý lớn tại Australia. Việt bị bắt hôm 31.3 tại sân bay Sydney, do vận chuyển trái phép 4 triệu dollar Australia ra khỏi nước này. Số tiền trên được cho là có nguồn gốc từ 17 vụ buôn bán ma tuý trong giai đoạn 2005-2006 từ các đầu mối người VN ở Melbourne và Sydney.

Liên quan tới đường dây rửa tiền này, tháng 8.2007, phi công Trần Đình Đan trong chuyến bay Sydney - TPHCM đã bị cơ quan an ninh Australia bắt tại sân bay do mang ngoại tệ quá quy định (vượt 10.000USD). Sau đó, Trần Đình Đan đã bị toà án Australia kết án 4 năm rưỡi tù giam vì tội vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu dollar Australia về VN.

+ Ngày 25.5.2008,  nam tiếp viên Trần Thanh Phong tham gia chuyến bay VN 950 từ TPHCM đi Tokyo bị Hải quan sân bay Narita tạm giữ, vì phát hiện mang theo một lượng lớn tiền yen NB và nhiều hàng hoá trị giá hơn 10.000USD. Sau khi được trả về VN, Phong đã xin thôi việc.

+ Ngày 13.7.2008, nam tiếp viên Nguyễn Hoàng Hải  bị phát hiện vận chuyển trái phép hơn 330.000 euro (gần 9 tỉ đồng) từ Đức về VN trên chuyến bay VN 542.

+ Ngày 24.9.2008, TAND TPHCM đã tuyên phạt  nhóm tội phạm liên quan tới vụ tổ chức đưa người đi nước ngoài bằng visa giả hồi tháng 7.2007, trong đó tiếp viên hàng không Trần Tuấn Anh lĩnh án 2 năm tù giam...