Home Tin Tức Thời Sự Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, một lãnh tụ bao dung, dân chủ, can trường và được nhân dân Việt Nam và đồng minh Mỹ quý trọng.

Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, một lãnh tụ bao dung, dân chủ, can trường và được nhân dân Việt Nam và đồng minh Mỹ quý trọng. PDF Print E-mail
Tác Giả: Giáo Sư Tạ Văn Tài   
Thứ Năm, 18 Tháng 12 Năm 2008 04:55
 
Ban Giám Khảo chấm luận án Tiến Sĩ tại Luật Khoa Đại Học Sài gòn: (từ trái) các giáo sư Nguyễn Văn Tương, Nguyễn Văn Bông và Tạ Văn Tài 

 Năm 1965, sau khi tốt nghiệp tại đại học Mỹ, tôi gia nhập ban giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, và cũng dạy thêm ở Đại Học Luật Khoa, tại Sài Gòn, Việt Nam. Trong 6 năm trời, tôi được dịp quan sát và làm việc với Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Giáo sư Thạc sĩ về Công Pháp của Trường Luật, kiêm Viện Trưởng Học Viện Hành Chánh, cho đến khi ông qua đời năm 1971 vì đặc công cộng sản sát hại. Đứng trước linh cữu của Giáo sư Bông khi hạ huyệt, lần đầu tiên trong đời, và kể từ đó đến nay, đó cũng là lần duy nhất, tôi rưng rưng nước mắt nghẹn ngào khóc cho một người quá cố không có liên hệ gia đình. Bởi vì tôi xúc động thương cảm cho sự ra đi quá sớm của một giáo sư đại học đồng sự ở cấp trên, mà tôi rất qúy mến vì ông có tác phong lãnh đạo bao dung, có tinh thần tận tụy cho nền dân chủ Việt Nam trong nghiên cứu giảng dạy cũng như khi thực thi trong hoạt động chính trị và hành chánh, có cá tính tuy nghiêm túc nhưng vui vẻ với cộng sự viên gần mà lại can trường với các đối tượng xã hội mà ông phải đối đầu, và sau hết có uy tín với nhân dân Miền Nam Việt Nam và đồng minh Hoa Kỳ vào thời đó.

1. Một lãnh tụ bao dung

Tôi nhận thấy mọi người làm việc với Giáo sư Bông, từ giáo sư, nhân viên hành chánh, đến các sinh viên tại Học Viện Hành Chánh, đều vừa sợ cái uy, vừa mến cái tốt của người thầy đồng thời là người lãnh tụ này. Ông có cái đặc tính mà các nhà nghiên cứu xã hội nói là trong xã hội hay chính trường các quốc gia, ít người hay ít chính khách có : đó là charisma, sức thu hút hấp dẫn người khác. Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi khám phá ra và chiêm nghiệm rằng charisma đó, sức hấp dẫn đó, là do lòng bao dung của một người lãnh tụ rộng lượng. Giáo sư Bông dung nạp không kỳ thị các thành phần xã hội với quá trình, đẳng cấp, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc, quê quán khác nhau, miễn là cùng tận tuỵ lo làm việc chung. Trong chính trị Miền Nam Việt Nam hồi đó, sau giai đoạn chế độ Ngô Đình Diệm đặt vấn đề nguồn gốc Nam Trung Bắc (thí dụ, năm 1960, khi tôi thi trúng tuyển học bổng Fulbright đi du học Mỹ, thì Hội Đồng Du Học nói rõ là 6 học bổng Fulbright phải chia 2 cho ngưòi Bắc, 2 cho người Trung, và 2 cho người Nam), thì thời chế độ quân nhân từ 1965, có một Hội Liên Trường gồm các cựu học sinh các trường trung học Miền Nam Việt Nam (như Petrus Ký ở Saigon, Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho v.v…) mà dư luận cứ nghi là để các cựu học sinh gốc Miền Nam mà nay đã thành các người tai mắt trong xã hội, hỗ trợ nhau, đưa nhau lên địa vị ngự trị xã hội và chính trường, gạt bớt ảnh hưởng của các người gốc Bắc và Trung.  Giáo sư Bông, gốc Nam, đã đối xử rất tốt với một người gốc Bắc di cư vào Nam (năm 1954) là tôi và một vài giáo sư khác gốc Bắc, với thái độ bao dung đặc biệt cho các người cộng sự trẻ tuổi cần khuyến khích trong bước đầu cuôc đời sự nghiệp. Đậu tiến sĩ gì thì gì, nhưng với tuổi trẻ nhất trong ban giáo sư, mặt muĩ trông non nớt nhất, cho nên chắc là Chi Vụ Giảng Huấn cho tôi còn non quá, bèn giao cho dạy một lớp Ban Tham Sự (sinh viên học 1 năm) mà thôi, chưa dạy Ban Đốc sự (học 3 năm) được ? Tôi nêu thắc mắc với Giáo sư Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông, con người dễ thương này tuyên bố cho tôi nghỉ chơi một lục cá nguyệt, đợi lục cá nguyệt tới có môn Đốc sự. Nhân đó, tôi có dịp đi nghiên cứu tại các quận trong tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) về Mặt Trận Giải Phóng và nông thôn với anh bạn học người Mỹ lúc đó sang Việt Nam nghiên cứu cho dự án của Rand Corporation. Nhờ tác phong lãnh đạo bao dung của Giáo sư Bông, tôi được khỏe khoắn và có dịp tìm hiểu thêm về phong trào cộng sản ở Miền Nam và nông thôn Miền Nam, và do đó đảm nhận dạy môn Nông Thôn Việt Nam, giúp ích hơn cho sứ mạng đào tạo cán bộ hành chánh gần nông dân hơn, và hiểu họ hơn.

2. Một học giả và một nhà hoạt động có tinh thần dân chủ và tận tuỵ cho việc xây dựng nền dân chủ Việt Nam.

Giáo sư Bông viết các tác phẩm về dân chủ và đối lập. Tôi xin để người khác nói về các tác phẩm đó của Giáo sư, một học giả về luật học và chính trị tốt nghiệp tại Đại học Paris, trong số các đại học hàng đầu của thế giới Tây Phương. Riêng tôi ở đây chỉ xin nói đến những công việc khác của Giáo sư mà tôi đích thân chứng kiến, cho tôi thấy ông là một nhà dân chủ thành tâm, trong sự tìm hiểu nghiên cứu cũng như trong hoạt động thực tế.
a) Được tôi luyện trong nền văn minh pháp luật của Pháp, lẽ ra Giáo sư Bông chỉ để ý đền các quy chuẩn dân chủ (democratic norms) áp dụng ở cấp cao nhất trong quốc gia, tức là các quy chuẩn về phân quyền, vai trò hành pháp, quốc hội, tư pháp độc lập, đối lập chính trị, các tự do của người dân v..v. được bàn tới theo truyền thống nghiên cứu luật hiến pháp. Nhưng Giáo sư Bông đã để ý đến các đề tài nghiên cứu thường thấy nhiều hơn tại Mỹ, tức là các cuộc điều tra dư luận (polls) theo phương pháp khoa học xã hội, tức là khuynh hướng đi vào thực tại chính trị trong quần chúng, và Giáo sư tỏ ra rất ưa tìm hiểu về người dân. Khi chúng tôi đề nghị một cuộc điều tra dư luận cử tri nhân cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện năm 1970, thì Giáo sư lập tức đồng ý cấp ngân khoản nghiên cứu trích trong ngân sách của Hội Nghiên Cứu Hành Chánh, một cơ cấu tiếp cận của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Cùng với một nhóm sinh viên Ban Cao học, chúng tôi hoàn thành cuộc điều tra dư luận cử tri, và đã tiên đoán đúng các liên danh tranh cử vô Thượng Viện nào sẽ về đầu và trúng cử, cũng như đưa ra những nhận xét về thái độ cử tri, có lẽ lần đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, nhờ một cuộc thăm dò dư luận chính trị theo phương pháp khoa học khách quan, không có sự thiên lệch của sự can thiệp chính quyền. Bài tổng kết cuộc nghiên cứu dư luận cử tri đuợc đăng trong Tập San Nghiên Cứu Hành Chánh năm 1970 đó, và trong những năm 2007 và 2008, lại được viết lại bằng Anh Ngữ, cập nhật hoá bằng sự so sánh với các cuộc bầu cử quốc hội do đảng cử để dân bầu tại Việt Nam hiện nay, và đem trình bày trong hai hội nghị tại các trường Đại học Texas Tech University (Vietnam Center) và University of Washington, Seattle. Các bài nghiên cứu về chính kiến thực sự của nhân dân trong cuộc bầu cử trung thực ở Việt Nam, theo phương pháp khoa học khách quan này, mà có lẽ không có từ đó đến nay tại Việt Nam, chính là một di sản tinh thần của Giáo sư Bông.
b)  Giáo sư Bông không những là nhà học giả về dân chủ, nhưng còn là nhà hoạt đông chính trị có tinh thần dân chủ và tận tụy góp phần xây dựng dân chủ trong các công việc ngoài xã hội. Ông đem các phái đoàn của Học Viện Hành Chánh, nhiều khi kèm theo thành viên của các cơ quan hành chánh ở trung ương, để đi kinh lý về các tỉnh, quận, xã, gặp các lãnh đạo hành chánh cấp trung và hạ tầng cơ sở (trong đó, có khá nhiều các cựu sinh viên tốt nghiệp Học Viện), gặp dân chúng tại các địa phưong, tìm hiểu tình hình địa phưong, để thích ứng nội dung giảng dạy tại Học Viện, vừa khuyến khích các giới chức, trong đó có các cựu sinh viên. Cá nhân tôi đã tháp tùng Giáo sư Bông đi nhiều nơi, mà tôi nhớ nhất là các lần đi về các làng ở vùng Long Xuyên, An Giang, ở đó đồng bào theo Phật Giáo Hòa Hảo chống cộng và do đó giữ vững an ninh cho những người từ trung ương xuống được an toàn; hay đi về các quận ở Bạc Liêu và nơi có đồng bào người Việt gốc Miên cư ngụ nhiều. Vì các chuyến đi kinh lý, vì vai trò Viện Truởng Học Viện Hành Chánh huấn luyện các cán bộ hành chánh cho toàn quốc, mà tên tuổi Giáo sư Bông đã được nhân dân Việt Nam khắp nơi biết, khiến Đại sứ Mỹ Bunker đã nói với Phu nhân Giáo sư là tên tuổi Giáo sư đã trở thành quen thuộc trong mọi gia đình (household name).

3. Cá tính nghiêm khi cần nhưng vui vẻ, và can trường, không biết sợ cường quyền.

Tôi có dịp ngồi làm việc hay nói chuyện với Giáo sư Bông trong những buổi họp đông ngưòi như trong Hội Đồng Giáo Sư, hay ít vài ba bốn người như khi bàn công việc với ông, không những tại văn phòng, có khi ông mời đến nhà nữa, cho nên có dịp nhận xét kỹ là tuy ông nghiêm túc, khi cần, trước các sinh viên hay nhân viên đông đảo, nhưng lại là ngưòi có biết vui vẻ, riễu cợt, khôi hài với các ngưới gần gũi (câu khôi hài kèm theo cái tay vỗ vào đầu gối hay đùi để nhấn mạnh thêm). Điều này làm cho người cộng sự thoải mái, làm việc với ông tận tuỵ hơn.
Con người bình dân dễ tính đối với người cộng sự này lại là người không biết sợ cường quyền và rất can trường. Khi Ông Nguyễn Văn Hướng (tục danh là Mười Hướng), Phụ tá Hành Chánh cho Tổng Thống Thiệu,  biết đến khả năng của tôi qua Giáo sư Hoàng Xuân Hào, lúc đó làm trong văn phòng Phụ Tá Pháp lý cho ông Tổng Thống, yêu cầu Giáo sư Bông cử tôi từ Học Viện Hành Chánh qua Phủ Tổng Thống làm việc, Giáo sư hỏi ý kiến tôi, tôi trả lời là tôi không thích rời khỏi vị trí tại Học Viện, và Giáo sư Bông đã nói với ông Hướng là Giáo sư giữ tôi lại Học Viện, mặc dù Phủ Tỗng thống là cấp trên của Học Viện , cỏ thể trưng dụng nhân viên nếu muốn. Ngay từ những ngày đầu tiên tôi mới vô Học Viện năm 1965, tôi cũng đã thấy Giáo sư Bông không sợ cường quyền. Ngày khai mở niên học 1965, Giáo sư Bông giao cho tôi đọc bài diễn văn khai khoá, tôi tóm lược luận án tiến sĩ của tôi về vai trò quân đội trong chính trị các nước Đông Nam Á. Phủ Thủ Tướng (gọi là Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương, do Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch) bèn cử Đại Tá Dương Hồng Tuân, Đổng Lý Văn Phòng Thủ Tướng, đến Học Viện dự ngày khai khoá, và còn đòi coi trước bài diễn văn của tôi, xem có gì động chạm đền chế độ quân nhân đương quyền ở Việt Nam hay không. Giáo sư Bông nói với tôi là tha hồ muốn nói gì thì nói. Tôi nói hết những ưu khuyết điểm của các chế độ quân nhân. Tôi nhớ là Giáo sư Bông cũng đã diễn giảng về đối lập chính trị một ít năm trước đó.

4. Người lãnh đạo được nhân dân toàn quốc biết tới và có uy tín với đồng minh Hoa Kỳ.

Như đã nói trên, vì các công việc Giáo sư Bông làm, từ vai trò Viện Trưởng một học viện quốc gia huấn luyện cho cán bộ hành chánh các cấp, đến các cuộc kinh lý đi thăm các địa phương, cho nên không những các thành phần lãnh đạo trong xã hội Miền Nam biết Giáo Sư, mà các gia đình trong quần chúng Việt Nam ở các địa phương cũng biết tên ông, mà ông Đại sứ Hoa Kỳ mô tả là “household name”. Người Mỹ đã quý trọng Ông và bà Phu nhân; họ đã thu xếp để bà Bông được đề cử làm Hội Trưởng Hội Việt Mỹ, một biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt và Mỹ.
Có lẽ khi được tin là người Mỹ khuyến khích Tổng Thống Thiệu đề cử Giáo Sư Bông làm Thủ Tướng dân sự, ngõ hầu với tinh thần đại đòan kết, uy tín của ông và lập trưòng dân chủ của ông, chế độ Miền Nam Việt Nam sẽ được củng cố với thế nhân dân và dân chủ nhiều hơn, có chính nghĩa nhiều hơn cho chế độ do quân đội nắm nhiều quyền, tạo hy vọng là Đồng Minh Mỹ sẽ ủng hộ chế độ Miền Nam nhiều hơn và Miền Nam có hy vọng tồn tại,  thì Trung Ương Cục Miền Nam của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã liên lạc qua bà Nguyễn Tuấn Anh với Ban Đặc Công Thành Uỷ Saigon để ra lệnh ám sát Giáo sư, ám sát ngay ngày hôm sau cái ngày Tổng Thống Thiệu mời Giáo sư làm Thủ Tướng (thời điểm cách một ngày này, do phu nhân của Giáo sư, bà Jackie Bông, nói với tôi). Liên lạc viên này đã xác nhận việc ám sát trong một bữa tiệc năm 1985 tại nhà ở Saigon của bà con của cựu sinh viên Học Viện Hành Chánh Trần Quý Hùng (hiện ở Mỹ). Phóng Viên Tiziano Terzani trong cuốn “Giai Phong” có viết rằng cựu sinh viên Nguyễn Hữu Thái cũng xác nhận điểm này.