Bloggers, đạo quân chống đối mới ở Việt Nam |
Tác Giả: Geoffrey Cain – Nguyên Hân chuyển ngữ |
Thứ Tư, 17 Tháng 12 Năm 2008 16:06 |
Với wireless internet, tốc độ nhanh hiện có sẵn và xài miễn phí ở các quán café internet hoặc ở các trường đại học khắp nước, bloggers ngày càng thách đố sự kiểm duyệt và đảng Cộng sản đang cầm quyền. “Chúng tôi sẽ không ra đường, chúng tôi sẽ không la hét gì. Chúng tôi đang ngồi sau màn ảnh, gõ phím và blogging,” một sinh viên đại học với bí danh mạng Ông Lạnh (Mr. Cold) nói. “Đó là cách chúng tôi chống đối.” Ông Lạnh là một phần của đạo quân bloggers viết dưới những bí danh như Blacky hay Viet+die. Họ được biết đến vì quan điểm chống nhà nước mạnh mẽ và đăng những tin tức, biến cố không thấy trên báo chí do nhà nước kiểm soát. Những báo mạng của nhà nước như Vietnam Net và Vietnam News thường đưa tin về làm ăn, thương mãi, thói quan liêu của nhà nước và những dự án phát triển dưới sự bảo trợ của nhà nước.
“Báo chí nhà nước quyết định những gì chúng tôi sẽ được nghe, những gì chúng tôi sẽ đọc và những gì chúng tôi sẽ thấy,” ông Lạnh nói. “Báo chí (nhà nước) là kẻ nô lệ cho người Cộng sản.”
Mặc dù đảng Cộng sản đã nới lỏng những hạn chế, ràng buộc trên thị trường trong những năm qua, nhưng họ đã không gia giảm chút nào sự kiểm soát hầu hết báo chí, đài truyền thanh và truyền hình, tất cả những phương tiện truyền thông này vẫn còn nằm trong sự kiểm soát ngặt nghèo của nhà nước. Hôm tháng Sáu, một phiên tòa đã tuyên án nhà báo Nguyễn Việt Chiến hai năm tù vì đã tường thuật một vụ án tham nhũng lớn trong năm 2006. Bốn người khác bị thu hồi thẻ nhà báo vì đã chỉ trích chuyện bắt bớ ông Chiến, theo hãng thông tấn AP cho hay. Cho đến năm 2007, sự bất đồng quan điểm chính trị tuồng như không hiện diện ở Việt Nam, ngoại trừ lần biểu tình phản đối Hoa Kỳ xâm lược Iraq năm 2003. Nhưng hiện các bloggers và những trang mạng đưa tin không đăng ký với nhà nước đã làm viên chức nhà nước tức tối vì họ thảo luận những đề tài như AIDS, cần sa ma túy và tình dục – và, quan trọng nhất, là vì những bloggers này đã chỉ trích nhà nước. Kết qủa là, Hà Nội đã thành lập một văn phòng mới hôm tháng Mười - Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - để theo dõi thông tin trên mạng Internet. Sự ra đời của Cục Quản lý mới này làm người ta lo ngại là những nhà lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam sẽ dựng một "bức tường lửa vĩ đại" (Great Firewall) kiểu Trung Quốc, là một chương trình kiểm duyệt trên mạng nhằm mục đích ngăn không cho người sử dụng internet vào những webistes chỉ trích nhà nước Trung Quốc. Khoảng chừng 17.5 triệu trong tổng số 86 triệu người dân Việt Nam sử dụng internet, theo con số chính phủ cho hay - một sự gia tăng mạnh mẽ so với con số 200.000 người trong năm 2000. Thông điệp cho các bloggers “Đạo luật này nhằm tạo điều kiện cho nhà cầm quyền đàn áp sự tự do báo chí nhiều hơn nữa ở Việt Nam, vốn đã là một trong những nước tồi tệ nhất khi nói về vấn đề trấn áp, xách nhiễu nhà nước dành cho nhà văn và nhà báo,” ông Shawn Crispin, đại diện vùng Đông Nam Á châu cho Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở ở Nữu Ước (New York) nói. “Bản án nặng nề dành cho ông Nguyễn Hoàng Hải có nghĩa là nhà nước muốn gởi một “lời nhắn gởi” đến tất cả các bloggers khắp nước.” Hôm tháng Chính, ông Nguyễn Hoàng Hải, là một blogger với bí danh Điếu Cày đã bị tuyên án 30 tháng tù ở vì tội trốn thuế. Trước khi bị bắt, ông Hải đã kêu gọi mọi người biểu tình chống buổi tiếp đuốc Thế Vận Hội của Trung Quốc khi đuốc đi ngang qua thành phố Hồ Chí Minh hôm tháng Tư và ông cũng đã chỉ trích Trung Quốc đàn áp Tây Tạng (Tibet). Việt Nam thận trọng không muốn làm phật lòng ông láng giềng khổng lồ của mình. “Những luật lệ kiểm duyệt mới này không phù hợp với quyền tự do ngôn luận, là một quyền được công nhận bởi hiến pháp Việt Nam và là quy ước quốc tế mà Việt Nam đã ký,” ông Lê Minh Phiếu, một người rành rẽ về luật pháp Việt Nam hiện đang sống ở Pháp nói. Tuy nhiên, ông Đỗ Qúy Doãn, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lại bảo vệ chuyện trấn áp blogging này, ông nói với các nhà báo trong nước rằng “Việt Nam đang đối diện với nhiều tin tức sai lạc” từ bloggers. Bộ TT và TT cũng nói là hiện có khoảng 1.1 blogs ở Việt Nam và hầu hết những blogs này là không được nhà nước quản lý. Trong tương lai gần, ông Doãn nói, ông sẽ yêu cầu hai hãng Google và Yahoo giúp để quản lý thế giới blogs này. Cả hai hãng lớn nằm ở Silicon Valley này đã từng bị chỉ trích nặng nề vì giúp nhà nước Trung Quốc đàn áp những người bất đồng chính trị.
Một blogger Việt Nam, vì sợ bị trả thù nên không tiết lộ danh tánh cho AP. Nguồn: Chitose Suzuki / AP Một vài blogger Việt Nam nghĩ rằng thách đố nhà nước có hại nhiều hơn lợi và chọn lựa sự thúc đẩy cho những cải cách theo một phương cách nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn, blog E-Learner của ông Nguyễn Anh Hùng sẽ dạy cho trẻ em nghèo biết sử dụng những kỹ thuật mới một khi blog của ông hoàn chỉnh và đi vào hoạt động. “Tôi muốn giúp người khác biết về những gì đang xảy ra trong lãnh vực kỹ thuật ở Việt Nam,” ông nói. Blog Vàng Anh thúc đẩy cho sự tự do ngôn luận chứ không phải kêu gọi sự chấm dứt nhà cầm quyền. Những người hoạt động đằng sau blog được nhiều người biết đến này họp hằng tuần trên mạng (chat room), thảo luận cùng nhau những vấn đề nóng hổi của đất nước. Nhưng rất nhiều bloggers thích thách đố nhà nước Cộng sản và ông láng giềng lớn nhất của họ. Tháng Mười Hai năm rồi, những bloggers đã điều hợp cùng nhau để tổ chức một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ngay trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Qin Gang lên tiếng nhắc lại chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang còn bị tranh chấp ở vùng biển Đông, và hai quần đảo này cũng được tranh giành bởi Đài Loan và Việt Nam. Những người biểu tình hôm đó – đa số là sinh viên – đã la lớn “Đả đảo Trung Quốc!” và “Việt Nam muôn năm!” Báo điện tử bị tin tặc tấn công Hôm tháng Năm, bloggers đã tấn công tờ báo điện tử Dân Trí, là một tờ báo mạng do nhà nước quản lý được nhiều người biết đến, các bloggers đã viết những khẩu hiệu kêu gọi dân chủ và yêu nước như “Hỡi các đồng bào, hãy đòi hỏi đa nguyên!” “Cộng sản bịt miệng báo chí!” Các bloggers cũng đã chỉ trích lối hành xử nặng tay của cảnh sát dành cho những người nông dân biểu tình phản đối nhà nước vì đã từ chối không đền bù thỏa đáng cho đất đai của họ bị nhà nước lấy. Hiện tại, hầu hết các bloggers đang để ý theo dõi ngõ vào Yahoo 360, là một diễn đàn blogging cực kỳ phổ biến với giới trẻ Việt Nam. “Chúng tôi may mắn là nhà nước vẫn chưa kiểm duyệt Yahoo 360, nhưng họ sẽ với luật lệ mới,” Ông Lạnh tiên đoán. “Nhà nước chúng tôi đã chậm chạp trong việc phản ứng lại với các blogs.” |