Home Tin Tức Thời Sự Nhà xuất bản Đà Nẵng, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị đình chỉ công tác

Nhà xuất bản Đà Nẵng, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị đình chỉ công tác PDF Print E-mail
Tác Giả: G.Ð   
Thứ Ba, 16 Tháng 12 Năm 2008 22:02
 
Bà Nguyễn Thị Việt Hằng (giữa), chị ruột nhà báo Nguyễn Việt Chiến và thân nhân của nhà báo này, bật khóc khi tòa án thành phố Hà Nội tuyên phạt ông này mức án hai năm tù.

Ðà  Nẵng (NV) - Hôm 12 tháng 12, một “đoàn công tác” của Bộ Thông Tin-Truyền Thông CSVN do ông Nguyễn Kiểm, cục trưởng Cục Xuất Bản làm trưởng đoàn đã vào Ðà Nẵng để công bố quyết định tạm đình chỉ hoạt động của nhà xuất bản Ðà Nẵng trong ba tháng (từ ngày 15 tháng 12 năm 2008 đến ngày 15 tháng 3 năm 2009).
Trong quyết định vừa kể, Bộ Thông Tin-Truyền Thông CSVN cho biết: “Sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ, cơ quan chủ quản của nhà xuất bản Ðà Nẵng báo cáo Bộ Thông Tin-Truyền Thông để bộ xem xét, quyết định việc có cho phép nhà xuất bản Ðà Nẵng tiếp tục hoạt động theo quy định của luật xuất bản hay không.”

Trước đó, UBND thành phố Ðà Nẵng đã tạm đình chỉ chức vụ của giám đốc và phó giám đốc (kiêm tổng biên tập) nhà xuất bản Ðà Nẵng.

Nhà xuất bản Ðà Nẵng từng là nơi “đỡ đầu” cho nhiều tác phẩm bị xem là có vấn đề về mặt chính trị. Trong đó, đáng chú ý nhất là tác phẩm “Thơ Trần Dần”. Do bị chỉ trích kịch liệt, Cục Xuất Bản từng phải thu hồi “lệnh thu hồi” tác phẩm “Thơ Trần Dần” mà họ từng ban hành. Sau “Thơ Trần Dần”, mới đây, tập truyện ngắn “Rồng Ðá” cũng do nhà xuất bản Ðà Nẵng “đỡ đầu” được lệnh phải thu hồi.

Trong một thư ngỏ được phổ biến trên Internet, ông Vũ Ngọc Tiến, một trong hai tác giả tập truyện ngắn “Rồng Ðá”: “Gửi lời chia buồn tới nhà xuất bản Ðà Nẵng và cá nhân anh Ðà Linh, tổng biên tập”. Trong thư ngỏ, ông Vũ Ngọc Tiến tiết lộ, “Rồng đá” bị thu hồi vì có ba truyện ngắn “động chạm” tới cuộc chiến ở biên giới phía Bắc giữa Việt Nam với Trung Quốc năm 1979 và hai chuyện khác liên quan tới cuộc chiến giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.

Cùng thời điểm này, giới thạo tin từ Việt Nam cho biết, Bộ Thông Tin-Truyền Thông CSVN đã ký các quyết định “điều chuyển” ông Lê Hoàng, tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ và ông Nguyễn Công Khế, tổng biên tập tờ Thanh Niên khỏi hai tờ báo này. Tuy nhiên các quyết định vừa kể chưa được công bố chính thức. Cả hai nhân vật vừa bị “điều chuyển”, đều cùng được xem là phải chịu trách nhiệm về những sai phạm có liên quan đến việc thông tin về vụ tham nhũng xảy ra ở PMU18 - một cơ quan thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN, chuyên quản lý việc thực hiện các công trình giao thông bằng viện trợ và vốn vay nước ngoài. Trước đó, một phó tổng biên tập của tờ Tuổi Trẻ, một phó tổng biên tập của tờ Thanh Niên, tổng thư ký tờ Thanh Niên, trưởng văn phòng đại diện của tờ Tuổi Trẻ tại Hà Nội đã cùng bị cách chức, hai phóng viên của hai tờ báo kể trên đã bị truy tố và cùng bị kết án vì lỗi tương tự.

Vô số sai lầm về chủ trương, đi kèm quản lý-điều hành kém, tham nhũng khiến bất công gia tăng, làm đa số dân chúng đói khổ và bất bình. Sự bất bình tiếp tục gia tăng do các thông tin, bài bình luận và những ý kiến chỉ trích xuất hiện trên hệ thống truyền thông, đặc biệt là báo chí. Ðây là lý do chính khiến chính quyền CSVN đẩy mạnh việc trấn áp báo chí, cho dù điều đó bị cả dư luận trong nước lẫn ngoài nước phê phán kịch liệt. Hồi tháng 10, đến lượt tổng biên tập và phó tổng biên tập tờ Ðại Ðoàn Kết bị cách chức vì đăng nhiều bài viết về các vấn đề bị cấm.

Tại phiên họp của đại diện các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra ở Hà Nội hôm 4 tháng 12, đại diện Liên Âu, yêu cầu chính quyền CSVN phải xem các quyền chính trị và dân sự quan trọng như các quyền kinh tế và không thể tách rời: “Chúng tôi tin rằng khi không tôn trọng các quyền chính trị và dân sự, chiều hướng phát triển dẫn đến tiến bộ sẽ bị cản trở tại Việt Nam”. Liên Âu còn “chia sẻ sự lo ngại của cộng đồng quốc tế” khi hai nhà báo bị kết án vì đưa tin, viết bài về vụ PMU18.

Ðại diện Hoa Kỳ cũng phổ biến một bản tuyên bố trong phiên họp này với nhận xét: “Thành quả kinh tế và tiếng tăm quốc tế của Việt Nam đã bị tổn hại vì những giới hạn quyền tự do cá nhân của công dân. Trong khi sự dung thứ cao hơn đối với những người đòi tự do dân chủ và các quan điểm khác biệt đều là cốt lõi để đất nước này đạt đến tiềm năng toàn diện.”

Trước nữa, vào ngày 28 tháng 11, trong một buổi đối thoại về “phòng chống tham nhũng” giữa đại diện các nhà tài trợ cho Việt Nam và đại diện chính quyền CSVN, đại sứ Na Uy tuyên bố: “Tôi nghĩ không nên nhắm 'bắn' người đưa tin cho dù có sự sai sót. Phải tăng cường hơn nữa vai trò của báo chí trong tất cả các lĩnh vực của đấu tranh phòng chống tham nhũng”. Ðại diện chính phủ Hà Lan thì yêu cầu “khuyến khích sự độc lập của các cơ quan báo chí, cải thiện và tăng cường điều kiện tiếp cận thông tin”. Ðại diện Ngân Hàng Thế Giới cho rằng: “Cần làm rõ hơn nữa những gì không được phép làm, có các tham chiếu về biện pháp trừng phạt vì điều này chưa rõ ràng. Cần công khai, minh bạch hơn”. (G.Ð)