Home Tin Tức Thời Sự Thất nghiệp tăng vọt

Thất nghiệp tăng vọt PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguoiviet   
Chúa Nhật, 14 Tháng 12 Năm 2008 15:17

December 10, 2008

Hình chụp một xưởng may tại Sài Gòn.
Sài Gòn (NV) - Việt Nam đang đối diện với vô số vấn nạn cả về kinh tế lẫn xã hội và tất cả những vấn nạn đó có khả năng tác động mạnh đến thể chế chính trị. Ðồng hành với tình trạng phá sản hoặc sản xuất - kinh doanh thất bại khiến hàng loạt doanh nghiệp phải “tạm ngưng hoạt động” là tình trạng thất nghiệp tăng vọt.

Theo Liên Ðoàn Lao Ðộng Sài Gòn, từ đầu năm đến nay, có khoảng 17 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động làm 4,000 công nhân thất nghiệp. Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp của Sài Gòn thì cho biết, đã có sáu doanh nghiệp giải thể khiến 2,500 công nhân thất nghiệp, 16 doanh nghiệp có khả năng giải thể và khoảng 1,500 công nhân có nguy cơ thất nghiệp.

Những số liệu này không khớp nhau và có một số dấu hiệu cho thấy các thống kê không sát với thực tế, điều đó có thể là vì chính quyền CSVN muốn làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng cũng như âu lo trong dân chúng.

Hồi cuối Tháng Tám, ông Cao Sĩ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, nay là chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ từng tiết lộ với báo điện tử VietNamNet rằng, từ đầu năm nay, sau khi chính quyền CSVN, thực hiện chính sách “siết chặt tín dụng”, nhằm ngăn chặn lạm phát, đã có khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, 60% khác đang thoi thóp. Ông Kiêm ước đoán: “Hiện nay, chỉ có một phần năm doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng thích ứng với tình hình và có thể tiếp tục phát triển nhờ nhiều vốn, áp dụng kỹ thuật mới và có thương hiệu tốt”. Những doanh nghiệp đã “đột tử” theo cách gọi của báo chí Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp đang thoi thóp đều là nạn nhân của tình trạng suy thoái kinh tế ở Việt Nam. Những doanh nghiệp này không cân đối được “đầu vào, đầu ra” do giá nguyên liệu tăng quá cao và đặc biệt là vì thiếu vốn mà không được ngân hàng tiếp tục cho vay, kể cả khi lãi suất cho vay vọt lên tới 21%.

Theo Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 350,000 doanh nghiệp tư nhân có qui mô vừa và nhỏ (có vốn dưới 10 tỷ đồng và sử dụng từ 300 nhân công trở xuống). Nếu dựa trên nhận định của ông Cao Sĩ Kiêm thì số doanh nghiệp đã “đột tử” khoảng 70,000. Số doanh nghiệp thoi thóp khoảng 200,000 doanh nghiệp và số doanh nghiệp còn “khỏe mạnh” chỉ chừng 70,000.

Hiện nay, tuy các con số thống kê có sự khác biệt rất xa song nhiều cơ quan hữu trách và báo giới ở Việt Nam cùng thừa nhận là đa số doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng hết sức bi đát và tương lai của công nhân hết sức ảm đạm.

Vào đầu tuần này, Liên Ðoàn Lao Ðộng Sài Gòn đưa ra một tuyên bố nhằm trấn an công nhân: “Chúng tôi đang tìm cách khơi thông thị trường nhân lực vào thời điểm cuối năm bằng cách vận động các công ty nhận thêm công nhân”.

Chưa rõ sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp nhận thêm công nhân của những doanh nghiệp vừa phá sản hoặc đã phải “tạm ngưng hoạt động” khi đầu Tháng Mười, tờ Tuổi Trẻ cho biết, trong cuộc họp mới nhất về tình hình kinh tế-xã hội ở Sài Gòn suốt 9 tháng qua, giới hữu trách xác nhận, tại Sài Gòn, hơn 50% doanh nghiệp trong nước báo cáo đang thua lỗ và khoảng 60% doanh nghiệp nước ngoài có báo cáo tương tự.

Trên thực tế, trong nửa tháng qua, có khá nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài tuyên bố phá sản, giải thể hoặc đóng cửa sau khi đã quịt toàn bộ lương, thưởng, trợ cấp cho công nhân. Một số nguồn tin cho biết, vào lúc này, công nhân nhiều doanh nghiệp đang “canh” chủ để tránh bị rơi vào tình trạng giống vậy.

Ðáng lưu ý là sản lượng công nghiệp của cả tư nhân trong nước lẫn tư nhân nước ngoài - nghĩa là khu vực đầu tư có vốn nước ngoài - chiếm 75% Tổng Sản Lượng Quốc Gia. Do đó, việc khu vực tư nhân đổ vỡ hàng loạt từng được cảnh báo là một... tai họa.

Hồi Tháng Tám, trả lời đài RFA, Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh, một chuyên gia kinh tế, kể rằng: “Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động, đặc biệt họ có ý thức là phải duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng, có thể vào cuối năm 2008, đầu năm 2009, có thể có một số doanh nghiệp nhỏ và vừa kiệt sức. Tôi nghĩ là tình huống đó có thể xảy ra. Vì vậy tôi rất mong chính quyền nên đặc biệt lưu ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Tuy nhiên những dự báo đó không được quan tâm đúng mức. “Làn sóng phá sản hàng loạt” đã đổ đến. (G.Ð.)