Mở tàu khách Trung-Việt mỗi ngày |
Tác Giả: BBC NEWS | ||
Thứ Sáu, 12 Tháng 12 Năm 2008 16:36 | ||
December 12, 2008 Xe lửa chở khách nối Hà Nội với Nam Ninh bắt đầu chạy hàng ngày từ đầu năm 2009, đánh dấu việc tăng cường quan hệ kinh tế Việt Trung sau các chuyến thăm cao cấp.
Thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây sẽ có tàu khách hàng ngày đến Hà Nội Hãng tin Trung Quốc hôm 11/12 trích lời quan chức Nam Ninh nói tàu khách sẽ có chuyến sáng sớm mỗi ngày, đi tới Hà Nội vào sáng sớm hôm sau. Cùng ngày, từ phía Việt Nam cũng có chuyến 20:30 mỗi tối, chạy tới Nam Ninh vào 10:05 sáng hôm sau. Hồi tháng 10 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã đến thăm Quảng Tây trước khi tới Bắc Kinh dự hội đàm cao cấp. Trung Quốc coi Quảng Tây là địa bàn chiến lược cho phát triển và khai thác quan hệ với Việt Nam và Đông Nam Á. Nhu cầu đi lại Các chuyến tàu này do Văn phòng Hỏa xa Nam Ninh chuyên trách, và như họ nói, để giảm bớt sức ép của nhu cầu chuyên chở hành khách giữa hai bên. Hiện nay, tàu khách từ Nam Ninh đi Hà Nội chỉ chạy thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần. Quan hệ kinh tế, du lịch và giao lưu hàng hóa cùng du học giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam tăng đều những năm qua dù chính quyền trung ương hai bên còn phải đàm phán các vấn đề biên giới gây lo ngại trong dư luận Việt Nam. Với số dân gần 50 triệu, Quảng Tây nằm ở cửa ngõ sang Việt Nam và nhìn xuống Biển Đông luôn đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ Trung-Việt. Hồi tháng 4/2008, Hội chợ triển lãm hàng hoá Quảng Tây khai mạc tại Hà Nội, với sự tham gia của 150 doanh nghiệp Trung Quốc. Theo các nguồn tin từ Việt Nam, chỉ trong 2007, kim ngạch mậu dịch giữa Việt Nam và Quảng Tây đạt gần 2,4 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch mậu dịch giữa Trung Quốc và Việt Nam. Riêng tỉnh này tính đến 2007 có 85 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 74,2 triệu USD. Thời Pháp thuộc, Việt Nam có tàu hỏa nối Hà Nội với Côn Minh. Các tuyến tàu Việt Trung được phát triển thời Chiến tranh Lạnh chủ yếu để phục vụ nhu cầu vận chuyển viện trợ đến Việt Nam. Đường hỏa xa hai bên bị ngưng hoàn toàn trong nhiều năm vào thời kỳ thù địch sau cuộc chiến Biên giới 1979.
|