Chi phí cao: Yếu tố gây khó khăn cho ngành ôtô Mỹ |
Tác Giả: VOA News | ||||
Thứ Sáu, 12 Tháng 12 Năm 2008 15:01 | ||||
13/12/2008
Tổng giám đốc công ty GM Richard Wagoner (trái) Tổng giám đốc công ty Chryler Robert Nardelli (giữa) và Tổng giám đốc công ty Ford Alan Mullay điều trần trước Quốc hội Thành viên của Nghiệp Đoàn Công Nhân ngành xe hơi Hoa Kỳ đang vận động để quốc hội chấp thuận khoản tiền trợ giúp hàng chục tỉ đô la cho 3 công ty xe hơi lớn khỏi bị phá sản. Quốc hội cứu xét yêu cầu trợ giúp bằng một thái độ gay gắt vì không muốn sử dụng tiền thuế của dân tài trợ cho các công ty nếu như họ không có được một kế hoạch khả tín để bảo đảm là sẽ hồi phục và hoàn lại số tiền đó cho công quĩ. Thái độ của quốc hội phản ánh sự bất bình của dân chúng Mỹ trước tình trạng xuống dốc của ngành công nghiệp có thời đã từng là cột trụ của nền kinh tế Mỹ và thống lĩnh thị trường xe hơi toàn cầu. Chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ đang đứng trước một thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, nền kinh tế Mỹ đang gặp suy thoái, nhiều cơ sở tài chính và công ty cũng đã yêu cầu xin trợ giúp, quĩ cứu nguy chưa đủ cung ứng cho tất cả mọi đòi hỏi, một mặt với sự lụn bại trong ngành công nghiệp xe hơi, khó có thể đoan chắc là bỏ tiền ra cứu nguy sẽ đem lại kết quả tốt. Mặt khác nếu không cứu thì cả triệu công nhân sẽ thất nghiệp, và đây là một điều rất đáng sợ trong lúc nền kinh tế Mỹ đang lâm nguy. Những người sẽ lâm cảnh thất nghiệp không những chỉ từ các xưởng máy sản xuất xe hơi và phụ tùng của Ford, General Motors, Chrysler mà còn từ ngành chuyển vận bằng xe tải, xe lửa, các đại lý bán xe cùng nhiều ngành liên hệ khác và nó có thể gây phản ứng dây chuyền làm cho nền kinh tế đang trong tình trạng bấp bênh có thể đi đến chỗ sụp đổ. Những yếu tố nào đã khiến cho ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ đi đến tình trạng tiêu điều như hiện nay? Thứ nhất, quản trị trị kém cỏi, lúc nào các công ty cũng tìm cách tái tổ chức, nhưng lại không có sách lược dài hạn vững chắc. Thứ nhì, sản xuất những loại xe không đáp ứng nhu cầu thị trường. Lấy ví dụ, các loại xe Nhật như Toyota, Honda có thể đáp ứng nhu cầu của quảng đại quần chúng với loại xe ít tốn xăng, loại xe lai tạo (hybrid) vừa chạy bằng điện, vừa chạy bằng xăng hợp với túi tiền của công chúng. Nhưng họ cũng sản xuất được những loại xe sang trọng để cung ứng cho nhu cầu của giới dư dả có khá tiền như xe Lexus chẳng hạn. Trong khi đó hãng xe hơi lớn của Hoa Kỳ sản xuất những loại xe to, tốn xăng và không bền như xe Nhật.
Hàng dãy xe của hãng GM đang nằm trong bãi Lúc xăng tăng giá vùn vụt mấy tháng trước đây, các đại lý bán những loại xe uống xăng của Mỹ đã phải bán ra với cái giá vừa bán vừa cho mà không mấy ai dám mua. Thứ ba, các xưởng sản xuất xe hơi của Mỹ không được cấu trúc linh động để có thể hoán đổi hầu sản xuất những thứ khác. Yếu tố cuối cùng gây nên sự lụn bại cho ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ là chi phí sản xuất quá cao, giá lao động cùng các quyền lợi của công nhân ngành này cao vọt so với các ngành khác ngay tại Hoa Kỳ, chứ chưa nói đến chuyện so sánh với các nước khác. Theo tài liệu do tổ chức Heritage Foundation công bố thì các công ty xe hơi Chrysler, Ford và General Motors phải chịu chi phí trung bình trên 70 đô la cho 1 giờ làm việc của công nhân. Cao nhất là Chrysler trung bình 75 đôla 86 cent, General Motors 73 đô la 26 cents và Ford là 70 đô la 51cents. Những con số kể trên gộp chung tất cả mọi thứ tiền mà công ty phải chi cho công nhân, đó là tiền lương, tiền bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm chữa răng, làm kính, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tàn phế, bảo hiểm thất nghiệp và hưu bổng trong tương lai khi công nhân về hưu. Công nhân của các hãng xe hơi tại Hoa Kỳ lại còn có những quyền lợi khác về lương bổng, như nếu làm ca đêm được lãnh thêm 10% lương căn bản, làm trên 40 giờ 1 tuần thì từ giờ 41 trở đi lãnh lương phụ trội cao gấp rưỡi lương căn bản, và nếu làm phụ trội vào chủ nhật thì được lãnh lương gấp đôi cho ngày ấy. Công nhân ngành xe hơi của Hoa Kỳ làm giờ phụ trội rất nhiều. Tính trung bình, năm 2006 mỗi công nhân hãng General Motors làm 315 giờ phụ trội. Không những thế công ty còn phải trả hưu bổng cho con số đông đảo những công nhân đã về hưu với khoản chi rất lớn. Vì thế khi các công ty xe hơi này đến xin với quốc hội trợ giúp, Chủ tịch Công đoàn Công nhân xe hơi cho biết là Công đoàn sẽ sẵn sàng nhượng bộ thêm, tuy với thái độ rất bực bội. Trong 5 năm qua, công đoàn đã mất một nửa đoàn viên. Yêu cầu của ngành công nghiệp xe hơi, xin chính phủ trợ giúp, theo họ, chẳng thấm gì với số tiền mà chính phủ bỏ ra cứu nguy cho các ngân hàng và các định chế tài chính, và rằng chính phủ cần trợ giúp để các công ty xe hơi qua được cơn bão táp. Tuy nhiên, chủ tịch 1 phân bộ của những công nhân xe hơi đã hồi hưu tại Michigan, bà Wendy Thompson, cho rằng chính quyên liên bang cần phải giám sát công nghiệp xe hơi trong lúc ngành này tự chuyển đổi. Bà Thompson nói: “Chúng ta hãy nhớ đến thế chiến thứ hai. Các bạn có biết đến lịch sử không? Các nhà máy ôtô trong 1 đêm đã chuyển sang sản xuất máy bay và các loại chiến cụ khác. Tại sao chúng ta không thể làm như vậy một lần nữa? Hiện nay là cuộc khủng hoảng khác. Hãy bắt đầu sử dụng các phương tiện công cộng; hãy bắt đầu các đường xe lửa và các đoàn tàu cao tốc. Chúng tôi có thể làm được những công việc này. Chúng tôi là những công nhân có kỹ năng, chúng tôi đã chứng tỏ là chúng tôi có khả năng. Hãy để chúng tôi làm công việc này." Cho đến sáng thứ năm tại Hoa Kỳ, khi bài này được viết, tin cho hay hạ viện Hoa Kỳ đã chấp thuận thông qua khoản tiền 14 tỉ đô la trợ giúp cho 3 công ty này, ít hơn rất nhiều con số 34 tỉ đô la mà các công ty yêu cầu lúc ban đầu. Để nhận được tiền trợ giúp, các công ty xe hơi này phải theo những điều kiện khắt khe do chính phủ đặt ra hầu bảo đảm là các công ty này sẽ sửa đổi cấu trúc hoạt động, phải để cho chính phủ giám sát chặt chẽ, hạn chế lương bổng của các giám đốc chấp hành, ngăn chặn các trường hợp giới lãnh đạo rút chân ra khỏi công ty với mức đền bù kếch xù trong lúc công ty làm ăn lỗ lã, đòi công ty phải bán các máy bay riêng và cấm trả cổ tức trong lúc công ty còn nợ ngập đầu. |