8 Dân Biểu Hoa Kỳ yêu cầu VN trả tự do cho cô Phạm Thanh Nghiên và Blogger Điếu Cầy. |
Tác Giả: Hà Giang |
Thứ Sáu, 12 Tháng 12 Năm 2008 14:39 |
RFA (12/12/2009) Nhân dịp kỷ niệm 60 năm của bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, 8 dân biểu Hoa Kỳ đã cùng viết thư yêu cầu Việt Nam trả tự do cho cô Phạm Thị Thanh Nghiên và ông Điếu Cầy. Đây là hai nhân vật tiêu biểu cho những người dân hiện đang bị nhà cầm quyền Việt Nam chà đạp các quyền làm người căn bản, và đã bị bỏ tù, chỉ vì họ dám lên tiếng đòi hỏi những quyền tự do căn bản do luật định như quyền tự do ngôn luận, báo chí, và quyền tự do hội họp. Thông tín viên Hà Giang có bài tường trình về việc này như sau. Tuy Việt Nam là một trong những quốc gia đã ký vào bản tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, nhưng nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ cho rằng tại đây những quyền căn bản của con người như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do hội họp của người dân, vẫn còn bị chà đạp. Vào dịp kỷ niệm 60 năm củabản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, cộng đồng người Việt hải ngoại ở Mỹ, đã vận động để chính giới Hoa Kỳ can thiệp với chính quyền VN yêu cầu thả tự do cho những nhân vật hiện đang bị nhà cầm quyền Việt Nam cầm tù, tiêu biểu như trường hợp của blogger Điếu Cầy, và cô Phạm Thanh Nghiên. Trong lá thư gửi cho Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ký ngày 10 tháng 12 năm 2008, 8 vị dân biểu Hoa Kỳ gồm có bà Loretta Sanchez, bà Zoe Lofgren, bà Janice Schakowsky, ông John Olver, ông Maurice Hinchey, ông Chris Van Hollen, ông Edward Royce và ông Daniel Longren đã viết như sau: “Là những thành viên của quốc hội Hoa Kỳ, chúng tôi quan tâm sâu xa về tình trạng nhân quyền bị chà đạp ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Mặc dù đã cam kết sẽ tôn trọng những quyền làm người theo tiểu chuẩn quốc tế, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục bắt bớ và giam cầm những người đã xử dụng quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp của họ.” Bà Loretta Sanchez phát biểu: Khi được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế, chính quyền Việt Nam đã cam kết với thế giới là sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền một cách vượt bực tại Việt Nam: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và tự do tôn giáo. Rất nhiều những hứa hẹn. Trong thời gian 11 năm mà tôi làm việc ở Quốc Hội, đã có biết bao nhiêu lời hứa của chính quyền VN, nhưng đã không có lời hứa nào trở thành sự thật. Trong trường hợp cô Phạm Thanh Nghiên, 8 vị dân biểu Hoa Kỳ viết: “Cô Phạm Thanh Nghiên là một người phụ nữ đấu tranh cho dân chủ 31 tuổi, hiện đang bị giam cầm mà không được xét xử tại nhà giam Trần Phú, tỉnh Hải Phòng. Cô Phạm Thanh Nghiên đã bị bắt ngay sau khi cô tọa kháng tại nhà vì nộp đơn xin được biểu tình một cách ôn hòa mà không được chấp thuận. Bà Nguyễn Thị Lợi, thân mẫu của cô chia xẻ: Theo với tôi thì đúng ra chẳng có phạm tội gì cả, theo tôi nghĩ họ cũng chỉ bầy ra thế để mà bắt, chứ con tôi làm đúng luật, hoàn toàn đúng luật. Nó chỉ có tọa kháng ở nhà với khẩu hiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, và phản đối cái công hàm ông Đồnng ký ngày 14 tháng 9 gì đó, năm 58. Về ông Điếu Cầy, những dân biểu này đã viết: “Ông Nguyễn Hoàng Hải, mà nhiều người biết đến qua danh hiệu Blogger Điếu Cầy, là một người bất đồng chính kiến đã bị nhà nước bỏ tù vì những bài viết bầy tỏ quan điểm rất hòa hoãn của ông về tệ nạn tham nhũng, và việc những nhân công bị bạc đãi. Blogger Điếu Cầy bị bắt trong tháng Tư vừa qua khi ông kêu gọi biểu tình để tẩy chay cuộc rước đuốc của Bắc Kinh đi qua VN. Bà Dương Thị Tân, vợ cũ của Blogger Điếu Cầy cho rằng nhà cầm quyền đã tìm cách để buộc tội oan cho ông và bắt ông. “Luật sư của tôi họ có kinh nghiệm dầy dạn, họ bảo một cái này không đã vi phạm nghiêm trọng cái việc ngăn cản người ta và sau đó dùng cái đó quy kết cho người ta một cái tội. Có một cái chương trình sẵn như thế, tức là một cái bẫy họ giương ra, họ đẩy người khác vào đó, xong họ bảo người ta vi phạm.” Bà dân biểu Loretta Sanchez cả quyết rằng Việt Nam không có nhân quyền: Ở Việt Nam hoàn toàn không có nhân quyền và chúng tôi đã làm mọi cách để cho thế giới biết điều đó. Ở Việt Nam, tất cả mọi người dám đứng dậy để cất lên tiếng nói đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi nhân quyền, đòi quyền được tự do hội họp với ba, bốn, năm người, với một vài biểu ngữ đơn giản, tất cả, từng người một đều đã bị bỏ tù. 8 vị dân biểu Hoa Kỳ đã kết thúc lá thư bằng lời kêu gọi như sau: 60 Năm trước đây, cả thế giới đã ngồi cùng lại ký bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền, theo đó cô Phạm Thanh Nghiêm và Blogger Điếu Cầy có quyền tự do ngôn luận, tự do phản kháng, và tự do báo chí. Chúng ta cùng có bổn phận phải bảo vệ những quyền căn bản này cho nhân loại. Chính quyền Việt Nam không những đã ký vào bản tuyên ngôn này, mà còn hứa sẽ tôn trọng và bảo vệ quyền tự do cho mỗi người dân. Chúng tôi, những dân biểu của Quốc Hội Hoa Kỳ khẩn thiết yêu cầu nhà nước Việt Nam hãy thả tự do ngay cho cô Phạm Thanh Nghiên, Blogger Điếu Cầy, và những người bất đồng chính kiến khác hiện còn đang bị giam giữ. |