Home Tin Tức Thời Sự Ba ông Nguyễn 3 lần vô địch bi sắt toàn quốc, đại diện nước Mỹ dự giải thế giới

Ba ông Nguyễn 3 lần vô địch bi sắt toàn quốc, đại diện nước Mỹ dự giải thế giới PDF Print E-mail
Tác Giả: Trung Ðỗ/Người Việt   
Thứ Năm, 11 Tháng 12 Năm 2008 15:23

Ông Lý Nguyễn, ba lần vô địch bi sắt (Pétanque) nước Mỹ. (Hình: Trung Ðỗ/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) - Có ai ngờ một nhóm các ông Việt Nam sồn sồn lại là một đội bi sắt (Pétanque) nhiều lần vô địch nước Mỹ, đại diện quốc gia này đi dự giải vô địch thế giới.

Gặp một người đàn ông lấm lem, cần mẫn hằng ngày trong garage xe hơi T.A.C. ở Garden Grove, như ông Lý Nguyễn, càng không ai dám coi ông Việt Nam cao lớn có tuổi này vừa là một tuyển thủ quốc gia Hoa Kỳ, vừa là huấn luyện viên của nhóm Việt Nam nhiều lần đánh bại toàn bộ giới chơi bi sắt trên toàn nước Mỹ, đâu đó khoảng 5,000 tay bi, chiếm ngôi vô địch Hoa Kỳ.

Vậy mà đã có ít nhất ba lần, đội của ông Lý Nguyễn vô địch Pétanque nước Mỹ, nhiều lần vô tứ kết thế giới.

Các tuyển thủ Pétanque Hoa Kỳ trong ngày khai mạc “Championnats du Monde de Pétanque,” từ trái qua: Christian Triay, Robert Pierre, Lý Nguyễn, Mãi Nguyễn, Pascal Corchia và Thuận Nguyễn.
Mới đây, từ ngày 12 đến 16 Tháng Mười Một, 2008, đội tuyển bi sắt Hoa Kỳ đến thành phố biển Dakar của Senegal ở Phi Châu, dự giải vô địch bi sắt thế giới kỳ thứ 44, “Championnats du Monde de Pétanque,” và vô được vòng tứ kết.

Ðội tuyển Mỹ đi Senegal vừa qua gồm có các ông (hoặc các chú, các anh) Lý Nguyễn, Mãi Nguyễn, Thuận Nguyễn, Robert Pierre, Christian Triay, Pascal Corchia. Ông Mãi và ông Thuận là hai cha con.

Nói về lý do đội bi sắt của mình nửa Việt nửa Mỹ, ông Lý Nguyễn giải thích, “Không lẽ mang danh đội tuyển Hoa Kỳ mà gồm toàn các anh Việt Nam đầu đen,” nên ông quyết định lấy thêm ba anh Mỹ.

Có phải ba tay bi Mỹ này quá hên khi được chơi trong nhóm Việt Nam này chăng, ông Lý Nguyễn công nhận đúng như vậy.

“Thật ra mấy tay bi Mỹ, đa số là dân gốc thuộc địa (Pháp),” ông Lý giải thích.

Tuy thắng dồn dập, ít biết thua là gì, nhưng thực ra đội bi sắt gồm các ông Việt Nam này gom nhau lại chưa được bao lâu.

Chỉ mới cách đây sáu năm, cả nhóm bắt đầu gặp gỡ, chọi bi với nhau, thì cũng trong năm này đoạt luôn chức vô địch Hoa Kỳ rồi đại diện nước Mỹ để đi thi giải quốc tế ở Grenobe, một thành phố phía Nam nước Pháp.

Thủ tướng Senegal bắt tay ông Lý Nguyễn hôm khai mạc giải vô địch Pétanque thế giới lần thứ 44.
Ðó là vinh dự đầu tiên khá bất ngờ của cả nhóm: vừa là số 1 của nước Mỹ, vừa đứng thứ 16 trên thế giới.

Qua năm 2004, các ông mê bi lại vô địch toàn quốc, lại đại diện nước Mỹ, trong kỳ tranh giải vô địch bi sắt thứ 40, cũng lại vô tới vòng tứ kết.

Sao lần nào cũng tới tứ kết thì thôi, không vô tiếp vòng vô địch lấy cúp thế giới luôn cho rồi?

Khi nghe hỏi cắc cớ như thế, ông Lý nhớ lại, thán phục: “Trên thế giới, người Pháp và các nước cựu thuộc địa cũng chơi hay lắm. Bi sắt là môn ruột của họ mà.”

“Nếu cố tình ôm bi đi thi mỗi năm, chắc năm nào cũng vô địch Hoa Kỳ và đứng đại diện cho nước Mỹ,” ông Lý tỏ vẻ tiếc nuối.

Vậy tại sao các ông không gom bi lên đường mỗi năm cho thỏa chí?

“Thật ra, cũng còn công ăn việc làm và trách nhiệm với gia đình,” ông Lý cho biết.

Theo tìm hiểu, mỗi lần cùng đội đi xa nhà dự giải, 10 ngày là ít, ông phải đóng cửa hãng, bỏ sở hụi mỗi ngày cả ngàn bạc.

Biết thế nào cũng có người thắc mắc, không biết các ông có tính đại diện Mỹ trong các kỳ Olympic hay không, ông Lý Nguyễn nói rõ rằng phải có 80 quốc gia trở lên cùng chơi, thì Pétanque mới vô được Olympic. Hiện chỉ có khoảng 72-73 nước có chơi môn này.

Tay chơi lão luyện giải thích tiếp, “bi sắt” tiếng Pháp là Boule, Mỹ hay gọi là Pétanque, cũng chữ gốc Pháp. Môn này Tây du nhập vào Việt Nam thời Pháp thuộc. Có hai đội đấu với nhau. Mỗi đội hai hoặc ba người, tổng cộng mỗi bên thủ sáu bi. Có một hòn bi nhỏ làm gốc, thảy ra trong khoảng 6-8 mét, mỗi đội thay nhau ném bi của mình làm sao càng gần bi gốc càng ăn điểm. Nhiều lúc phải gọi là chọi bi, vì phải ném sao cho bi mình đánh bi đối phương văng xa khỏi bi gốc. “Nói đơn giản là vậy, nhưng thực tế có nhiều khúc mắc khá thú vị và lôi cuốn,” ông Lý nói thêm.

“Không chỉ khéo tay ném bi mà còn hay ở chỗ vừa đấu trí, vừa canh khoảng cách mà phải coi chừng thế đất,” ông giải thích.

Nhớ lại thời Việt Nam Cộng Hòa, trước 1975, ông Lý kể rằng một số người Sài Gòn, lục tỉnh và các ông theo nếp Tây học thích Boule lắm.

Theo ông Lý kể, người ta thường chơi bi sắt ở Cercle Stortis, Nhà Ðèn (cạnh nhà thương Chợ Quán), Sở Cứu Hỏa Ðô Thành, Nha Cảnh Sát Ðô Thành, bệnh viện Thanh Quan (trên đường Bà Huyện Thanh Quan), hãng bia BGI Pháp trên đường Hai Bà Trưng, hoặc Trung Tâm Cải Huấn Chí Hòa.

Ðến khi chạy qua Mỹ, thời gian đầu nhớ bi sắt lắm, nhưng không biết chỗ chơi. Ðến khoảng năm 1982, ông Lý Nguyễn làm chủ nhà hàng Pháp trên Beverley Hills, biết là bi sắt nhiều người Pháp thích nên gặp người Pháp là hỏi han. Một đầu bếp Pháp chỉ cho ông ra “L.A. Pet Club,” gặp nhóm Tây chơi bi cho đỡ ghiền.

Ở California hiện nay, ngoài vợ là bà Lục Ngô cũng ném bi rất dữ, ông Lý Nguyễn còn có một số bạn cùng chơi bi sắt như ông Lợi Nguyên Tấn và Nam Trần ở Orange County, An Lơi ở San Jose và Thom Thái ở Palm Spring.

Ðược biết ông Lý Nguyễn, chủ nhân khu garage xe hơi T.A.C. trên đường Westminster, qua trang báo có nhã ý mời đồng hương cùng chơi chung môn bi sắt lành mạnh hiền hòa. Ông sẵn sàng kết hội và hướng dẫn cho người mới tập. Ai còn nhớ và thích Boule một thời của Sài Gòn, hãy gọi ông Lý Nguyễn 714-530-4430. (T.Ð.)