Home Tin Tức Thời Sự Căn bệnh sống dựa vào người khác

Căn bệnh sống dựa vào người khác PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Giang   
Thứ Ba, 09 Tháng 12 Năm 2008 09:42

BBC NEWS

Toàn cảnh Sài Gòn

Tuần này, chính phủ Anh sẽ công bố Sách Trắng (White Paper) về an sinh xã hội để sửa đổi hệ thống trợ cấp đang gây ra nhiều điều tiếng.

Cũng gần đây, một chương trình truyền hình của BBC đã báo động về tệ nạn dùng tiền viện trợ sai trái ở châu Phi.

Hai vụ việc cùng xảy ra đúng lúc hiện tượng Việt Nam dùng sai các khoản cho vay ưu đãi khiến Nhật Bản phải đơn phương ngưng cấp ODA.

Tệ ăn bám

Giọt nước tràn ly với chế độ trợ cấp xã hội Anh là vụ án Karen Matthews bị kết án bắt cóc chính con gái mình để tống tiền.

Người phụ nữ này sinh bảy con với năm hay sáu người đàn ông khác nhau mà cô ta không nhớ hết tên vì cứ có con là được hưởng tiền xã hội.

Karen Matthews bị bắt và xử tù vì dựng vụ bắt cóc con gái Sharon

Karen Matthews trở thành biểu tượng của tệ nạn sống ăn bám ở Anh

Mỗi ngày hút 60 điếu thuốc, uống rượu thường xuyên, Karen Matthews ở North Yorkshire chưa bao giờ đi làm nhưng vẫn nhận 400 bảng một tuần.

Đây không phải là trường hợp đơn lẻ.

Báo Sunday Times cuối tuần qua nêu con số hơn 2,8 triệu người Anh không đi làm vì các loại 'bệnh' hoặc vì phải một mình nuôi con.

Có người nghỉ mất sức hoặc bị thương tật thật nhưng cũng nhiều người khai báo các loại bệnh khó kiểm chứng như đau đầu kinh niên để ăn tiền xã hội.

Mục tiêu nhân đạo, nhân quyền của chế độ an sinh xã hội đã bị lạm dụng và tiền trợ cấp biến hàng trăm nghìn người thành thứ công dân ăn bám, vô trách nhiệm với xã hội, với bản thân và gia đình.

Nhiều trẻ em lớn lên trong cách gia đình này học kém, rơi vào các nhóm gây rối, thậm chí nghiện hút.

Hệ thống bao cấp về an sinh, như báo Anh viết, đã gián tiếp tước đi của người ta cả nhân phẩm (deprived dignity).

Khó giúp châu Phi

Còn với cả một xã hội, câu chuyện Uganda và Sierra Leone lại nói lên sự thật về tệ nạn cả nước lệ thuộc vào viện trợ.

Thuốc men từ nguồn viện trợ đáng phải cho không lại bị đem bán chợ đen tại Sierra Leone

Chương trình Panorama trên BBC One hôm 24/11 tố cáo rằng 50 năm qua, Phương Tây đổ vào châu Phi 400 tỷ bảng Anh nhưng số người nghèo đói cứ tăng lên, từ 200 triệu người 1981 lên 380 triệu năm 2005.

Lề thói làm việc 'bộ lạc' như lấy viện trợ để chia trong thân nhân, gia đình, bệnh tham nhũng trắng trợn, rút ruột công trình phúc lợi từ tiền nước ngoài đổ vào, cộng với bộ máy quản trị kém khiến châu Phi vẫn cứ là châu Phi.

Panorama gọi chương trình của họ là 'Addicted to Aid', tạm dịch là 'Nghiện viện trợ' để nói rằng đồng tiền từ thiện giúp châu Phi không đem lại hiệu quả nếu cách quản lý vẫn không đổi.

Hai mặt của tài trợ

Ở Việt Nam, sự giàu có của những cá nhân nhờ quan hệ quyền lực mà 'có cửa làm ăn' cũng không khác gì ở Uganda hay Sierra Leone.

Nhưng đó là các vấn đề của một số cá nhân.

Nhìn rộng ra cả một hệ thống quản trị thì việc nhận các khoản tài trợ, cho vay hay đầu tư cũng có thể gây ra căn bệnh lệ thuộc, nói cách khác là 'nghiện' dùng tiền của người khác.

Văn phòng PCI tại Tokyo

Nhật xử tù quan chức PCI trao hối lộ cả triệu đôla cho quan chức Việt Nam

Thời trước, Việt Nam vì nhận viện trợ của Liên Xô và Đông Âu nên phải xây dựng mô hình giống họ với các 'lỗi hệ thống' đến nay sửa chưa xong.

Ngày nay, mục tiêu tối hậu của tiền tài trợ và cho vay là để Việt Nam kiến thiết đất nước, giải quyết các vấn đề xã hội và văn minh hóa cách quản trị.

Nhưng bệnh tham nhũng đã làm biến tướng các tiêu chí này và khiến giới cấp viện thất vọng.

Nhưng do né tránh việc gây mất lòng nước chủ nhà về ngắn hạn họ cũng phải chịu trách nhiệm vì đã dung túng cho việc trì hoãn cải cách thể chế.

Chẳng ai có thể tin được hàng tỷ đôla của các nước tư bản đổ vào là để Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc chơi với bên ngoài này, nước nhận tiền và các nhà tài trợ đều biết mình đang đóng kịch.

Tiền tài trợ nếu dùng sai sẽ không tạo nền tảng cho một xã hội dân sự, văn minh, hệ thống tư pháp trong sạch mà bị bớt xén để kéo dài hệ thống kiểu cũ.

Về lâu dài, tệ nạn này không chỉ làm hoen ố hình ảnh đất nước như báo trong nước nêu mà gây di hại về nhân cách cầm quyền và để lại cả núi nợ nần cho thế hệ mai sau.