Home Tin Tức Thời Sự Thấy gì sau những phiên tòa?

Thấy gì sau những phiên tòa? PDF Print E-mail
Tác Giả: Bảo Trung   
Thứ Ba, 09 Tháng 12 Năm 2008 00:58

Viết cho BBC từ Hà Nội   

Cho đến giờ phút này, khi năm 2008 sắp khép lại, dư luận Việt Nam đã xôn xao vì ba phiên tòa được xét xử trong nước.

Phiên tòa đầu tiên, ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, đã bị xử hai năm rưỡi tù giam vì tội "trốn thuế".

Phiên tòa thứ hai, nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên đã phải nhận án hai năm tù giam, nhà báo Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ nhận án hai năm tù treo.

Cả hai bị cáo buộc với tội danh: "Cố ý làm lộ bí mật công tác và lợi dụng quyền tự do dân chủ".

Phiên tòa thứ ba, vừa kết thúc chiều 8/12, đã tuyên tám bị can là giáo dân Thái Hà từ 15 tháng cải tạo không giam giữ đến 15 tháng tù treo vì đã phạm tội "Phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa và gây rối mất trật tự công cộng".

Đằng sau cáo trạng

Tất cả các bị can này nhận án nhưng người dân ngầm hiểu rằng họ đi tù vì "tội" khác với những gì viết trong cáo trạng.

Với blogger Điếu Cày, người ta tin rằng nguyên nhân thật sự khiến ông vào tù là bởi người này đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc chiếm hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam và hăng hái viết bài trên blog của mình để đả phá những vô lý của hệ thống chính trị trong nước.

Với hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, đa số người dân tin rằng họ trở thành tội nhân bởi những bài viết của mình trong loạt bài chống tham nhũng ở PMU18.

Với 8 bị can là giáo dân Thái Hà, lại càng khó khăn để thuyết phục dư luận tin vào những gì mà tòa án quận Đống Đa (Hà Nội) đã cáo buộc.

Điều này thể hiện qua việc hàng trăm giáo dân đã vây quanh nơi diễn ra phiên tòa trong suốt thời gian xét xử và hô vang "Vô tội" để bày tỏ sự chia sẻ với những người đang đứng trước vành móng ngựa đồng thời thể hiện sự phản đối những phán quyết của tòa án.

Không một chính quyền công minh nào trên thế giới lại phải dùng tòa án để làm nơi đe nẹt, trấn áp ý chí của người dân.

Phiên toà xử tám giáo dân bị bao vây bởi hàng trăm cảnh sát, an ninh chìm nổi cùng hàng rào, dây thừng, dùi cui điện, bình hơi cay, xe phá sóng điện thoại, vòi rồng.

Bảo vệ cho ai?

Nỗi ám ảnh về những cuộc bạo loạn lật đổ khiến chính quyền Hà Nội luôn căng thẳng với những lần tụ tập biểu tình của dân chúng.

Người ta còn nhớ những đám đông bao vây nhà thờ Thái Hà quậy phá, la hét đòi phá nhà thờ, giết các giáo sĩ và cha xứ cách đây vài tháng. Không một ai trong đám người gây rối mất trật tự công cộng này bị bắt và đem ra xét xử, dù trước đó lực lượng công an đông đảo luôn túc trực 24/24 ở khu vực này khi giáo dân thắp nến cầu nguyện ôn hòa.

Vào ngày 6/12, những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc khoan thăm dò dầu khí trong khu vực hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa của sinh viên, thanh niên tại Hà Nội và Sài Gòn đã không thể diễn ra.

Lực lượng công an, mật vụ dày đặt bao quanh các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn các cuộc biểu tình.

Người dân buộc phải tự hỏi: "họ đang bảo vệ cho ai?" khi nhu cầu lên tiếng phản đối việc xâm phạm lãnh thổ là hoàn toàn hợp pháp và cùng một ý chí với chính quyền, như những gì người phát ngôn của chính phủ đã tuyên bố.