Home Tin Tức Thời Sự Hàng Trung Quốc sẽ tàn phá kinh tế Việt Nam?

Hàng Trung Quốc sẽ tàn phá kinh tế Việt Nam? PDF Print E-mail
Tác Giả: Thiện Giao   
Thứ Hai, 08 Tháng 12 Năm 2008 07:40

2008-12-08

Phóng viên RFA
Trong khi Việt Nam âu lo đến chỉ số tăng trưởng kinh tế, thì một số chuyên viên nói rằng hàng ứ đọng từ Trung Quốc tìm đường tràn vào Việt Nam mới là mối lo ngại hàng đầu.

AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam
Lạm phát tăng cao, tăng trưởng giảm cùng với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, đang gây nhiều khó khăn cho thành phần lao động nhập cư.

Nhiều tác động
Kinh tế Việt Nam năm 2009 là một bức tranh ảm đạm, chịu tác động không chỉ của những nguy cơ thấy được và biết trước được, mà còn cả những nguy cơ của dòng hàng hóa khổng lồ, cũng đang trong tình trạng ứ đọng, tràn sang từ nước láng giềng phương Bắc.

Xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng do suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngân sách Việt Nam giảm do dầu thô mất giá trầm trọng.

Nguồn tài trợ từ nước ngoài, cụ thể là ODA từ Nhật Bản, bị ngưng trệ do tham nhũng từ Việt Nam. Và nền sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn lớn do hàng hoá Trung Quốc, chính thức cũng như nhập lậu, tràn qua biên giới.

Từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh bày tỏ rằng, chính cơ cấu sản xuất tương đồng giữa hai nền kinh tế, cộng thêm đường biên giới chung, dài và địa hình phức tạp, đưa đến nguy cơ hàng hoá ứ đọng từ Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam:

“Giữa Trung Quốc và Việt Nam còn có vấn đề là cơ cấu sản xuất khá giống nhau, tức là 2 nước xuất khẩu hàng giống nhau trong đó Trung Quốc có qui mô lớn hơn, giá rẻ hơn.”

Một chuyên viên kinh tế nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, yêu cầu không nêu tên, cũng đặt ra vấn đề hàng hoá Trung Quốc. Chuyên viên này tiên đoán rằng, “Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng vào năm tới,” và chỉ trong “3 đến 6 tháng nữa, vấn đề hàng Trung Quốc sẽ xảy ra.”

Ông nói, Việt Nam không nên đặt ra vấn đề chỉ tiêu tăng trưởng, mà cần quan tâm 2 khó khăn lớn, là “thị trường xuất khẩu và hàng Trung Quốc.”

Về nguyên tắc kinh tế, xây một cây cầu rồi phá cây cầu ấy đi đều làm tăng GDP. Đầu tư như vậy là phí phạm mà GDP vẫn tăng. Trong tương lai, nền kinh tế sẽ mang nợ và phải trả giá.

Chuyện đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã từng được một số chuyên viên kinh tế cho là không có ý nghĩa. Chẳng hạn, hồi tháng Năm vừa qua, tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên kinh tế cao cấp của Liên Hiệp Quốc, từng nhận định rằng đặt ra con số tạo nên tình trạng chạy theo chỉ tiêu:

“Khi đặt ra con số, thì phải chạy theo chỉ tiêu. Cuối năm, nếu không đạt được chỉ tiêu, người ta chi tiêu bằng mọi cách, chi tiêu từ ngân sách nhà nước, tăng tín dụng đầu tư vào khu vực nhà nước.

Về nguyên tắc kinh tế mà nói, xây một cây cầu rồi phá cây cầu ấy đi đều làm tăng GDP. Đầu tư như vậy là phí phạm mà GDP vẫn tăng. Trong tương lai, nền kinh tế sẽ mang nợ và phải trả giá.”

Giải pháp nào?
Trung Quốc, nền kinh tế phụ thuộc nặng vào xuất khẩu, cũng gặp đầy khó khăn do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Hàng hoá đã sản xuất, nay không bán được, sẽ dễ dàng tìm đường đi vào Việt Nam bằng cả 2 cách, chính thức và buôn lậu.

Việt Nam nên có biện pháp, chẳng hạn ban hành và thực thi có hiệu quả luật chống bán phá giá. Có thể có biện pháp kiện bán phá giá ra WTO nếu hàng hoá đó rẻ không thể giải thích. Những điều này hiện đang xảy ra tại Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh gợi ý một số giải pháp mà ông cho là có thể bảo vệ được nhà sản xuất Việt Nam hiệu quả hơn:

“Việt Nam nên có biện pháp, chẳng hạn ban hành và thực thi có hiệu quả luật chống bán phá giá. Có thể có biện pháp kiện bán phá giá ra WTO nếu hàng hoá đó rẻ không thể giải thích.

Những điều này hiện đang xảy ra tại Việt Nam. Thông tin cho biết, Trung Quốc sẵn sàng bán một màn hình tivi tinh thể lỏng giá rất rẻ, ô tô chỉ có giá 5 hay 6 ngàn Mỹ kim.

Tiếp theo là Việt Nam phải kiểm soát hiệu quả buôn lậu. Việt Nam đã và đang cố gắng nhưng khó có hiệu quả vì biên giới dài với địa hình phức tạp.”

Một biện pháp khác, mà tiến sĩ Doanh cho là biện pháp chủ yếu, đó là phát động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam:

“Một giải pháp khác, và là biện pháp chủ yếu: phát động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Hàng Việt Nam có chất lượng, có năng lực cạnh tranh, thì nhà nước có chính sách và biện pháp trợ giúp đặc biệt.

Với các biện pháp này thì Việt Nam có thể ngăn chặn những nguy cơ có thực chứ không phải tưởng tượng, và có thể bảo vệ nhà sản xuất Việt Nam hiệu quả hơn.”

Chuyên viên kinh tế không nêu tên nói rằng, hàng Trung Quốc tạo nên nguy cơ “tàn phá kỹ nghệ nội địa.”

Tại Hội Nghị Nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ cho Việt Nam vào ngày 4 và 5 tháng 12 tại Hà Nội, các thông tin cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2009 thấp hơn nhiều so với dự tính trước đây.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 5%. Đại diện của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á thì nói dự kiến 6,5% là cao so với bối cảnh toàn cầu. Thủ Tướng Việt Nam thì nói, 6,5% “có ý là trong điều kiện thuận lợi.”

Cũng thời điểm này, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định chính quyền Tokyo tạm ngừng mọi dự án ODA mới cho Việt Nam tới khi có kết luận cuối cùng về vụ hối lộ của công ty PCI cho quan chức Việt Nam.

Thông tin chúng tôi nhận được từ trong nước, là trước thời điểm Hội Nghị Nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ cho Việt Nam khai mạc tại Hà Nội, lệnh cấm báo chí đưa tin về tham nhũng trong các dự án ODA do Ban Tuyên Giáo Trung Ương chỉ đạo trước đây, được nhắc lại. Tuy nhiên, chỉ thị này đã bị gỡ bỏ vào phút chót, trước giờ khai mạc.