Home Tin Tức Thời Sự Một Con Chim Đầu Đàn Biệt Động Quân: Cố Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn

Một Con Chim Đầu Đàn Biệt Động Quân: Cố Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Văn   
Chúa Nhật, 07 Tháng 12 Năm 2008 15:18

NguoivietBoston

Từ 10 giờ sáng ngày Chúa nhật 23.11.08, chúng tôi cùng đại diện những thân hữu Biệt Động Quân đang cư ngụ tại Thủ Phủ Sacramento, cựu Trung Tá Đoàn Thi, cựu Trung Tá Nguyễn Thông và nhiều anh chị em khác, đã có mặt rất sớm tại hội trường của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị San Jose, ở đường số 10, nơi tổ chức lễ Truy Điệu Cố Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn.

Buổi lễ khai mạc lúc 11 giờ, trên hàng ghế danh dự, có qúy cựu tướng lãnh: Trung Tướng Lâm Quang Thi, nguyên Tư Lệnh BTL Tiền Phương Quân Đoàn I, Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia & Đặc Ủy Trưởng Trung Ương Tình Báo. Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm, Giám Đốc Nha Động Viên - Bộ Quốc Phòng, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thế Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại cùng rất nhiều vị đại diện của nhiều hội đoàn, báo chí ở miền Bắc Cali và một số thân hữu của gia đình Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn từ các tiểu bang xa cũng về tham dự.

Sau lễ chào Quốc Kỳ Mỹ Việt, đên phần nghi thức truy điệu cũng là trọng tâm của buổi lễ. Các chiến sĩ Việt - Mỹ trong đơn vi thiện nguyện của miền Bắc Cali với lễ nghi quân cách, bắn súng, kèn trổi bản chiêu hồn tử sĩ và lễ xếp kỳ trao lai bà quả phụ Nguyễn Thành Chuẩn thật trang trọng và cảm động.

Quan khách và đại gia đình LLĐB, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, các hội đoàn, thân hữu lần lượt lên thắp nén hương trước bàn thờ, cầu nguyện cho hương linh người quá vãng sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.

Những dòng tiểu sử, một sĩ quan ưu tú của QLVNCH, cố Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, cũng được Ban Tổ Chức xướng lên, mọi người tham dự xúc động, thương cảm và tiếc nuối cho người chiến sĩ can trường anh dũng và có học thức, đạo đức, nhưng luôn bị dang dở trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Thay vì ông đã đeo sao hơn là mang 3 mai bạc hàng nhiều năm dài cho đến ngày ông đi vào tù CS và ông cũng dang dở khi đi Pháp để thăm thân nhân và đột qụy khi ông vừa ra khỏi máy bay tại Paris ngày 21.10.08, dấn thân vào thế giới khác, hưởng thọ 79 tuổi.

Trong phần phát biểu cảm tưởng mà chúng ta cũng có thể xếp là phần điếu văn đọc trước hương linh người quá cố, có hàng chục điếu văn, của chiến hữu Trưởng Ban Tổ Chức (CH Lương Văn Ngọ), đại diện qúy vị tướng lãnh (Trung Tướng Lâm Quang Thi), đại diên Tập Thể Chiến Sĩ (Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh), đại diện Tổng Hội BĐQ (Trung Tá Đoàn Thi), đại diện Tổng Hội Cảnh Sát (CH Phan Quang Nghiệp), đại diện Hội HO San Francisco (CH Nguyễn Phú), đại diện Xây Dựng Nông Thôn (bà Hương Quế) và các đại diện Khóa 6 trường Võ Bị Quốc Gia VN, đại diện trường Võ Bị Quốc Gia VN, đại diện Hội BĐQ Bắc Cali, đại diện LLĐB, đại diện Nhảy Dù. Sau cùng đại diện gia đình cố Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn lên cảm tạ quan khách và thân hữu đến tham dự buổi lễ truy điệu vô cùng trọng thể này. Kết thúc chương trình lễ truy điệu cố Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, Ban Tổ Chức mời quan khách và thân hữu dự cơm chay với BTC và tang gia.

THỜI NGANG DỌC Ở VÙNG 4 CHIẾN THUẬT
Tôi hân hạnh được quen biết Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn vào năm 1964, khi đó ông đã là Thiếu Tá, còn tôi, người viết bài này, đang đeo lon Thiếu Úy. Chức vụ lúc bấy giờ, Thiếu Tá Nguyễn Thành Chuẩn Chỉ Huy Trưởng C4 Lực Lượng Đặc Biệt, tức là Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt Vùng 4 Chiến Thuật, một đơn vị mới được thành lập chính thức tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau cuộc đảo chánh 1.11.1963.

Vùng 4 Chiến Thuật với một lãnh thổ rộng lớn, thổ nhưỡng màu mỡ, phì nhiêu, một vùng đất hứa cho ngành nuôi trồng nông nghiệp và thủy sản nước ngọt. Vùng 4 Chiến Thuật còn được biết với cái tên đầy ấn tượng - vùng đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây trù phú - vùng đất mới, trẻ nhất của một đất nước Việt Nam mở rộng bờ cõi về hương Nam.

Vùng 4 Chiến Thuật bao gồm 16 tỉnh với 92 quận hành chánh. Tính từ Quốc lộ 4, lãnh thổ của tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) chạy dài xuống (cầu) bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống và chấm dứt ở mũi Cà Mau. Vùng biên giới của miền Tây, giáp đất nước - xứ Chùa Tháp, Camphuchia, dài trên dưới 200 kilômét từ địa phận Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang, chạy qua các tỉnh Châu Đốc, Kiến Phong và Kiến Tường.

Bộ Chỉ Huy C4 đóng tại sân bay Cần Thơ. Phi trường này, rất gần Bến Bắc Cần Thơ, là phi trường duy nhất ở Cần Thơ. Vào thời điểm đó, cũng có thể nói là cả Vùng 4 Chiến Thuật mới có 1 phi trường tương đối khá lớn là phi trường Cần Thơ. Phi trường Trà Nóc đang xây dựng cũng như sau đó, các tỉnh miền Tây đều có phi trường cở trung hoặc cở nhỏ để phục nhu cầu chiến tranh và giao thông.

Hơn 44 năm trôi qua, nếu nhớ không lầm, tôi diện kiến vị Chỉ Huy Trưởng C4 Thiếu Tá Nguyễn Thành Chuẩn, khi đơn vị ông vừa đến địa điểm này thiết đặt cơ sở làm việc mà mọi phương tiện đều do các đơn vị Hoa Kỳ cung cấp. Một Đại Úy Cố Vấn của Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn 4 (tôi làm Trưởng Ban) đưa tôi tới để làm quen với đơn vị mới rất quan trọng vừa mới được thành lập chính thức tại V4CT. Sau đó, với cương vị là sĩ quan Báo Chí của Quân Đoàn 4 nên tôi cũng có dịp theo vị Tư Lệnh QĐ4 đến dự lễ Ra Mắt tân đơn vị C4 - LLĐB.

Đây là một đơn vị hổn hợp Việt Mỹ, có những missions impossibles, trú đóng tại các địa điểm xung yếu, bốc lửa thường trực. Đơn vị C4 có hàng chục trại Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB), còn gọi là Trại Biệt Kích, đóng dọc theo đường biên giới vòng cung Miên-Việt từ Hà Tiên qua các tỉnh Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường thuộc lãnh thổ Vùng 4 Chiến Thuật.

Theo cách tổ chức các đơn vị biên phòng năm xưa, ở mỗi vùng chiến thuật có đơn vi LLĐB gọi là C, dưới C là B và dưới B là A. Nếu đơn vị A tương đương đại đội, đóng quân biệt lập tại một tiền đồn héo lánh và xung yếu nào đó, có nhiệm vụ ngăn chặn đường di chuyển, xâm nhập của các đơn vị VC từ ngoại biên vào lãnh thổ của V4CT hay vây hãm hoặc chặn ngay cửa ngõ của các mật khu VC. Có nhiều trại LLĐB, quân số đông tương đương với cấp tiểu đoàn Bộ Binh. Thời cao điểm của C4 hình như có 3 B và trên dưới 15 A, quân số tương đương với cấp Sư Đoàn cộng. Moị trang bị, phương tiện quân sự cũng như tiền lương đều do LLĐB Mỹ đài thọ qua hình thức này hoặc hình thức khác cho các chiến sĩ biên phòng. Ngoại trừ các cấp chỉ huy, cán bộ trong toán hỗn hợp Việt Mỹ thuộc QLVNCH đều phải theo chế độ lương bổng chung của Quân Đội…

Mỗi Trại – đơn vị A cũng như cấp B và C, số lượng cán bộ nòng cốt Việt Mỹ gần như tương đương nhau và các chiến sĩ được tuyển mộ trực tiếp chiến đấu là chiến sĩ không có số quân, đa số là người địa phương. Những chiến sĩ ưu tú cuả QLVNCH trong đơn vị chuyên môn tinh nhuệ LLĐB được huấn luyện đặc biệt cũng như trực thuộc quyền chỉ huy hàng dọc từ Bộ Tư Lệnh LLĐB đặt bản doanh tại Nha Trang và hàng ngang cấp Vùng Chiến Thuật. Hơn nữa, gần như mọi sự điều hành, tiếp tế, yễm trợ… các trại Biệt Kích đều do các chiến sĩ LLĐB Hoa Kỳ đảm trách. Còn về quân số, tuyển mộ và chỉ huy chiến đấu do các chiến sĩ LLĐB Việt Nam.

Các chiến sĩ LLĐB của Vùng 4 Chiến Thuật đã từng lập nhiều chiến công hiển hách cũng như làm tai mắt về tình báo, đã góp phần giữ vững sự an ninh toàn vẹn của lãnh thổ V4CT. Các trại Biệt Kích là nơi quy tụ đa số các cựu chiến sĩ QLVNCH vì ở các đợn vị xa nhà nên có người đào ngũ về gia nhập hàng ngũ Biệt Kích ở gần chỗ chôn nhau cắt rúng, tiếp tục chiến đấu chống cộng sản xâm lược. Đặc biệt là các cựu chiến sĩ thuộc lực lượng võ trang của Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây, có cơ hội chiến đấu tiêu diệt VC vô thần mà VC từng ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ của tôn giáo này vào năm 1947 tại Ba Răng Đốc Vàng- Đồng Tháp. Vì vậy, LLĐB Vùng 4 Chiến Thuật là nơi hội tụ nhiều chiến sĩ ưu tú nhất của ngành LLĐB trên toàn quốc.

CUỘC ĐỜI CỦA ĐẠI TÁ NGUYỄN THÀNH CHUẨN

Ông Nguyễn Thành Chuẩn, là con thứ trong một gia đình nền nếp, đạo đức, khoa bảng và khá giả. Ông sanh tại Vĩnh Long ngày 12 tháng 9 năm 1930, cha là bác sĩ Nguyễn Văn Hớn bị VMCS bắt và thủ tiêu năm 1945 nên gia đình Nguyễn Thành Chuân phải chạy lên Sài Gòn lánh nạn CS. Đây cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy người thanh niên trẻ tuổi có học thức, đổ bằng Tú Tài 2 (Baccalaurérat 2e Partie của Pháp) tình nguyện gia nhập vào học Khóa 6 Trường Võ Bị Quốc Gia VN – Đà Lạt.

Từ thập niên 60 trở về trước, ở miền Nam có một ngôi trường trung học nam sang trọng quý phái nhất, như dành riêng cho giới “quý tộc”. quyền thế, giàu sang nhất vào học. Đó là trường trung học Chasseloup Laubat, trên đường Hồng Thập Tự, gần vòng rào Dinh Độc Lập, do Pháp xây dựng trên một trăm năm. Sau đó, trường trung hoc này được đổi tên là trường Jean Jacques Rousseau (dịch theo Tàu là Lư Thoa - một triết gia nổi tiếng của nước Pháp) và Lê Quý Đôn cho mãi đến nay mà ông Nguyễn Thành Chuẩn đã xuất thân từ ngôi trường nổi tiếng này. Quốc Trưởng của xứ Chùa Tháp Kampuchia Norodom Sihanouk và nhiều hoàng thân quốc thích của đất nước Chùa Tháp cũng từng học và tốt nghiệp tại ngôi trường lịch sử này.

Thời điểm xa xưa đó, không phải ai thuôc gia đình giàu có là xin được vào học tại ngôi trường có một không hai ở miền Nam, thuộc địa của mẫu quốc Pháp. Người Việt Nam không có quốc tịch Pháp mà vào học được tại ngôi trường đó quả là chuyện quá khó khăn, ngoại trừ người học sinh đó phải thuộc dạng ưu tú, xuất sắc và có kèm thêm điều kiện ắt có và đủ là gia đình giàu có, danh giá, quyền thế…
Tôi có người bạn rất thân thuộc dân Bắc Kỳ di cư 9 nút, nói rằng, dân miền Nam các anh tình nguyện vào Quân Đội vì nghề nghiệp (carrière), giới sĩ quan dù là thời Pháp thuộc cũng thường thuộc gia đình giàu có, trí thức, khoa bảng chứ không phải như dân miền Bắc kể cả miền Trung (không phải thuộc địa như miền Nam mà là vùng đất bảo hô của Pháp), thời xa xưa đó vào lính với tiền lính tính liền vì kinh tế hơn nghề nghiệp. Ngoại trừ có các khóa tổng động viên như Khóa 1 Nam Định về sau, mới có người có học thức vào Quân Đội. Còn trước đó, ở miền Bắc và miền Trung, người ta váo lính sau lên sĩ quan, trình độ văn hóa rất kém nên bậc thang danh vọng xã hội giới kaki này còn bị xếp hạng thấp kém, khác xa với trong Nam…Chuyện nhận xét đúng sai đề cập ở trên, tùy mỗi người suy gẫm.

Thanh niên trai trẻ như Nguyễn Thành Chuẩn, trước thập niên 50 có mảnh bằng tú tài 2, “nói tiếng Tây như gió”, viễn ảnh tương lai tươi sáng đang mở rộng ra, nếu ông xin hay thi vào các trường nha, y, dược, hành chánh hay vào học ngành kỷ sư không phải là chuyện khó. Nhưng, người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Thành Chuẩn đã có quyết tâm tình nguyện vào Quân Đội và coi đây như là một nghề nghiệp của tuổi trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm, cọ sát với tử thần trên các chiến trường tứ Nam ra Bắc…

Ông Nguyễn Thành Chuẩn vào học K6 tại Đà Lạt vào tháng 10 năm 1951 và tốt nghiệp ra trường đúng 1 năm sau cũng tháng 10 năm 1952.

Cùng khoá với Thiếu úy Nguyễn Thành Chuẩn có thêm 5 sĩ quan nữa tình nguyện về phục vụ tại TĐ 3 Nhảy Dù, trong đó có Thiếu úy Phan Trọng Chinh, sau là Trung Tướng Phan Trọng Chinh. Năm 1952, chin quân nhân nòng cốt của Nhảy Dù, có Thiếu tá Phan Trọng Chinh, Đại Úy Nguyễn Thành Chuẩn, Trung úy Mã Sanh Nhơn. được thượng cấp giao nhiệm vụ thành lập và huấn luyện các toán Biệt Động Đội đầu tiên của QLVNCH, nhằm xâm nhập các vùng xa xôi hẻo lánh để thu tập tin tức tình báo và các đơn vị này là tiền thân của các toán Viễn Thám sau này.

BINH CHỦNG BĐQ GẮN CHẶT ĐỜI BINH NGHIỆP

Sau khi, huấn luyện và tổ chức ngành Biệt Động Đội không kéo dài thêm nữa, phải tạm chấm dứt và chính năm 1959 cũng là năm thành lập ngành Biệt Động Quân, Đại úy Nguyễn Thành Chuẩn, một trong những cán bộ nòng cốt đầu tiên đảm trách công tác đào tạo, huấn luyện các đại đội biệt lập BĐQ. Huy hiệu BĐQ là do Đại Úy Nguyễn Thành Chuẩn sáng tạo vẽ thành, với đầu cọp 13 răng và do Thiếu tá Phan Trọng Chinh trình chuyển lên thượng cấp và được chấp thuận là huy hiệu chính thức của binh chủng Biệt Động Quân, sử dụng cho đến ngày tàn cuộc chiến.

Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, Thiếu Tá Nguyễn Thành Chuẩn được thuyên chuyển về Vùng 4 Chiến Thuật đảm nhận vai trò Chỉ Huy Trưởng C4 Lực Lượng Đặc Biệt. Theo lời kể của bà quả phụ Nguyễn Thành Chuẩn với người viết bài này, sau khi rời chức vụ Chỉ Huy Trưởng LLĐB Vùng 4 Chiến Thuật, ông có về Vùng 2 Chiến Thuật cũng chỉ huy các trại Biệt Kích trước khi về đảm trách chức vụ Chỉ Huy Trường LLĐB Biên Phòng của Vùng 3 Chiến Thuật thời Trung Tướng Đỗ Cao Trí làm Tư Lệnh Quân Đoàn 3 &Vùng 3 Chiến Thuật.

Khi các trại LLBP biên phòng được chuyển sang Biệt Động Quân và Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn trở thành Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Vùng 3 Chiến Thuật, sau gọi là Quân Khu 3.

Theo một đoạn văn ngắn viết về Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, Chỉ Huy Trưởng BĐQ/QK3 (trang 240, Chiến Thắng An Lộc 1972 do cựu Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh – Austin, Texas chủ biên). Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn được (thượng cấp) chỉ định thay thế Đại Tá Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, trấn thủ An Lộc và tiếp tục càn quyét cộng quân quanh vùng. Nhưng, cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn sụp đổ 30.4.75, Đại Tá Lê Minh Đảo vẫn là Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB và ông đã thăng cấp lên tướng 1 sao và trước những ngày cuối cùng cuộc chiến, sau trận đánh lịch sử ơ Long Khánh Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo được thêm 1 sao nữa. Trong khi đó, Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn được thượng cấp bổ nhiệm chức Tư Lệnh Sư Đoàn Biệt Động Quân tân lập 101 vào ngày 1.4. 1975, nghĩa là cũng chuẩn bị được gắn sao, nhưng cuộc đời binh nghiệp của ông lại thêm 1 lần dang dở vì Sư Đoàn BĐQ 101 chưa thành lập xong, đến ngày mất nước 30.4.75. Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn đành vào tù gở lịch đếm thời gian đủ 13 năm và sang định cư tại Hoa Kỳ với diện HO vào năm 1991 tại thành phố San Francisco, miền Bắc California cho đến ngày ông ra đi miên viễn mang theo bao chuyện dở dang cuộc đời binh nghiệp của ông.

NIÊN TRƯỞNG NGUYỄN THÀNH CHUẨN - TẤM GƯƠNG DẤN THÂN CAO QUÝ.
So sánh với nhiều tướng lãnh trong QLVNCH, Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn là một cấp chỉ huy gương mẫu, uy dũng, thanh liêm, đạo đức và đặc biệt có học vấn đàng hoàng. Theo lời của cựu Trung Tá Đoàn Thi, đại diện Tổng Hội BĐQ phát biểu trong buổi lễ truy điệu. Khi Trung Tá Thi và Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn còn ở trong đơn vị TĐ3 Nhảy Dù với cấp úy, niên trưởng Nguyễn Thành Chuẩn thường dùng tiếng Pháp để giao dịch nên các quân nhân của tiểu đoàn này đặt cho ông cái nick name là Ông Tây con vì ông nói tiếng Pháp còn giỏi hơn ông nói tiếng Việt.

Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, một sĩ quan có kỷ luật, tác phong đạo đức, gương mẫu phục vụ hết mình cho Quân Đội và đất nước. Ông là mẫu người lý tưởng của một cấp chỉ huy trong Quân Đội, nhưng tài bất phùng thời, ông chưa được gắn sao trên bâu áo, trong khi đó nhièu bạn đồng khóa của ông đã có 2, 3 sao, thậm chi các khoá đàn em xa lắc cũng được gắn sao.

Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, một tấm gương cao qúy, thời có binh quyền hay lúc ở trong trại tù nghiệt ngã cộng sản và những năm tháng tỵ nạn ở Hoa Kỳ, Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn luôn tươi cười niềm nở, kính trên nhường dưới với mọi chiến hữu của ông. Người viết có dịp tiếp chuyện với ông hàng bao nhiêu chục lần, chưa hề thấy Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn có những cái cau mày, khó chịu hay gương mặt mất vui như chúng ta thường bắt gặp ở nhiều người khác. Về cách ăn mặc, chúng ta luôn thấy ông lúc nào cũng chững chạc, tươm tất. Theo lời Trung Tá Đoàn Thi, kể cả trong trại tù cộng sản, dù thiếu thốn, khổ cực trăm bề, dù áo quần mòn cũ, ông vẫn ăn mặc tươm tất, thắt centurion xanh đậm của QLVNCH và bi đông nước lủng lẳng bên mình. TT Đoàn Thi còn nói, ở tù VC lúc nào cũng bị đói và lao động cực khổ, ít có ai tránh được nét mặt đăm chiêu, buồn bã, nhưng niên trưởng Chuẩn lúc nào gặp anh em phe ta cũng tươi cười với dáng vẻ yêu đời. Có lần Trung tá Đoàn Thi hỏi “đại ca không đói hay sao mà lúc nào cũng thấy đại ca vui vẻ vậy”. Ông vừa nhún vai trông rất Tây vừa trả lời bằng nửa thứ tiếng Pháp và nửa tiếng Việt (thói quen của người miền Nam hồi thời xa xưa, có học chương trình giáo dục của Pháp nên nói thường pha chè Tây Ta cho đề huề): “ Phải se considérer comme ne pas mà sống”, nói theo thời nay, bất cần đời, cứ vui vẻ, thích nghi mà sống. Theo lẽ, niên trưởng Nguyễn Thành Chuẩn có cá tính đặc biệt này, ông sẽ còn sống lâu đến 100 tuổi mới phải. Đâu có ai ngờ, cuộc đời của niên trưởng Chuẩn cũng bị dang dở lần cuối vì chưa gặp thăm lại thân nhân ở Pháp quốc mà ông đã bị đột qụy vội ra đi nhanh chóng.

Một gương dấn thân đáng khâm phục của niên trưởng Nguyễn Thành Chuẩn, dù lớn tuổi, nhưng ông luôn tham gia mọi sinh hoạt của cộng đồng và đặc biệt các cuộc xuống đường chống cộng trước tòa TLS Việt Cộng ở San Francisco. Niên trưởng Nguyễn Thành Chuẩn, một trong những người tiên phong thành lập Hội HO San Francisco, Hội Trưởng Hội BĐQ Bắc Cali, Cố vấn Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại và niên trưởng Nguyễn Thành Chuẩn đương nhiệm Tổng Hội Trưởng BĐQ Hoa Kỳ trước khi ông được thuyên chuyển, đáo nhậm đơn vị mới, Vùng 5 Chiến Thuật.

Trong bài phát biểu của niên trưởng Đoàn Thi, người viết mượn phần kết của bài phát biểu này để kết thúc bài viết về niên trưởng Nguyễn Thành Chuẩn, một chiến sĩ đàn anh mà tôi luôn kính mến và ngưỡng vọng:

“Con người rồi ai cũng phải có một ngày xuôi tay nhắm mắt lìa đời, niên trưởng Nguyễn Thành Chuẩn phải theo quy luật này. Nhưng, những đức tính tốt đẹp , những tấm gương sáng của ông sẽ còn ở lại mãi mãi để soi rọi cho các thế hệ mai sau. Gia đình NT Chuẩn đã mất một người thân, Tổng Hội BĐQ mất một người anh cả và cộng đồng Người Việt hải ngoại mất một nhân vật chung lưng sát cánh đấu tranh hầu đem lại tự do dân chủ cho quê hương đất nước. tôi xin thay mặt cho Tổng Hội BĐQ và một số chiến hữu ở Sacramento thành thật chia buồn cùng gia đình và chúc Niên Trưởng an giấc Ngàn Thu”.

Sacramento 24.11.08