Biển Đông và chiến lược diều hâu của Trung Quốc |
Tác Giả: Dự Trần |
Thứ Bảy, 06 Tháng 12 Năm 2008 15:49 |
Diều hâu chỉ có thể nhượng bộ diều hâu chứ không thể nhượng bộ bồ câu. Với các nước ASEAN có tranh chấp trên Biển Đông, trừ phi họ cùng đứng lại với nhau, nếu không sẽ không phải là đối thủ đáng để Trung Quốc nhượng bộ. Từng bước thiết lập chủ quyền trên thực tế dù không có cơ sở pháp lý Tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông từ lâu đã là một lá bài ngửa. Từ năm 1947, họ đã xuất bản bản đồ địa giới và hải giới Trung Quốc trên Biển Đông với 11 "đường viền gạch nối). Từ 1953 trở lại đây thì 2 đường viền gạch nối trên Vịnh Bắc Bộ đã bị xóa đi, để lại bản đồ chính thức của Trung Quốc với 9 đường gạch nối (hình chữ U hay hình lưỡi bò). Mục đích của Quỹ là phổ biến ý thức và nâng cao kiến thức và khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu về tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, mặt biển và thềm lục địa, chuẩn bị các chứng cứ lịch sử và pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp sau này. Bằng con đường truyền thông và ngoại giao, vận động sự quan tâm và ủng hộ của dư luận quốc tế cho một giải pháp công bằng và hoà bình cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Theo Zou Keyuan thuộc ĐHQG Singapore thì các đường viền này không nhất thiết phản ánh quan điểm ban đầu của Trung Quốc về lãnh hải của nước này. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc phản ứng quyết liệt trước các động thái khai thác dầu khí của Việt Nam ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn thì có vẻ như tới giờ họ đã nghiễm nhiên coi toàn bộ diện tích mặt biển gói bằng 9 đường viền gạch đứt là lãnh hải của họ. Trung Quốc mạnh hơn hẳn Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng tranh chấp như Phillipine hay Malaysia. Đây là một sự thực rõ như ban ngày. Sự chênh lệch về sức mạnh kinh tế và quân sự, kèm theo các phản ứng rất chừng mực và đơn lẻ, từ các đối thủ ASEAN đã khiến Trung Quốc tùy ý vận dụng chiến lược diều hâu trên Biển Đông. Từ khoảng 20 năm đổ lại đây, họ đã sử dụng một công thức tổng hợp bao gồm (1) tấn công quân sự quy mô nhỏ (Việt Nam, 1988, Philippine, 1996, 1997), (2) đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng tranh chấp, (3) đe dọa bằng vũ lực (đối với ngư dân) hoặc sức ép kinh tế (với các tập đoàn dầu khí quốc tế) nhằm ngăn chặn các đối thủ tiến hành khai thác tài nguyên trong vùng tranh chấp, (4) chia rẽ các đối thủ bằng kinh tế và ngoại giao, và (5) tuyên truyền về chủ quyền và thái độ cứng rắn của họ đối với vấn đề Biển Đông trên toàn thế giới. Công thức này có mục tiêu hướng vào việc thiết lập chủ quyền trên thực tế (de-facto) trên vùng biển này. Đứng về phía Trung Quốc thì chiến lược này là tối ưu vì một mặt nó không biến Trung Quốc thành một gã đồ tể hiếu chiến, nhưng lại giúp họ từng bước lấy được Biển Đông trong khi tuyên bố chủ quyền của họ không hề có cơ sở pháp lý (de-jure). Đáng tiếc cho ASEAN là chiến lược này đang đạt được các thành quả ngoài sức mong đợi cho Trung Quốc. Chiến lược diều hâu trên Biển Đông Trung Hoa Cần nhớ rằng chiến lược diều hâu không chỉ được Trung Quốc sử dụng trên Biển Đông. Họ cũng đã từng sử dụng công thức này trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông Trung Quốc (East China Sea) với Nhật Bản. Tuy nhiên, kết quả của nó lại không giống như thành tựu mà nó đưa lại trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Trong cuộc tranh chấp với Nhật, Trung Quốc cũng đơn phương tiến hành thăm dò/khai thác trên vùng biển tranh chấp bất chấp sự phản đối quyết liệt của Nhật. Họ cũng thường xuyên đưa tàu chiến và tàu ngầm tới vùng biển này để dằn mặt hải quân Nhật Bản. Căng thẳng diễn ra đỉnh điểm vào cuối 2003 và đầu 2004, tới mức chiến tranh tưởng như đã cận kề. Từ tháng 8, 2003, chính phủ Trung Quốc đã ký xong các thỏa thuận khai thác với các công ty dầu khí Trung Quốc và nước ngoài như Royal Dutch/Shell và Unocal với trị giá lên tới nhiều tỉ Mỹ kim. Nhật lên tiếng phản đối vì cho rằng hoạt động khai thác này lấy cớ rằng rằng nó sẽ hút cạn nguồn dầu khí nằm sâu trong lòng biển thuộc về hải phận của Nhật. Trung Quốc bỏ ngoài tai phản ứng này của đối phương. Trước động thái của Trung Quốc, Nhật đã quyết định trả đũa. Họ đã đưa tàu thăm dò tới vùng biển tranh chấp từ tháng 7, 2004 để chuẩn bị đơn phương thăm dò và khai thác. Đương nhiên Trung Quốc đã quyết liệt phản đối và coi hoạt động này là vi phạm chủ quyền. Tuy nhiên, các phản ứng chỉ dừng lại ở mức ngoại giao và kinh tế. Khi cả hai bên đã bộc lộ thái độ sẵn sàng ăn miếng trả miếng, thì lối thoát duy nhất chỉ có thể là hợp tác khai thác – trừ khi họ sẵn sàng cho chiến tranh. Sau nhiều vòng đàm phán, tới tháng 6, 2008, Nhật và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận khai thác chung. Các khu vực khai thác chung được thỏa thuận đều nằm trên vùng giáp ranh giữa hải giới của hai nước, nhưng theo quan điểm của Nhật chứ không phải theo quan điểm của Trung Quốc (bản đồ 1). Rõ ràng là trong thỏa thuận này, đường ranh giới do Trung Quốc vẽ không có chút giá trị nào. Nhật Bản có thể phải nhượng bộ ít nhiều đứng từ lập trường của họ (thí dụ về quy tắc ăn chia trong hợp tác khai thác) nhưng lập trường của họ về ranh giới trên biển Đông Trung Quốc đã được giữ vững. Chiến lược diều hâu ở Biển Đông Trong thỏa thuận hợp tác với Nhật, hai bên đã cùng viện dẫn Công ước Quốc tế về Luật biển. Lập trường của họ khác nhau ở chỗ giải thích luật này như thế nào. Trong khi Nhật bản cho rằng phải sử dụng đường trung tuyến làm ranh giới thì Trung Quốc cho rằng phải sử dụng giới hạn thềm lục địa của nước này làm ranh giới. Cả hai cách giải thích này đều đã có tiền lệ, và vì thế tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không phải không có cơ sở. Trái lại, tuyên bố của họ về chủ quyền trên Biển Đông, với bản đồ chủ quyền gồm 9 điểm gạch nối lại hoàn toàn tùy tiện và không có cơ sở pháp lý. Hình lưỡi bò này xuất hiện trước cả Công ước Geneva về thềm lục địa (1958) và Công ước Quốc tế về luật biển (1982). Từ khi 2 công ước này ra đời, Trung Quốc vẫn không sửa lại bản đồ xác định chủ quyền của họ. Thiếu cơ sở pháp lý như vậy nhưng nước này đã rất thành công trong chiến lược tiến chiếm Biển Đông. Họ đã thành công trong mục tiêu chia rẽ các nước ASEAN có cùng tranh chấp. Họ cũng thành công trong việc dằn mặt ngư dân các nước láng giềng cũng như các tập đoàn dầu khí quốc tế muốn làm ăn với Việt Nam. Trung Quốc đã tổ chức thăm dò ở các vùng biển sát thềm lục địa (và nằm trong vùng đặc quyền) của Việt Nam. Gần đây nhất, sau nhiều năm tổ chức thăm dò, vào ngày 24 tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã công bố dự án khai thác dầu khí ở vùng nước sâu trên Biển Đông với trị giá lên tới 29 tỉ Mỹ kim. Tuyên bố này nhanh chóng trở thành tin trang nhất trên khắp thế giới[4]. Phần lớn các hãng tin quốc tế, khi đưa tin về dự án này đã không đả động gì tới thực tế là vùng biển này đang bị tranh chấp, và thực tế là Trung Quốc không hề có chủ quyền về mặt pháp lý ở đây. Lý do thành công của diều hâu Có ba lý do quan trọng để chiến lược diều hâu của Trung Quốc thành công ở Biển Đông: Một là các nước ASEAN như Việt Nam và Phillipine đã rất yếu trong việc đưa vấn đề tranh chấp này tới công luận quốc tế trong khi cỗ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc đã làm tốt việc kết nối Biển Nam Trung Quốc với chủ quyền của Trung Quốc. Vì thế, về mặt công luận quốc tế, Việt Nam và các nước ASEAN cùng tranh chấp ở Biển Đông không được ủng hộ - mặc dù lập trường của họ chính nghĩa hơn về mặt pháp lý. Thứ hai là các nước này đều phản ứng rất yếu ớt trước sự lấn át của Trung Quốc. Điều này có cơ sở thực tế là nếu đứng riêng biệt từng nước thì họ đều ở vào thế yếu xét cả về tiềm lực kinh tế và quân sự. Do ở thế yếu, họ không thể đưa ra những đe dọa khả tín nào ngay cả khi họ muốn. Thứ ba là mặc dù ở vào tình thế lép vế nếu đứng riêng lẻ, các nước ASEAN lại không hợp tác với nhau trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Thí dụ như Phillipine đã dễ dàng bị mua đứt để đồng ý ký thỏa thuận hợp tác song phương với Trung Quốc trong khi bỏ mặc Việt Nam sang một bên. Điều này phản ánh ba thực tế đáng buồn: (1) sức ảnh hưởng của Trung Quốc ăn quá sâu vào ASEAN, (2) thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông, (3) các chính phủ ASEAN trong từng thời điểm cụ thể đã tỏ ra thiếu viễn kiến. Bài học về cuộc tranh chấp của Trung Quốc với Nhật và thỏa ước hợp tác khai thác giữa hai nước này cho thấy Trung Quốc không phải không chịu nhượng bộ. Diều hâu chỉ có thể nhượng bộ diều hâu chứ không thể nhượng bộ bồ câu. Với các nước ASEAN có tranh chấp trên Biển Đông, trừ phi họ cùng đứng lại với nhau, sẽ không phải là đối thủ đáng để Trung Quốc nhượng bộ. Quỹ nghiên cứu Biển Đông, trong nỗ lực đem lại sự tin tưởng lẫn nhau và khả năng hợp tác giữa các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông, đã đề xướng các nước này gác qua một bên các tranh chấp về đảo/bãi đá trên ở Trường Sa để tập trung vào việc phân định một cách công bằng chủ quyền trên vùng biển này theo Công ước Quốc tế về luật biển. Có thể nói không ngoa rằng đây là một trong những cửa thoát hẹp, nếu không muốn nói là cửa thoát duy nhất, cho các nước nhỏ yếu trong ASEAN trong cuộc đối đầu với chiến lược diều hâu của Trung Quốc trên Biển Đông. |