Home Tin Tức Thời Sự Kinh tế Mỹ suy trầm, Việt kiều vẫn gửi tiền về nước

Kinh tế Mỹ suy trầm, Việt kiều vẫn gửi tiền về nước PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Long, phóng viên RFA   
Thứ Bảy, 06 Tháng 12 Năm 2008 03:36

2008-12-05

Bức tranh kinh tế Hoa Kỳ vẫn ảm đạm, với những dữ kiện kinh tế được nêu ra hôm thứ năm và có thể còn xấu hơn vào những ngày sắp tới.

Khởi đầu từ cơn khủng hoảng tín dụng cho vay mua nhà, thị trường tài chính thế giới thật sự chìm vào thời kỳ khó khăn với hàng loạt ngân hàng vỡ nợ, phá sản.

Hôm thứ năm chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke thỉnh cầu chính phủ hành động thêm nữa để cứu gỡ cuộc khủng hoảng địa ốc, chặn bớt đà tịch biên nhà cửa.

Nhà kinh tế của  Hoa Kỳ cho rằng phải như vậy mới phá vỡ được vòng luẩn quẩn tương tác, trong đó cuộc khủng hoảng địa ốc lôi kéo kinh tế Mỹ suy trầm sâu hơn nữa.
Hàng triệu người mất nhà

Năm nay đã có 2 triệu 250 ngàn ngôi nhà bị tịch biên, so với mức bình quân hằng năm dưới 1 triệu nhà, trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Đà khủng hoảng kéo theo khuynh hướng giảm chi của giới tiêu thụ.  Hoạt động  tiêu thụ của dân Mỹ chiếm khoảng 2 phần 3 sinh hoạt kinh tế Hoa Kỳ.

Thất nghịêp, khủng hoảng ngân hàng và đầu tư, và khủng hoảng địa ốc khiến người Mỹ không dám ăn tiêu nhiều nữa.

Công ty bán sỉ Costco, thừơng là một công ty làm ăn khá vào hàng đầu, vừa báo cáo con số giảm bán ít hơn nhiều so với dự kiến.

Hầu hết các công ty bán lẻ trong mọi thương xá, như Abercrombie & Fitch, Kohl, Macy’s đều báo cáo mức giảm hàng bán ra hơn 10%, chỉ trừ WalMart vẫn bán được nhiều hơn.
Tổng quát, lượng bán trong tháng 11 giảm 2,7%, theo cụôc thăm dò 37 công ty bán lẻ. Đây là con số thấp nhất kể từ 38 năm nay.
Thất nghiệp tăng cao

Số người cần trợ cấp thất nghiệp mới công bố đã giảm 509 ngàn so với 4 triệu 9 chục ngàn vào tuần trước, là con số cao nhất kể từ 26 năm nay.

Tuy có giảm song vẫn cao, chứng tỏ tình trạng việc làm còn nhiều khó khăn.  Tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 10 là 6,5%, cao nhất trong 14 năm.  Tỉ lệ này của tháng 11 được dự kiến sẽ là 6,8% khi con số được báo cáo trong ngày thứ sáu.

Giữa lúc đó thì các công ty lớn thu hút nhiều nhân công, hôm thứ năm, lại công bố sẽ cắt giảm hằng ngàn việc làm.  Công ty điện thoại và thông tin AT&T cho biết sẽ cắt 12 ngàn công việc.

Công ty hoá chất DuPont dự định giảm 2 ngàn 500 việc.  Công ty phụ tùng ô tô Haues Lemmerz giảm 1 ngàn 700 việc.

Nhiều công ty khác trong các ngành thông tin, năng lượng, thép, cũng chuẩn bị cắt giảm vịêc làm.   Giới phân tích dự đoán ngành công nghiệp Mỹ sẽ cắt thêm 320 ngàn việc trong tháng này, thêm vào con số đã giảm 1 triệu 200 ngàn của năm nay.

Đó cũng là hệ quả trong lãnh vực sản xuất, do cơn lốc xoáy địa ốc của Hoa Kỳ gây ra.

Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Ben Bernanke đề nghị chính phủ can thiệp vào thị trường địa ốc để chống lại những hệ quả này, theo những con số thống kê đã nêu.

Một số biện pháp do ông đề nghị bao gồm việc nới rộng điều kiện của chương trình giúp người sở hữu nhà trả được món nợ ngôi nhà theo túi tiền chật hẹp của họ.

Biện pháp khác trong kế hoạch đó là nới rộng điều kiện của một chương trình cho vay của chính phủ, cũng để giúp mọi người dễ trả nợ theo túi tiền của mình.

Thêm vào đó là kế hoạch của chính phủ mua lại hàng loạt những món nợ địa ốc mà chủ nhà trả chậm thời hạn, hay có nguy cơ bị tịch biên, sau đó cho chủ nhà vay lại theo các chương trình vừa nêu, cùng với kế hoạch bảo hiểm cho các món vay địa ốc.
Kiều hối vẫn chảy về VN

Tình hình kinh tế Mỹ như vậy, trong khi kinh tế ở châu Âu cũng không mấy khá hơn,  khiến người Việt trong nước không khỏi nghĩ tới lượng kiều hối gửi về. 

Nhưng tính đến tháng này, lượng kiều hối từ khắp thế giới gửi về vẫn nhiều hơn năm ngoái.  Và ngân hàng Nhà nước dự tính cả năm nay con số này có thể lên đến 8 tỉ đô la , nhiều hơn năm ngoái tới 2 tỉ rưỡi.

Riêng Sài Gòn là nơi có nhiều thân nhân nước ngoài hơn cả, kiều hối được gửi về tới 4 tỉ 400 triệu đô la, tính tới tháng 11 năm nay, trong khi cả năm ngoái con số này chỉ được 3 tỉ 600 triệu.

Ngoài lượng kiều hối từ thân nhân định cư, Việt Nam còn có khoảng 500 ngàn người lao động ở hơn 30 quốc gia và lãnh thổ ngoài Việt Nam.  Phần đông số người này dành dụm tới bảy tám muơi phần trăm thu nhập để gửi về nước. 

Trong khi đó, phần đông người Việt định cư ở nước ngoài cho biết số tiền gửi về thường xuyên cho thân nhân trong nước không thể giảm nhiều, dù họ có gặp khó khăn về kinh tế và đời sống.

Lý do là những món tài trợ định kỳ đó đã là nguồn nuôi sống thường xuyên cho người thân trong nước, dù thế nào cũng phải thắt lưng buộc bụng mà lo, không thể bớt đi.