Home Tin Tức Thời Sự Phiên Tòa Xét Xử Người Công Chính

Phiên Tòa Xét Xử Người Công Chính PDF Print E-mail
Tác Giả: JB Nguyễn Hữu Vinh   
Thứ Năm, 04 Tháng 12 Năm 2008 08:12

 

Những kẻ xịt hơi cay vào trẻ em và phụ nữ đêm 31/8/2008 tại Thái Hà được công an CSVN bao che.

 

Phiên toà nhỏ, sức vang lớn

Phiên toà ngày 8/12/2008 xét xử tám giáo dân với tội danh "Gây rối trật tự công cộng" và "phá hoại tài sản" là một phiên toà nhỏ. Tám giáo dân chỉ phá vỡ bức tường dài 3m bằng gạch đã cũ, và sau đó chính nhà nước đã phá bỏ đi. Trị giá tài sản bị phá chỉ đáng một bữa nhậu sơ sơ, bị cáo của phiên toà không nhiều.

 

Những bị cáo của phiên toà này chỉ toàn "công dân hạng hai", không thế lực, không "tiền lực" cũng như không có bất cứ sự chạy tội, chạy án hoặc che đỡ nào bởi các ô dù trong hệ thống nhà nước như vẫn thấy khá nhiều. Họ cũng không thuộc bất cứ băng nhóm, băng đảng xã hội đen hay xã hội đỏ nào. Nói chung, họ thuộc nhóm người muốn xử thế nào cũng được, xử sao chịu vậy mà thôi.

 

Vụ án này càng không thể so sánh so với những vụ án khổng lồ như vụ án băng đảng đen và đỏ của Năm Cam hay vụ án thuộc các quan chức to nhỏ của nhà nước được đảo ngược chiều như PMU18. Vậy, nó chỉ là phiên toà nhỏ, thậm chí rất nhỏ.

 

Sự đặc biệt ở đây chỉ vì đứng trước toà hôm đó, không phải là những quan chức tham nhũng tiền tỉ, không là những cán bộ một thời có chức có quyền thét ra lửa, ký ra tiền. Họ đơn giản chỉ là những giáo dân bé mọn và chân thật. Những giáo dân này, không có những tài khoản ngân hàng kếch sù, không có nhà đất la liệt, không có bất động sản nổi chìm. Đặc biệt, họ không có âm mưu chính trị giành quyền cướp chức hay lật đổ nhà nước. Họ chỉ là những người dân đơn sơ, thật thà sống và làm việc chân chính trong một nhà nước mà họ được tôn vinh là Chủ(?)

Những giáo dân này không phá hoại vì thù hằn hay thực hiện cướp đoạt, tội ác vì nhà nước thừa biết họ không có tâm địa đó. Họ cũng không cướp bóc tài sản của ai về cho gia đình để vinh thân phì gia mà họ chỉ vì công lý, sự thật.

Ở họ, chỉ có một điều mà hệ thống nhà nước này không mấy dễ chịu là lòng tin vào Thiên Chúa, Thiên Chúa của Tình Yêu và sự Sự thật, sự Công bằng ở họ thật tuyệt vời hơn là tin vào những quyết định, những chính sách của nhà nước. Điển hình là họ không tin những bằng chứng mà UBND TP Hà Nội đã đưa ra nhằm biện hộ cho việc chiếm đoạt đất đai của họ trước đây và những quyết định đi theo nó.

Về phương diện lòng dân, chỉ đơn giản, họ đã thể hiện một hành động quá sốt ruột sau 12 năm trời mỏi mòn chờ đợi cán cân công lý hoạt động trong một nhà nước dân chủ, pháp quyền. Cũng đơn giản là họ đã nghe theo tiếng nói của Nhà nước, không chấp nhận tham nhũng, chia chác khu đất mà họ xác định là tài sản của họ.

Nhưng, vụ án có sức thu hút mãnh liệt sự chú ý của dư luận nhân dân, đặc biệt là dư luận quốc tế. Cộng đồng quốc tế không thể không chú ý những diễn biến của vụ án này, khi mà những thông tin gần đến ngày xét xử càng nóng lên.

Dù cho hệ thống truyền thông có ra sức bằng cách nào để tô vẽ hay bóp méo như những vụ việc trước đây với giáo xứ Thái Hà và Toà Khâm sứ, thì những thông tin về những nạn nhân, những bị cáo, những tình tiết của vụ án cũng có sức lan toả ghê gớm.

Khó khăn nào sẽ đến với "nhà nước ta" khi xử những giáo dân này?

Trước hết, về phương diện pháp lý, đây là vụ án loại hình gì? Vụ án hình sự hay chính trị? Tất nhiên nhà nước đã bảo là vụ án hình sự rồi. Còn vụ án chính trị hoặc vụ án tôn giáo? Chẳng có đâu, ở Việt Nam làm gì có vụ án chính trị hoặc tôn giáo nào? Bởi nếu có, thì phải có tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo chứ? Nhà nước ta luôn tuyên bố ở Việt Nam không có tù nhân chính trị, cũng không có tù nhân tôn giáo, lương tâm, ở Việt Nam, chỉ có người vi phạm pháp luật phải đi tù mà thôi.

Khổ nỗi, báo chí nước ngoài và hệ thống thông tin trên mạng internet của người dân không coi là vụ án hình sự, bởi nếu là vụ án hình sự, thì những vụ này chỉ là "con muỗi" trong đầm lầy những vụ án hình sự hiện nay. Ở đó có đầy đủ các loại muỗi, vắt, ba ba thuồng luồng lổm ngổm, nhan nhản và ngông nghênh.

Hãy thử làm phép so sánh: 3m bức tường, trị giá chưa đến 3,5 triệu đồng (Chưa đầy 200$) bị phá bởi 8 người, như vậy mỗi người chịu trách nhiệm 25$. (Chưa đủ 500.000 đồng để khởi tố theo luật định. Ngay bức tường đó vẫn được người dân xác tín là của họ đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp nên đó là bức tường bất hợp pháp).

Trong khi, chỉ một cán bộ của đảng, chắc chắn phải xuất thân từ "thành phần cơ bản của giai cấp công nông" nói theo ngôn ngữ dân gian là phải "ba đời ăn củ chuối" mới mong được có cơ hội thăng tiến đến như ông Nguyễn Việt Tiến. Tài sản của ông sau một thời gian làm cán bộ đã được đánh giá qua câu này trên chính báo của nhà nước: "Trong số khá nhiều đơn tố giác gửi đến Cơ quan điều tra, có một người xưng là "Người xây dựng", làm ở Bộ GTVT cho biết: tổng tài sản của Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến và Nguyễn Việt Bắc đã lên tới khoảng 350.000.000 USD. Khoản tiền này do ông Tiến và "đệ tử" gom góp từ thời còn làm ở PMU18". (Báo Sài gòn giải phóng)

Với đồng lương công chức nhà nước hiện nay, thử xem có phép tiên nào để "gom góp" được khối lượng khổng lồ tài sản đó? Hay các cán bộ của nhà nước không tham nhũng, chỉ giỏi làm kinh tế?

Vụ án được khởi tố rầm rộ, báo chí vào cuộc ác liệt, bao nhiêu tài sản, những hành vi của ông Tiến được báo chí vạch ra, nhưng cuối cùng thì ông Nguyễn Việt Tiến lại đàng hoàng bước ra khỏi nhà tù, các nhà báo thi nhau vào ngồi tù (?) Cũng chẳng ai xác định số tài sản đó ở đâu ra? Làm sao có? Chắc họ nghĩ rằng mọi người đều đã hiểu nên không cần điều tra?

Nạn tham nhũng ở Việt Nam đã được coi là "Quốc nạn". Những phản ứng của cộng đồng dân chúng, của thế giới lo ngại về tham nhũng ở Việt Nam đến mức báo động đỏ từ lâu. Vụ PCI Nhật Bản gần đây cũng là những bằng chứng hùng hồn...

Nhưng "nhà nước ta" vẫn bình tĩnh, thậm chí có quan chức đã đề nghị báo chí Nhật Bản hạn chế đưa tin về vụ này? Câu chuyện đó đã làm trò cười cho thiên hạ, người ta nghĩ ông quan chức Việt Nam này lại muốn bê luôn hệ thống chỉ đạo báo chí xuất khẩu sang Nhật Bản.

Vậy, những vụ án với số lượng tài sản bị cướp đoạt, tham nhũng nặng nề, sao nhà nước lại không ưu tiên nhanh nhẹn như vụ 8 giáo dân Thái Hà hiện nay?

Nói về tội phá rối trật tự công cộng, hẳn người dân trong và ngoài nước chưa thể quên được vụ xịt hơi cay tại Linh địa Đức Bà tối ngày 31/8/2008 làm cả chục người bị ngất xỉu, trẻ em bị choáng phải đi cấp cứu. Tội ác rõ ràng, chứng cứ đầy đủ, biên bản lập ngay tại chỗ. Thủ phạm đã được xác định bằng hình ảnh, video, đơn từ đã kịp thời... Nhưng đến nay, vẫn chưa thấy hệ thống thực thi pháp luật vận động?

 

Cũng về tội phá rối trật tự công cộng, người ta vẫn nhớ hành động của đám đông quần chúng, được huy động cùng con nghiện tối 21/9 đến phá cổng đền Giêrađô và đe doạ, hò hét cả đêm đòi giết người. Chứng cứ rõ ràng, cũng có các cán bộ chính quyền, công an chứng kiến đầy đủ... Nhưng đến nay, chưa ai động tĩnh điều tra, hệ thống pháp luật chưa hoạt động?

Tại sao vậy? Phải chăng, bởi vì bị hại chỉ là những người công giáo, đám tu sĩ, những người không được xem là công dân? Tài sản của họ mặc sức phá, tính mạng của họ, nhân phẩm của họ được mặc sức phỉ nhổ và vùi dập?

Đó là câu hỏi khó cho nhà nước không phải ở trong các cuộc họp Quốc hội, hay ở các cuộc họp báo, mà là ở trong lòng dân. Trả lời họp báo hoặc ở Quốc hội vốn không dễ, nhưng trả lời cho lòng dân còn khó hơn bội phần.

Để xử một vụ án nhỏ nhưng trả lời được câu hỏi khó, nhà nước đã chuẩn bị công phu và bài bản cho vụ án.

Đánh giá về vụ án cỏn con này, người ta thấy rất rõ có nhiều hiện tượng không bình thường. Việc tổ chức điều tra, truy tố, bắt bị can như bắt giặc, ào ào như sôi.

Rồi ra cáo trạng sửa đi sửa lại đi lại mấy lần với bao công văn, giấy tờ... được ưu tiên làm "nhanh như làm dự án vườn hoa Nhà thờ" — câu thành ngữ mới của người dân Hà Nội.

Việc xét xử sắp tới cũng đầy những sự bất thường và bất ngờ: Nếu như vụ án Năm Cam, một nhóm xã hội gồm cả đen và đỏ, được nhà nước chuẩn bị địa điểm xét xử để có sức chứa nhiều trăm người khi biết sẽ có đông đảo dân chúng muốn trực tiếp tham gia. Trong khi vụ án này lại được dự kiến xử tận... tầng 4 của UBND Phường Ô Chợ Dừa, mà không phải là ở Toà án nhân dân. Dù chính quyền thừa biết rằng, vụ án "công khai" này sẽ được sự quan tâm của đông đảo nhân dân muốn dự phiên toà. Tôi cũng chưa rõ những ai sẽ vào được phòng xử để tham dự phiên toà "công khai" này.

Thậm chí có người thấy cách chuẩn bị xử ở tầng 4, người muốn tham gia đã phải làm đơn, thì đã đùa nhau rằng, vậy đâu chỉ có "công khai", mà còn thêm công... thối.

Khó khăn để xử mấy giáo dân thì không nhiều, có những vụ án còn lớn hơn gấp bội, vậy nhưng nhà nước đã huy động và xử vô tư. Những giáo dân này, đưa ra một phiên toà kết tội thì quá đơn giản.

Kết tội xong, nhà nước được gì?

Hậu quả của phiên toà này, ngoài các bản án mà các giáo dân sẽ phải chịu bằng những năm tháng tù đày, thì sẽ còn nhiều vấn đề sau đó.

Những người giáo dân hôm nay, không như những bị can, bị cáo khác ra trước toà là khóc lóc, ăn ăn... họ vẫn xác tín lẽ phải và công lý thuộc về họ, và họ sẵn sàng bước vào nhà tù như những người tự tin nhất.

Thời xưa, tôi được hệ thống truyền thông nhà nước nhồi đi nhồi lại về ý nghĩa của "nụ cười Võ Thị Thắng" trước toà với câu nói: "...tôi chỉ sợ chính quyền của các ông không tồn tại nổi đến khi tôi mãn hạn tù".

 

Nhìn những nụ cười, sự hồ hởi của những giáo dân hôm nay trước khi ra toà như bà Việt, Bà Dung, bà Hợi... tôi thấy trong họ có một niềm tin vững chắc: Niềm tin vào Thiên Chúa, Mẹ Công lý, Sự thật và Hoà Bình. Họ bất chấp tất cả để cho Công lý và Sự thật được tái hiện, họ sẵn sàng hi sinh như những chiến sỹ can trường cho điều họ tin.

Ngày đầu mùa Vọng Giáng Sinh, câu Kinh Thánh: Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Luca - Chương 21 — Câu 36) đang nhắc nhở họ phải sẵn sàng. Họ bị đưa ra xét xử trong ngày trọng đại - ngày lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Trong thẳm sâu tâm hồn họ, họ tin rằng đó là một dấu chỉ xác tín họ đang vô tội.

Trong câu chuyện Thái Hà đã qua, nhà nước đã phải vận công để huy động cả hệ thống chính trị, kinh tế, quân lực và cả đám quần chúng... để xây bằng được hai vườn hoa.

Nhưng tiếng nguyện cầu cho công lý vẫn không hề tắt. Từ một nhóm nhỏ, lời cầu nguyện đã lan rộng khắp hoàn cầu. Từ việc đòi lại khu đất mà công lý và sự thật bị chà đạp, giờ đây, việc cầu nguyện không chỉ là khu đất nữa, mà là Sự thật, Công lý, Hoà Bình. Phong trào đó không chỉ ở Thái Hà hay Hà Nội, mà đã lan rộng ra khắp Bắc Trung Nam và vượt biên giới quốc gia, lãnh thổ.

Trong vai nhà cầm quyền ta thử nghĩ xem: Nếu ngày mai một số giáo dân Thái Hà sẽ vào ngồi trong tù. Khi đó hẳn nhiên là lời cầu nguyện càng tha thiết hơn, vang lên bất cứ nơi đâu để cầu nguyện cho họ. Những tù nhân kia, họ luôn được yên ủi: "Tuy xa cách về thể xác, nhưng tôi vẫn ở với anh em về tinh thần, và vui mừng thấy anh em giữ hàng ngũ và vững tin vào Đức Ki-tô"( Thư Côlôxê - Chương 2- câu 5) họ sẽ vững tin đến ngày tự do.

Và cứ thế mỗi ngày, tiếng kêu cầu trong các nhà thờ luôn luôn nhắc nhở mọi người về những ngày đã qua, về những gì mà bóng tối đã làm với ánh sáng, những mưu mô chước quỷ đã thi thố? Thử hỏi lòng người dân biết bao giờ yên khi lời cầu nguyện sẽ không chỉ một tháng, hai tháng mà là hai năm, năm năm... đến khi anh chị em giáo hữu được tự do.

Cũng cần phải trả lời câu hỏi của Kinh Thánh: "Xin anh nhớ kỹ: Có ai vô tội mà phải tiêu vong? Có nơi nào người công chính lại bị huỷ diệt?" (Gióp - Chương 4 — Câu 7)

Mới hôm qua đây thôi, Trung Quốc đã chi một số tiền khổng lồ 30 tỷ đôla để khai thác tài nguyên của đất nước ta trên biển Đông. Ông Lê Dũng đã lại "lo ngại".

Khi đất nước đang đứng trước hoạ xâm lăng, ngoại bang đã rõ ràng lăm le bờ cõi, đất nước này, dân tộc này cần hơn bao giờ hết một sự đoàn kết để tạo sức mạnh. Vụ án này sẽ làm được gì cho điều đó, hay chỉ nhằm tạo thêm những "kẻ thù", những "thế lực thù địch" như các văn bản, nghị quyết nhà nước luôn nhắc tới?

Vụ án này sẽ có kết quả gì phải chăng là để "dằn mặt" đám giáo dân và tu sĩ hiện nay? Xin thưa, nếu vậy, những người chủ trương đã nhầm lớn. Với niềm tin không thể chuyển lay, các giáo dân và tu sĩ coi việc bị tù đày bắt bớ vì sự công chính là nguồn lực tiếp sức cho họ vững vàng hơn.

Nguyện cầu cùng Thiên Chúa toàn năng, hướng dẫn đường đi lối sáng cho những nhà cầm quyền để họ nhìn nhận được những gì tốt đẹp nhất không chỉ cho cá nhân họ, mà cho cả đất nước, dân tộc này.

Nguyện cầu cùng Thiên Chúa đầy lòng thương xót, xin hãy giúp những tín hữu đang chuẩn bị bước vào vòng tù tội vì lẽ công chính, để họ vững vàng trong mọi thử thách.

 

Với tôi, tôi vẫn tin rằng: Họ VÔ TỘI và thật "Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính vì họ sẽ được nước trời làm gia nghiệp (Mt.5,1-12).

 

Hà Nội, Ngày 3 tháng 12 năm 2008