Home Tin Tức Thời Sự Giai đoạn trăn trở và khai phá

Giai đoạn trăn trở và khai phá PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC NEWS   
Thứ Tư, 03 Tháng 12 Năm 2008 05:23

GS Đặng Phong

GS Đặng Phong là tác giả cuốn Tư duy Kinh tế Việt Nam 1975-1989

Thực trạng kinh tế-xã hội Việt Nam một lần nữa được giới chuyên gia đưa ra thảo luận trong Hội nghị Quốc tế về Việt Nam học lần thứ ba tổ chức từ 4-7/12 tại Hà Nội.

Giáo sư kinh tế Đặng Phong là người đã dày công nghiên cứu quá trình đổi mới kinh tế trong nước.

Ông vừa cho ra cuốn sách 'Tư duy Kinh tế Việt Nam' nói về những năm tháng bước ngoặt trong cuộc cải cách kinh tế dẫn tới đổi mới toàn diện ở Việt Nam.

 

Đài BBC đã có cuộc nói chuyện với GS Phong:

Giáo sư Đặng Phong: Theo dõi về kinh tế VN sau 1975, có thể thấy những bước chuyển biến và thăng trầm đáng kinh ngạc. Sau khi tìm hiểu kỹ các tài liệu và gặp các nhân chứng lịch sử thì tôi thấy rằng ở đây tư duy kinh tế đã quyết định chính sách kinh tế.

Mà chính sách kinh tế thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của VN. Rất nhiều thăng trầm của VN là lệ thuộc vào tư duy kinh tế. Do đó tôi quyết định chọn chuyên đề 'Tư duy Kinh tế VN'.

Không phải chỉ mình tôi làm chủ đề này, nhưng tôi có một cách tiếp cận khác.

Nói chung ở VN, khi viết về các chủ trương chính sách, các nhà chính trị và các ý tưởng của họ, người ta thường hay quá thận trọng. Thận trọng tới mức gần như không thấy sự thật nữa.

 

BBC: Thưa ông, khi viết về chủ đề Tư duy Kinh tế, ông có gặp khó khăn gì không ạ?

Giáo sư Đặng Phong: Không chỉ khi đề cập tới tư duy kinh tế, mà tư duy trong các lĩnh vực khác, đều gặp khó khăn như nhau.

Khó khăn nhất là tư liệu không đầy đủ vì các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước thì nói rất chung chung và lại hay nói nước đôi.

Thường một văn kiện hàng trăm trang chỉ có một vài câu nói ra một ý tưởng mới.

Thí dụ, một mặt nói chống bảo thủ trì trệ, mặt khác lại nói chống chủ quan nóng vội, thì có Trời mới biết văn kiện đó định nói gì.

Thường một văn kiện hàng trăm trang chỉ có một vài câu nói ra một ý tưởng mới.

Một yêu cầu khác nữa là tôi phải gặp được các nhân vật quan trọng, những người đưa ra hoặc tham gia đưa ra những ý tưởng mới đó. Trong chỗ riêng tư thì các vị ấy có thể chia sẻ với tôi.

Rồi các cuốn hồi ký của các lãnh đạo và chuyên gia cũng là một nguồn tư liệu để tìm hiểu việc hình thành các ý tưởng.

Công cuộc "phá rào"

BBC: Thưa ông có thể đánh giá sự biến chuyển trong tư duy kinh tế VN thời gian mà cuốn sách bao trùm ạ?

Giáo sư Đặng Phong: Thời kỳ 1975 - 1989 là một quãng thời gian không dài nhưng vô cùng quan trọng, là giai đoạn bước ngoặt đối với sự hình thành một hệ thống chính sách.

Đó là 14 năm trăn trở, có những lúc lầm đường lạc lối, có những đoạn đầy chủ quan tin tưởng nhưng rồi vấp phải thực tế phũ phàng.

Trong thời gian đó đã hình thành nhiều hướng suy nghĩ khác nhau.

Duy trì mô hình cũ thì không được vì thực tế cưỡng lại, mà không duy trì thì lại gặp húy kỵ là như thế thì phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH. Đó là trở ngại rất lớn đối với tâm lý chính trị ở VN.

Nhưng chính cuộc sống nó mở ra những khả năng và chính những người trong cuộc ở địa phương, ở cơ sở đã tự phát tìm ra con đường cho mình, hiện tượng mà chúng tôi gọi là "phá rào".

Thoạt đầu nó chưa phải tư duy kinh tế gì lớn, mà chỉ là sự tìm tòi, khai phá. Và khi nó thành công thì người ta bừng tỉnh rằng, như thế này không phải chống CNXH mà vẫn giải quyết được những vấn đề cho đời sống.

Và từ đó, hình thành kinh tế hộ trong nông nghiệp, kinh tế tư nhân trong công nghiệp, cơ chế giá thị trường trong mua bán... những điều bây giờ là bình thường thì hồi đó đầy húy kỵ và phải qua bao day dứt, giằng co mới đến được.

Đặc tính Việt Nam

Giáo sư Đặng Phong: Trong chặng đường mà tôi nói ở trên, có người đi nhanh, có người đi chậm. Có người nhanh về mặt này nhưng lại chậm về mặt kia.

 

Đồng lúa VN

 Ở nước nào cũng vậy, chính sách luôn luôn cần phải điều chỉnh. Thực tế cuộc sống sẽ chỉ ra cái gì đúng, cái gì không.

Nhưng trên con đường đó, cả đất nước đã đến một bến bờ mới.

Chặng đường đó rất hay ở chỗ tất cả đều thắng lợi và không có ai thất bại vì tất cả phải chiến thắng chính mình để cùng nhau đi tới một sự đồng thuận.

 

Đó là một đặc điểm lớn của Việt Nam. Công cuộc đổi mới ở VN gian nan vô cùng nhưng không có thanh trừng, không có đấu đá nội bộ như ở Liên Xô, Trung Quốc.

Kể cả những người bảo thủ nhất, thí dụ như ông Trường Chinh đã từng kịch liệt chống lại cơ chế khoán ở Vĩnh Phúc thì sau mười năm lại chính ông tích cực ủng hộ khoán ở Hải Phòng.

 

Đó là bước mở đầu để Trường Chinh có những bước đột phá, chuẩn bị cho Đại hội Đảng VI mà ông là tác giả văn kiện có đổi mới kinh tế nhiều thành phần, có kinh tế mở...

Không ai khác ngoài ông Trường Chinh đã chiến thắng chính mình để trở thành một trong các tác giả của đổi mới ở VN.

 

BBC: Trong cuốn sách 'Tư duy Kinh tế Việt Nam', ông có nhắc tới nhiều nhân vật lịch sử và có nhiều ý kiến tạm gọi là chỉ trích. Khi viết về các nhân vật như vậy, ông có quan ngại gì không ạ?

 

Giáo sư Đặng Phong: Tất nhiên là có quan ngại, nhưng tôi có cách của tôi để vượt qua những húy kỵ đó.

Tôi đã gửi tặng cuốn sách cho nhiều nhà lãnh đạo, và chưa thấy phản ứng nào.

Mới vỡ lẽ ra rằng đó là các húy kỵ ảo, nhiều người nghiên cứu ở VN sợ không dám "chê" lãnh đạo, chỉ ca ngợi một chiều mà thôi. Thực ra giới nghiên cứu có thể nói tới các lãnh đạo và sai lầm của họ, với điều kiện phải công bằng và đầy đủ.

Hoàn cảnh lịch sử như thế nào thì dễ dẫn tới các quyết định như thế đó. Không có chính sách nào đúng 100%, có sai thì sửa, đó là điều cần rèn luyện cho cả xã hội.

Công cuộc đổi mới ở VN gian nan vô cùng nhưng không có thanh trừng, không có đấu đá nội bộ như ở Liên Xô, Trung Quốc.

Ở nước nào cũng vậy, chính sách luôn luôn cần phải điều chỉnh. Thực tế cuộc sống sẽ chỉ ra cái gì đúng, cái gì không.

Kể về các sai lầm, nhưng không với một ác ý.

Thí dụ khi nói về ông Lê Duẩn và các chủ trương làm chủ tập thể, xây dựng cấp huyện... thì rõ ràng đó là các sai lầm gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Nhưng tôi vẫn kính trọng ông Duẩn là một nhà tư duy lớn, còn những gì sai thì sau đó phải sửa, có gì là xúc phạm đâu?

Tôi cũng phỏng vấn nhiều nhân vật rất có uy tín trong xã hội về đánh giá của họ. Khi ông Nguyễn Văn Trân, nguyên bí thư TW Đảng, một nhà kinh tế được kính trọng, nhận xét rằng cuộc cải tạo công thương nghiệp do ông Đỗ Mười tiến hành là hấp tấp, thì không ai nói gì.

Nếu riêng tôi nhận định như vậy, thì chắc là không được.

 

Yêu cầu mới

BBC: Thưa ông, như đánh giá trong cuốn sách của ông, thì các thay đổi tư duy kinh tế của VN đều là do thúc đẩy nội tại. Vậy trong thời kỳ mới này, liệu sẽ có những nhu cầu mới để chúng ta thay đổi kinh tế một lần nữa hay không ạ?

 

Giáo sư Đặng Phong: Tôi tin là có. Nước Việt Nam ngày nay đã thay đổi với giai đoạn trước.

Chúng ta đã một lần khốn khổ vì các húy kỵ rồi nên người VN nay đã thực dụng hơn. Không phải đợi 15-20 năm mà chỉ cần một năm thôi, nếu thấy có vấn đề nảy sinh người VN có thể tìm cách giải quyết được.

Không đến nỗi phải chờ đợi, đắn đo qua nhiều lần Đại hội mới có thể đưa ra quyết sách.

Con đường từ Đại hội IV đến Đại hội VI mà xảy ra ngày nay ở VN thì chắc chỉ mất từ một đến hai năm.