Home Tin Tức Thời Sự Nato sẽ nối lại quan hệ với Nga

Nato sẽ nối lại quan hệ với Nga PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC NEWS   
Thứ Ba, 02 Tháng 12 Năm 2008 14:30

 

Xe tăng của quân Nga

Quan hệ hai bên xấu đi vì cuộc chiến Nam Ossetia

Tổng thư ký Nato nói khối này đã thống nhất sẽ "nối lại quan hệ dần từng bước và có điều kiện" với Nga.

Ông Jaap de Hoop Scheffer nói đối thoại với Moscow, vốn bị ngừng trệ vì cuộc chiến với Gruzia hồi tháng Tám, sẽ được triển khai trở lại.

Ủy hội Nato-Nga hiện chưa được khôi phục, nhưng ông Tổng thư ký cho hay sẽ có các cuộc hội đàm cấp thấp hơn.

Các ngoại trưởng Nato hiện đang họp tại Brussels cũng nhắc lại ủng hộ cho việc Gruzia và Ukraina gia nhập khối này trong tương lai.

Tuy nhiên Nato còn chia rẽ sâu sắc trong chủ đề này và chưa đưa ra cho hai nước trên kế hoạch hành động bắt buộc trước khi gia nhập khối (MAP).

Moscow phản đối mạnh mẽ kế hoạch tham gia Nato của hai nước này, và một số quốc gia như Đức, Pháp và Ý, lo rằng việc chuyển kế hoạch MAP cho Gruzia và Ukraina sẽ khiến Nga giận dữ.

Thay vì đó, các bộ trưởng khuyến khích Tbilisi và Kiev theo đuổi các cải cách cần thiết để có thể gia nhập khối trong một thời điểm chưa xác định.

Một ngày, Gruzia và Ukraina sẽ trở thành thành viên Nato, tất nhiên nếu họ muốn như vậy, khi mà họ đạt các tiêu chuẩn của Nato.

Tổng thư ký Nato Jaap de Hoop Scheffer

Ông De Hoop Scheffer nói rằng tất cả các quyết định trước đây mà lãnh đạo các nước Nato đưa ra về Gruzia và Ukraina vẫn còn có hiệu lực.

Ông nói: "Điều đó có nghĩa một ngày hai nước này sẽ trở thành thành viên Nato, tất nhiên nếu họ muốn như vậy, khi mà họ đạt các tiêu chuẩn của Nato".

Phóng viên BBC Caroline Wyatt tại Brussels nói chắc chắn chưa có nước nào được nhận thẻ thành viên trong tương lai gần, và họ chỉ có thể trông đợi vào một sự hỗ trợ có giới hạn.

'Phức tạp'

Các bộ trưởng Nato chưa khôi phục lại hoạt động của Ủy hội Nato-Nga, nhưng ông De Hoop Scheffer cho biết họ thống nhất nối lại hội đàm cấp thấp hơn.

Ông nói: "Ủy hội Nato-Nga sẽ họp một cách không chính thức để nối lại quan hệ và thảo luận về những chủ đề đã được đồng ý từ trước. Và tôi cũng muốn nói thêm rằng sẽ có cả các chủ đề hai bên không đồng ý với nhau".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice trong kỳ họp Nato cuối cùng của mình đã nhấn mạnh rằng không phải "mọi chuyện đã bình thường" và bà vẫn cho rằng hành động của Nga tại Gruzia hồi tháng Tám là "không thể chấp nhận được".

Bà Rice nói thêm: "Chúng ta không nói về ganh đua, xung đột và thống trị, mà nói về hợp tác trong một khuôn khổ bình đẳng về mặt quốc tế, cho dù các quốc gia có thể từng nằm trong Liên Xô trước kia."

Đại diện thường trực của Nga tại Nato, Dmitry Rogozin, đã hoan nghênh quyết định của các ngoại trưởng và nói Nga sẵn sàng đối thoại.

"Hiện rõ ràng là Nato đã phải chấp nhận thực tế mà Nga đưa ra."

Hàng ngàn lính Nga vẫn còn đóng tại các khu vực nổi loạn của Gruzia - Nam Ossetia và Abkhazia.

Rõ ràng là Nato đã phải chấp nhận thực tế mà Nga đưa ra.

Đại diện Nga tại Nato Dmitry Rogozin

Hôm thứ Ba, Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili cảnh báo phương Tây không nên "nối lại quan hệ như thường" với Nga mà không tính đến hành động của Nga tại Gruzia.

Trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal, ông Saakashvili viết: "Nếu quốc tế phản ứng không cứng rắn, Moscow sẽ tiếp tục vẽ lại bản đồ khu vực bằng các hành động khiêu khích hoặc bạo lực".

Không có đường tắt

Nato vẫn đang chia rẽ quan điểm về cuộc xung đột hồi tháng Tám và phải ngừng các cuộc tranh luận nóng nảy giữa các thành viên để có thể đưa ra quyết định.

Trong khi Hoa Kỳ và các thành viên Nato mới như các nước khối Hiệp ước Warsaw cũ, muốn xích lại gần Gruzia và Ukraina, trong khi các quốc gia khác như Đức và Pháp lo làm Nga tức giận.

Nato cũng không muốn Nga nghĩ rằng Moscow có tiếng nói phủ quyết trong việc nước nào gia nhập khối này.

Cuộc chiến vừa qua cũng làm nảy sinh câu hỏi liệu Gruzia, với lãnh thổ còn đang bị tranh chấp tại nhiều nơi và tình hình chưa ổn định, đã sẵn sàng cho chiếc thẻ thành viên hay chưa.

Trong khi đó dân Ukraina lại còn đang phân vân về việc gia nhập khối.

Các phóng viên cho rằng các thành viên hội nghị Brussels đang cố gắng để các bất đồng quan điểm không trở nên quá trầm trọng.