Home Tin Tức Thời Sự Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam lần thứ nhất ở Paris.

Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam lần thứ nhất ở Paris. PDF Print E-mail
Tác Giả: DCVOnline – Tường trình từ Paris   
Thứ Ba, 02 Tháng 12 Năm 2008 00:56

Vào cuối tuần qua, một diễn đàn doanh nhân Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên tại Paris đã thu hút được khoảng 250 người đến tham dự.

Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam lần thứ nhất (1st World Vietnamese Business Forum) đã được một số doanh nhân Pháp gốc Việt tổ chức, dưới sự bảo trợ của Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam, Phòng Công nghiệp thương mại Paris và Hội đồng vùng Ile de France.

Tuy số người đăng ký tham dự được in trong danh sách là 313, nhưng số người tham gia Diễn đàn thật sự giao động từ khoảng trên 250 trong buổi sáng ngày 14 xuống còn khoảng gần 150 người vào buổi lễ bế mạc chiều 15/11.

Không chỉ có các doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước, một số doanh nhân Pháp và vài nước châu Phi mà còn có cả các nhân viên sứ quán Việt Nam cũng như một số giáo sư giảng dạy trong các trường đại học cũng có mặt.

Đề tài thảo luận nhóm trong buổi chiều ngày 14 và sáng ngày 15 dàn trải trên rất nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, thị trường đầu tư đến ngân hàng, bảo hiểm, tài chính và cả giáo dục, thông tin…, trong khoảng thời gian rất hạn chế.

Tiềm lực kinh tế của Việt kiều.

 

Ông Phạm Gia Huyên, trưởng ban tổ chức diễn đàn. Nguồn: DCVOnline

Ông Phạm Gia Huyên, một doanh nhân Pháp gốc Việt, trưởng ban tổ chức diễn đàn trong diễn văn khai mạc cho biết một trong bốn lý do để ông tổ chức ra Diễn đàn này là do tiềm năng kinh tế của Việt kiều, nhất là giới doanh nhân sống trên thế giới rất lớn, khoảng 1600 tỷ USD và số tiền chuyển vào VN hàng năm lên đến 7 tỷ USD. Ông cho rằng “chỉ cần một số ít đầu tư vào Việt Nam” là đủ để kinh tế Việt Nam phát triển.

Điều này cũng được thứ trưởng bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định trong buổi lễ khai mạc:

“Với mong muốn tập hợp các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào thành đạt, có năng lực, vị trí và uy tín nhằm củng cố và phát huy sức mạnh, liên kết các cá nhân và tập thể trên nhiều địa bàn trên tinh thần của nghị quyết 36 Bộ Chính trị Đảng CSVN, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan trong nước thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài”

Cũng trong bài phát biểu, ông Sơn cho rằng chính quyền Việt Nam đang có những chính sách “ngày càng thông thoáng thuận lợi, pháp luật đầu tư nước ngoài và các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài được ban hành đã tạo môi trường pháp lý đồng bộ cho các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, ngay sau đấy, một doanh nhân Pháp gốc Việt, ông Hoàng Chúc, chủ tịch công ty MI29 đã nhận xét rằng môi trường đầu tư ở Việt Nam là “rất phức tạp”.

Làm ăn ở Việt Nam – “coi dzậy mà hổng phải dzậy”.

Ông Chúc kể lại rằng ông có một dự án làm ăn tại Việt Nam, sau khi gặp gỡ và làm việc với các quan chức từ Thủ tướng trở xuống, ông đã đem dự án đấy sang thực hiện ở … Cambodia.

Cũng theo ông Chúc, khi đến Việt Nam, ông luôn được nghe đến “những lý tưởng rất cao cả, những dự án cực kỳ lớn” nhưng lại không có tính khả thi. “Ở Việt Nam có rất nhiều quan chức, nhưng không có ai quyết định cả tuy là ai cũng nói ủng hộ”, và theo ông, điều này hoàn toàn khác với cung cách làm việc của Thái Lan.

Về phía các quan chức Pháp thì có Chủ tịch Hội đồng vùng Ile de France, ông Jean Paul Huchon và ông Pierre Simon, chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Paris tham dự lễ khai mạc.

Nhiều người ngỏ ý tiếc khi ông Jacques Attali, một nhân vật cao cấp và đang lên trong chính phủ Pháp, Thượng nghị sĩ cánh tả đảng Xã Hội, có tên trong danh sách khách mời khai mạc nhưng đã không có mặt.

 

Số người tham gia Diễn đàn thật sự giao động từ khoảng trên 250 trong buổi sáng ngày 14 xuống còn khoảng gần 150 người vào buổi lễ bế mạc chiều 15/11. Nguồn: DCVOnline

Tuy nhiên, cựu thủ tướng Pháp, Thượng nghị sĩ cánh hữu đang suy yếu thuộc đảng cầm quyền UMP, Jean Pierre Rafarin đã có mặt trong buổi bế mạc và đọc tham luận “thành lập mạng lưới, động lực hợp tác và trao đổi”.

Bài tham luận của ông cựu thủ tướng đang lăm le đòi tách nhóm làm việc trong chính phủ Pháp này ca ngợi chính phủ Việt Nam hết lời trong vấn đề tạo môi trường hợp tác - đầu tư và không đề cập gì đến hậu quả của Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu về Hiệp ước đối tác và hợp tác mới giữa Liên Âu - Việt Nam và vấn đề Nhân quyền vừa thông qua hôm 22/10/2008 tại Strasbourg.

Trong buổi bế mạc Diễn đàn, những người có mặt đã phải bật cười khi Luật sư Gérard Ngô đã phát biểu rằng “trước đây tôi luôn hiểu rằng cái gì không được phép thì bị cấm, nhưng bây giờ tôi đã hiểu rằng cái gì không được phép thì cũng có thể thực hiện được, hay ít nhất là thương lượng được” khi nói về luật lệ của Việt Nam. Ông Ngô cũng nhận xét về độ chính xác của các văn bản pháp lý của Việt Nam là “còn mập mờ”.

Ông Phạm Gia Huyên cho biết sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam định kỳ hàng năm.

Một dược sĩ ở Montreal, Canada, Ông Hoàng Ngọc Bảo, chủ tịch phòng thương mại Việt Nam tại Canada, trong tinh thần phấn khởi cũng đã cố gắng trình bày bằng tiếng Pháp trước cử toạ rằng ông sẽ cùng bắt tay và đứng bên ông Phạm Gia Huyên trong Diễn đàn lần thứ Hai vào năm sau.

Tuy thế, không thấy các tờ báo lớn của Pháp đưa tin hay bình luận gì trong những ngày diễn ra Diễn đàn.