Bắc Kinh áp đặt quan điểm trên hồ sơ Tây Tạng |
Tác Giả: Đức Tâm (Trangden) |
Thứ Bảy, 29 Tháng 11 Năm 2008 13:30 |
Bắc Kinh chống đối kịch liệt cuộc tiễp xúc giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và tổng thống Sarkozy
Việc Bắc Kinh hoãn hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Châu Âu vì hồ sơ Tây Tạng cho thấy rõ là trong quan hệ đối ngoại, Trung Quốc ngày càng quyết áp đặt quan điểm của mình. Cho đến nay, hồ sơ Tây Tạng đã từng làm cho Bắc Kinh nổi giận, dời lại hoặc hủy bỏ các cuộc đàm phán, gặp gỡ, viếng thăm với nước ngoài. Cách nay gần một năm, Bắc Kinh đã không hoan nghênh chuyến viếng thăm Trung Quốc của bộ trưởng Tài chính Đức, Peer Steinbruck, sau khi thủ tướng Angela Merkel tiếp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, Trung Quốc đã có thái độ quyết liệt, cứng rắn, đơn phương hủy bỏ một hội nghị thượng đỉnh với châu Âu, dự kiến tổ chức vào ngày 01/12/2008 tại thành phố Lyon, Pháp. Lý do mà Trung Quốc đưa ra là tổng thống Pháp sẽ gặp đức Đạt Lai Lạt Ma, vào đầu tháng 12 tại Ba Lan. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Marc Lebeaupin phân tích :
« Tổng thống Pháp là người duy nhất phải chịu trách nhiệm trong vụ này. Đó là điều mà người ta có thể đọc được trên các tờ báo chính thức tại Trung Quốc ngày hôm nay. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã liên tục trích dẫn thông cáo của bộ ngoại giao. Theo đó, ‘’chính phủ và nhân dân Trung Quốc rất bất bình’’ khi được tin tổng thống Pháp dự kiến gặp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng. Đó là một sự vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Bản thông cáo của bộ ngoại giao Trung Quốc có nêu ra cuộc gặp giữa các lãnh đạo châu Âu với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng đặc biệt nhắc lại lời cảnh báo trước đây nhắm vào tổng thống Pháp. Trong một thông cáo cách nay không lâu, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc đã từng cảnh báo là quan hệ giữa Bắc Kinh và Paris sẽ bị xấu đi.
Như vậy, sau những sự cố xẩy ra trong quá trình rước đuốc Thế Vận Hội tại Paris, mùa hè vừa qua, đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lần thứ hai giữa Pháp và Trung Quốc trong vòng chưa đầy một năm. Đối với các nhà quan sát Pháp tại Bắc Kinh, vấn đề cần phải tiếp tục theo dõi là liệu cuộc khủng hoảng này có dẫn đến việc Trung Quốc đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Pháp hay không. Theo giới kinh doanh Pháp, thì theo dự kiến, có nhiều hợp đồng lớn sẽ được ký kết trong thời gian tới, đặc biệt là những hợp đồng trong lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác thì những lo ngại này không có cơ sở. Bởi vì Trung Quốc đang phải đối đầu với việc xuất khẩu bị giảm và Bắc Kinh không có lợi ích gì khi xem xét lại quan hệ thương mại với châu Âu. »
Theo ông Jean Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Baptist Hồng Kông, được AFP trích dẫn, thì thực ra, quyết định hủy bỏ hội nghị thượng định với châu Âu là kết quả của nhiều bất đồng giữa Trung Quốc và châu Âu, kết hợp với một loạt các sự kiện trong tháng 12 tới, như Đức Đạt Lai Lạt Ma đi thăm nhiều nước châu Âu, Ngài sẽ gặp tổng thống Pháp vào mồng 6 tháng 12 tại Ba Lan, việc Nghị viên châu Âu tổ chức trao giải thưởng Sakharov 2008 cho nhà ly khai Hồ Giai, hiện đang bị giam tù tại Trung Quốc v.v. Giáo sư Cabestan nhận định, phản ứng của Bắc Kinh cho thấy, ‘’Trung Quốc cảm thấy mình ngày càng mạnh hơn trước và muốn áp đặt quan điểm cho phần còn lại của thế giới’’.
Về phần mình, ông Xing Hua, phụ trách Trung Tâm Châu Âu của Học Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Trung Quốc, cho rằng chính quyền Bắc Kinh không thể có phản ứng khác được bởi vì Trung Quốc không thể tiếp tục nhắm mắt để cho các lãnh đạo châu Âu gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, thừa nhận một phong trào đòi ly khai. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, Trung Quốc đã tìm cách khai thác bất đồng bên trong châu Âu về hồ sơ Tây Tạng.
Giáo sư Robbie Barnett, chuyên nghiên cứu hồ sơ Tây Tạng thuộc đại học Columbia, ở New York, giải thích là do có những chia rẽ giữa các nước châu Âu, Trung Quốc tìm cách phân định hai loại nhóm quốc gia châu Âu, một bên là những nước luôn hành động theo các nguyên tắc đã đề ra và bên kia là những quốc gia không muốn làm cho Bắc Kinh khó chịu.
Chẳng hạn, hồi tháng 5 vừa qua, ngoại trưởng Đức đã phải từ chối gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ việc thủ tướng Merkel tiếp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng
Bản thân Giáo Hoàng Benedicto 16 cũng tránh gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Theo ông Barnette, đó là những thành công ngoại giao của Trung Quốc sau khi gây sức ép chính trị mạnh mẽ đối với châu Âu.
Một chuyên gia của Học Viện Trung Quốc và Thế giới, nhận định là chính quyền Bắc Kinh sẽ có phản ứng ôn hòa hơn trong quan hệ với Washington, nếu như một quan chức Mỹ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Điều này cho thấy châu Âu không phải là đối tác hàng đầu của Trung Quốc và theo Bắc Kinh vấn đề Tây Tạng còn quan trọng hơn là quan hệ với châu Âu. |