Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam lại bày tỏ quan ngại

Việt Nam lại bày tỏ quan ngại PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC NEWS   
Thứ Sáu, 28 Tháng 11 Năm 2008 10:53

Việt Nam lại tiếp tục lên tiếng về chủ quyền và quyền khai thác dầu tại khu vực biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói với các nhà báo hôm thứ Năm 27/11 rằng Việt Nam "quan tâm và theo dõi chặt chẽ thông tin" nói rằng Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Cnooc) sẽ thăm dò dầu khí nước sâu tại đây.

Hôm 22/11, Cnooc vừa công bố dự án trị giá gần 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 29 tỷ đôla để thăm dò khai thác tại "biển Nam Trung Hoa, nơi nguồn nguyên liệu chưa được khai thác", trong có khu vực Hoàng Sa và Trường Sa mà Hà Nội cũng tuyên bố chủ quyền.

 

Ông Lê Dũng khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam".

"Mọi hoạt động tiến hành trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là vi phạm quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam và hoàn toàn không có giá trị."

 

Thương lượng hòa bình

Tuy nhiên, người phát ngôn VN kêu gọi các bên kiềm chế để duy trì ổn định và giải quyết bất đồng thông qua thương lượng một cách hòa bình "trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố Ma-ni-la về Biển Đông năm 1992 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc ngày 4/11/2002".

"Chúng tôi cho rằng trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình."

 

 

 Mọi hoạt động tiến hành trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và hoàn toàn không có giá trị.

 

Người phát ngôn VN Lê Dũng

Theo định nghĩa của Trung Quốc, biển Nam Trung Hoa có diện tích 3,5 triệu km vuông, bằng một phần ba diện tích đất liền của nước này.

Trung Quốc đang kêu gọi hợp tác nước ngoài từ các công ty Mỹ cho dự án khổng lồ này của họ.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng liên tục gây áp lực buộc Việt Nam và các đối tác ngừng hoạt động thăm dò trong vùng biển tranh chấp.

Mới nhất, một chiếc tàu quốc tịch Na Uy do công ty Nga thuê để tiến hành thăm dò dầu khí ngoài khơi cho Việt Nam đã bị tàu hải quân Trung Quốc chặn lại và dọa bắn, bắt rời khỏi khu vực hồi tháng 10.