Nhất Linh và cuộc đảo chính 11-11-1960: Theo tôi biết |
Tác Giả: Nguyễn Tường Tâm |
Thứ Sáu, 28 Tháng 11 Năm 2008 09:40 |
Những chi tiết về cuộc đảo chính 11-11-1960 nhằm lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã được nhiều sách báo Việt Nam cũng như ngoại quốc tường thuật, trong bài này tôi chỉ tường thuật một chi tiết bên lề biến cố đó liên quan tới nhà văn Nhất Linh.
Nhà chỉ có ba người, ông Nhất Linh, bà nội tôi và tôi, nên luôn yên tĩnh. Thỉnh thoảng tôi mới thấy ông và bà nội tôi trao đổi mấy câu ngắn. Giọng ông nhỏ nhẹ, ấm áp. Ông gọi bà tôi một cách rất nhẹ nhàng là “Mẹ!” chứ không gọi là “cụ” như đa số người bằng tuổi ông, khiến lúc đó, trước mặt mẹ ông, tôi thấy ông vẫn như là cậu thiếu niên nhỏ bé.
Hàng ngày có một bà lớn tuổi tới nấu ăn và giặt áo quần rồi về. Nhưng ông Nhất Linh không ăn cơm chung với bà cháu tôi bữa nào. Tôi có dịp ở cùng ông Nhất Linh ba lần, mỗi lần khá dài ngày, nhưng hình như dịp ăn cơm chung với ông rất ít. Có lẽ chủ yếu là vì bị đau bao tử kinh niên nên ông thường tự làm lấy mì gói ăn thay cơm, do đó ông ăn theo giờ giấc của ông. Ông hút thuốc basto xanh liên miên. Thuốc và diêm hộp thì hàng ngày ông sai tôi ra cái quán gần tiệm phở Hợp Lợi mua. Một hôm tôi thấy một hộp diêm giá $2 đồng, trong khi mua nguyên gói ở chợ An Đông có $14 đồng. Tôi bèn nói bà tôi cho tôi “mượn” tiền để mua nguyên gói về “bán” lại cho ông. Bán hết 10 hộp diêm tôi được lời $6 đồng . Tôi cứ để gói diêm hộp trên bàn học, khi nào cần ông Nhất Linh tự lấy và để hai đồng trên bàn cho tôi. Có lẽ do việc “buôn diêm” này của tôi mà ông Nhất Linh biết rằng tôi chẳng bao giờ có đồng nào ngoài tiền ăn sáng, đi xe buýt, tiền sách vở, học hành. Tóm lại bà nội tôi đùm bọc tôi “đầy đủ” theo nghĩa của cụ, có lẽ cũng của hầu hết những gia đình Việt Nam nghèo thời bấy giờ, nghĩa là lo cho con cái ăn và học chứ không để ý tới nhu cầu giải trí. Thấy vậy một hôm ông Nhất Linh nói với mẹ ông trước mặt tôi, “Thằng Tâm nó lớn rồi, mẹ phải cho nó tiền tiêu hàng tháng để nó đi chơì chứ!” Và từ đó mỗi tháng ông cho tôi hai trăm đồng. Lúc đó một vé xem phim ở rạp Lê Lợi, rạp phổ thông của học trò, có bẩy đồng. Tô phở Hợp Lợi ngon nổi tiếng ở đầu đường nhà tôi có mười đồng. Một người ở nhà trọ ăn cơm tháng hết có 800 đồng. Hai trăm để tiêu vặt đối với tôi là quá lớn. Điều này khiến tôi cảm động. Tôi không ngờ một người đàn ông như ông, luôn phải lo toan đại sự văn học và cách mạng của đất nước mà còn đủ đầu óc quan tâm tới một thằng cháu gọi bằng chú, mà lại quan tâm một việc nhiều bậc bố mẹ khác có khi cho là không quan trọng, không đáng quan tâm: việc giải trí. Ông lại rất cẩn thận, khi rời bà cháu tôi mấy tháng sau đó, ông đã bảo vợ ông tiếp tục đưa cho tôi số tiền đó hàng tháng mặc dù sau đó, cho tới ngày ông tự vẫn, tôi không có dịp gặp lại ông nữa. Mấy tháng sau, bà Nhất Linh bảo anh Nguyễn Tường Triệu, người con thứ của ông bà, hiện ở Montreal, Canada, thay bà trao số tiền đó cho tôi. Cho tới mãi bây giờ, tôi vẫn tự hỏi, tại sao bà Nhất Linh lại nghe lời ông như vậy. Việc hàng tháng cho tiền đứa cháu mồ côi của chồng mình không phải là một nghĩa vụ người vợ phải nghe lời chồng, nhất là người chồng đó lại không phải là cột trụ tài chánh gia đình như ông Nhất Linh.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Nhất Linh nghe lời ông lo cho tôi. Trước đó vào năm 1956, khi tôi còn học lớp nhì, bà Nhất Linh đã nghe lời ông để tôi lên Đà Lạt sống với ông và mấy người con của ông. Thực ra, quan hệ chú cháu giữa tôi và ông Nhất Linh rất bình thường, chỉ như mọi người cháu khác mà thôi. Ông có mấy quan hệ chú cháu hay bác cháu thân thiết hơn rất nhiều như với hai anh Nguyễn Tường Hùng, Nguyễn Kim Tuấn (nhà văn Duy Lam, cháu gọi ông bằng cậu ruột), và Nguyễn Tường Bá. Hoặc mối quan hệ bác cháu rất nồng ấm của ông với cô Trương Kim Anh con gái ông bà Trương Bảo Sơn bạn thân của ông. Tôi không nằm trong số cháu đặc biệt của ông. Ông chỉ lo cho tôi theo yêu cầu của mẹ ông. Điều này khiến tôi thêm kính trọng ông, vì chứng tỏ ông rất có hiếu với bà nội tôi. Dĩ nhiên, nuôi một đứa cháu như vậy, cho nó ăn học, không bắt nó phải làm gì cả, cũng tốn kém khá nhiều, cộng với phương diện tình cảm, không nhiều bà thím khác làm được. Phải yêu thương và kính trọng ông gần như tuyệt đối thì vợ ông mới vâng lời ông như vậy.
Một hôm, người anh em họ xa của tôi bảo tôi xin ông Nhất Linh cuốn Bướm Trắng. Tôi ngạc nhiên thấy ông bảo tôi đừng đọc cuốn đó. Thay vì vậy ông viết cho tôi mấy chữ vào miếng giấy nhỏ bằng bàn tay gửi ông giám đốc nhà phát hành sách báo Nam Cường ở gần rạp Đại Nam cho tôi hai cuốn Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Tôi không hiểu lý do ông bảo tôi đừng đọc cuốn Bướm Trắng. Sau đó tôi tự tìm cuốn Bướm Trắng đọc thì chẳng thấy gì ghê gớm đối với một học sinh lớp đệ Ngũ (lớp 8). Tôi nghĩ là thế hệ ông đã không còn hiểu được giới trẻ. Nhận được mẩu giấy, ông giám đốc nhà sách Nam Cường đưa tôi hai bộ, chứ không phải hai cuốn, Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Tôi tưởng sách lấy không mất tiền nên cầm luôn hai bộ. Ai mà chẳng có lúc hơi tham một tí! Về nhà bà nội tôi giải thích lấy như thế là phí mà “nhà sách họ trừ tiền của chú đấy.” *Một buổi chiều đột nhiên ông dơ hai cánh tay lần theo bức tường, mặt ông dại đi, đôi mắt mở to, đục xanh ngơ ngác, ông hỏi thẩn thờ, nho nhỏ, “Cửa đâu? Cửa đâu?” Ông đang tìm lối đi ra mà ông lại sờ vào bức tường. Tôi ngạc nhiên nhìn ông, không hiểu. Bà tôi ngồi trên giường nhìn ông, cười nói nhẹ nhàng với tôi, “Chú điên!”. Nhưng bà không can thiệp mà chỉ tiếp tục nhìn ông và cười. Ông như không biết chung quanh có ai. Lần mấy bước tới cửa sổ, ông đưa tay ra vẫy người cảnh sát đứng gác ở tuốt ngã tư khá xa phía bên kia đường. Khoảng cách quá xa, người cảnh sát không thể nào trông thấy ông. Vẫy tay mấy cái xong ông móc ví, lấy hết tiền trong đó ra rồi vứt ví ra ngoài. Bà tôi lại cười, “Chú điên mà khôn, biết lấy tiền lại chứ không vứt cả tiền trong ví.” Xong bà tôi tiếp, “Chú giả vờ điên đấy!” Chỉ độ mười lăm phút sau ông trở về ghế vải cố hữu của ông. Tôi chạy ra ngoài lấy lại cái ví cho ông và thắc mắc ông giả điên như vậy để làm gì? Chuyện đó chỉ xảy ra ngắn ngủi như thế một lần. Tôi quên đi câu chuyện. Thời gian sau, ông rời bà nội tôi. Tôi không chứng kiến ngày ông rời bà nội tôi, và tôi cũng không nhớ thời gian và khung cảnh ông ra đi. Tôi không thắc mắc ông đi đâu. Ông có nhiều chỗ để đi. Chợt sáng sớm ngày 11-11, khoảng 7 giờ, một chiếc máy nhỏ lượn vòng thấp trên bầu trời. Trên máy bay có loa phóng thanh, nhưng dưới đất không nghe rõ họ phát thanh cái gì. Mọi người trong xóm có vẻ ngạc nhiên. Lần đầu tiên có hiện tượng như vậy. Rồi máy bay thả ra từng loạt truyền đơn bay lượn trên không trung trong ánh sáng ban mai, lấp lánh như những cánh bướm tung tăng trong bầu trời đẹp. Đang tò mò ngước lên trời theo dõi, bỗng một tờ truyền đơn rơi gần. Tôi chạy theo nhặt lên xem. Đó là lời hiệu triệu dân chúng thông báo về cuộc đảo chánh chống chính phủ Ngô Đình Diệm.
Nội dung tờ truyền đơn tôi không còn nhớ, nhưng tôi nhớ bên dưới tờ truyền đơn có khá nhiều tên các chính trị gia ủng hộ cuộc đảo chánh. Hồi đó tôi còn nhỏ nên đa số đó là các vị tôi chưa nghe nói tới , ngoại trừ cụ kỹ sư Phan Khắc Sửu là người đã ra tranh cử dân biểu ở khu vực của tôi. Tôi giật mình thấy tên ông Nhất Linh. Trong lòng tôi đột nhiên thấy phấn khích. Cái biến cố này trong phút chốc tự nhiên trở nên gần gũi đối với tôi. Trong nhà tôi lúc đó không có ai ngoài bà nội tôi. Khoảng 9 giờ sáng, nghe tiếng súng nổ ở Tổng Nha Cảnh Sát, gần nhà, tôi vội tới đó xem sự tình. Tổng Nha Cảnh Sát nằm trên đường Cộng Hòa, là phần nối dài của đường Lý Thái Tổ nơi tôi cư ngụ, cách nhau bởi cái bùng binh lớn. Đi bộ chưa tới 5 phút, vừa qua khỏi cổng trường trung học Petrus Ký ở bên kia đường, bên này đường là cư xá gia đình cảnh sát, là tới nơi. Chưa tới trụ sở Tổng Nha Cảnh Sát tôi đã phải dừng lại, vì đã vào vùng có thể có súng nổ. Bên kia đường, có chưa tới một tiểu đội lính bộ binh, mặc đồ trận mầu xanh olive, đứng dàn hàng ngang nhìn sang Trụ sở Tổng Nha Cảnh Sát. Đó là căn lầu hai tầng to nằm trong vòng rào cột xi-măng. Trong sân không thấy bóng người. Tôi cố nhìn lên mấy cái cửa sổ ở trên tầng hai chỉ thấy vài bóng người thấp thoáng di chuyển bên trong. Nghe nói bên trong là lính nhẩy dù đảo chánh, bên ngoài đường là lính chống đảo chánh. Hai bên trong ngoài không ai nổ súng. Mấy người lính bên ngoài chỉ đứng nhìn sang bên đối phương thôi chứ không ở tư thế tác chiến hay tấn công gì cả. Đột nhiên có một loạt súng từ bên trong bắn ra. Không nhiều. Mấy người lính bên kia đường chỉ giạt lui vài bước chứ không tìm chỗ ẩn núp. Súng nổ chỉ có một loạt. Nhưng một người lính bên kia đường ngã gục, hơi co quắp. Có lẽ trúng đạn vào bụng hay ngực. Tôi thấy cái chết đối với người lính đó vô lý quá. Hai tốp lính trong ngoài không tư thù gì với nhau. Họ chỉ là những quân nhân, hoặc tình nguyện, hoặc động viên, tới tuổi phải nhập ngũ theo lệnh gọi. Thế thôi. Họ không có tham vọng gì trong cuộc đảo chánh và chống đảo chánh. Nhưng họ chết. Khá tức tưởi! Họ hy sinh cho cái gì?
*Tối hôm sau, 12 tháng 11, đột ngột ông Nhất Linh trở về lại căn nhà bà nội tôi ở 58 Lý Thái Tổ. Lúc ông trở về tôi không có nhà. Lúc tôi về nhà thì thấy ông đang ngồi trên chiếc chiếu trải ở giữa phòng, cạnh giường bà nội tôi. Cạnh ông có mẹ ông và cô tôi. Dường như không có bà Nhất Linh. Chi tiết này tôi không nhớ chắc lắm. Tôi không nhớ còn có ai nữa. Nhưng nếu có thêm một người nào nữa thì chỉ có thể đó là một người em cô cậu ruột với ông, người chúng tôi vẫn gọi là chú Hùng, một người độc thân, suốt đời làm chính trị, sống lang bạt, đã từng tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hoàng Phố của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, và từng lưu vong bên Tầu với ông Nhất Linh. Chú Hùng này cũng từng ngụ tại căn nhà này với bà nội tôi và tôi lúc không có ông Nhất Linh. Các con ông Nhất Linh cũng không hiện diện. Trong hàng cháu chỉ có mình tôi. Tôi ngồi trước mặt ông, trên chiếc chiếu, “hóng” chuyện. Câu chuyện trao đổi giữa mấy người lớn chậm rãi, nhỏ nhẹ, và thanh thản. Tôi không nhớ mấy người lớn nói những chuyện gì, nhưng chắc chắn không có vẻ quan trọng hay căng thẳng. Trông ông tươi tắn, vui vẻ hơn thời gian trước đó ông ở tại chính căn nhà này. Có lẽ lần trước ông còn có một kế hoạch chính trị bí mật để suy nghĩ (?).
Bây giờ mọi chuyện đã ngã bài, đảo chính đã thất bại. Những lúc bình thường, không có gì để bận tâm, gương mặt ông tuy nghiêm nhưng vẫn dường như sắp cười. Đôi mắt ông xanh đục, nhưng long lanh toả sáng như hai hòn bi (chữ của Nguyễn Tường Thiết (?), con trai ông ), thu hút người đối diện. Ở cạnh ông, lúc bình thường, như lúc này, không ai cảm thấy lạc lõng. Nghe ông nói chuyện ai cũng thích thú bởi vì ông luôn để ý tới người xung quanh, tìm cách cho những người xung quanh được tham gia vào câu chuyện hay trò chơi chung. Trong lúc đang hào hứng “hóng” chuyện người lớn, đột nhiên tôi hỏi ông hai câu mà sau này tôi thấy mình “lãng nhách”. Đầu tiên tôi hỏi, “Đi làm cách mạng có bao giờ chú bị đói không?” Ông nhìn tôi vui vẻ cho biết, “Chưa! Chỉ có một lần trên đường về Việt Nam, bất ngờ anh em dừng quân ở khu vực giữa rừng, thay vì bình thường dừng quân nơi có dân chúng và quán xá, nên lần đó không có gì ăn.” Tuy nhiên ông cho biết tiếp, “Nhưng lần đó có một anh em đồng chí đưa cho chú một miếng súc cô la (chocolate).” Một lát sau tôi lại hỏi tiếp một câu mà sau này tôi thấy là quá lẩm cẩm, “Nếu cho chú làm Tổng Thống chú có thích không?” Ông khiến tôi ngạc nhiên khi nhìn tôi vui vẻ trả lời, “Không! Làm bộ trưởng thích hơn.” Tôi hỏi ông sao vậy thì ông giải thích, nửa đùa nửa thật, “Làm Tổng Thống không đi chơi được. Làm bộ trưởng đi chơi được.” Ông đã có kinh nghiệm làm Bộ Trưởng Ngoại Giao thời chính phủ Việt Nam đầu tiên do ông Hồ Chí Minh là Chủ Tịch. Sau này nhớ lại, tôi không hiểu tại sao vào giây phút sinh tử đó mà ông còn vui đùa như vậy và lại còn “tiếp chuyện” thằng cháu oắt tì, ngớ ngẩn như tôi. Buổi tối đó để lại cho tôi nhiều ấn tượng. *Đó là lần cuối tôi được gặp ông. Sau này, ngẫm nghĩ lại cuộc đảo chánh, tôi mới ước đoán được lý do ông giả điên trước đó mấy tháng trong lúc ở cùng với bà nội tôi và tôi: Có lẽ trong lúc âm mưu đảo chánh, ông phải giả điên để đánh lừa cơ quan an ninh (?). Nhưng mối quan hệ của ông với những người chủ trương đảo chánh khởi đầu ra sao và từ lúc nào thì tôi vẫn hoàn toàn chưa được thấy tài liệu hay hồi ký nào đề cập tới một cách rõ ràng |