Home Tin Tức Thời Sự Công lý đối với cựu tổng thống Trần Thủy Biển

Công lý đối với cựu tổng thống Trần Thủy Biển PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Bình Nam (Trắng Đen)   
Thứ Năm, 27 Tháng 11 Năm 2008 15:54

26/11/2008

Ngày 12 tháng 11, Tòa án Tối cao Đài Loan truy tố và bắt giữ cựu tổng thống Trần Thủy Biển, thể hiện nền công lý “không ai ở trên luật pháp” của Đài Loan. Đảng Dân chủ Cấp tiến (Democratic Progressive Pary – DPP) của ông Trần Thủy Biển lên tiếng tố cáo đây là một vụ truy tố có mầu sắc chính trị liên hệ đến quan hệ Trung Quốc - Đài Loan.

Ông Trần Thủy Biển sinh ngày 12/10/1950 tại tỉnh Đài Nam quận Quan Thiên năm nay 58 tuổi, xuất thân con nhà nông chính gốc Đài Loan. Với sự cố gắng phi thường ông tốt nghiệp luật sư và năm 1975 kết hôn với bà Ngô Thục Trân thuộc giai cấp giàu có và có hai con một gái, một trai đều thành đạt. Con trai ông tốt nghiệp luật sư tại đại học UC Berkeley, bang California, Hoa Kỳ.

Từ năm 1980 ông Trần Thủy Biển tham gia chính trị và chọn đường lối đối lập với đảng Trung hoa Quốc dân đảng (Kuomintang – KMT). KMT do ông Tưởng Giới Thạch lãnh đạo cai trị đảo quốc Đài Loan từ năm 1949 khi Mao chiếm lục địa.

Lập trường của ông là chống tham nhũng và một Đài Loan hoàn toàn độc lập với lục địa Trung Quốc. Là một người năng động ông Trần Thủy Biển đôi lúc quá hăng hái đã vi phạm luật lệ trong khi đấu tranh chính trị và đã có lần nếm mùi lao tù khoảng thập niên 1980. Năm 1989 ông đắc cử dân biểu quốc hội, và ngôi sao Trần Thủy Biển lên dần. Năm 1992 ông tái đắc cử dân biểu. Năm 1994 ông đắc cử thị trưởng Đài Bắc và năm 2000 cầm đầu đảng DPP ông đắc cử tổng thống Đài Loan. Hành trình chính trị của ông Trần Thủy Biển kéo dài 28 năm (1980-2008) cho đến tháng Ba năm 2008 ông Mạc Chính Cửu đắc cử tổng thống, đảng KMT nắm lại chính quyền và tháng 5/2008 sau khi mãn nhiệm tổng thống ông bị truy tố về tội tham nhũng.

Năm 2000 sau khi ông Trần Thủy Biển đắc cử tổng thống quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc căng thẳng vì chủ trương Đài Loan độc lập của đảng DPP. Trung Quốc đã dàn hằng trăm hỏa tiễn dọc bờ biển tỉnh Phúc Kiến hướng về Đài Loan và không dấu diếm sẽ khởi binh đánh Đài Loan nếu chính quyền Đài Loan tuyên bố độc lập. Hoa Kỳ đứng trước một sự lựa chọn khó khăn (nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì can thiệp cứu Đài Loan hay không?) nên Hoa Kỳ khuyên Đài Loan không nên tuyên bố độc lập và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đặt căn bản trên nguyên tắc “một nước Trung Hoa” có nghĩa Đài Loan là một phần không tách rời của lục địa.

Dưới chế độ KMT từ năm 1949 Tưởng Giới Thạch, và sau đó là con trai Tưởng Kinh Quốc và các đảng viên KMT kế nghiệp đã xây dựng thành công nền kinh tế Đài Loan và biến Đài Loan thành một đảo quốc phồn thịnh (Đài Loan là một trong 3 con rồng nhỏ Đông Nam Á gồm Đài Loan, Nam Hàn và Singapore), với một chế độ chính trị dân chủ đa nguyên ổn định. Năm 2000 đảng DPP của ông Trần Thủy Biển kế nghiệp một đất nước có mọi điều kiện để thăng tiến trong cộng đồng thế giới. Đài Loan với danh nghĩa một phần đất của Trung Quốc, nhưng trên thực tế là một quốc gia độc lập có quân đội riêng và đường lối ngoại giao riêng.

Tuy nhiên sau hơn 4 năm cầm quyền, bước vào nhiệm kỳ II chính quyền DPP với sự lãnh đạo của ông Trần Thủy Biển bắt đầu có vấn đề. Tháng 11/2004 Tòa án Tối cao Đài Loan truy tố bà Trần Thủy Biển và 3 viên chức cao cấp làm việc tại phủ tổng thống ra tòa về tội dùng tài liệu giả biển thủ 460.000 mỹ kim của công quỹ. Uy tín của tổng thống Trần Thủy Biển suy sụp và tháng 1/2008 sau khi thua đảng KMT trong cuộc bầu cử quốc hội ông Trần Thủy Biển từ chức chủ tịch đảng DPP. Tháng 3/2008 ứng viên tổng thống của đảng DPP thất cử dưới tay của ứng viên Mạc Thiên Cửu thuộc đảng KMT.

Tháng 5/2008 ngay sau khi ông Trần Thủy Biển mãn nhiệm tổng thống, Tòa án Tối cao Đài Loan truy tố ông về hai tội. Thứ nhất sử dụng quỹ tranh cử trái phép và thứ hai bao che cho vợ ông trong vụ biển thủ năm 2004. Tháng 8/2008 ông Trần Thủy Biển nhận đã phạm lỗi lầm trong việc sử dụng quỹ tranh cử và ngày 15/8/2008 ông rút ra khỏi đảng DPP và trở thành một người dân thường. Ông Trần Thủy Biển hy vọng hành động tự chọn đứng ra ngoài chính trị của ông sẽ làm cho Tòa án Tối cao Đài Loan ngưng truy tố ông (vốn là một cựu tổng thống), và giảm thiểu ảnh hưởng chính trị xấu cho đảng.

Vụ truy tố ông Trần Thủy Biển đang trở thành một vấn đề nhức nhối cho Đài Loan. Truy tố một cựu tổng thống mới rời chức vụ không phải là một hình ảnh tốt đẹp, nhưng không truy tố trước tội lỗi rành rành thì nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” đặt ở đâu! Đó là cái khó của nền dân chủ, dù còn non trẻ, của Đài Loan.

Ngày 12/11 vừa qua sau khi công tố viên chính phủ ra lệnh bắt giam kết ông về tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ và rửa tiền (công ty Egmont Group, một công ty tình báo tài chánh quốc tế cho biết họ có bằng chứng một số tiền 21 triệu mỹ kim đã được chuyển một cách mờ ám từ Đài Loan vào một trương mục của người con dâu ông Trần Thủy Biển tại một ngân hàng Thụy Sĩ), ông Trần Thủy Biển tuyệt thực cho rằng sự truy tố và giam giữ ông có động cơ chính trị. Ngày 16/11 ông đuối sức và được đưa vào bệnh viện, sau đó ngày 19/11 ông được đưa lại vào tù.

Mặc dù với danh nghĩa thi hành luật pháp chính quyền đảng KMT vẫn không phủi sách được mầu sắc chính trị của vụ án, tạo ra một không khí chia rẽ quốc gia làm cho uy tín của tổng thống Mạc Chính Cửu sụt giảm nhanh chóng.

Tổng thống Mạc Chính Cửu vốn là một chính khách trong sạch. Ông chấp nhận hoàn cảnh chính trị tế nhị hiện tại và tìm cách cải thiện kinh tế của đảo quốc đang bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bằng cách tăng cường mậu dịch với Trung hoa lục địa. Trung Quốc cũng có nhu cầu cải thiện quan hệ này vì nó giúp phát triển kinh tế Trung Quốc đồng thời làm cho chính sách “hai vùng một quốc gia” được thêm sự ủng hộ tại đảo quốc.

Đầu tháng 11/2008 ông Trần Vân Lâm, người đại điện cao cấp nhất của Bắc kinh phụ trách việc thương thuyết với Đài Loan về vấn đề thống nhất lần đầu tiên đến Đài Loan và nhiều thỏa thuận đã được ký kết.

Cụ thể là thỏa thuận về giao thông. Các chuyến bay chở hành khách giữa Đài Loan và lục địa Trung Quốc từ 35 chuyến khứ hồi mỗi cuối tuần nay được bay hằng ngày và tổng số các chuyến bay trong tuần tăng lên 108 chuyến khứ hồi và các chuyến bay này được bay trực tiếp đến lục điạ không cần tạm ngừng tại Hồng Kông. Các chuyến bay nội địa Trung Quốc của các hãng máy bay Đài Loan được tăng từ 5 chuyến mỗi tuần lên 21 chuyến. Các chuyến bay chở hàng được tăng lên 60 chuyến khứ hồi mỗi tháng. Đường biển được mở thêm 11 cảng phía Đài Loan và 63 cảng về phía Trung Quốc. Tổng số tiền Đài Loan đầu tư tại Trung Quốc lên đến 150 tỉ mỹ kim có triển vọng tăng lên trong thời gian tới.

Sự trở lại quyền hành của đảng KMT trong năm nay một phần do chính quyền Trần Thủy Biển tham nhũng mất uy tín, một phần dân chúng ủng hộ chính sách “một nước Trung Hoa” của đảng KMT. Nhưng điều này không có nghĩa dân chúng Đài Loan ủng hộ chính sách thống nhất với lục địa. Thật ra họ chỉ muốn duy trì hiện trạng độc lập trên thực tế mà không chính thức tuyên bố độc lập.

Vì vậy trước chính sách xích lại gần lục địa (dù chỉ là qua tăng cường mậu dịch) mà không có sự giảm áp lực quân sự nào của Trung Hoa lục địa, thí dụ như cất bỏ hay giảm bớt 1400 hỏa tiễn đang hằng ngày hằng giờ đe dọa Đài Loan thì người dân Đài Loan vẫn chưa thể tin tưởng vào chính quyền của đảng KMT.

Trong không khí đó sự truy tố cựu tổng thống Trần Thủy Biển, mặc dù chỉ là sự thi hành pháp luật cũng không khỏi được cảm nhận như là một hành động trả thù chính trị hay để mua chuộc Trung Hoa lục địa của chính quyền đảng KMT.

Dù sao đương kim tổng thống Mạc Chính Cửu cũng không thể làm khác. Nếu Đài Loan qua được cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay chính quyền của đảng KMT có thể trụ. Và sự truy tố cựu tổng thống Trần Thủy Biển sẽ được xem là thi hành công lý. Nếu thất bại kinh tế hoặc không duy trì được tư thế độc lập của đảo quốc đối với lục địa đảng DPP trở lại chính quyền thì sự thi hành công lý đối với ông Trần Thủy Biển dù muốn dù không cũng chuyển qua một lối khác.

Công lý chính trị là hai vấn đề không thể nào hoàn toàn tách bạch dù ở dưới chính thể nào