Home Tin Tức Thời Sự Bí ẩn vụ Mỹ làm mất một quả bom nguyên tử

Bí ẩn vụ Mỹ làm mất một quả bom nguyên tử PDF Print E-mail
Tác Giả: Đình Chính (theo BBC)   
Thứ Ba, 25 Tháng 11 Năm 2008 12:16

 Chiếc máy bay bị rơi mang 4 quả bom hạt nhân như thế này. Ảnh: USAF.

Quân đội Mỹ từng phải từ bỏ một quả bom hạt nhân dưới lớp băng dày ở miền bắc đảo Greenland thuộc vùng Bắc Cực sau vụ rơi máy bay năm 1968. Sự thật về tai nạn cực kỳ nhạy cảm này chìm trong bí mật suốt nhiều năm mới được hé lộ.

Với vị trí đắc địa nằm trên đỉnh của thế giới, căn cứ không quân Thule có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với quân đội Mỹ kể từ khi được xây dựng vào năm 1953. Nó cho phép radar tại đây có thể quét khắp bầu trời vùng Bắc Cực và phát hiện mọi quả tên lửa bay đến khu vực này.

Lầu Năm Góc tin rằng Liên Xô sẽ tìm cách đánh phá căn cứ Thule trước khi mở một cuộc tấn công hạt nhân vào nước Mỹ. Do đó ngay từ năm 1960, Mỹ thực thi sứ mệnh quân sự mang mật danh Chrome Dome, trong đó sử dụng những chiếc "pháo đài bay" B52 trang bị vũ khí hạt nhân liên tục quần đảo xung quanh căn cứ Thule. Chúng có thể tiến thẳng đến Matxcơva nếu thấy căn cứ bị đánh phá.

Đảo Greenland là tỉnh tự trị của Đan Mạch và việc xuất hiện vũ khí nguyên tử tại đây được giữ bí mật hoàn toàn vào thời gian đó. Nhưng tới ngày 21/1/1968, một trong những chiếc B52 đang thực thi nhiệm vụ bay tuần tra đã gặp sự cố cháy trên khoang và lao xuống mặt biển đóng băng gần hòn đảo lạnh giá này. Do liên quan đến vũ khí nguyên tử, một vấn đề nhạy cảm, nên rất ít người biết chính xác về vụ tai nạn này.

Ngay sau khi máy bay rơi, các nhân viên quân sự Mỹ, dân đảo Greenland và công nhân người Đan Mạch lao đến hiện trường để tìm cách giúp đỡ. Sau đó Mỹ mở một chiến dịch quy mô lớn suốt nhiều tháng để thu hồi hàng nghìn mảnh vỡ nhỏ của máy bay nằm rải rác trên mặt vịnh đóng băng, đặc biệt là thu hàng trăm triệu mét khối băng gồm một số chứa mảnh vỡ có chất phóng xạ.

Một video do chính phủ Mỹ giải mật đã ghi lại chiến dịch dọn dẹp hiện trường và cho thấy rõ quy mô của chiến dịch này. Các loại chất nổ cực mạnh xung quanh 4 quả bom nguyên tử mang trên chiếc máy bay gặp nạn đã phát nổ, nhưng chúng không làm nổ các thiết bị hạt nhân đó do các quả bom không được phi hành đoàn kích hoạt.

 

Một chiếc B 52 của Mỹ. Ảnh: FAS.

Lầu Năm Góc cũng khẳng định toàn bộ 4 quả bom nguyên tử trên máy bay đã bị phá vỡ thành từng mảnh khi đâm xuống mặt băng. Nhưng các tài liệu giải mật đã cho thấy một câu chuyện khác và được chính những người tham gia vào chiến dịch dọn dẹp hiện trường và những người có cơ hội tiếp cận tài liệu liên quan xác nhận. Theo đó trong vòng vài tuần sau tai nạn, các nhà điều tra đã lắp ghép các mảnh vỡ với nhau và nhận ra chỉ có 3 quả bom được xác định, còn thiếu một quả.

Tháng 4/1968, vài tháng sau vụ tai nạn, quân đội Mỹ quyết định cử tàu ngầm Star III tới căn cứ không quân Thule để tìm kiếm quả bom mất tích có số hiệu 78252. Trước đó hai năm, một chiếc tàu ngầm tương tự cũng được cử tới lùng sục vùng bờ biển Tây Ban Nha và thu hồi được quả bom thất lạc tại đây.

Tuy nhiên, sứ mệnh tìm kiếm của con tàu ngầm được giữ kín với giới chức Đan Mạch. Trong khi đó cuộc tìm kiếm dưới mặt nước gặp vô số trở ngại về kỹ thuật và việc mùa đông khắc nghiệt đang đến gần. Ngoài việc quả bom bị mất có chứa chất phóng xạ uranium và plutonium, thiết bị này còn đặc biệt nhạy cảm vì những thông số về thiết kế, hình dáng và khối lượng uranium có thể tiết lộ bí mật về thiết kế đầu đạn hạt nhân Mỹ.

Nhưng cuối cùng chiến dịch tìm kiếm quả bom hạt nhân bị mất cũng phải chấm dứt. Người Mỹ phải chấp nhận sự thật rằng họ không thể tiến hành tìm kiếm toàn bộ khu vực nơi các mảnh vỡ từ vụ rơi máy bay nằm rải rác. Nhưng vụ rơi chiếc pháo đài bay B52 và thất lạc một quả bom nguyên tử vẫn còn nguyên sức ám ảnh cho tới tận ngày nay. Những người sống trong khu vực lo ngại về vấn đề môi trường và tác động đối với sức khỏe của vụ rơi máy bay năm xưa.

 

Một góc căn cứ không quân Thule của Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

Trước khi căn cứ không quân Thule được xây dựng năm 1953, đây là nơi những người dân đảo Greenland sinh sống. Sau đó họ phải do dời tới nơi ở mới là ngôi làng Quannaq cách đó khoảng 100 km để nhường đất cho căn cứ quân sự Mỹ. Người dân địa phương cho rằng công việc săn bắn của họ đã bị ảnh hưởng nặng nề từ vụ tai nạn máy bay chở bom hạt nhân năm 1968.

Trong khi đó, các nhà khoa học của chính phủ Mỹ đã tiến hành hàng loạt nghiên cứu liên quan và họ cho rằng tác động môi trường do quả bom nguyên tử thất lạc gây ra sẽ chỉ giới hạn, do nó phân tán chất phóng xạ trên một khu vực mặt nước rộng lớn của đảo Greenland.