Dân xô xát với Công an, 11 người bị thương |
Tác Giả: Nguoi Viet |
Thứ Hai, 24 Tháng 11 Năm 2008 05:23 |
An Giang (NV) - Một vụ xô xát giữa thường dân với công an địa phương đã khiến 11 người bị thương. Trong đó có năm nhân viên công an. Bà Phạm Kim Yên, phó chủ tịch tỉnh An Giang, mới xác nhận tin này với tờ Tuổi Trẻ. Theo đó, vụ xô xát xảy ra tại khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Không có biển cấm chụp hình nhưng một hạ sĩ quan công an CSVN vẫn vung tay chặn ống kính của phóng viên AFP. (Hình: AFP) Theo dân chúng địa phương, nguyên nhân dẫn tới xô xát là do công an địa phương tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ nhà của ông Nguyễn Văn Lộ để lấy đất xây dựng quốc lộ N1, từ An Giang đi Hà Tiên. Gia đình ông Lộ đã yêu cầu Công an giao quyết định cưỡng chế cũng như lập biên bản cưỡng chế để làm cơ sở khiếu nại nhưng công an không đáp ứng. Bà Phạm Kim Yến vừa hứa sẽ điều tra và thông báo kết quả vụ này. Tình trạng công an, cảnh sát đối xử thô bạo với thường dân vẫn xảy ra khắp nơi. Ðiều đó khiến dân chúng hết sức phẫn nộ. Cũng vì vậy từ năm 2004 đến nay, đã có khá nhiều công an, cảnh sát bị dân chúng các địa phương chặn, giữ khi họ hành hung người khác giữa thanh thiên, bạch nhật. Trong đó có cả những vụ dân chúng đốt xe cảnh sát (như Bình Thuận,...), tấn công trụ sở công an (như: Sài Gòn,...) hoặc biểu tình phản đối dài ngày vì công an, cảnh sát hành động càn rỡ (như Phú Yên...) Lo ngại trước sự bất bình với công an, cảnh sát gia tăng và số vụ tấn công công an, cảnh sát không giảm, đầu năm ngoái, Bộ Công An CSVN đã ban hành một chỉ thị, nghiêm cấm công an, cảnh sát đeo kính râm, đứng chống nạnh, gác chân lên xe, hút thuốc,... khi làm nhiệm vụ. Những cảnh sát giao thông có bụng quá bự cũng bị cấm không cho ra đường. Tuy nhiên thiện cảm dân chúng dành cho công an, cảnh sát vẫn rất thấp bởi tình trạng công an, cảnh sát đối xử thô bạo với thường dân không giảm và việc xử lý sai phạm chỉ qua loa, chiếu lệ. Trong tháng 7, nhiều blog và diễn đàn trên Internet đã phổ biến một clip, ghi lại hình ảnh một thanh niên bị cảnh sát Hải Phòng bắn hai phát chỉ vì không đội mũ bảo hiểm. May mắn là một phát không trúng mục tiêu, phát thứ hai chỉ sượt qua phần mềm, tuy nhiên vẫn làm máu ướt đẫm áo nạn nhân. Vụ bắn người vừa kể khiến dân chúng Hải Phòng phẫn nộ, sáng 19 tháng 7, hàng ngàn người đã đổ về khu vực Nhà Hát Lớn của thành phố Hải Phòng, vây kín hai chiếc xe vận tải chở các xe hai bánh vi phạm luật giao thông mới bị tạm giữ, đòi công an Hải Phòng phải lập biên bản về việc công an lạm quyền. Hàng trăm nhân chứng đã cùng ký tên vào một kiến nghị, yêu cầu công an Hải Phòng xử lý những thuộc cấp lạm quyền, coi thường sinh mạng công dân. Công an Hải Phòng đã phải điều động hàng trăm cảnh sát cơ động đến giữ trật tự. Trên blog có tên là “Vàng Anh”, một nhân chứng cho biết, nạn nhân và người nhà đã nằm xuống đường, chặn hai xe vận tải của công an, không cho công an dời nhũng chiếc xe này đi chỗ khác. Cũng theo blog “Vàng Anh”, đã có một số công an tiếp tục dùng dùi cui đánh những người phản đối. Trước nữa, hồi cuối tháng 5, một thanh niên tên Nguyễn Minh Tuấn, 17 tuổi, ngụ tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, Sài Gòn, đã bị công an dùng súng bắn đạn cao su bắn trúng đầu chỉ vì không đội mũ bảo hiểm. Công an huyện Củ Chi xác nhận, Nguyễn Minh Tuấn bị một công an xã Phước Hiệp bắn vì “ngoan cố”. Sau khi phát giác một xe hai bánh gắn máy chở tới ba người, cả ba đều không đội mũ bảo hiểm, nhân viên công an đã ra lệnh dừng lại nhưng cả ba không chịu ngừng. Tờ Tuổi Trẻ cho biết, nhân viên công an đã dùng súng bắn đạn cao su bắn thẳng vào đầu người khác chỉ bị kiểm điểm. Ở thời điểm hạ tuần tháng 5, đã xảy ra hàng chục vụ công an bắn và đánh dân ở khắp nơi. Tờ Tiền Phong cho biết, hôm 21 tháng 5, một người đàn ông tên Trần Mịch, 55 tuổi, ngụ tại xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã phải đi cấp cứu do bị trưởng công xã đánh đập ngay tại nhà của ông. Một thanh niên tên Trần Văn Hùng, con trai ông Mịch, kể: Khi say rượu, ông Mịch hay chửi mắng vợ con, đập phá đồ đạc trong nhà nên bà Trần Thị Tịch, vợ ông, bèn viết đơn nhờ xã can thiệp. Trưa 21 tháng 5, Nguyễn Mai Hoài, trưởng công an xã Tiên Châu cùng ba nhân viên đến nhà ông Mịch. Ông Mịch đã từ chối về trụ sở công an xã vì không có tội và Nguyễn Mai Hoài đã rút dùi cui đánh tới tấp vào đầu, mặt ông Mịch. Thấy cha bị đánh, một người con ông Mịch nhảy vào can và cũng bị đánh tả tơi. Vợ con ông Mịch la khóc thì Nguyễn Mai Hoài tuyên bố: Mời mà không đi thì đánh, muốn kiện cứ lên huyện. Bà Tịch khóc: “Cứ nghĩ gửi đơn nhờ chính quyền dọa ổng để ổng sợ, ai ngờ họ xuống tận nhà đánh ổng”. Cùng thời điểm nêu trên, tờ Tuổi Trẻ cung cấp thông tin về một vụ bạo hành khác. Theo đó, ông Trần Quốc Bội, trưởng công an xã Long Bình, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước đã vô cớ bắn mù mắt anh Nguyễn Bật Hùng, 24 tuổi, ngụ cùng xã nhưng hơn một tháng sau, vẫn không có bất kỳ ai truy cứu trách nhiệm của ông Bội. Trưa ngày 6 tháng 2 (30 Tháng Chạp Âm Lịch), Nguyễn Văn Ðoạn, phó công an xã Tân Phước, huyện Gò Công Ðông, cùng sáu nhân viên công an và dân quân xã Tân Phước đã bao vây một điểm đá gà ở xã này. Sau đó, Ðoạn móc súng K54 bắn chỉ thiên để giải tán những người tham gia đá gà. Khi họ bỏ chạy. Ðoạn nhắm vào ba người đang chạy bắn ba phát. Phát thứ nhất trúng lưng bên trái của ông Trần Văn Lắm, 36 tuổi, ngụ ở xã Gia Thuận, rồi xuyên ra phía trước làm vỡ tim khiến ông Lắm chết tại chỗ. Phát thứ hai trúng ông Trần Khải Ðăng, 31 tuổi, ngụ ở xã Tân Tây, làm ông Ðăng bị thương. Phát thứ ba Ðoạn nhằm vào đầu ông Nguyễn Thành Kiệt, 36 tuổi, ngụ ở xã Tân Phước nhưng vì ông Kiệt đội mũ bảo hiểm nên đạn chỉ sượt qua da đầu. Sau đó Ðoạn thản nhiên xách súng đến công an huyện Gò Công Ðông... tự thú. (G.Ð) |