Home Tin Tức Thời Sự Obama: Vị hoàng tử bước ra từ thế giới tưởng tượng?

Obama: Vị hoàng tử bước ra từ thế giới tưởng tượng? PDF Print E-mail
Tác Giả: Thúy Phương   
Thứ Bảy, 22 Tháng 11 Năm 2008 07:57

 Barack Obama - Vị hoàng tử bước ra từ thế giới tưởng tượng (Ảnh: Time)

Một số hoàng tử được sinh ra trong cung điện. Số khác sinh ra trong nghèo khổ. Nhưng hiếm hoi có người được sinh ra trong trí tưởng tượng, bên ngoài những va chạm của lịch sử và hy vọng. Barack Obama chưa từng bàn luận về cách mà mọi người kỳ vọng ở ông. Bất cứ cơ hội nào nói về chủ đề này, chỉ là một câu lặp lại: “Tôi không phải là người tạo ra lịch sử. Mà là bạn”.

Thực tế, khi ông nhìn ra quang cảnh bên ngoài vào buổi tối cuộc bầu cử lịch sử 4.11, qua tấm kính chống đạn, trong một công viên được đặt tên của vị tướng thời Nội chiến tại Mỹ, ông đã nhìn thấy sự thật trên gương mặt của người dân Mỹ.

“Chúng ta là những người mà chúng ta mong đợi, ông thường nói. Nhưng mọi người đang mong đợi ông, mong đợi một người có thể kết thúc điều mà King (tên của mục sư da đen Martin Luther King - người đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen ở Mỹ với câu nói bất hủ “I have a dream”. King cũng đồng thời có nghĩa một ông vua - PV) đã bắt đầu. 

 “Nếu có bất cứ ai ngoài kia vẫn còn hoài nghi về việc liệu nước Mỹ có là mảnh đất nơi mọi điều đều có thể xảy ra”, vị tân Tổng thống Mỹ nói. “Những ai vẫn còn băn khoăn liệu giấc mơ của những người đã sáng lập ra nước Mỹ có còn tồn tại ở thời đại chúng ta, vẫn còn có những câu hỏi về quyền lực của nền dân chủ tại Mỹ. Đêm nay chính là câu trả lời cho các bạn”.

 

Ảnh hậu trường: Lau tấm kính chắn đạn, chuẩn bị cho lễ đăng quang của tổng thống  Obama tại sân Grant Park (Ảnh: Time)

Obama không giành chiến thắng vì màu da của ông. Cũng không phải ông đã giành chiến thắng bất chấp màu da của mình. Ông đã chiến thắng bởi tại thời khắc nguy hiểm trong chặng hành trình của một đất nước còn trẻ lại có nhiều người cùng đoàn kết đến thế để cố gắng cứu vớt nó. Và đó là chiến thắng của tất cả mọi người.

Nhớ về ngày này, các bậc cha mẹ có thể kể cho con cháu mình về khoảng khắc họ đón chúng từ trường học để chúng được trực tiếp chứng kiến ứng viên người Mỹ gốc Phi đã tạo ra lịch sử. Một cuộc bầu cử tại một trong những nền dân chủ lâu đời nhất thế giới cũng giống như một cuộc bầu cử tương tự tại một quốc gia mới lập nền dân chủ, khi các công dân, già trẻ, gái trai đổ ra đường khiêu vũ, hò hét ăn mừng cho chiến thắng của người mà họ bầu chọn. Giống như dư vị của một cuộc cách mạng.

Viết lại cuốn sách

“Bà đã về nhà”, Obama nói với đám đông yên lặng tại Charlotte, N.C. đêm trước ngày bầu cử 4.11, về người bà đã nuôi ông lớn, đã góp phần tạo nên cá tính của ông, nhưng lại ra đi khi chưa kịp chứng kiến chiến thắng của người cháu. "Bà là một trong những người anh hùng thầm lặng trên khắp nước Mỹ”, ông nói, lần đầu tiên, nước mắt tràn trên khuôn mặt. "Họ không nổi tiếng. Tên tuổi của họ không xuất hiện trên báo chí, nhưng mỗi ngày và tất cả mọi ngày, họ đã làm việc chăm chỉ để cống hiến cho đất nước”.

Vào thời khắc của cơn nguy khốn nhãn tiền, nước Mỹ đã quyết định đặt vận mệnh của mình vào tay một người đàn ông được sinh ra bởi một người mẹ da trắng duy tâm và người cha là một sinh viên người Phi. Người đàn ông đã lớn lên trong nghèo khó, nhưng luôn nỗ lực hết sức để được nhận vào các trường tốt nhất, đã cố gắng để vươn lên từ thế giới chính trường khắc nghiệt ở Chicago tới Thượng viện Mỹ và giờ đây là Tòa Bạch Ốc.

Vào thời khắc nguy khốn, nước Mỹ đã chọn Obama (Ảnh: Time)

Những thành công đó, nếu so với những gì mà các thành viên gia đình Bush, hay Kennedy thậm chí là Roosevelt hay Adam hoặc bất cứ hoàng tử Mỹ nào khác được sinh ra trong quyền lực đạt được, chính là sự tượng trưng cho hành trình cấp tiến như câu nói thúc giục giấc mơ cho những trẻ em Mỹ ngay từ nhà trẻ: “Bất cứ ai lớn lên cũng có thể trở thành Tổng thống”!

Một quốc gia cần đến những tổng thống vĩ đại trong những thời đại không quan trọng. Một quốc gia chỉ cần đến vị tổng thống đó, khi tương lai đang đe dọa khạc ra những con quái thú. 

Chúng ta đã được nghe quá nhiều về những cử tri trẻ, lần đầu tiên bỏ phiếu, đã lựa chọn Obama mà dễ dàng quên đi những cử tri khác, những người chưa từng đi bỏ phiếu kể từ sau cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Những người chưa bao giờ nghĩ rằng họ có thể bỏ phiếu cho một người da đen, hay một người dân chủ. 

Nhưng rất nhiều người Mỹ đang sống trong thập kỷ tồi tệ nhất của cuộc đời họ, và họ mắc phải vấn đề về kiểm soát cơn giận. Họ thấy một cuộc chiến tốn kém và vô nghĩa, một thành phố bị nuốt chửng, và giờ đây là một nền kinh tế ngập ngụa trong các khoản nợ nước ngoài và các vòng kìm kẹp. Tất cả tạo nên cơn bão hoàn hảo của các điềm xấu.

Nhưng thậm chí, ngay cả những người vĩ đại cũng hiếm khi giành chiến thắng trong cuộc dạo chơi này. Ronald Reagan không làm được điều đó. John Kennedy cũng không. Những người, với tầm nhìn rõ nhất, thường phải đấu tranh với những điều khó khăn nhất để người khác thấy được những điều họ làm.

  Một đêm diễn thuyết tại Iowa (Ảnh: Time)

Nếu như một năm trước, đáp án cho câu hỏi “Ai trong số 2 ứng cử viên Đảng Dân chủ có thể thắng cử” là Hillary Clinton, thì ít lâu sau đó, Obama, từ một thượng nghị sĩ vô danh, đã lội ngược dòng, tạo nên sự hàn gắn trong những chia rẽ của Đảng Dân chủ. Ông đã xây một nhờ thờ mới, chạm được vào trái tim những cử tri đã mất đi sự tin tưởng ở chính phủ, hoặc chưa từng có sự tin tưởng vào ai. “Chúng ta cần phải bắt đầu lại”, ông thường nói, “cất giọng nhỏ nhẹ, cẩn trọng lắng nghe, tìm giải pháp và giữ lời”.

Vào một đêm mùa đông lạnh giá hồi tháng Giêng tại Iowa, trong một cuộc diễn thuyết, Obama đã thực sự khiến cử tri Mỹ tin vào một điều có thể. "Họ nói rằng ngày này sẽ không bao giờ đến. Họ nói rằng đất nước này đã bị chia rẽ, bị vỡ mộng không thể cùng sát cánh bên nhau, chung vai vì một mục đích. Nhưng vào đêm nay, tại thời khắc này của lịch sử - bạn đã làm được điều mà những người yếm thế nói rằng chúng ta không thể làm được”, Obama nói.

Ông đã giành được sự ủng hộ của cử tri nữ mà không có sự giúp đỡ của các hiệp hội phụ nữ. Ông đã nhận được phiếu ủng hộ của người da đen mà không viện đến lợi thế về mầu da. Và điều quan trọng nhất, Obama đã giành được “trái bóng vàng” của chính trị Mỹ: Những cử tri trẻ - những đối tượng không chỉ đem lại cho chiến dịch tranh cử của ông hơi thở thơi thới của hy vọng và nhiệt huyết, mà còn thổi luồng gió xuân đến cả những thế hệ già cả.

Hai người đàn ông, hai tầm nhìn

Ảnh hậu trường: "Sớm mai" - Obama nói chuyện với một nhân viên vào buổi sáng sớm trên đường đến Iowa (Nguồn: Time)

Trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với một nền kinh tế ốm yếu và một Tổng thống bị mất lòng tin, chính trị gia kỳ cựu McCain chỉ như con cừu tế thần của Đảng Cộng hoà. Trong lúc cuộc đua chưa kết thúc, tất cả chỉ là một sự lựa chọn. Đó không chỉ là trắng hay đen, đỏ hay xanh, già hay trẻ, dù có trọn vẹn một thế hệ ở giữa những điều đó. 

Xuyên suốt cuộc hành trình, McCain và Obama đã mang những nhìn nhận rất khác biệt về sự thay đổi.

McCain nhìn nhận sự thay đổi như một thách thức, phép thử cho sự cứng rắn của ông. Obama lại cho đó là cơ hội, phép thử của tài linh hoạt. McCain cho rằng thay đổi là cải tổ hệ thống. Obama nói về nó như sự tái thiết từ nền tảng. McCain không dùng email. Và mỗi cơ hội có thể, ông lại hô hào những giá trị bất biến dù ở hoàn cảnh nào: Trách nhiệm, lòng tự trọng và quốc gia trên hết.

Đối lập với điều đó, Obama, rõ ràng, là người mang thuyết duy thực với con mắt tinh tường. Ông chính là trải nghiệm của những thay đổi - chuyển đổi những đất nước, các nền văn hoá và nghề nghiệp. Thậm chí cả tên của ông: Barry cũng trở thành Barack. “Bạn không thể ngăn cản thay đổi đến”, ông tranh luận. “Bạn chỉ có thể đánh dấu nó và tìm cách đi cùng nó. Nếu bạn thông minh kèm theo chút may mắn, bạn có thể biến nó thành người bạn của mình”.

Nếu sự lựa chọn đó vẫn chưa đủ rõ, McCain đã vẽ ra đường cách biệt sắc nét hơn. Việc lựa chọn Phó Tổng thống luôn hứa hẹn những phức tạp lớn đối với một phi công đơn độc từng bác bỏ ý tưởng về một bạn đồng hành ở mọi phương diện. Nhưng giờ đây, hiến pháp lại buộc ông phải chọn lựa một người cùng cánh. McCain, rõ ràng, không phải tuýp người muốn tìm ai đó để giúp ông điều hành đất nước. Nhưng, nếu tìm ai đó có thể giúp ông chiến thắng?

Sự lựa chọn đó, cuối cùng, là Sarah Palin - nữ Thống đốc xinh đẹp đến từ Alaska. Bà Palin tự gọi mình là gương mặt mới, người không thể chịu được “những anh chàng tốt nhưng cũ kỹ”. Nhưng Palin lại chọn cách chơi lại “những nốt nhạc” quá khứ: Một người mẹ của 5 đứa con đến từ một thị trấn miền biên, người cổ vũ cho những giá trị của một nước Mỹ đơn giản hơn, an toàn hơn trước một thị trường đa sắc, đa văn hoá, đầy thách thức tài chính và cạnh tranh toàn cầu mà Obama đang sống. 

Sự góp mặt của bà Palin càng tô điểm thêm cho sự đối lập: Bà lớn tiếng tuyên bố “chúng ta hầu như không biết về Barack Obama” trước cả khi cởi bỏ áo khoác. Bà liên hồi cảnh báo rằng ông Obama không đủ phẩm chất để làm Tổng thống, thậm chí ngay cả khi chính những lãnh đạo trong Đảng Cộng hoà tự hỏi liệu bà đã sẵn sàng cho cương vị Phó Tổng thống? Bà hoan hỉ viếng thăm “nước Mỹ thực sự”, đến thăm “những khu vực ủng hộ nước Mỹ trong quốc gia rộng lớn này”. 

Bà Palin không ngờ rằng chính các mũi dùi công kích đó lại là lời mời gọi để Obama đứng lên chứng tỏ tương lai mà nước Mỹ có thể vươn tới. “Không có bất cứ khu vực nào là nước Mỹ thực, hay giả mạo trên đất nước này”, Obama phản pháo. “Chúng ta là một quốc gia. Tất cả chúng ta đều tự hào về điều đó. Tất cả chúng ta đều là những người yêu nước”.

Vào giữa tháng 9, ứng cử viên McCain, với sự phụ tá của Palin, đã thu hẹp dần khoảng cách về giới từng là mối lo trong chiến dịch tranh cử của ông. Đây là tín hiệu vui đầu tiên trên suốt chặng đường dài tranh cử. McCain luôn nhấn mạnh rằng ông là người duy nhất đã được thử thách trong một cuộc khủng hoảng. Và điều đó đã mang lại kết quả, cho tới khi chính trị gia này được thử thách trong một cuộc khủng hoảng. 

Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, nhẽ ra có thể chôn vùi chiến thắng của Obama, nhưng hoá ra lại chắp cho ông đôi cánh mới. Nó đã khiến cử tri đánh giá sát sao nhất về tiên liệu của ông trong thực tế. Nó đã trao cho Obama, trong suốt 3 tuần tranh cử cuối cùng và 3 cuộc tranh luận trực tiếp, một vũ đài để chứng tỏ tài năng của một nhà lãnh đạo, điều mà nếu trải qua hàng thập kỷ tranh cãi ở Thượng viện cũng không thể mang lại.

Ảnh hậu trường: Obama tĩnh lặng trong hành lang vắng trước khi lên diễn thuyết

(Ảnh: Time)

Vào ngày ngân hàng Lehman Brothers chính thức công bố sụp đổ, ông McCain đang dẫn trước Obama 2 điểm. Kết quả trưng cầu ý kiến trên tờ Wall Street Journal hồi tháng 9 về ai là người có chính sách thuế tốt hơn, ông McCain đánh bại Obama với tỉ lệ 41% so với 37%. Ông McCain luôn hô hào về sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ, rằng ông “về cơ bản là người bãi bỏ quy định” vào thời điểm mà các quy định, cơ bản, đã trở nên chậm chạp.

Vào thời điểm McCain quyết định tạm ngừng chiến dịch tranh cử, trở lại Washington để tìm biện pháp giải cứu nền kinh tế toàn cầu đã bị đóng cửa bởi chính đảng Cộng hoà, vị chính trị gia này đã trao cho Obama một vũ khí lợi hại tương tự như bản thân cuộc khủng hoảng. Thời gian bỗng trở nên đáng sợ, và McCain bỗng chốc trở thành người “không đáng tin cậy”, “bốc đồng”, thiếu thận trọng. Ông đã rơi vào cái bẫy không thể thoát ra trong suốt nhiều tuần sau đó. Bất cứ nỗ lực nào để làm một điều gì đó gây chú ý, hay tạo sự khác biệt, chỉ càng làm cho cái hố thêm sâu. 

Mỗi lần McCain thay đổi, như phe tranh cử của ông yêu cầu, sự xa cách của ông với cử tri càng lớn. Cứ 6/10 cử tri cho rằng McCain chỉ mất thời gian vào việc chỉ trích ông Obama, hơn là làm rõ vị trí và tầm nhìn về nền kinh tế.

Ba cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên đã diễn ra vào đúng tâm điểm cuộc khủng hoảng. Cử tri được quyền phán xét vị Tổng thống tương lai một cách trực diện nhất. Không còn những đám đông ủng hộ, không có người viết diễn văn đứng sau để cứu họ.

Cử tri, trước đó, được phe Cộng hoà nhồi nhét rằng Obama là một kẻ cấp tiến nguy hiểm, người bắt tay với khủng bố. Nhưng bằng thái độ mềm mỏng và nhạy cảm, Obama đã thuyết phục cử tri và làm giảm khoảng cách với McCain. Vào giữa tháng 10, chỉ có 1/3 cử tri cho rằng McCain có thể đưa nước Mỹ đến những thay đổi thực sự. Chiến dịch tranh cử của McCain không thể hồi phục lại sau đó.

Con đường phía trước

Barack Obama trở về nhà sau một cuộc vận động tranh cử (Ảnh: Time)

Lịch sử hiện đại là một câu chuyện cảnh báo về những Tổng thống mới mưu mẹo hơn và khuyến khích các nhà lập pháp lơ đễnh với quyền lực. Trong cuộc chạy đua bất thành vào  Thượng viện Bắc Carolina, Elizabeth Dole đã từng đưa ra một quảng cáo mang tính dự đoán rằng “những kẻ tự do này muốn kiểm soát hoàn toàn chính phủ, vào thời gian có khủng hoảng. Kiểm soát toàn bộ mọi mắt xích của chính phủ. Không còn sự kiểm soát và cân bằng. Không còn thảo luận. Không còn tự do”. Nếu những người Dân chủ như đối thủ của bà giành chiến thắng, bà cảnh báo “họ sẽ nhận được một cuốn séc để trống”.

Sự rạn nứt đã bắt đầu từ trước các cuộc bỏ phiếu. Chủ tịch Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ Barney Frank tuyên bố về việc cắt giảm ngân sách quân sự 25% và đánh thuế “rất nhiều những kẻ giàu có đang nhở nhơ bên ngoài”. Tổ chức ân xá quốc tế đưa ra thời hạn chót để đóng cửa nhà tù Gitmo, còn ACLU muốn xem lại danh sách những nghi phạm bị theo dõi trong vòng 100 ngày.

Obama sẽ đứng về bên nào? Phe tự do của Ted Kennedy già yếu mà ông tái tạo cảm hứng, phe bảo thủ Dân chủ Blue Dog mà ông đang bị ràng buộc, hay những người mới đến từ các quận màu tím hoặc thậm chí màu đỏ mà cuộc sống phụ thuộc vào các chương trình nghị sự ôn hoà?

Obama đã nói về sự cần thiết phải ấn định lại các quyền, nhưng nếu cố dò hỏi về cách thức, ông bất ngờ biến mất như bọt biển. Ông Obama cam kết chấm dứt cuộc chiến tại Iraq một cách đầy trách nhiệm, nhưng căng thẳng giữa việc chấm dứt hay đảm nhận trách nhiệm vẫn tiếp diễn. Ông bỏ phiếu cho kế hoạch 700 tỉ USD giải cứu tài chính phố Wall, nhưng có quá nhiều lời phàn nàn về kế hoạch này hơn là về khoản tiền có giá trị trong đó. Và thời hạn ba tháng từ nay cho đến lễ nhậm chức hoàn toàn không có sự khoan nhượng đối với một vị tổng thống mới.

Obama đã cảnh giác ở mọi góc độ, để không tự buộc mình vào quá nhiều chi tiết. Nhưng bản thân ông đã đưa ra rất nhiều lời cam kết. Thượng nghị sĩ Hillary Clinton không hề ảo tưởng về điều đang chờ đón phía trước. “Tôi nhớ rất rõ, ngay sau khi Bill (cựu Tổng thống Bill Clinton) thắng cử, chúng tôi đã phát hiện ra thâm hụt ngân sách lớn gấp 2 lần so với khoản được công bố”, bà tiết lộ trên tờ Time. "Nhìn vào chính quyền hiện nay, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ thấy rất nhiều rắn đang trốn dưới những tảng đá, khi bắt đầu đi dồn chúng lại”, bà nói.

Obama có một đội ngũ nhân viên sẵn sàng cộng tác chặt chẽ với Bộ Ngân khố và Ngũ giác Đài trong trường hợp chiến thắng. Họ đã trình hàng loạt cái tên cho Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ, để chắc chắn họ không có vưóng mắc gì về an ninh trong thời gian sớm nhất. McCain đã chế giễu động thái này của Obama, nhưng, một mặt nào đó, sự chuẩn bị của vị tân Tổng thống cho tiến trình chuyển giao quyền lực đã phản ánh thực tế rằng, phần còn lại của thế giới sẽ không đợi đến lễ nhậm chức ngày 20.1 để biết xem ông nghĩ gì. Vào thời điểm như hiện nay, bất cứ điều gì tương tự không thể được xem là sự chuẩn bị thái quá.

 

Con đường phía trước còn dài (Ảnh: Time)

Cam kết của ông Obama về đoàn kết dân tộc sẽ chẳng có nghĩa gì, nếu ông chỉ làm những điều hiển nhiên dễ dàng. Ông sẽ phải tìm ra những người Cộng hoà thực sự để đưa vào trong danh sách nội các thực sự. Ông phải sử dụng quyền lực của mình theo cách có thể khiến cả hai đảng cùng mất lòng, để tạo sức nặng cho những từ ngữ mà chúng ta cần phải nghe, chứ không chỉ là những từ trên đầu lưỡi, như sự khổ hạnh, sự hy sinh, trách nhiệm đối với con cái. 

Khoản nợ quốc gia đã vượt 10 nghìn tỉ USD vào tháng 9, và vào tháng tới, khoản nợ này sẽ tăng thêm 500 tỉ USD – cú lao nhanh nhất, xa nhất vào điểm đỏ tài chính trong hơn 50 năm qua. Liệu Obama có thể chấm dứt được tình trạng tiêu chuẩn kép giữa cách thức mà Washington làm việc và cách mà bất cứ nơi nào khác làm, những kẻ hở mà nó bảo vệ, những cảm giác chung mà nó chống lại?

“Chiến thắng này, nếu đơn độc, sẽ không phải là sự thay đổi chúng ta tìm kiếm”, ông Obama tuyên bố tối 4.11. “Đó chỉ là cơ hội cho chúng ta để tạo nên sự thay đổi. Và điều đó không xảy ra nếu chúng ta quay trở lại con đường cũ. Nó không thể xảy ra nếu thiếu các bạn”.

Nước Mỹ đã có những nhà lãnh đạo mà người dân cho là xứng đáng. Nếu chúng ta đưa họ lên, rồi quẳng họ xuống mà từ chối ủng hộ họ, thì không có Tổng thống nào, dù có khả năng hùng biện đến đâu, dù có những ý tưởng sâu sắc đến đâu về những việc cần làm, có thể đưa nước Mỹ đến nơi mà chúng ta từ chối đi tới. Hành trình này không chấm dứt vào ngày Bầu cử, đó là điều mà Obama đã nhắc đi, nhắc lại khi ông nói về khả năng những người bình thường làm nên những điều diệu kỳ. Vì thế, nước Mỹ, đơn thuần, đang ở giai đoạn cuối của sự bắt đầu.