Home Tin Tức Thời Sự Làm thái tử nước Anh không dễ

Làm thái tử nước Anh không dễ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Giang- BBC NEWS   
Thứ Tư, 19 Tháng 11 Năm 2008 14:17

 Thái tử Charles đợi nhiều năm mà vẫn chưa lên ngôi vua

Ai học tiếng Anh hẳn đều biết blue blood là 'dòng giống quý phái' nhưng có thể không biết đài phun nước ở quảng trường Trafalgar, London được pha màu xanh dương lúc Thái tử Charles chào đời ngày 14/11/1948.

Cuộc đời của vị vua tương lai cũng từ đấy mà hóa ra có nhiều sóng gió dù như có người nói, ông chỉ quanh quẩn ở ‘nhà của mẹ’ và ‘không có việc làm’.

Dịp sinh nhật 60 tuổi vừa qua là dịp để dư luận và báo chí Anh Quốc đánh giá và khen chê Charles.

Nghĩ gì về Thái tử?

Tờ Sunday Times có bức biếm họa nhỏ trêu ông về vụ uống rượu brandy rồi lái xe khi mới 14 tuổi.

Rồi đám nhà báo còn chơi chữ gọi ông là 'Charlatan' (lang băm) vì gợi ý rằng uống cà phê nhiều sẽ tránh được ung thư.

Có báo thì than rằng nếu cứ phải đợi lên ngôi sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời thì ông sẽ lên làm vua khi đã ‘quá tuổi về hưu’.

Vì cả đời Charles chỉ được đóng vai trò phụ để chờ lúc lên làm nhiệm vụ lịch sử.

Đã thế, dư luận Anh lại chỉ thường được nghe báo chí, nhất là các báo lá cải tường thuật về những điều lập dị của Charles.

Nhiều điều hóa ra không thật hoặc bị tách khỏi bối cảnh.

Ví dụ như chuyện ông có người hầu riêng bóp kem đánh răng lên bàn chải mỗi tối.

Thực ra, chỉ có một lần như vậy vì ông bị thương sau trận cầu polo và phải băng tay.

Nữ công tước xứ Cornawall và Thái tử xứ Wales

Cuộc hôn nhân với Camilla đã khiến Thái tử Charles tĩnh tâm trở lại

Rồi chuyện ông thì thào tâm sự với cây cỏ.

Thực ra, Charles không phủ nhận chuyện ông chăm lo cho ngành nông nghiệp và luôn nghĩ về môi sinh.

Nhưng chỉ đến nay, nhiều người, kể cả các quan chức chính phủ, mới công nhận vị Thái tử có tầm nhìn về vấn đề thực phẩm và môi trường.

Các hoạt động từ thiện của ông được ghi nhận là có hiệu quả giúp người thiệt thòi thoát đói nghèo, thanh thiếu niên các 'xóm liều' tìm được việc làm nghiêm chỉnh.

Người ta nói ông cũng khá hài hước chứ không lạnh nhạt.

Chẳng hạn, khi còn phục vụ trong hải quân, một lần ông gặp nhóm nhà báo lên tàu để tìm phỏng vấn. Họ không nhận ra vị Hoàng tử xứ Wales vì ông để râu rất dài và được chính ‘đương sự’ đáp: “Hoàng tử sẽ không tiếp các vị đâu. Thằng cha đó tính nết thất thường lắm”.

Tương lai

Nhưng theo nhà báo Jonathan Dimbleby, người bạn và tác giả cuốn sách về Thái tử thì khi lên làm vua, ông sẽ không chịu sống trong im lặng.

Với thế giới bên ngoài, cuộc hôn nhân, rồi ly hôn của Thái tử với Công nương Diana đã thu hút dư luận.

Nhưng tại Anh, tính cách bị coi là lập dị và các phát biểu của Thái tử đặt ra cả những câu hỏi về Hiến pháp, một hiến pháp không ghi trên giấy và tương lai của Liên hiệp Vương Quốc Anh.

Ví dụ như Dimbleby giải thích việc Thái tử từng nói ông sẽ 'là người bảo vệ tín ngưỡng Anh giáo'.

Câu nói khiến người ta lo ngại ông sẽ chỉ vì một tôn giáo được coi là Quốc đạo mà lơ là các tôn giáo khác cũng hiện diện ở Anh như Thiên Chúa giáo La Mã, Hồi giáo v.v.

Thái tử Charles

Nhiều người không hiểu Thái tử Charles khi lên làm vua sẽ thay đổi thế nào

Rồi thái độ của ông với xứ Scotland, vốn là quê của bà ngoại, cũng có thể có tác động đến việc người Scotland ủng hộ Liên hiệp với xứ Anh.

Ông từng bị Giáo hội Tự do Scotland phê phán vì đi trượt tuyết trong ngày lễ Sabbath.

Trên nguyên tắc, vị vua tương lai, như Nữ hoàng hiện nay, là người đứng đầu giáo hội Anh giáo Toàn cầu và nguyên thủ quốc gia của Liên hiệp Vương Quốc Anh tức United Kingdom gồm bốn dân tộc họp lại.

Nên chỉ một lời phê phán như vậy cũng ảnh hưởng đến uy tín 'chưa làm vua' của ông.

Nỗi khổ của Charles là mọi phê phán đều nhằm vào chỗ ông người ta suy diễn ông sẽ đóng vai trò đó như thế nào dù ông chưa lên cầm quyền.

Quả là không 'fair' cho vị Thái tử.

Ngược lại, có thể sẽ là điều hay và hiện đại nếu Anh Quốc có một vị vua tính cách mạnh, dám nói thẳng ý nghĩ của mình, thậm chí 'phá lệ' trong thời buổi các chính trị gia hay đóng kịch.