Home Tin Tức Thời Sự Hiệp ước an ninh Mỹ - Iraq

Hiệp ước an ninh Mỹ - Iraq PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Long, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 19 Tháng 11 Năm 2008 06:20

2008-11-18

Sau các cuộc thảo luận khá cam go, Hoa Kỳ và Iraq hôm 17-11 đã ký tắt hiệp ước quy định việc Mỹ rút lực lượng quân sự khỏi xứ này trong vòng 3 năm.

Hôm 17-11-2008, Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, Ryan Crocker, và Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari ký tắt Hiệp ước An ninh Mỹ-Iraq.

Theo nội dung thỏa thuận, phía Baghdad cương quyết đòi hỏi Mỹ rút quân theo một thời biểu được ấn định rõ ràng, trong khi Tổng thống Mỹ George W. Bush kiên quyết không ấn định thời gian, coi một thời biểu rút quân là một thất bại của Mỹ tai Iraq. 

Kế hoạch rút quân

Cuộc thương lượng nhiều tháng trời giữa Washington với Baghdad đã kết thúc hôm thứ hai 17 tháng 11, khi Ngoại trưởng Iraq Hoshiyar Zebari và đại sứ Mỹ tại Iraq Ryan Crocker hoàn tất việc ký kết, trong tiếng vỗ tay của các đại biểu thuộc hai phái đoàn.

Ngoại trưởng Zebari hân hoan tuyên bố, hiển nhiên ngày thứ hai này là một ngày lịch sử trong mối quan hệ Iraq-Hoa Kỳ.

Đại sứ Ryan Crocker trả lời báo chí, nói rằng quân Mỹ sẽ dần dần rút khỏi Iraq, nhường chỗ cho công cuộc hợp tác giữa hai nước tập trung vào nhiều lãnh vực quan trọng khác.

Đại diện hai quốc gia cũng ký kết một hịêp định khung về chiến lược lâu dài, mà đại sứ Crocker nói là sẽ định hình mối quan hệ song phương trong nhiều năm tới.

    Theo hiệp ước này, Hoa Kỳ sẽ rút dần lực lượng quân sự khỏi Iraq trong thời gian từ nay đến cuối năm 2011.  Lực lượng Mỹ cũng ngưng hoạt động trong các thành phố, thị trấn của Iraq kể từ tháng 6 sang năm.

Dự thảo hiệp ước về vấn đề rút quân đã được Hội đồng chính phủ và Hội đồng quốc trưởng Iraq thông qua từ tuần trước, sau nhiều tháng thương lượng, sửa đổi.   Tuy nhiên hiệp ước chính thức còn phải chờ Quốc hội hai nước phê chuẩn.

Theo hiệp ước này, Hoa Kỳ sẽ rút dần lực lượng quân sự khỏi Iraq trong thời gian từ nay đến cuối năm 2011.  Lực lượng Mỹ cũng ngưng hoạt động trong các thành phố, thị trấn của Iraq kể từ tháng 6 sang năm.

Phía Iraq coi đây là một chiến thắng về ngoại giao và chủ quyền, vào thời gian hành pháp Hoa Kỳ cương quyết bác bỏ một thời hạn nhất định cho việc rút quân.  Tổng thống Bush từng cho rằng thời hạn cụ thể cho việc này là một sự bại trận của Hoa Kỳ.  

Tuy nhiên người chủ toà Bạch ốc kế nhiệm ông Bush, Tổng thống đắc cử Barack Obama, thì lại minh định lập trường của ông là sẽ rút toàn bộ lực lượng quân sự Mỹ khỏi Iraq trong vòng 16 tháng, chỉ để lại một số ít đơn vị chuyên môn về quân sự và kỹ thuật, bao gồm những đơn vị săn lùng tiêu diệt quân khủng bố.

Hôm chủ nhật ông Obama tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn CBS truyền hình toàn quốc, rằng ngay sau khi nhậm chức Tổng thống ông sẽ triệu tập Tổng tham mưu trưởng quân đội và các Cố vấn an ninh quốc gia để khởi sự thi hành một kế hoạch rút quân.

Trong thời gian tranh cử ông Obama đã đề nghị một kế hoạch cụ thể, là mỗi tháng rút khoảng hai Lữ đoàn tác chiến, trong vòng 16 tháng là cơ bản hoàn tất vịêc rút quân. 

Vẫn còn nhiều thách thức

Tổng tham mưu trưởng quân lực Mỹ, đô đốc Michael Mullen, tuyên bố ông và các cấp chỉ huy của quân đội chấp nhận các điều khoản của hiệp ước mới ký kết, nhưng mọi thời biểu rút quân đều phải tuỳ thuộc vô số yếu tố, kể cả tình hình an ninh trong từng thời gian.

Vị đô đốc nói rằng lực lượng Mỹ ở Iraq khá đông đảo, tuy việc rút quân thực hiện được, nhưng không phải chuyện có thể làm lập tức, mà phải mất hai ba năm.   Ông cũng nhìn nhận rằng chính quyền mới của Tổng thống Obama có thể đòi hỏi một cuộc rút quân ồ ạt, nhanh chóng hơn.

    Việc rút lực lượng Mỹ khỏi các thành phố trọng điểm như BaghdadMosul trong thời hạn cuối tháng sáu sang năm là một thử thách to lớn.

    Đô đốc Mullen    

Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ cho rằng lực lượng quân sự Iraq đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong mấy năm qua, và nếu cứ theo đà này thì hai ba năm nữa có thể rút hết quân Mỹ khỏi Iraq.

Tuy nhiên, Đô đốc Mullen nói thêm, rút lực lượng Mỹ khỏi các thành phố trọng điểm như Baghdad và Mosul trong thời hạn cuối tháng sáu sang năm là một thử thách to lớn. 

Hiện nay quân Mỹ đã rút khỏi một số thành phố ít biến động hơn, và quân đội Iraq đã thay thế nhiệm vụ.

Về phía Iran, là nước láng giềng quan tâm nhiều nhất đến lực lượng Mỹ tại Iraq, thì hôm thứ hai dường như vừa có quan điểm thực tế hơn về vấn đề rút quân của Hoa Kỳ. 

Một số nhân vật thuộc cánh bảo thủ vẫn đả kích hiệp ước, cho rằng Mỹ cần lập tức rút quân, trong khi một nhân vật chủ chốt có nhiều ảnh hưởng trong chính trường Iran đột nhiên ca ngợi chính phủ Iraq về phương cách thương lượng với Hoa Kỳ để đạt được hiệp ước này.  

Ayatollah Mahmoud Hashemi Sharoudi, người lãnh đạo hệ thống tư pháp của Iran, tuyên bố chính phủ Iraq đã hành xử rất hay trong vấn đề hiệp ước an ninh ấy, và Iran hy vọng việc thi hành hiệp ước sẽ có lợi cho người Hồi giáo và chủ quyền của Iraq.

Giáo chủ Hashemi Sharoudi là người thân cận với lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khameni; quan điểm của ông phản ánh quan điểm của cánh bảo thủ trong chính quyền Iran tuy không phải tất cả phe bảo thủ hay cả Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.