Người Việt hải ngoại và California |
Tác Giả: Andrew Lâm Pacific News Service, San Francisco |
Thứ Ba, 18 Tháng 11 Năm 2008 08:15 |
Phần lớn người Việt hải ngoại sống tại Hoa Kỳ Gần ba triệu người Việt đã chạy ra nước ngoài và tản mác ở khắp năm châu lục. Cá nhân tôi có người thân sống ở sáu quốc gia và ba châu lục. Nhưng gần một nửa số Việt kiều định cư tại Bắc Mỹ và số lượng lớn nhất tập trung tại California. Tại sao lại là California? Ban đầu chỉ là sự may rủi. Trại tị nạn Pendleton, gần San Diego, là nơi đón nhận đa số trong đợt sóng tị nạn đầu tiên. Nhà làm phim Tony Bùi đã làm phim Green Dragon (Rồng xanh) để tưởng nhớ lớp người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu, và nó kể câu chuyện về cuộc sống trong Trại Pendleton năm 1975. Tiểu bang Vàng Người tị nạn dần dần được những người Mỹ có lòng bảo trợ đưa ra khỏi trại. Nhiều người đến sống ở gần Quận Cam và San Diego. Có người lại lên miền bắc, đến Bay Area (Khu vực vịnh San Francisco) và rồi sau đó là thung lũng San Joaquin. Từ may rủi chuyển thành nghiễm nhiên. Nhiều người đã định cư ở các bang khác cũng di cư lần hai tới đây, để đoàn tụ gia đình, để tránh rét và tìm việc. Nhiều thuyền nhân, ở châu Âu và châu Á, cũng tìm đến đây, hy vọng làm giàu. Theo điều tra dân số năm 2000, trong khoảng một triệu người Việt ở Mỹ đã có gần một nửa sống ở California - tiểu bang có dân số Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam. Đó là vì sao Knight Ridder, một trong những dây chuyền báo chí lớn nhất của Mỹ, lại thành lập một tuần báo tiếng Việt, Viet Merc. Tờ báo con của Knight Ridder, San Jose Mercury, cũng là một trong vài tờ báo Mỹ vẫn còn đặt văn phòng ở Việt Nam. Từ tị nạn thành công dân Nhiều người Mỹ gốc Việt, khi nói về đời mình, thường nhận xét cuộc sống của họ khác thế nào trước và sau khi rời Việt Nam. Văn hóa Việt và Mỹ hòa quyện làm thành bản sắc "Trước lúc ra đi, tôi không thể hình dung cuộc sống ở Mỹ sẽ ra sao" - tôi thường nghe câu này từ người thân, bạn bè khi họ kể về quá khứ. Cái biến đổi trong tâm thức người Việt tị nạn chính là ý tưởng giản dị mà mạnh mẽ về sự tiến bộ. Tại Tiểu bang Vàng (Golden State), nơi giấc mơ có thể thành hiện thực, anh ta trở nên tham vọng. Anh ta nhìn thấy nhà hàng của mình từ bảng "cho thuê" của một cửa hàng tàn tạ trong một khu vực nghèo đói. Anh ta nhìn thấy con mình tốt nghiệp từ trường hạng nhất. Anh ta tưởng tượng có nhà với hồ bơi trong năm năm tới - toàn là những thứ không thể có ở quê nhà. Tấn bi kịch bị trục xuất hồi đầu theo năm tháng được thay bằng niềm hân hoan khi có đẳng cấp mới cùng tiền bạc. Một cộng đồng lúc đầu tự xem đang sống lưu vong dần dần có sự tự đánh giá khác. Họ bắt đầu xem mình là cộng đồng nhập cư. Bắt đầu xem nước Mỹ là nhà. Chính trị cũ Tôi đến Quận Cam để chiêm ngưỡng tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ mà bố mẹ vẫn thường kể. Cha tôi, viên tướng của miền Nam cũ, có chân trong ban cố vấn xây tượng đài. Chỉ trong một buổi chiều, người Việt ở Quận Cam đã quyên được hơn 200.000 đôla cho nó. Nhưng tôi thấy lòng chia đôi khi đứng trước bức tượng. Tôi cảm giác điều gì đó giống như lòng yêu nước chảy trong huyết quản; và đồng thời, tôi cảm giác có nhu cầu phải tách xa. Tôi chợt nhận ra rằng mặc dù một sợi dây lịch sử vẫn còn định hình những người mặc quân phục như cha tôi, thì một sợi dây khác cũng đang chi phối tôi. Trong khi cha xem mình là kẻ sống lưu vong tại Mỹ, tôi xem mình là một nhà báo Mỹ có nhiều chuyến đi về Việt Nam mà không nhiều rộn ràng cảm xúc. Điều trớ trêu là cha không thể quay về đất nước mà cha trung thành chừng nào chính thể hiện nay còn cầm quyền. Sự giận dữ của cha còn lại từ Chiến tranh Lạnh mà vẫn chưa kết thúc. Lịch sử, với cha tôi và với những người vẫn mặc quân phục 3 thập niên sau chiến tranh, có xu hướng chạy ngược lại về với ký ức cuộc chiến, về với cuộc tranh đấu đẫm máu mà đem lại thất bại và lưu vong. Họ sống ở Mỹ nhưng hồn ở Việt Nam. Phần còn lại của thế giới, biến đổi vì các lực đẩy toàn cầu hóa, đã vượt qua sự hận thù xưa, vượt qua tâm lý 'ta và chúng nó'. Tinh thần xuyên quốc gia Với tôi, Việt Nam đã trở thành điểm chia tay, đôi khi là điểm đến và là mối ưu tư, nhưng không còn là quê hương. Ngày xưa còn bé, tôi hát bài quốc ca ở sân trường Sài Gòn, mắt đẫm lệ, nhưng người đàn ông đang viết những dòng chữ này đã bớt dần cảm giác dân tộc xưa ấy. Đứa bé ấy tin rằng biên giới, giống như Vạn lý trường thành, là đường phân ranh có thật, và ta không thể tranh cãi về sự toàn vẹn của nó. Người đàn ông phát hiện ra rằng các đường biên giới bao giờ cũng có lỗ thủng. Đứa bé ấy ngày nào tức tưởi vì bi kịch của dân tộc, căm giận lịch sử vì nó đã cướp đi quê nhà và bản sắc dân tộc. Người đàn ông, dù ghen tị với những cảm xúc của thằng bé, đã cứng cỏi hơn vì quá trình tìm kiếm bản ngã của cá nhân. Và không chỉ riêng tôi mới nghĩ thế. Những ngày này, tôi hay nói huyên thuyên về những cái tên của các nghệ sĩ, nhà văn người Mỹ gốc Việt, với sự hài lòng của một người từ lâu khao khát có thêm tiếng nói cho dân tộc, cho cộng đồng. Kien Nguyen, Monique Truong, Truong Tran, Barbara Tran, Dustin Nguyen, Tony Bui, Andrew Pham, Duc Nguyen, Trung Tran, Long Nguyen, Dao Strom, Le thi Diem Thuy, Bao Long Chu, Nam Le - danh sách dài các nghệ sĩ, hơn một nửa là từ California, đang chầm chậm nhưng chắc chắn mở rộng. Nếu chiến tranh Việt Nam là quá khứ chung của họ, quá khứ ấy không còn là điều duy nhất định nghĩa bản sắc của họ giờ này. Chúng tôi đang trong quá trình tái tạo lại toàn bộ quan niệm về thế nào là người Việt, một định nghĩa vừa mở lại vừa bao quát Họ là những nhà sáng tạo nổi lên vào lúc phương Đông đang nổi về kinh tế, văn hóa, và Tây phương ngày càng dựa vào phương Đông làm nguồn cảm hứng và giải trí. Nhiều người trong chúng tôi đang thương lượng giữa Đông và Tây, ký ức và hiện đại, truyền thống và khát khao cá nhân. Chúng tôi đang trong quá trình tái tạo lại toàn bộ quan niệm về thế nào là người Việt, một định nghĩa vừa mở lại vừa bao quát. Nam Nguyễn, chủ bút của tờ Cali Today, bảo tôi rằng huyền thoại tạo dựng dân tộc của người Việt cần được viết lại. Nó cần là câu chuyện dân tộc vượt khỏi ràng buộc địa lý. Đấy là truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, trăm trứng nở trăm con. Nam Nguyễn bảo một người Việt mới đang "nở ra" ở nước ngoài. Anh không biết người Việt ấy là ai, vì người ấy chưa được mô tả trong bất kỳ huyền thoại hay văn chương nào của Việt Nam. Nhưng tôi đã trông thấy người ấy. Đó là Eric, cháu trai của tôi lướt web trong khi ông bà xem phim chưởng của Tàu lồng tiếng Việt. Gần bên là bàn thờ phảng phất khói hương, nhưng trên màn hình máy tính là trò video game Nhật Bản. Chỉ mới bảy tuổi mà thằng bé đã quen thuộc với mọi ý tưởng mâu thuẫn này, những ngôn ngữ và tình cảm khác biệt. Eric chơi piano nhưng thích nhất là violin. Thằng bé nói tiếng Anh, chen tiếng Việt ở nhà cứ như đó là một ngôn ngữ. Khi được hỏi muốn làm gì khi lớn, nó bảo "Chắc là làm phi hành gia," cứ như thể đó là chuyện giản dị nhất trần đời. Sự tưởng tượng của đứa bé không còn bị ràng buộc, và mặt trăng có thể là rất gần. Và tôi cầu chúc cho đứa bé sẽ thừa hưởng thêm thật nhiều quê nhà và ngôn ngữ khi nó chu du bên trong và vượt khỏi bên ngoài Tiểu bang Vàng. Về tác giả:Andrew Lâm, sinh năm 1964, có cha là Trung tướng Lâm Quang Thi. Ông cùng bố mẹ đến Mỹ năm 1975, sau đó học đại học ở Trường Berkeley và trở thành nhà báo. Đây là bản dịch tiếng Việt rút gọn từ một tiểu luận tiếng Anh sắp in trong một hợp tuyển về Việt Nam. Tiểu sử tác giả Đến Mỹ năm 1975, ở tuổi 11 Biên tập viên ở Pacific News Service Nhận giải của Asian American Journalists Association National Award (1993, 1995) Có bài trên báo L.A. Times Magazine, New York Times |