Home Tin Tức Thời Sự WHO: Kết hợp Ðông và Tây y

WHO: Kết hợp Ðông và Tây y PDF Print E-mail
Tác Giả: VOA NEWS   
Thứ Ba, 18 Tháng 11 Năm 2008 07:27

18/11/2008

Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho rằng các loại thuốc dân tộc cổ truyền cũng có thể trị các loại bệnh hiện đại, và nên được áp dụng kết hợp trong cách chăm sóc chính. Người đứng đầu của tổ chức này nói rằng nên theo mô thức của Trung Quốc, nơi mà các dược thảo được sử dụng chung với các loại thuốc của phương Tây. Tuy nhiên, theo tường trình của Daniel Schearf, Thông Tín Viên của VOA tại Bắc Kinh, vẫn còn nhiều người vẫn nghi ngại không biết ngành y học cổ truyền có thực sự sự công hiệu và an toàn hay không

 An assortment of Chinese herbs used for medicinal purposes

Một số dược thảo Ðông y dùng làm vị thuốc

Thuốc đông y của Trung Quốc đã có từ trên 2 ngàn năm nay. Người Trung Quốc dùng thuốc này để trị bá bệnh, từ cảm mạo cho đến ung thư.

Cách chữa trị toàn bộ cơ thể, kết hợp giữa dược thảo, ăn kiêng và tập thể dục, ngày càng được nhiều người phương Tây áp dụng.

Bà Margaret Chan, Giám Đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới nói rằng các loại thuốc đông y nên được dùng chung với các thuốc tây y để trị các bệnh của thời đại.

Bà Chan nhận định: “Hai lối trị liệu của đông phương và tây phương không mâu thuẫn nhau. Khi nói đến chăm sóc sức khỏe cơ bản, hai thứ này có thể kết hợp hài hòa với nhau, bằng cách sử dụng những gì hay nhất của mỗi bên để bù trừ cho những cái yếu của mỗi bên.”

Phát biểu của bà được đưa ra tại Bắc Kinh trước hội nghị lần đầu tiên được Tổ Chức Y Tế Thế Giới triệu tập để tìm cách phát triển thuốc đông y.

Vẫn theo lời tổ chức của Liên Hiệp Quốc này, thuốc đông y có ít phản ứng phụ hơn thuốc tây, và khi muốn trị các bệnh có nhiều người mắc, như tiêu chảy hoặc sốt rét, thuốc đông y lại rẻ và công hiệu hơn.

 Margaret Chan

Bà Chan nói rằng thuốc đông y cũng có thể giúp ngăn ngừa những thứ bệnh mà người ta thường gọi là bệnh của thời đại; ví dụ như tiểu đường, tim mạch, và rối loạn tâm thần.

Bà nói rằng Trung Quốc là một mô hình tốt, bởi vì ở đó các bác sĩ thường kê toa bằng cả 2 loại thuốc. Nhưng bà lưu ý rằng không phải loại thuốc đông y nào cùng đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học và an toàn.

Bà Chan giải thích: “Nhiều loại thuốc đông y không được chứng minh rõ rệt đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra kiểm tra về chất lượng và tiêu chuẩn sản xuất đối với loại thuốc này không được nghiêm ngặt và không chặt chẽ. Các loại thuốc đông y có thể tránh né các quy định gắt gao về an toàn thuốc men. Những người hành nghề có thể không có giấy phép hoặc không được chứng nhận.”

Lâu nay các hãng bào chế của phương Tây vẫn nghiên cứu để thêm dược thảo vào của sản phẩm của họ.

Mặc dù các loại dược thảo hiện nay có doanh số mỗi năm hàng tỉ đôla, nhưng có nhiều loại mà người sử dụng không hiểu rõ trong thuốc có những chất gì và công hiệu như thế nào.

Bác sĩ nhi khoa Robbie Parkman, đã từng đến Bắc Kinh dự Olympic mới đây, nói rằng các bác sĩ như ông khá quan ngại.

Bác sĩ Parkman nói: “Phần nói về chữa trị bằng cách tái lập quân bình âm dương của toàn bộ cơ thể con người là phần rất hay. Còn cái phần sử dụng chất liệu thì tôi nghĩ đông y cần phải cải tiến. Bởi vì tôi nghĩ rằng ngay cả một loại thuốc có công hiệu với một loại bệnh nào đó, chúng ta cũng không thể mang ra dùng mãi cho tất cả mọi người.”

Tổ Chức Y Tế Thế Giới nói rằng khi kết hợp thuốc đông y vào thuốc tây y để chữa trị, thì ta có thể khuyến khích thêm các cuộc nghiên cứu khoa học, khuyến khích chuyện theo dõi giám sát, đồng thời bảo đảm các loại thuốc này sẽ được sử dụng an toàn và hiệu quả.

Bác sĩ Vương Kỳ, giáo sư trường đại học Y Học dân tộc Bắc Kinh nói rằng thách thức lớn nhất để phổ biến thuốc đông y ra các nước khác là làm thế nào chứng minh sự công hiệu của nó một cách khoa học.

Bác sĩ Vương Kỳ nói: “Khoa học có thể từ từ giải quyết vấn đề này. Còn đối với người thường như chúng ta, điều quan trọng là thuốc có công hiệu hay không. Nếu nó có ích lợi, thì đấy là điều tốt.”