Lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ |
Tác Giả: Ðỗ Dzũng |
Thứ Hai, 17 Tháng 11 Năm 2008 23:26 |
Ngày 20 Tháng Giêng, 2009 tới đây, tổng thống tân cử Barack Obama sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Cùng lúc, phó tổng thống tân cử Joe Biden cũng tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống. Ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ được tổ chức bốn năm một lần vào thời điểm khoảng hai tháng rưỡi sau ngày bầu cử, luôn luôn là ngày 20 Tháng Giêng. Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington, nhậm chức ngày 30 Tháng Tư, 1789 trong một buổi lễ tổ chức tại New York. Năm 1801, Tổng Thống Thomas Jefferson là tổng thống đầu tiên tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Washington DC. Sau đó, ngày tuyên thệ được quy định là 4 Tháng Ba để các đại diện cử tri đoàn có bốn tháng trời sau ngày bầu cử để chuẩn bị tập trung tại thủ đô Washington DC bỏ phiếu bầu tổng thống. Năm 1937, Tu Chính Án 13 thay đổi ngày này và quy định tổng thống tuyên thệ nhậm chức vào lúc 12 giờ trưa ngày 20 Tháng Giêng, bắt đầu từ nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng Thống Franklin Roosevelt. Kể từ năm 1901, tất cả lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống đều được tổ chức tại thềm phía Tây tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ và do Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Hội Về Nghi Lễ Tuyên Thệ (Join Congressional Committee on Inaugural Ceremonies) tổ chức. Một phần quan trọng của lễ tuyên thệ tổng thống là nghi lễ duyệt binh, do quân đội Hoa Kỳ đảm trách, ngay từ lần đầu tiên khi ông George Washington trở thành tổng thống Hoa Kỳ, vì người đứng đầu ngành hành pháp cũng là tổng tư lệnh quân đội. Kể từ lễ tuyên thệ của Tổng Thống Dwight Eisenhower năm 1953, nghi lễ duyệt binh do ủy ban “Armed Forces Inaugural Committee” phụ trách, sau này gọi là “Joint Task Force- Armed Forces Inaugural Committee.” Truyền thống tuyên thệ của tổng thống và phó tổng thống diễn ra cùng một chỗ tại thềm Quốc Hội bắt đầu năm 1937, trong đó phó tổng thống tuyên thệ trước. Trước đó, lễ tuyên thệ phó tổng thống được tổ chức tại Thượng Viện. Khi tuyên thệ, phó tổng thống để tay trái lên Kinh Thánh, đưa tay phải lên và nói: “Tôi xin long trọng thề rằng tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ chống lại tất cả kẻ thù, trong và ngoài nước, rằng tôi sẽ tin tưởng và trung thành đúng với nguyên tắc: tôi nhận trách nhiệm một cách tình nguyện, không tính toán, và tôi sẽ nhận tất cả trách nhiệm của công việc mà tôi sắp đảm nhận.” Ðúng 12 giờ trưa, tổng thống tân cử cũng đặt tại trái lên Kinh Thánh, thông thường với sự hiện diện của chánh án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, đưa tay phải lên và nói một câu trong Hiến Pháp Hoa Kỳ như sau: “Tôi xin long trọng thề (hoặc xác quyết) rằng tôi sẽ điều hành văn phòng tổng thống Hoa Kỳ và sẽ cố gắng tối đa trong khả năng của tôi gìn giữ, che chở và bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ.” Theo truyền thống, nghe nói, trong lần tuyên thệ đầu tiên, Tổng Thống Washington còn nói thêm câu “Xin Thượng Ðế giúp tôi” sau khi đọc lời thề nêu trên. Mặc dù không có bằng chứng nào xác thực, nhưng kể từ đó, nhiều tổng thống Hoa Kỳ đều bắt chước vị tổng thống tiên khởi của Hoa Kỳ và nói thêm câu này. Tổng Thống Theodore Roosevelt kết thúc lời thề của mình bằng câu nói “và tôi xin thề vậy.” Chỉ có Tổng Thống Franklin Pierce dùng chữ “xác quyết” thay vì chữ “thề” như các tổng thống khác khi đọc lời thề của mình. Tổng Thống Hubert Hoover nghe nói cũng dùng chữ “xác quyết” vì ông là người Quaker, nhưng báo chí thời đó đều nói trước đó, ông định dùng chữ “thề.” Kể từ lễ tuyên thệ lần thứ nhì của Tổng Thống Thomas Jefferson năm 1805, các tổng thống thường duyệt binh trên đại lộ Pennsylvania, từ Tòa Bạch Ốc đến tòa nhà Quốc Hội. An ninh cho lễ tuyên thệ tổng thống là một công tác phức tạp do nhiều cơ quan an ninh phụ trách bao gồm Secret Service và những cơ quan an ninh liên bang khác như Immigration and Customs Enforcement-Office of Federal Protective Service (ICE-FPS), tất cả năm binh chủng quân đội Hoa Kỳ, sở cảnh sát Capitol Police và sở cảnh sát Washington DC. Ðôi khi, các cơ quan an ninh của một số tiểu bang lân cận cũng được điều động để bảo vệ an ninh vì các cuộc biểu tình do hàng trăm ngàn người có mặt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo dự trù, sẽ có khoảng hơn 1 triệu người tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông Obama vào ngày 20 Tháng Giêng, 2009 tới đây. (Ð.D.) |