Home Tin Tức Thời Sự Thêm 3 - có thể 4 hay 5 - dân cử gốc Việt ở California

Thêm 3 - có thể 4 hay 5 - dân cử gốc Việt ở California PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Văn Phú   
Chúa Nhật, 16 Tháng 11 Năm 2008 13:32

 

Trong các kì bầu cử 2004 và 2006, hơn một chục ứng viên gốc Việt ở California đã được tín nhiệm vào nhiều chức vụ dân cử khác nhau. Đến kì bầu chọn 2008 kết quả không thành công như những năm trước. Trong số 20 ứng viên, hai dân cử đương nhiệm tái đắc cử nhưng chỉ có ba ứng viên mới được bầu chọn.

1. Quận Cam

Tại Quận Cam, Dân biểu Tiểu bang Trần Thái Văn và Ủy viên Giáo dục Garden Grove Nguyễn-Lâm Kim-Oanh tái đắc cử.

Những ứng viên khác, Andrew Đỗ về nhì và coi như được vào Hội đồng Thành phố Garden Grove vì đang trống hai ghế. Nơi đây trong những năm qua là giàn phóng lên con đường chính trị của hai dân cử gốc Việt cao cấp nhất ở California là Dân biểu Trần Thái Văn và Giám sát viên Janet Nguyễn. Tuy cả hai theo Đảng Cộng hoà nhưng lại chống nhau kịch liệt và muốn đưa gà nhà vào chính trường. Phiá Dân biểu Văn đã đưa được Dina Nguyễn vào hội đồng thành phố hai năm trước, nay ủng hộ ủy viên giáo dục Trung Nguyễn. Còn phiá Giám sát viên Janet Nguyễn đưa chánh văn phòng Andrew Đỗ ra tranh cử. Linh Hồ là ứng viên thứ ba, ít người biết tiếng.

Trong các kì bầu cử thường có “spoiler” - một từ để chỉ ứng viên không đủ khả năng thắng nhưng tranh cử để phá đối thủ. Trong cuộc bầu chọn này không biết Linh Hồ, về thứ tư hay Trung Nguyễn, thứ năm, ai là spoiler và cho phe nào.

Tại Thành phố Westminster kế bên, nơi có mật độ cư dân gốc Việt là 31% trong 90 nghìn cư dân, với 5 người tranh 2 ghế nghị viên. Ứng viên gốc Việt duy nhất là Trường Diệp, hiện là ủy viên đặc khu vệ sinh, đang về thứ ba với 9,875 phiếu, chỉ thua người về nhì có 52 phiếu vì thế còn hi vọng thắng cho tới khi khi tất cả phiếu bầu được đếm.

Hội đồng Giáo dục Westminster kì này bầu chọn 2 đại biểu từ 6 ứng viên, trong đó có 4 gốc Việt đều thất bại. Ứng viên Việt được số phiếu cao nhất là Frank Trần, về thứ ba với 15%, thua ứng viên về nhì, đạt 30%, một khoảng cách rất xa.

Kết quả bầu cử ở Westminster cho thấy các ứng viên Việt thất bại trước hết là vì chia phiếu của nhau. Thứ nhì là dù có đông người Việt, muốn thắng ứng viên gốc Việt phải vượt ra khỏi ranh giới sắc tộc và vận động yểm trợ của cử tri thuộc các sắc dân khác.

2. San Jose

Năm nay số phận các ứng viên Việt ở San Jose, nơi có 9% gốc Việt trong 900 nghìn dân, cũng rơi rụng như sung.

Không như cách bầu chọn ở Quận Cam với ứng viên được nhiều phiếu hơn sẽ thắng, ở San Jose nếu trong vòng đầu không ai được quá bán số phiếu thì sẽ có bầu vòng hai giữa hai ứng viên được cao phiếu nhất.

Bầu cử tháng 6 vừa qua, tranh chức nghị viên San Jose Đơn vị 8 có tám ứng viên, với 3 gốc Việt. Nếu chỉ có một thì sẽ có ứng viên Việt được vào chung kết ngày 4 tháng 11. Nhưng vì chia phiếu nên cả ba đều thua. Về nhất là một người gốc Mỹ La tinh, với 23% số phiếu. Các ứng viên Việt đạt kết quả như sau: Minh Dương, thứ tư với 12.5%; Lân Nguyễn, thứ năm với 10% và Vân Lê, thứ bảy với 7%.

Vùng San Jose kì này có 5 ứng viên Việt tranh nhiều chức vụ và chỉ có ủy viên đương nhiệm của Hội đồng Giáo dục East Side Union là Lân Nguyễn tái đắc cử. Hai ứng viên Vance Vương, Kathi N. Trần tranh cử vào các hội đồng giáo dục khác nhau đều về chót và Heidi Phạm tranh cử vào Hội đồng Thành phố Milpitas nhưng cũng thất bại.

Tuy nhiên có ứng viên Khoa Nguyễn tranh một trong hai ghế của Hội đồng Giáo dục Berryessa và hiện đứng thứ hai với 6,635 phiếu, chỉ hơn người đứng sau ông có 31 phiếu vì thế chắc chắn hội đồng bầu cử sẽ đếm phiếu lại để xác minh rõ hơn ai thắng. Sẽ có nhiều cử tri hối tiếc vì đã không đi bỏ phiếu ở khu vực Berryessa kì này vì lá phiếu của họ sẽ là yếu tố quyết định ở đây.

3. Cơn bão “Little Saigon”

Nghị viên Madison Nguyễn có bị bãi nhiệm hay không? Số phận của cô sẽ được cử tri quyết định trong ngày 3-3-2009 tới đây (Ảnh Bùi Văn Phú)

Trong suốt một năm qua, khi Nghị viên Madison Nguyễn - được bầu chọn vào Hội đồng Thành phố San Jose năm 2005 - đưa đề nghị đặt tên cho một khu phố để vinh danh đóng góp của người Việt trong vùng thì điều này đã trở nên một cơn bão có thể cuốn trôi sự nghiệp chính trị của cô.

Sự việc là Nghị viên Madison muốn chọn tên “Saigon Business District”, trong khi nhiều cư dân gốc Việt muốn tên “Little Saigon”. Trong tiến trình đặt tên, cô Madison đã vấp phải nhiều lỗi lầm như không minh bạch, thiếu thành thật và không giữ lời khiến cử tri bất mãn, lập phong trào vận động bãi nhiệm.

Tiến trình bãi nhiệm đang được tiến hành. Sau khi những người chống đối Nghị viên Madison Nguyễn thu được hơn 5 nghìn chữ kí đòi bãi nhiệm, Hội đồng Thành phố San Jose ngày 4 tháng 11 vừa qua đã quyết định tổ chức bầu cử tại Đơn vị 7, là khu vực cô Madison đại diện, vào ngày 3-3-2009 để cử tri quyết định có đồng ý bãi nhiệm cô hay không.

Cô Madison Nguyễn được bầu vào hội đồng thành phố lần đầu tiên tháng 9-2005 với 5,603 phiếu hay 63%. Cô tái tranh cử tháng 6-2006, không có đối thủ và đạt 7,179 phiếu.

4. Ngạc nhiên từ San Francisco và Thung lũng Hoa quả San Joaquin

Tại San Francisco, nơi số người Việt sinh sống chỉ hơn 10 nghìn trong 770 nghìn cư dân. Trong kì bầu cử này cử tri chọn 4 ủy viên vào Hội đồng Đại học Cộng đồng và đã có tất cả 9 ứng viên tranh cử. Kết quả một người Việt là Steve Ngô đã về thứ tư với 85,533 phiếu, hay 12.22%.

Tại Quận San Joaquin miền trung California, nổi tiếng với những cánh đồng hoa quả, có một ứng viên gốc Việt trúng cử vào Hội đồng Giáo dục Lincoln là bà Vân-Hà Tô-Cowell. Trong số 5 ứng viên chọn 2 bà Vân-Hà về thứ nhì với 5,213 phiếu, tức 25.5%.

5. Bang Texas

Ở điạ hạt 149 của bang Texas, dân biểu tiểu bang Hubert Võ vẫn được cử tri tín nhiệm thêm một nhiệm kì hai năm nữa với 57% phiếu bầu. Bốn năm trước ông Hubert Võ nổi tiếng là một ứng viên Dân chủ gốc Việt, tuy còn non về chính trị nhưng đã đánh bại một ứng viên Cộng hoà lão thành với vỏn vẹn 33 phiếu trong số 41,357 phiếu bầu.

6. Bao giờ có dân cử liên bang gốc Việt?

Hiện nay tại California có khoảng 20 dân cử gốc Việt ở cấp tiểu bang, cấp quận và thành phố, nhiều nhất ở Quận Cam. Nhưng sinh hoạt chính trị ở thủ phủ người Việt mang nặng tính phe phái vì thế chắc cũng phải một thời gian lâu nữa cộng đồng mới có được những dân cử gốc Việt cấp liên bang.

[Các số liệu trong bài là tính đến 5 giờ chiều ngày 14.11. Tại một số nơi, hội đồng bầu cử vẫn đang đếm phiếu gửi qua bưu điện và những phiếu tạm thời. Trong trường hợp kết quả quá khít khao, những lá phiếu này sẽ rất quan trọng để quyết định ai thắng hay thua.]