Home Tin Tức Thời Sự Tình Trạng Rối Loạn Tài Chánh Lan Sang Âu Châu

Tình Trạng Rối Loạn Tài Chánh Lan Sang Âu Châu PDF Print E-mail
Tác Giả: VOA NEWS   
Thứ Bảy, 15 Tháng 11 Năm 2008 06:50

 

Giữa lúc các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị tham gia một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp lại có tin cho thấy nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái. Cuộc họp sắp tới của các nước công nghiệp hóa và đang phát triển nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính và tập trung vào việc tìm ra các giải pháp và sự hợp tác có thể có được. Trước khi diễn ra cuộc họp, Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush đã bênh vực cho hệ thống tư bản của nước Mỹ. Thông tín viên đài VOA Carolyn Presutti có bài tường trình chi tiết sau đây.

Thời buổi kinh tế khác thường đem lại những diễn biến cũng khác thường. Cũng giống như bầy cừu đang nhơi cỏ tại chân tháp Eiffel ở thủ đô Paris của nước Pháp, các nông gia châu Âu yêu cầu được Liên hiệp Âu Châu hỗ trợ thêm về tài chính. Ông Howard Bates, một viên chức của Nông hội Anh, phát biểu như sau.
Ông Bates nói: "Chúng tôi cần có sự tự tin để tiến tới."
Châu Âu, cũng giống như Hoa Kỳ, đang phải đối phó với sự suy sụp của hệ thống tài chánh. Nước Đức, nền kinh tế lớn hàng thứ ba trên thế giới đang bị suy thoái và chính phủ nước này nói nguyên do là lượng xuất khẩu bị giảm mạnh.
Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế tiên đoán là nền kinh tế của các nước sử dụng đồng Euro sẽ giảm 0,5% trong năm tới.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu Chính sách của Tổ chức vừa kể là ông Jorgen Elmeskov nói rằng chính phủ các nước này cần phải hành động nhiều hơn nữa.
Ông Elmeskov nói: "Ngân hàng Trung ương phải cắt giảm thêm lãi suất, hoặïc là lựa chọn giữa việc giảm thuế và gia tăng chi tiêu của chính phủ. Những điều này có thể là những việc hữu ích."
Vào ngày thứ bảy tuần này, lãnh đạo của 20 qước gia công nghiệp hóa và các nước lớn có nền kinh tế đang trổi dậy sẽ tề tựu tại thủ đô Washington để tham dự cuộc họp thuợïng đỉnh khẩn cấp về tài chánh.
Trước khi diễn ra cuộc họp Tổng thống Bush đã bênh vực cho đường lối tư bản chủ nghĩa của nước Mỹ.
Tổng thống Bush nói: "Cuộc khủng hoảng tài chánh không phải là sự thất bại của hệ thống thị trường tự do và câu trả lời không phải là tìm cách làm mới từ đầu hệ thống đó."
Việc cứu vãn các định chế tài chánh là trọng tâm của những nỗ lực của chính phủ Tổng thống Bush. Nhưng theo một số thượng nghị sĩ Mỹ, chính phủ nên giúp những người mua nhà khỏi bị tịch thu nhà vì không trả được nợ.
Một báo cáo về gia cư cho thấy: trong tháng 10 vừa qua mỗi ngày có 9,000 căn nhà bị ngân hàng tiến hành thủ tục tịch biên.
Nghị sĩ Christopher Dodd của đảng Dân chủ là Chủ tịch Ủy ban Gia cư của Thượng viện, tuyên bố.
Ông Dodd nói: "Tôi vẫn không hiểu được là tại sao ông bộ trưởng tài chánh và những người khác lại không nhận ra rằng đây là cốt lõi của vấn đề và chừng nào mà chúng ta chưa giải quyết vấn đề này thì vụ khủng hoảng tài chánh sẽ không thể chấm dứt."
Tổng thống Bush có vẻ không đồng ý như vậy:
Ông Bush nói: "Chúng ta phải công nhận rằng việc can thiệp của chính phủ không phải là một giải pháp có thể giải quyết mọi vấn đề. Ví dụ một số người cho rằng cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra là do thị trường nhà đất Hoa Kỳ không được quản lý thỏa đáng. Nhưng nhiều nước Âu châu có hệ thống quản lý chặt chẽ hơn rất nhiều mà họ vẫn gặp phải những vấn đề y hệt những vấn đề của chúng ta."
Tổng thống Bush sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới trong bữa dạ tiệc tối nay tại Tòa Bạch Ốc. Các cuộc thảo luận chính thức sẽ bắt đầu vào ngày mai tại Viện bảo tàng xây dựng quốc gia ở Washington. Các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này chiếm lĩnh gần 90% nền kinh tế thế giới và 2/3 dân số toàn cầu.