Home Tin Tức Thời Sự Đài Loan chia rẽ sau vụ bắt cựu Tổng thống

Đài Loan chia rẽ sau vụ bắt cựu Tổng thống PDF Print E-mail
Tác Giả: Cindy Sui BBC News, Đài Bắc   
Thứ Năm, 13 Tháng 11 Năm 2008 13:31

Hình ảnh cựu Tổng thống Đài Loan bị còng tay đưa đi trong tuần này cho thấy những chia rẽ sâu sắc tại nền dân chủ còn non trẻ.

Những người ủng hộ ông Trần nói vụ bắt giữ là một tuyên bố chiến tranh từ Quốc Dân đảng

Ý kiến công chúng chia rẽ mạnh quanh chuyện giới chức có đúng hay không khi bắt ông Trần Thủy Biển - người giữ chức Tổng thống Đài Loan trong thời gian từ năm 2000 đến 2008.

Trong khi có rất nhiều người phê phán ông Trần, do liên quan đến một loạt vụ tham nhũng bị cáo buộc lên gia đình Tổng thống, nhiều người coi việc xét xử ông là chuyện thanh toán chính trị.

Shane Lee, giáo sư về chính trị tại đại học Thiên Chúa Chang Jung, nói: “Đây là bước thụt lùi cho nền dân chủ Đài Loan và gây chia rẽ xã hội Đài Loan”.

“Công chúng giờ đây biết thêm những mặt xấu của nền dân chủ”.

Tuy nhiên các đối thủ của ông Trần đã hoan nghênh động thái này, nói đó là một bước tiến triển của hệ thống tư pháp.

Một số người đã bắn pháo hoa để ăn mừng. Những người khác thì gào to bên ngoài công tố viện ngay trước khi ông Trần bị tạm giam hôm thứ Ba: “Giam ông ta đến khi nào chết thì thôi”

Những quan điểm khác biệt này vốn là bình thường tại Đài Loan, một hòn đảo tương đối nhỏ với 23 triệu người nhưng lại nổi tiếng với các trận chiến chính trị dữ dội đến mức có thể trở thành các vụ ẩu đả cả ở Quốc hội lẫn trên đường phố.

Thâm thù

Các cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tổ chức tại đây vào đầu những năm 1990, và Đài Loan hiện là một trong những nền dân chủ mạnh nhất tại châu Á.

Đây cũng là xã hội duy nhất của người Trung Quốc mà người dân có thể bầu trực tiếp ra lãnh đạo.

 

Vụ bắt giữ có nguy cơ làm những người ủng hộ ông Trần trở nên cực đoan hơn

Tuy nhiên, những bất đồng giữa hai đảng chính, là Quốc Dân đảng và Dân Tiến đảng, đã chia rẽ người dân nước này.

Trong khi người ta chưa có cuộc biểu tình nào để phản đối việc tạm giam ông Trần Thủy Biển, vụ bắt giữ này đe dọa sẽ khiến cho các ủng hộ viên của đảng Dân Tiến trở nên cực đoan hơn, vì rất nhiều người coi đây là vụ việc có động cơ chính trị.

Các đài phát thanh cực đoan tại miền nam Đài Loan, nơi chủ yếu ủng hộ đảng Dân Tiến, thì nói hành động này là lời tuyên bố chiến tranh của Quốc dân đảng nhắm vào họ.

Giáo sư Lee nói: “Người ta vẫn chưa có các cuộc biểu tình, nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ không biểu tình trong tương lai.”

Việc truy tố ông Trần nếu làm không khéo sẽ có thể gây hại cho chính Quốc Dân đảng.

Ông Kou Chien-wen, phó giáo sư chính trị tại đại học Chengchi nói: “Nếu người ta giam Tổng thống suốt đời thì chuyện này sẽ có tác động tiêu cực tới sự chia rẽ trong xã hội Đài Loan.

“Có thể sẽ có các cuộc biểu tình lớn nếu những người ủng hộ ông ta không tin là hệ thống tư pháp công bằng”.

Đòn giáng cho phe đối lập

Đối với rất nhiều người, nền dân chủ non trẻ của Đài Loan cần các đảng đối lập, vốn là một trong các biện pháp để kiểm soát và cân bằng dân chủ.

Sau khi Quốc Dân đảng nắm 3/4 ghế trong Quốc hội, cũng như giành chức Tổng thống trong cuộc bầu cử đầu năm nay, ngay cả những người ủng hộ cũng cảnh báo về nguy cơ quay trở lại việc cai trị độc đảng.

Việc bắt giữ ông Trần, vốn từng là lãnh đạo Dân Tiến đảng, là một đòn đau đối với đảng đối lập chính của Đài Loan.

Sau khi đã thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử năm nay, đảng này còn đối mặt với thời gian khó khăn trong cuộc bầu cử địa phương vào năm tới.

Ông Trần là lãnh đạo đối lập đầu tiên lên nắm quyền ở Đài Loan

Ông Trần Thủy Biển trở thành Tổng thống đắc cử đầu tiên của phe đối lập vào năm 2000, chấm dứt một nửa thế kỷ hòn đảo Đài Loan nằm dưới sự cai trị của Quốc Dân đảng.

Những bất bình đối với hàng chục năm cai trị của Quốc Dân đảng đã dịu bớt đi trong thời gian ông Trần cầm quyền.

Tuy nhiên, rất nhiều người giờ đây vẫn nghi ngờ Quốc Dân đảng, và các biện pháp thân với Trung Quốc của đảng này gần đây đã làm bùng lên các cuộc biểu tình phản đối lớn.

Những người chỉ trích nói kể từ khi Quốc Dân đảng lên nắm quyền, họ đã chọn một số thành viên của Dân Tiến đảng ra để truy tố, trong khi những người mắc tội tương tự trong Quốc Dân đảng thì không bị sao.

Giới phân tích nhận định liệu hai đảng có thể hợp tác cùng nhau và hàn gắn mối chia rẽ từ trong lịch sử của Đài Loan hay không còn tùy thuộc vào giới lãnh đạo cũng như chuyện hai bên có bỏ được những mối thâm thù khi trước hay không.