Dân Mỹ thực sự muốn đổi thay khi bầu Obama làm Tổng Thống |
Tác Giả: Lý Đại Nguyên |
Thứ Ba, 11 Tháng 11 Năm 2008 15:35 |
Little Saigon ngày 04-11-2008. Lần đầu tiên trong lịch sử 232 năm lập quốc, cử tri Hoakỳ vừa chọn bầu một thanh niên gốc Phichâu vào ghế Tổng Thống của mình, đó là ông Barack Hussein Obama, thuộc đảng Dân Chủ. Thắng lợi của ông Obama chấm dứt 8 năm cầm quyền đầy hung hiểm của tổng thống George W. Bush thuộc đảng Cộng Hòa. Đến đây, phải nhận một sự thật là dân Mỹ đã thoát ra khỏi tâm lý kỳ thị mầu da, để khằng định nước Mỹ là một Hiệp Chúng Quốc đích thực. Tượng trưng cho Thế Giới Thu Nhỏ, thành mẫu mực của một Xã Hội Phát Triển Toàn Diện trong tiến trình Kinh Tế Toàn Cầu Hóa và Dân Chủ Hóa Toàn Cầu. Nhưng trước đó, nước Mỹ đã trở thành đối tựơng cần phải tiêu diệt của Phong Trào Khủng Bố Quốc Tế al-Qaeda. Vì Mỹ là một Siêu Cường, đỡ đầu cho Quốc Gia Do Thái, kẻ tử thù của khối Ả Rập Hồi Giáo. Vụ tấn công 911 của al-Qaeda vào Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế New York, và Bộ Quốc Phòng Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn đã làm cho “Con Đại Bàng Mỹ chuyển cánh”, giáng những đòn phủ đầu xuống các nước nuôi dưỡng, và ủng hộ cho Khủng Bố. Cuộc chiến chớp nhoáng đánh tan chính quyền Taliban tại Afghanitan, sào huyệt của Osama bin Laden lãnh tụ al-Qaeda. Rồi thừa thắng tiêu diệt luôn chính quyền độc tài Saddam Hussein tại Iraq. Đến đây là TT Bush đã không còn tuân thủ nguyên tắc khởi chiến truyền thống của nước Mỹ nữa. Tức là chỉ đánh trả để đạt chiến thắng cuối cùng, chứ không tấn công trước. Có lẽ chính vì thế, cuộc chiến Iraq đã thắng về quân sự, nhưng sa lầy về an ninh và ổn định chính trị, nên bị kéo dài, hao tốn cả danh dự lẫn tài lực quá nhiều, làm cho dân Mỹ oán ghét, thế giới lên án. Tạo cơ hội cho Iran có thế chống Mỹ. Từ sau Chiến Tranh Lạnh, tiến trình Kinh Tế Thị Trường Toàn Cầu Hóa là một xu hướng không thề đảo ngược, các nước dù Dân Chủ, hay Độc Tài, kể cả Cộng Sản, cũng mặc nhiên phải tự nguyện gia nhập. Các khối liên quốc gia xuất hiện để cân bằng lực lượng kinh tế với các cuờng quốc. Thị Trường Chung Âu Châu trở thành Liên Âu lần lần quy tụ hầu hết các nước Tây Âu, rồi Đông Âu vào hệ thống tiền tệ Euro. Các nước Đông Nam Á thành ASEAN, mở rộng thành Tự Do Mậu Dịch Á Châu AFTA, đến Á Châu Thái Bình Dương APEC, rồi Hợp Tác Á, Âu là ASEM . Hoakỳ cùng Canada và Mễ Tây Cơ cũng thành lập Thị Trường Chung Bắc Mỹ NAFTA. Từ đó các xí nghiệp kỹ nghệ sản xuất của Mỹ chuyển qua Mễ để có công nhân rẻ. Công nhân Mỹ thất nghiệp. Vốn của Tài Phiệt Mỹ đổ vào các Công Ty Đa Quốc Gia, đem đầu tư vào Trungcộng và các nước đang phát triển. Nuớc Mỹ trở thành Thị Trường Tiêu Thụ sản phẩm gia công của các nước đó. Mỹ nhiễm nhiên là con nợ lớn nhất của cả thế giới, số nợ hiện nay đã lên trên 12.000 tỷ USD. Tuy nhiên Tư Bản Mỹ vẫn là ông chủ lớn nhất hoàn vũ. Kinh tế Mỹ mất dần nội lực. Chính quyền Bush buộc phải làm trái với nguyên tắc đánh thuế lũy tiến, để áp dụng phương pháp giảm thuế cho nhà giầu, nhằm thu hút vốn đầu tư từ quốc nội tới quốc tế trở về. Nhưng rồi các ngân hàng và các công ty tài chánh Mỹ đã tự bán rẻ vị thế siêu đẳng của mình, ỷ vào thế Tự Do Mậu Dịch, chính quyền không can thiệp vào thị trường, nhiều doanh nghiệp tài chánh vô trách nhiệm, bất lương không bị truy tố. Thế là cả lũ kéo nhau xuống hố phá sản. Trận bão tài chánh từ Hoakỳ cuốn luôn hệ thống thị trường tài chánh quốc tế vào cơn cuồng loạn. Chính phủ Mỹ và các nước Dân Chủ tiên tiến phải đổ tiền vào để cứu các ngân hàng. Nói trắng ra là tạm thời “Quốc Hữu Hóa” các công ty tài chánh để khỏi phải phá sản. Lấy lại niềm tin của dân chúng. Vì dân chúng ở các nước Dân Chủ Tư Bản Tiên Tiến thì tiền bạc đều gởi ở nhà Bank. Dân vừa là chủ nợ vừa là con nợ của nhà Bank. Trong thế giới Tư Bản, vốn là gốc của kinh tế. Hệ thống nhà Bank nắm nguồn vốn, là nội lực của kinh tế, là huyết mạch của xã hội, kể cả là hơi thở của chính quyền nữa. Nên mới gọi đó là nơi tập trung “siêu quyền lực” ban phát mệnh lệnh cho thị trường, nhịp sống cho xã hội, nhịp thở của chính quyền. Nhưng sau trận bão tài chánh này, hệ thống tài chánh của Siêu Cường Mỹ, của thế giới đã phải nhờ các Chính Quyền can thiệp, nên thứ quyền lực siêu hình đó đã lọt vào tay chính quyền của mỗi nước, mà mỗi nước không tự cứu mình nổi, phải cùng hợp tác với nhau để có biện pháp chung. Nhưng nước Mỹ lại vẫn là nước đứng đầu của nền kinh tế thị trường thế giới. Chính vì vậy mà chính quyền Dân Chủ Obama tới đây, có một vị thế và trách nhiệm vô cùng lớn lao và khó khăn. Lẽ dĩ nhiên, khuynh hướng bảo hộ mậu dịch cố hữu của đàng Dân Chủ đã lỗi thời, và giấc mơ Xã Hội Chủ Nghĩa hoang tưởng của ông Obama đã chết tiệt. Nhu cầu của nền chính trị và kinh tế Mỹ cũng như toàn thế giới ngày nay, đang mở ra hướng đi từ Nhận Thức Nhân Chủ Nhân Văn, về các Xã Hội Tự Do Công Bằng của Kinh tế Thị Trường Toàn Cầu Hóa và Chính Trị Dân Chủ Hóa Toàn Cầu, được Điều Hợp bởi hệ thống Luật Pháp Trong Sáng Công Chính, nhằm bảo vệ Giá Trị và Quyền Lợi Con Người, an toàn Xã Hội, an ninh Quốc Gia, hòa bình Thế Giới. Không riêng gì nước Mỹ, mà bất cứ quốc gia nào đi ngược lại với nhu cầu của Nhân Loại để đánh mất niềm tin của Con Người, cũng khó tồn tại bền vững. Chính sự đánh mất niềm tin của Người Dân vào các Công Ty Tài Chánh hiện nay, đã làm cho vị thế siêu quyền lực của họ bỗng nhiên bị mất toi. Với niềm tin của cử tri Mỹ vào vai trò lãnh đạo của Tân Tổng Thống Dân Chủ Obama, cho cả đa số Thượng Viện và Hạ Viện trong tay, mà không đáp ứng được với nhu cầu của Quốc Dân Mỹ và nguyện vọng của toàn Thế Giới, thì đó là một trọng tội. Sự thật thì nạn Khủng Bố Quốc Tế vẫn còn đó. Dù chính quyền Cộng Hòa Bush có làm mất lòng dân đến đâu, thì cũng phải công bằng, mà nhận rằng: Từ vụ khủng bố 911, nước Mỹ rộng lớn là thế, người dân có tự do là thế, những cuộc tập họp khổng lồ là thế, mà bọn Khủng Bố Quốc Tế không thể có bất cứ cuộc bạo loạn nào, thì về mặt an ninh nội địa, chính quyền Cộng Hòa Bush đã có công rất lớn. Hiện nay mầm chiến tranh vẫn còn đầy rẫy, cuộc chạy đua vũ trang đang được khơi dậy, nếu cái gọi là “Thay Đổi” của chính quyền Dân Chủ Obama chỉ đi chệch hướng phát triển của truyền thống Tự Do, Dân Chủ, Đạo Đức của Quốc Dân Hoa Kỳ một bước, là rất dễ rơi vào cảnh phải dùng tới chiến tranh để xóa bàn làm lại. Tệ hơn là tạo ra loạn động nội tại lung tung, làm cho Hoakỷ tự đánh mất vai trò lãnh đạo thế giới của một Siêu Cường kinh tế, chính trị, quân sự và kỹ thuật cao của mình. |