Home Tin Tức Thời Sự Cuộc sát phạt ở thượng đỉnh

Cuộc sát phạt ở thượng đỉnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Tín   
Thứ Ba, 11 Tháng 11 Năm 2008 04:50

 

Tình hình trong nước đang có nhiều nét không bình thường.
Ở Hà Nội, 2 tuần nay, có những cuộc họp kín, không công bố, được canh phòng rất cẩn mật. Từ trong nước, có dự đoán rằng đảng CS đang chuẩn bị cuộc "Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ", thường gọi tắt là "Đại hội giữa nhiệm kỳ" sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Điều chắc chắn là Bộ chính trị gồm 14 nhân vật đang có một cuộc họp dài, đặc biệt quan trọng, khi tình hình trong và ngoài nước đều có nhiều diễn biến phức tạp, dồn dập, dội vào trong nội bộ đảng độc quyền, gây nên những lo âu nặng nề, giữa lúc khả năng đối phó lại rất nghèo nàn eo hẹp, thậm chí tù túng, vì họ vẫn tự gò bó trong khuôn khổ khô cứng của bảo thủ và giáo điều, của cái gọi là "chủ nghĩa xã hội " đã chỉ còn là bóng ma.
Chắc chắn nội dung cuộc họp ở chóp bu này sẽ "xì" ra ở 2 cuộc họp quan trọng cuối năm, đó là: họp Quốc hội lần thứ 4 khoá XII sẽ khai mạc sáng 20-10, kéo dài trong 1 tháng, và họp Ban chấp hành trung ương đảng CS lần thứ 8 khóa X, sẽ diễn ra vào tháng 11.
Mini-Đại hội?
Một vấn đề hiện đang treo lơ lửng là có "Đại hội đảng giữa nhiệm kỳ" (có người gọi tắt là mini - đại hội) như đã dự kiến hay không? Nếu có, nó sẽ diễn ra vào đầu năm 2009, và Hội nghị trung ương cuối năm nay sẽ phải bàn về cái mini-đại hội ấy.
Trước đây, đã có một lần đảng CS Việt Nam họp Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ, sau Đại hội VII để "kiện toàn nhân sự lãnh đạo". Trước đó, cuộc họp lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương khoá VII từ 24-11 đến 1-12-1993, đã bổ sung vào Bộ chính trị có 13 người (với Đỗ Mười làm tổng bí thư) thêm 4 người nữa là Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm, Đỗ Quang Thắng và Nguyễn Hà Phan. Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ từ 20 đến 25 tháng 1-1994 thông qua việc bổ sung 4 người trên đây, còn quyết định bổ sung một lúc 20 người vào ban chấp hành trung ương, từ 146 người nâng lên 166 người; trong số này, có Phan Diễn, Nguyễn Phú Trọng về sau vào Bộ chính trị.
Nếu sắp tới có Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ thì đây là lần thứ 2 có cuộc họp loại này.
Lẽ ra cuộc họp lần thứ 7 của Ban chấp hành trung ương (tháng 7-2008) vừa qua đã ra nghị quyết về "Đại hội giữa nhiệm kỳ", nhưng bộ chính trị chưa đạt được nhất trí. Nông Đức Mạnh cùng với Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Sinh Hùng... không muốn họp, cho là không cần thiết, muốn giữ "nguyên trạng" (statu-quo) - vì Mạnh muốn bám chặt ghế tổng bí thư cho đến Đại hội XI. Vừa có tin: cánh của Mạnh bị lép vế, buộc phải nhượng bộ, đa số trong bộ chính trị muốn đá Mạnh đi, được thêm sự ủng hộ của 2 cựu tổng bí thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu.
Ngày 1-10 mới đây, Nguyễn Phú Trọng thông báo kỳ họp quốc hội tháng 10 này sẽ chưa bàn đến việc sửa đổi Luật Đất Đai như dự kiến, ắt là thực hiện ý định chung của bộ chính trị đang họp, tránh né yêu cầu mạnh mẽ, rộng khắp là trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, là không chấp nhận việc sửa đổi luật Đất Đai.
Một chuỗi sự kiện nóng bỏng
Cần nhận rõ vài đặc điểm của hiện tình đất nước và hiện tình của đảng CS khi sắp bước vào những cuộc họp lớn cuối năm.
Nạn lạm phát phi mã lên đến gần 30% kể từ đầu năm, giáng vào mỗi người dân, gia đình lao động và công chức; khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới phơi bày thêm những yếu kém vốn có của kinh tế - tài chính trong nước; qua 8 tháng nhập siêu hơn 16 tỷ US$; chứng khoán VN index rơi tự do từ 1.200 xuống dưới 500; vốn đầu tư FDI và viện trợ quốc tế ODA đưa vào khá nhiều, nhưng khả năng thực hiện quá yếu, chỉ giải ngân được dưới 1/4 (12 tỷ trên 57 tỷ US$) trong 9 tháng đầu năm, do hành chính quan liêu, tham nhũng, thiếu nhân lực có chất lượng; nông thôn trì trệ, ô nhiễm nặng, thành bãi rác của công nghiệp; đầu tư lệch lạc, nặng về hào nhoáng, ăn xổi, tập trung vào khách sạn, nhà hàng, nhà ở loại sang, khu nghỉ mát, du lịch, sòng bài, sân golf, coi rất nhẹ đời sống xã hội, như nước sạch, hệ thống tải điện trong đô thị, hệ thống cống rãnh, giao thông; chống tham nhũng lãng phí vô hiệu, nói nhiều làm ít; vấn đề dân oan vì mất đất, bất công dai dẳng, vấn đề tự do tôn giáo thành vấn đề chính trị phức tạp, bế tắc; xã hội xuống cấp nghiêm trọng về văn hoá, đạo đức: cờ bạc, nhà thổ, nghiện hút, giết người, buôn lậu, hàng giả, bằng giả, thuốc giả, buôn người, buôn phụ nữ, trẻ em, buôn người lao động, trò giết thầy, thầy đánh trò, xã hội đảo điên.
Đặc điểm tình hình hiện nay là những kết quả ban đầu của đổi mới kinh tế, phát triển nông nghiệp, tăng xuất khẩu, không khí phấn chấn khi được tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO cuối năm 2006... tiêu tan dần, nhường chỗ cho khủng hoảng kinh tế - tài chính - xã hội - tâm lý đang mở rộng. Đà phát triển hụt hẫng, tỷ lệ phát triển tụt xuống chỉ còn 6%, vụ án tham nhũng số 1 PMU18 bị lật ngược, gây nên một không khí bi quan, bực bội, giảm hẳn niềm tin ở bộ máy lãnh đạo và cầm quyền.
Nét nổi bật trong tâm lý xã hội là người dân bình thường ngày càng nhận rõ rằng hệ thống lãnh đạo và cầm quyền hiện nay không ngang tầm với trách nhiệm, thiếu cả tài năng và đức độ, ở dưới mức trung bình của thế giới về thực thi pháp luật nghiêm minh, về thực hiện công bằng và bình đẳng trong xã hội, về xây dựng nền văn hoá mới, về xây dựng nền báo chí năng động thành mũi nhọn tiền phong trong đổi mới.
Những tiếng nói ngay thẳng, khảng khái trong xã hội ngày càng vang lên mạnh mẽ, công khai, chỉ rõ ban lãnh đạo độc đoán là bộ chính trị 14 người hiện nay đã thất bại rõ rệt trong công việc ưu tiên chống tham nhũng, nuốt lời hứa long trọng chống tên "giặc nội xâm" cực kỳ nguy hiểm này; phó giáo sư Trần Đình Thiên phó Viện trưởng Viện kinh tế VN, trong trả lời phỏng vấn của TTCT, chứng minh rằng: tham nhũng lãng phí đã làm giảm đến 4 % GDP/năm, chi phí "bôi trơn" quá lớn làm mệt mỏi các nhà đầu tư, qui hoạch đầu tư nhiều sai lầm như hàng loạt nhà máy đường phá sản; 30% vốn xây dựng cơ bản bị thất thoát; hệ thống chính trị coi làm quan chức là con đường làm giàu duy nhất, không có liêm sỉ, không trau dồi đạo đức, không bị luật pháp đủ nghiêm để chế tài.
Chỉ trong vài tháng nay, một chuỗi sự kiện nghiêm trọng xảy ra làm nổi bật sự yếu kém của lãnh đạo và quản lý, phơi bày sự bất lực và hèn kém của bộ chính trị, khi hàng loạt cầu cống lớn gãy đổ, rạn vỡ, vụ án PCI Pacific Consultant Nhật bản và vụ án Nexus Technologies Hoa kỳ bị tiết lộ, dòng sông Thị Vải bị bức tử từ 13 năm nay trong sự vô cảm của chính quyền và ngành bảo vệ môi trường, rồi vụ đàn áp trí thức và sinh viên yêu nước biểu tình trước sứ quán, lãnh sự quán Trung quốc phơi bày sự ươn hèn của lãnh đạo trước bọn bành trướng; cho đến gần đây là việc uỷ viên bộ chính trị Phạm Quang Nghị ra quân đàn áp các linh mục và giáo dân sau khi cướp đất của họ ở khu Nhà Chung và xứ Thái Hà, với thủ đoạn đen tối liên kết với bọn du côn, lưu manh chuyên nghiệp, cho chúng uống rượu để lao vào hành hung giáo dân tay không, rồi dùng báo chí kể cả báo Nhân Dân của đảng CS làm việc đê hèn vu cáo, xuyên tạc, cắt cụt câu nói của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt để rồi họ nhận được những bài học làm người nhớ đời (mời các bạn đọc bài "Tự trọng" của anh Đỗ Mạnh Tri trên mạng).
Trên đất nước ta, chưa thời nào, chưa lúc nào có nhóm cầm quyền chóp bu hạ cấp, mất hết tự trọng, phản dân tộc, vô trách nhiệm, tệ hại quá đáng, bị nhân dân khinh ghét đến thế