Chuyện tù tội và những mát mát đau buồn của bạn Vĩnh Doãn |
Tác Giả: Nguyễn Cửu Nhồng |
Thứ Hai, 10 Tháng 11 Năm 2008 05:56 |
Không biết nên bắt đầu từ đâu. Thôi thì cứ nhớ gì, kể đó. Sau 30 tháng tư, tôi trở lại tìm gia đình kẹt ở Cam Ranh, rồi bị bắt đưa vào “Trại Lam-Sơn” Nha Trang. Tôi và Vĩnh Doãn gặp nhau ở đó, có cả Trần Hữu Đa, nhưng tôi chưa kịp liên lạc, thì bạn Đa đã biến mất. Thời gian nầy, chúng tôi thường ngây ngô bàn tán về thời gian “học tập cải tạo”. Kẻ đoán 3 tháng, người tính một năm, ít ai nghĩ lâu hơn. Chúng tôi được xếp thành các “lớp học”. Bài đầu hình như là “Đế Quốc Mỹ, kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên Thế giới”. Rồi “Ba dòng thác Cách Mạng, Dương cao ngọn cờ Giải phóng Dân tộc”, v…v... Theo các bài học, ngoài chuyện vạch tội ác “Mỹ Ngụy” thì, “trong suốt chiếu dài lịch sử, các vị anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Lê Lợi, tuy đôi khi dành được Độc Lập, nhưng không theo Chủ Nghĩa Xã Hội, đã lại thất bại. Nên yêu nước, trước hết, là phải yêu Xã Hội Chủ Nghĩa”. Chúng tôi có 10 bài học, nên có người đoán học xong thì về. Vì theo lời “cán bộ”: “ Đảng ta chỉ đánh kẻ chạy đi, chứ không bao giờ đánh kẻ chạy lại, các anh may mắn sẽ được làm công dân một đất nước anh hùng mà mọi dân tộc trên thế giới ngưỡng vọng. Những kẻ đến giờ phút nầy vẫn cố tình ôm chân Đế Quốc để hưởng chút bơ thừa sữa cặn, bỏ nước ra đi, sẽ mãi mãi sống trong hối tiếc, vì chủ nghĩa tư bản sẽ cáo chung, giai cấp tư sản, sẽ tự đào mồ chôn nó”. Nhưng một sáng, một sĩ quan tôi không biết tên, băng qua hàng rào Trại, dẫm mìn, nổ gãy chân. Vài bạn muốn đến mang anh ta ra, nhưng để dằn mặt, “cán bộ” đã không cho phép ai vào đó, người bị thương nằm rên rỉ từ sáng đến tối. Do mất máu quá nhiều, anh ta lịm dần rồi chết. Đó là hành động giết tù đầu tiên mà tôi chứng kiến. Kỷ luật bắt đầu xiết chặt, và sự lo lắng cũng mau chóng lan truyền. Không rõ các bạn tù Lam Sơn, có ai nhớ tên vị sĩ quan chết đầu tiên vì bị bỏ cho mất hết máu nầy không? Ít lâu sau, khoảng nửa đêm, AK nổ rang. Và tiếng “quản giáo” hô lớn: “Mọi người khẩn trương ra sân xếp hàng điểm danh” Nhưng điểm danh chỉ là cái cớ, vì sau khi đếm sơ số tù, “quản giáo” cho biết “Có một người còn nuôi ý đồ phản bội dân tộc, muốn trốn trại để tiếp tục chống phá thành quả cách mạng, đã bị chiến sĩ ta bắn chết, tên còn lại đã bị bắt giữ”. Vị sĩ quan bị bắn chết là Thiếu tá Nguyễn văn Hường, Trưởng phòng An Ninh Tiểu Khu, không rõ Quảng Ngãi hay Phan Thiết. Còn người được gọi tòng phạm, là Nguyễn Sơn, chúng tôi vẫn quen gọi Sơn Khói, tự xưng Thiếu Tá, tuy ít ai rõ nguồn gốc, đơn vị, chỉ biết anh ta dân vùng Lương Sơn, Nha Trang. Một hôm, Doãn gọi tôi ra, cho biết Sơn Khói là người được Cọng Sản gài bẫy để bắn chết thiếu tá Nguyễn văn Hường. Doãn cho biết, Sơn Khói móc nối thiếu tá Hường, trốn ra theo một lối mòn băng qua hàng rào mìn. Sơn đi trước dẫn đường, Hường bám theo phía sau. Khi Sơn vừa ra khỏi hàng rào, nghe tiếng hô “Ai? Đứng lại”, thì Sơn nhảy sang bên nằm xuống, Hường còn đứng vì chưa ra khỏi hẳn hàng rào, bị một loạt đạn AK vào ngực. Thêm một mạng người được gọi là “chưa đền xong tội”, nên xác không được chôn cất tử tế và gia đình cũng không được ai thông báo. Thời gian nầy, ai cũng im hơi lặng tiếng. Có “học viên”, nghe được “cán bộ” mời làm việc, rồi mất tăm mất tích, như bạn Trần Hữu Đa của chúng ta. Thế mà Doãn dám kể chuyện bí ẩn đó, để cho tôi đề phòng và cảnh giác với mưu mô rình rập, xin cám ơn sự quan tâm và tin tưởng đó. Sơn Khói là tên vô cùng nguy hiểm, Doãn cho biết, Sơn nguyên là thông dịch viên PRU, nhưng xưng Thiếu tá Dù, nên cũng tù 6 năm. Đợt tôi được phóng thích, Sơn Khói được dàn dựng cho về, xem như trốn trại. Sơn không có giấy tạm tha như mọi tù nhân khác. Mãi sau nầy, một lần Doãn ngồi bên vỉa hè Sài gòn uống càphê, thấy Sơn Khoái thất thểu ngang qua, chân đất, mang gùi như người thượng. Doãn kêu, Sơn hoảng hốt cúi đầu đi thẳng khi thấy Doãn. Những lần bên nhau, Doãn rất hãnh diện và hay kể về cậu quí tử mình là Bảo Châu. Một hôm, Doãn vui vẻ cho tôi biết hai mẹ con Châu đã xuống thuyền vượt biên theo gợi ý Doãn. Thế nhưng ít tháng sau, Doãn như người mất hồn, và bắt đầu ăn trường trai, dù thời gian nầy, cơ thể mọi người bắt đầu thiếu dinh dưỡng, mọi sinh vật, con nào lưng quay lên trời, nhúc nhích, vào tay tù trong giờ lao động, đều thành thực phẩm. Mỗi lần hỏi tin tức vợ con, Doãn đều lắc đầu buồn bã. Cho đến tận ngày ra tù, tin tức mẹ con Bảo Châu vẫn bặt vô âm tín. Doãn trở thành người tu hành, sống câm nín, tập Thiền Định, tránh mọi giao thiệp. Tôi hi vọng thời gian có thể hàn gắn mọi vết thương lòng, để Doãn trở về với cuộc sống bình thường. Doãn còn người anh tên Vĩnh Hy và người em Vĩnh Huyền. Cả 3 anh em, là những người tôi vô cùng khâm phục vì ý chí bất khuất. Những chuyện về anh Vĩnh Hy mà tôi nghe được các bạn tù chung lán anh kể lại, với tất cả sự nể trọng. Như “quản giáo” cho cột ngón chân cái của anh rồi treo ngược lên cao, anh chịu đựng mà không rên la. Một lần anh phát biểu, “quản giáo” điên tiết xách chiếc dép râu ném anh, anh tránh xong, thản nhiên hỏi : “Còn một chiếc đâu không ném nốt”. Ngày được ra trại, người tôi lâng lâng như mọc thêm cánh, rời đi thật lẹ mà không hề dám ngoái cổ. Thế nhưng anh Hy, không thèm nhận Giấy Ra Trại, cứ lang thang dạo chơi các lán. Cuối cùng, “cán bộ” phải đưa anh Hy ra ga, mua vé tống anh lên tàu. Trong tù, tôi còn chứng kiến những cái chết thảm khốc, như vụ cháy trại cùm ở Cũng Sơn. Cọng Sản phát minh ra cách cùm tù nhân rất “ưu việt”, một thân cây tròn được xẻ dọc, khoét lỗ để cổ chân vào lọt, một đầu có bản lề, người ngồi trong nhà thò chân ra ngoài cửa để được cùm. Cán bộ chỉ cần ở ngoài, điểm số chân là kiểm xong tù. Bùi Quyền có kể tôi nghe cách chế tạo cùm nầy ngoài Bắc, thì ra ở đâu kiểu cùm cũng văn minh giống nhau. Khi nhà cùm Cũng Sơn bốc cháy, tranh và gổ bùng phát nhanh chóng. “Cán bộ” giữ khóa, có thể sợ hơi nóng, mà cũng có thể vì lý do nào đó, chỉ chạy loanh quanh. Một bạn tù là Đại Úy Trịnh Thành, giật xâu chìa khóa xông vào, nhưng vì ổ khóa nóng đỏ, lổ khóa bít lại, chìa khóa không đút vào được. Trịnh Thành cùng vài anh em hè nhau phá vỡ ổ khóa. Nhưng chậm mất rồi, Trung Tá Hà Thúc Ứng, Tiểu Khu Trưởng Huế. Và Trung Tá Cường, tôi không nhớ họ, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 3 Xung Kích ở Ban Mê Thuột, cả hai đã cháy đen và tắt thở. Riêng Thiếu Úy Trinh Sát Dù tên Quách Giang, còn thoi thóp, tuy người như tôm luộc, và hai chân vì vùng vẫy quá mạnh, đã dập nát, một bác sĩ tù đã dùng cưa dây, loại của pilot thường mang trong túi survival kit, cắt hai chân Giang, và trám xương bằng sáp đèn cầy. Không có sát trùng, chỗ cắt bị nhiễm, hôi thối nồng nặc. Di chuyển phải nhờ bạn bè cõng. Vậy mà mãi đến khi trại giải tán, tù được chuyển qua Công An ở Trại A.30, Giang mới có Lệnh Tạm Tha, được gia đình lãnh về Buôn Hô, Daklak. Giang không chịu nổi đau đớn và cuộc sống tàn phế, nên đã tự vẫn. Không một ai ở Trại Cũng Sơn mà không nhớ anh Cường, thợ hớt tóc cho toàn trại - cả tù lẫn “cán bộ”- vì anh có dụng cụ hớt tóc, và rất khéo tay. Anh Cường vốn là trưởng Phòng An Ninh, có nhiệm vụ thâu nhận tin mật báo viên để vây bắt cán bộ VC xâm nhập. Chúng dò biết, gọi anh ta lên làm việc, và hỏi tên các mật báo viên. Anh Cường cho biết anh chỉ biết mật báo viên qua ám số, chứ không biết tên họ. Anh bị tra tấn tàn nhẫn, trong một dịp lễ lớn của CS, khi tạm được cho về lán. Lợi dụng mấy ngày nghỉ, anh kín đáo uống thật nhiều thuốc Cloroquine, loại trị sốt rét màu hồng. Xong nằm quay mặt vào vách. Anh em tưởng anh ngủ. Đến mãi sáng hôm sau, mới phát giác anh đã tắt thở. Anh Cường là người Công Giáo thuần thành, nhưng vì bị tra tấn dã man hết chịu nổi, và biết trước sau cũng chết, nên đành. Chuyện buồn trong tù còn nhiều, nhưng thôi, tôi muốn dành loạt chuyện kể nầy, để nói về các bạn ta, về vui buồn trong cuộc sống, sau khi rời nhà Tù nhỏ ở Trại, về với Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa, một nhà tù lớn hơn. Doãn ra tù, trở thành người cô đơn, sống câm nín và gần như cách biệt mọi người, nhưng vẫn bị công an theo sát mọi hành động. Một lần Doãn lên Đà lạt, dự tính tìm một vị sư để học đạo, nhưng trên đường về Chi Lăng, Doãn đã bị Công An chận bắt. Thấy Nha Trang có vẻ khó sống, Doãn đã lánh về SàiGòn, sống gần chợ Tân Định, nhưng chúng tôi chưa có dịp gặp lại nhau, cho đến khi qua Mỹ, tôi mới gặp lại Doãn một lần ở San José lần Đại Hội Kh.16 tổ chức tại đó. Doãn ơi! Nếu vết thương lòng đã nguôi ngoai, bạn cũng nên trở lại với anh em. Chuyện đau buồn là chung cho tất cả những kẻ “thất cơ” chúng mình, chứ không chỉ riêng có Doãn. Mong sao, Doãn tìm lại bình an cho tâm hồn trong thời gian cuối đời nầy. Có gì vui buồn khác, xin Doãn cho anh em biết, như một cách giải tỏa bớt uẩn ức trong lòng. Chúc Doãn thật nhiều niềm tin và sức khỏe. Thân mến. Nguyễn Cửu Nhồng |