Chuyện đau lòng ở xã Thăng Bình |
Tác Giả: Vũ Toàn |
Thứ Hai, 10 Tháng 11 Năm 2008 12:43 |
TT - Không ngờ “kịch bản” câu chuyện buồn từ năm 1983 trong ký sự “Cái đêm hôm ấy là đêm gì?” của nhà văn quá cố Phùng Gia Lộc viết từ một làng nhỏ bên bờ sông Chu thuộc xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nay tái diễn tại một làng quê cũng thuộc tỉnh Thanh Hóa. Chỉ khác gia đình nghèo này không còn thóc nên tài sản duy nhất là một con lợn nái và một tivi cũ đã bị đoàn cán bộ xã Thăng Bình gồm 13 người đến “bắt nợ”. Nhưng chuyện buồn ở Thăng Bình không chỉ có thế.
Chị Nguyễn Thị Đương bên kệ tivi trống từ bốn năm nay - Ảnh: V.TOÀN “Bắt nợ” Tháng 3-2003, chị Nguyễn Thị Đương, 30 tuổi, vợ anh Mai Công Thái (trú tại thôn 4 Lý Bắc, xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa), sinh con thứ ba. Ngay sau đó, hai vợ chồng bị phạt 200kg thóc (quy thành tiền là 500.000 đồng) theo quy định của UBND xã Thăng Bình. Cộng với số sản thuế trong bốn vụ (một vụ đóng góp 17 khoản thuế tại địa phương) đang nợ gồm 1.926.444 đồng thì tổng số tiền nhà anh Thái mắc nợ xã là 2.426.444 đồng. Anh Thái kể: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, hai vợ chồng chỉ có 1,3 sào ruộng. Vụ nào được mùa thì có 3 tạ thóc, mất mùa chỉ được 1,2 tạ, trong khi đó một vụ (sáu tháng) gia đình phải làm ra 4,8 tạ thóc mới đủ ăn. Vì vậy ngoài làm ruộng tôi phải đi đánh đá hộc thuê, nhưng cũng không đủ ăn nên phải vào các tỉnh phía Nam làm thợ hồ mới trang trải được chuyện nhà. Sau khi lo đủ ăn, tôi lo gom góp trả dần “cục” nợ chứ để cán bộ thu thuế cứ nêu tên trên loa phóng thanh mãi thì tủi nhục, xấu hổ lắm. Nhưng do xoay xở chưa nổi nên tôi đã viết giấy khất, xin xã cho trả nợ dần”. Giấy xin trả nợ dần của gia đình anh Thái không được xã chấp nhận. Sau một số lần loa phóng thanh xã nêu tên gắt quá, chị Đương lên xã xin nộp khoản nợ thuế trước, riêng khoản nợ phạt sinh con thứ ba chờ chồng mang tiền về trả sau. Nhưng đoàn thu thuế cương quyết không cho vì “không được trả dần, đã trả là trả đủ”. Chị Đương nhớ lại: “Bất ngờ sáng 1-11-2004 tôi đi chợ về thấy đoàn cán bộ gồm 13 người do ông Nguyễn Thanh Tùng - phó chủ tịch xã (nay là chủ tịch xã) - làm trưởng đoàn, ông Vũ Hữu Nghĩa - trưởng ban chính sách kiêm kế toán ngân sách xã (nay bị kỷ luật do bị phát hiện làm chế độ thương binh giả) - dẫn đầu đứng chật hai gian nhà cấp bốn. Ông Tùng tuyên bố: “Hôm nay chúng tôi đến thu sản”. Biết nhà mình rơi vào thế bị áp đảo thu nợ, tôi bế chặt con chưa đầy năm tuổi trong tay, miệng lập bập: “Xin khất xã ít hôm nữa chồng tôi đi làm trong Nam về sẽ trả đủ”. Ông Tùng gắt: “Không được. Hôm nay không dây dưa được nữa. Không có tiền nộp sản thì lấy tài sản. Trong nhà có cái gì thu cái đó”. Nghe vậy, tôi hốt hoảng van xin đoàn thu thuế chờ một lát rồi bế con chạy xuống nhà ông nội vay tiền. Khổ nỗi nhà ông nội cũng nghèo nên sau 30 phút tôi tay trắng ra về.
Tang vật” còn bị niêm phong tại UBND xã - Ảnh: V.TOÀN Tới nhà, tôi thất thần thấy cửa nhà tan hoang. Tivi trong buồng và con lợn nái sau chuồng không còn nữa. Nghe tôi kêu khóc, bà con quanh nhà nói “mi bỏ nhà đi mô để người ta vô lục lọi rồi vác tivi, khiêng lợn lên ủy ban xã rồi”. Biết chuyện chẳng lành, tôi chạy vô buồng tìm dây chuyền ba chỉ vàng (kỷ vật duy nhất bố mẹ cho hồi cưới) và 350.000 đồng để trong hộp xốp dưới tivi. Nhưng cả hai món tài sản quý giá ấy cũng đã biến mất”. Ông Thành, 72 tuổi, hàng xóm, sang góp chuyện: “Hôm ấy tôi đang đánh cờ tướng ở nhà cạnh đây, thấy chị Đương không có nhà nhưng đoàn cán bộ xã vẫn lục soát rồi chuyển tivi và lợn đi. Một lúc sau chị Đương về thì mọi sự đã xong”. Sáng 5-11-2008, tiếp xúc với phóng viên Tuổi Trẻ, chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Tùng thừa nhận: “Trong quá trình cưỡng chế để thu nợ, đoàn công tác của xã có một số sai sót. Chủ nhà không ký vào biên bản. Những sai sót đã được rút kinh nghiệm. Ví như quy định phạt 200kg thóc đối với ai sinh con thứ ba đã được xã hủy bỏ từ năm 2007”. Nói xong, ông Tùng gọi cán bộ ủy ban mở tủ cho nhìn thấy chiếc tivi 21 inch đang niêm phong trong góc tủ. Sau đó, chúng tôi sang nhà ông bảo vệ ủy ban xem con lợn nái. Người nhà ông bảo vệ cho biết “con lợn nặng khoảng 60kg, đã sinh được tám lứa (một năm hai lứa). Còn một lứa lợn mẹ sinh được bao nhiêu lợn con thì không nhớ rõ”. Các đời chủ tịch xã đua nhau bán đất! Ông Hoàng Sĩ Dần, 72 tuổi, nguyên cán bộ quân đội, trú tại xã Thăng Bình, kể chuyện như muốn dồn cả mọi bức xúc: “Thật khó hiểu nổi vì sao mỗi nhiệm kỳ làm chủ tịch xã Thăng Bình là các ông ấy lần lượt thay nhau xẻ đất nông nghiệp bán vô tội vạ. Người dân biết xã bán đất thì nộp tiền mua. Có người nộp vào kho bạc, người nộp cho chủ tịch UBND xã, người nộp cho cán bộ địa chính. Họ nộp tiền đã ba năm nay nhưng vẫn không làm được bìa đỏ hoặc chưa được cắt đất. Ruộng của nông dân biến thành những vạt đất bỏ hoang”. Ông Đỗ Công Tiến, trú tại thôn 9, đưa tôi xem biên lai thu tiền, nói: “Tôi mua một lô đất 80m2, giá 26 triệu đồng. Lúc đầu nghe xã nói nộp tiền cho UBND nhưng thấy không chắc chắn nên tôi nộp vào Kho bạc Nhà nước huyện. Nộp tiền đã ba năm nhưng vẫn không làm được sổ đỏ vì huyện khẳng định bán đất như vậy là sai quy định”. Anh Ngọc Văn Triều, thôn 13, nêu chuyện tương tự: “Tháng 7-2008 tôi nộp 52 triệu đồng cho phòng địa chính xã, mua lô đất 160m2. Nay nghe nói do xã gặp trục trặc phải chờ huyện về giải quyết mới được cắt đất”. Ông Lê Xuân Ẩm, 70 tuổi, đau xót không kém: “Nhà tôi vay tiền, nộp từ năm 2005, mãi đến nay vẫn chưa biết đất mình mua nằm ở đâu. Mới đây tôi lên xã hỏi ông Tùng, ông ấy bảo số tiền đó ủy ban xã tiêu mất rồi. Xã sẽ thu khoản khác nộp cho huyện, huyện mới cho cắt đất”. Ông Tùng thừa nhận ông Lê Xuân Thám trong 10 năm làm chủ tịch xã (1993-2003) có bán 166 suất đất theo nghị quyết của đảng ủy xã. Đến nay số hộ mua đất này chưa làm được sổ đỏ. Sau đó ông Thám làm bí thư đảng ủy xã, ông Mai Công Tuấn làm chủ tịch UBND xã, bán 32 suất. Số đất này hiện chưa cấp cho dân. Trước khi ông Tuấn bị kỷ luật thì đã bán tiếp 17 suất đất nữa. |