Home Tin Tức Thời Sự Ngoại giao Mỹ sau 8 năm cầm quyền của TT. Bush

Ngoại giao Mỹ sau 8 năm cầm quyền của TT. Bush PDF Print E-mail
Tác Giả: GS Nguyễn Mạnh Hùng & Phạm Trần   
Thứ Bảy, 08 Tháng 11 Năm 2008 06:47

                    04/11/2008

“… Nếu bị Trung Quốc tấn công thì Việt Nam không thể trông cậy vào ai. Hoa Kỳ không có lý do chính đáng để bênh vực Việt Nam vì Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ …”

Tổng thống George W. Bush sẽ mãn nhiệm ngày 20-1-2009 sau tám năm cầm quyền. Thành công và thất bại của ông sẽ được các nhà viết sử phán xét, nhưng trước ngày ông rời Toà Bạch Ốc, Tổng thống Bush chỉ còn được 26 phần trăm dân chúng tín nhiệm trong khi có tới gần 90 phần trăm cho rằng nước Mỹ đang đi sai đường.

Trong số phầm trăm dân chúng không hài lòng về đường lối ngoại giao của Tổng thống Bush, kể cả việc theo đuổi hai cuộc chiến tranh chưa thấy đường ra tại Iraq từ năm 2003 và tại Afghanistan từ năm 2001, cứ 3 trong số 4 người dân coi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay là hậu quả của chính sách chi tiêu không kiểm soát được cho ngân sách Quốc phòng của chính quyền Bush.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Chính trị và Ngoại giao của Đại học George Mason đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn nhằm phân tích thành công và thất bại của TT Bush trong lĩnh vực ngoại giao trong 8 năm cấm quyền của ông. Cuộc phỏng vấn này cũng được phát hình trên hệ thống truyền hình SBTN.

Dưới đây là nguyên văn Cuộc phỏng vấn:

NHÌN TỔNG QUÁT

H: Khi nói về chính sách Ngoại giao của chính quyền Bush, hầu như mọi người đều đồng ý Tổng thống Bush đã hoàn toàn thất bại và làm mất uy tín của nước Mỹ trên chính trường Quốc tế từ khi ông lên cầm quyền năm 2000.

Giáo sư có thấy như thế không và nguyên do từ đâu: Chiến tranh Iraq, Chiến tranh ở Afghanistan hay vì ông Bush đã theo đuổi một đường lối ngoại giao “độc tài” nên đã làm mất lòng nhiều nước bạn vốn có truyền thống đoàn kết mật thiết với Mỹ như Pháp và Đức ?

Đ: Khi George W. Bush lên cầm quyền thì chiến tranh lạnh đã hết, nước Nga đang gặp khó khăn, Mỹ là siêu cường duy nhất, kinh tế phát triển, ngân sách thặng dư, được các đồng minh kính nể, kẻ thù e ngại. Khi ông Bush sắp ra đi, kinh tế bị suy thoái, ngân sách thâm thủng nặng nề, quân đội bị cầm chân trong hai cuộc chiến tranh chưa có lối ra, uy tín trên thế giới suy giảm trầm trọng, mất sự kính nể của đồng minh và bị kẻ thù coi thường.

Nguyên nhân chính là tự tin quá đáng, quyết định vội vàng, đơn phương, và giáo điều của chính quyền Bush . Đường lối ngoại giao này và hậu quả của nó được thể hiện qua hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Chiến tranh Aghanistan là cuộc chiến cần thiết (necessary war) để tự vệ chính đáng nên được sự ủng hộ của cả đồng minh, của kẻ thù cũ và ngay của cả các “quốc gia côn đồ” (rogue countries), như Nga, Trung Quốc, Libya, Cuba, và Bắc Triều Tiên. Chiến tranh Iraq là cuộc chiến tự chọn (war of choice) dựa trên những tin tức tình báo sai lầm nếu không nói là nguỵ tạo, và một niềm tin không thực tiễn (muốn biến Iraq và vùng Trung Đông thành những quốc gia dân chủ) cho nên không được các đồng minh lớn ở Âu châu (Đức, Pháp) ủng hộ. Ở Afghanistan, quân Mỹ chiến đấu cùng quân NATO. Ở Iraq, Mỹ hiện nay gần như chảy máu một mình, các đồng minh thân thiết lúc đầu (Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha) hoặc đã hay đang rút quân về. Cuộc chiến Iraq làm nước Mỹ mất uy tín, tốn kém nặng nề (khoảng 12 tỉ Mỹ kim một tháng) mà chưa thấy ánh sáng ở đường hầm, không được nhân dân ủng hộ, và quân đội bị căng mỏng thiếu khả năng ứng phó với một cuộc khủng hoảng ở nơi khác.
TRUNG ĐÔNG

H: Về vấn đề hoà bình ở Trung Đông, nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao Tổng thống Bush lại “làm ngơ” trong suốt 7 năm cho đến tháng 11 năm 2007 mới bắt tay vào việc tìm giải pháp hoà bình giữa hai dân tộc Israel và Palestinians ? Và cho đến nay, thoả hiệp hoà bình mà ông Bush muốn đạt được để cho dân Palestinians có một quốc gia độc lập và nước Do Thái được khối Ả Rập nhìn nhận để sống chung hoà bình vẫn còn bế tắc sau Hội nghị ở Annapolis, Maryland tháng 11 năm ngoái. Ông có tìm ra câu trả lời tại sao không ?

 

Đ: Giáo sư Aaron David Miller, người đã làm cố vấn về vấn đề Palestine cho sáu đời tổng thống Mỹ, nhận xét rằng trong việc tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp này, chính quyền Clinton đã thất bại vì quá sốt sắng, chính quyền Bush thất bại vì thiếu cố gắng.

Vì kinh nghiệm thất bại của Bill Clinton trong việc ép lãnh tụ Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat và Thủ Tướng Do Thái Ehud Barak ký thoả hiệp với nhau trong những tháng cuối của nhiệm kỳ của ông, nên thoạt đầu chính quyền Bush chủ trương “dậm châm tại chỗ” (parking policy) để cho hai phe tự giải quyết lấy. Đến khi bắt đầu can thiệp thì chính quyền Bush, vì ảnh hưởng của nhóm vận động Do Thái và phe tôn giáo cực đoan, lại thiên vị chính quyền Do Thái của Ariel Sharon vì ông này “chống khủng bố”. Chính sách thiên vị này không những bị Tổ chức Palestine chống đối mà còn không được sự ủng hộ của ba trong “nhóm bộ bốn” (the quartet) gồm Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Nga, Liên Hiệp Âu Châu lập ra để làm trung gian tìm giải pháp cho xung đột Do Thái-Palestine.

Sở dĩ mãi đến tháng 11 năm 2007 chính quyền Bush mới đứng ra tổ chức hội nghị ở Annapolis, Maryland, đem các phe phái có liên hệ xa gần với tranh chấp ấy ngồi lại với nhau để bàn về giải pháp “hai quốc gia dân chủ sống cạnh nhau trong hoà bình và thịnh vuợng” vì một tổng hợp các lý do sau đây: a) Trong cuộc bầu cử quốc hội cuối năm 2006, đảng Dân Chủ chiếm được quyền kiểm soát cả hai viện Quốc Hội, họ đòi chấm dứt chiến tranh ở Iraq; b) Mùa Xuân năm 2007, Ngoại truởng Condi Rice nhiều lần đi Trung Đông để vận động thành lập một liên minh các nước hồi giáo Sunni (gồm Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia) chống lại liên minh hồi giáo Shia do Iran lãnh đạo, nhưng Saudi Arabia không đồng ý mà còn gọi sự hiện diện của quân Mỹ ở Iraq là một sự “chiếm đóng”; và c) Các quốc gia Trung Đông coi việc giải quyết tranh chấp Do Thái-Palestine, chứ không phải chiến tranh Iraq, là ưu tiên số 1, mà Mỹ cần có sự ủng hộ của họ ở Iraq để khỏi phải bị mang tiếng là một mình chống thế giới Hồi giáo.

H: Cũng liên quan đến vấn đề Trung Đông, ông có thấy Hoa Kỳ tiến được bước đi hoà bình nào gần hơn với hai nước Syria và Iran (Ba Tư) nói riêng và toàn khối Ả Rập nói chung sau 8 năm cầm quyền của TT Bush ?

Đ: Không. Ở Syria, tình hình xấu ngay từ năm 2003 khi Mỹ đổ quân vào Iraq và tố cáo Syria cho phép các chiến binh hồi giáo và khí giới vuợt biên giới sang giúp Saddam Hussein. Năm 2005, sau khi có cuộc đảo chính ở Lebanon lật đổ chính quyến thân Syria vì Syria bị nghi là dính líu đến việc ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria. Mới mấy hôm trước, việc lực lượng đặc biệt của Mỹ từ Iraq xâm nhập lãnh thổ Syria để tiêu diệt nhóm thân al Qaeda đem lậu võ khí và chiến binh vào Iraq thì tình hình căng thẳng hơn.

Bang giao Mỹ-Iran đi từ chỗ tốt đến xấu. Lúc khởi đầu chính quyền Bush, đã có những cố gắng đem hai nuớc sát lại gần nhau: đại sứ Iran tại Mỹ được mời đến Quốc Hội nói chuyện, Iran hứa giúp tìm kiếm và cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan và cho phép tàu Mỹ đổ lúa mì giúp người Aghanistan tị nạn xuống các hải cảng của Iran. Tình hình trở nên căng thẳng khi Mỹ đòi Iran không được ủng hộ Hezbollah và Hamas, và chấm dứt chuơng trình nguyên tử mà không chịu điều đình trực tiếp với Iran. Chính sách “thay đối chế độ” (regime change), cấm vận, và không điêu đình áp dụng ở Iran đã thất bại.

Các đồng minh của Mỹ trong thế giới Á Rập thì không hài lòng với chính sách thân Israel của chính quyền Bush và thiếu cố gắng thành thật trong việc đòi Israel gỡ bỏ những xây cất mới của Israel trên vùng đất Palestine và thi hành giải pháp hai quốc gia sống cạnh nhau trong hoà bình. Họ cũng chẳng thích áp lực của Mỹ đòi họ dân chủ hoá. Dân chủ hoá ở Palestine đã đưa Hamas, phe chống Israel quá khích lên cầm quyền. Cho tới nay, chính sách thay đổi chế độ và dân chủ hoá các nước Iraq, Iran, Syria, biến vùng Trung Đông từ một “vòng cung bất ổn thành một vòng cung dân chủ và ổn định” đã thất bại một cách thảm hại.

PHI CHÂU

H: Tôi có cảm tưởng như vai trò bảo vệ “an ninh và hoà bình thế giới” của Hoa Kỳ đã không còn được tin cậy dưới thời TT Bush đến nỗi Uy tín của nước Mỹ đã mất ảnh hưởng tại một số nước đang có khủng hoảng chính trị nội bộ ở Phi Châu như Zimbabwe, Democratic Of Congo (DRC), Sudan ? Tại sao vậy ?

Đ: Lúc đầu chính quyền Bush thiên về phương thức hành động đơn phương, chú trọng đến quyền lợi quốc gia hơn quyền lợi của “cộng đồng thế giới”, (huỷ bỏ Tokyo protocol về giảm nhiệt môi trường, không chịu ký hiệp ước thành lập Toà án hình sự quốc tế và hiệp uớc cấm võ khí vi trùng, rút khỏi các chuơng trình của LHQ liên quan đến việc thành lập các trung tâm giúp phá thai), và từ chối vai trò “cảnh sát quốc tế”. Chính sách này đâu có liên hệ gì đến việc “bảo vệ an ninh và hoà bình thế giới”? Từ sau cuộc khủng bố 09/11/2001, với cuộc chiến tranh Aghanistan và Iraq và chiến luợc “đánh phủ đầu” (pre-emption) , Hoa Kỳ, chứ không phải Al Qaeda và phe hồi giáo quá khích, bị coi là mối “đe doạ” của nhiều nước khác. Vì hành động hung hăng đơn phương của chính quyền Bush mà Mỹ bị cựu tỗng thống Pháp, Jacques Chirac, chỉ trích là “cường quốc cowboy hiếu động” (cowboy hyperpower) .

Khủng hoảng chính trị ở Phi Châu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp (độc tài, nội chiến, xung đột bộ lạc, vi phạm nhân quyền) khó giải quyết. Ở vùng đất này, quan tâm của Mỹ chỉ liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền chứ không phải là vấn đề chiến lược ảnh huởng trực tiếp đên an ninh của Mỹ nên chỉ hành động lơ là, vì thế không hữu hiệu. Tốt nhất là hành động qua Liên Hiệp Quốc mà những thành phần bảo thủ cực đoan trong chính quyền Bush lại không ưa LHQ. Mặt khác, lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ lại không hữu hiệu nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Hiện nay, Mỹ vẫn là một “quốc gia không có không được” (indispensable nation), nhưng quân đội và khả năng tài chánh đã dồn cho hai cuộc chiến ờ Iraq và Afghanistan rồi nên dù muốn, Mỹ cũng không có khả năng giúp giải quyết hữu hiệu các khủng hoảng tại Phi Châu và tạo ảnh hưởng ở đó.

NAM MỸ

H: Trong ít năm cuối của nhiệm kỳ thứ 2 của TT Bush, tôi thấy Trung Hoa và nước Nga đã tạo được ảnh hưởng kinh tế và quân sự với một số nước ở Nam Mỹ như Venezuela, Bolivia, El Salvador… trong khi Cuba vẫn đứng vững là một nước Cộng sản chỉ cách bờ biển Miami dưới 100 dặm. Giáo sư có chút lo ngại nào về viễn ảnh nước Mỹ bị Nga và Trung Hoa “bao vây” ở Nam Mỹ không ?

Đ: Không. Nga và Trung Quốc hành động ở Nam Mỹ vì quyền lợi của họ cũng như hành động của Mỹ tạo đồng minh ở Âu châu và Á châu sát nách với hai nước đó. Dù sao, Mỹ vẫn là một siêu cường duy nhất. Khả năng Mỹ bao vây Nga qua việc nới rộng NATO và gây ảnh hưởng tại các quốc gia Trung Á, và bao vây TQ bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Á, Nam Á, và Đông Nam Á nhiều hơn là khả năng Nga và Trung Quốc bao vây Mỹ ở Nam Mỹ. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc không có chung quyền lợi với nhau, và không có một quốc gia hay một liên minh quốc gia nào ở Nam Mỹ có thể đối đầu với Mỹ đuợc.

Á CHÂU-VIỆT NAM

H: Đối vớI tình hình ở Á Châu thì Giáo sư cũng biết Trung Hoa đang bành trước sức mạnh Quân sự của họ để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việt Nam, tuy là một nước bé nhưng lại có một bờ biển dài trên 3,000 cây số và đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải và quyền lợi kinh tế với Trung Hoa và một số nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có nguồn dư trữ dầu hoả và khí đốt là chính. Nếu bị tấn công trên biển thì Việt Nam trông cậy vào ai ? Hoa Kỳ có thể đứng yên nhìn Việt Nam lâm nạn được không, hay phải nhảy vào để bảo vệ đường lưu thông cho tầu bè trên biển Nam Hải ?

Đ: Hiện nay, nếu bị Trung Quốc tấn công thì Việt Nam không thể trông cậy vào ai. Hoa Kỳ muốn duy trì tự do lưu thông trên biển Nam Hải, nhưng không có lý do chính đáng để bênh vực Việt Nam vì Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ. Ngoài ra, Hoa Kỳ vẫn có thể trông cậy vào Úc, Nhật, Đài Loan, Thái Lan, có thể cả Nam Dương nữa trong việc duy trì sự hiện diện hải quân của mình ở Thái Bình Dương.

H: Bắc Hàn ngày nay có còn là mối hiểm hoạ nguyên tử ở Á Châu nữa không hay khối 6 thành phần gồm Mỹ, Nam Hàn, Nhật, Nga,Liên Hiệp Quốc và Trung Hoa đã “mua đứt” lãnh tụ Kim Jong Il để giúp TT Bush đạt được một thành tích ngoại giao trước khi ông rời Toà Bạch Ốc, hay đây là thành công ngoại giao duy nhất của chính quyền Bush sau 8 năm cầm quyền ?

Đ: Việc mua bán này chưa ngã ngũ. Bắc Hàn chỉ bắt buộc phải chấm dứt chương trình nguyên tử của họ nếu Trung Quốc thực sự muốn như thế và ra tay hành động. Việc Bắc Hàn từ lúc không có võ khí nguyên tử cho đến lúc có võ khí nguyên tử là thất bại của chính sách thiên về “thay đổi chế độ” trong khi Mỹ không có khả năng ấy, và từ chối thương thuyết đơn phương với Bắc Hàn.

CHỖ ĐỨNG LỊCH SỬ

H:Tổng thống Bush sẽ một chỗ đứng như thế nào trong lịch sử Ngoại giao của nước Mỹ Đ: Còn quá sớm để đưa ra một phán đoán cuối cùng về chỗ đứng của chính quyền Bush trong lịch sử Mỹ. Ông Johnson bị nguời đương thời chỉ trích rất nhiều vì cuộc chiến ở Việt Nam, nhưng lịch sử đã đối xử tốt hơn với ông và cho ông thành tích thực hiện một cuộc cách mạng xã hội không đổ máu, tạo thay đổi lớn lao trong thân phận người da đen và trong quan hệ chủng tộc ở Mỹ.

Một kết toán tạm thời về những thành công và thất bại của TT Bush có thể như sau: Về thành quả, ông Bush đã chuyển nhanh chóng từ một TT thời bình sang TT thời chiến sau biến cố 9/11/2001 xảy ra, và trong hơn bảy năm qua đã giữ cho không có một hành động khủng bố nào xảy ra trên lãnh thổ Mỹ. Tại Aghanistan và Iraq, quân Mỹ đã đánh gục địch thủ một cách nhanh chóng và gọn ghẽ.

Ông thành công trong chiến tranh, nhưng thất bại trong hoà bình; việc quản lý Iraq một cách vụng về sau chiến thắng tiên khởi đã đưa nước Mỹ vào một chiến tranh lâu dài, tốn kém mà triển vọng thành công còn xa vời, quân đội Mỹ phải căng một cách tối đa không có khả năng tranh dành ảnh hưởng với các quốc gia đang lên, ngân sách quốc gia thâm thủng nặng nề, uy tín trên thế giới xuống thấp, bạn không nể, thù không sợ. Ở trong nước, chính sách kinh tế tài chánh của của TT Bush đã góp phần đưa đến một cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng. Chính sách xã hội giáo điều dựa vào niềm tin tôn giáo bảo thủ cực đoan của ông thay vì tạo đoàn kêt dân tộc như ông hứa đã đưa đến sự chia rẽ dân tộc.

Nhưng, nếu vì một phép mầu nào đó mà các nhà lãnh đạo Iraq ngồi lại đuợc với nhau để xây được một nuớc Iraq dân chủ ổn cố thì lịch sử nuớc Mỹ sẽ dành cho TT Bush một cho ngồi xứng đáng với viễn kiến của ông.

H: Mỗi vị Tổng thống Mỹ khi hết nhiệm kỳ đều để lại cho hậu thế một kỷ niệm khó quên. Kỷ niệm ấy có thề xấu hay tốt hay lẫn lộn. Vậy ông có dành cho Tổng thống Bush một chỗ đứng nào trong trái tim mình không?

Đ: Tổng Thống Bush là người có một niềm tin lớn lao cả về phương diện lý thuyết kinh tế lẫn tôn giáo; ông thuờng suy nghĩ và hành động một cách giáo điều, vì thế đã đưa đến các khó khăn ngoại giao và kinh tế trầm trọng cho nước Mỹ.

Trong trái tim tôi, có hai hình ảnh của Tổng Thống Bush: một bên là hình ảnh của một nhà lãnh đạo thất bại vì bướng bỉnh quyết định theo niềm tin hơn là lý trí (faith-based not reason-based) , bên kia là hình ảnh của một con nguời tốt bụng, thành thật, dễ tin, và có tinh thần trách nhiệm, đã vì quyền lợi quốc gia mà hy sinh niềm tin của mình vào ý thức hệ bảo thủ tôn sùng kinh tế thị trường để áp dụng những biện pháp cứu nguy kinh tế mà phe bảo thủ quá khích cho là đi vào con đuờng xã hội chủ nghĩa.

H: Trách nhiệm ngoại giao và gánh nặng kinh tế của vị Tổng thống kế nhiệm ông Bush lớn lao như thế nào ?

Đ: Tất cả những khó khăn kinh tế và ngoại giao đều xảy ra dưới chính quyền Bush và bắt nguồn từ chính sách của chính quyền Bush. Ông Bush phải chịu trách nhiệm này.