Một người mẹ đón con từ nhà trẻ về trên đường Nguyễn Chí Thanh
Đối với tôi, hệ thống phát thanh cấp phường, xã của Việt Nam chỉ làm được mỗi một việc là gây ồn ào.
Tôi lúc nào cũng mong loa đài của họ “tịt ngòi” hết đi để phố phường có chút yên tĩnh. Thật mỉa mai làm sao, họ im lặng đúng vào giờ phút duy nhất tôi mong họ lên tiếng: những ngày lũ lịch sử ở Hà Nội.
Đã ba ngày trôi qua, thủ đô vẫn còn sơ sơ sáu chục điểm úng ngập, với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Thiệt hại kinh tế, nghe giới chức nói khoảng 3000 tỷ đồng. Con số tử vong thì thật không tin nổi: hơn 40 người – trong đó có nhiều trẻ em.
Khả năng điều hành
Nhưng điều quan trọng là người dân đã hoàn toàn không tin vào khả năng điều hành của chính quyền.
Sáng ngày thứ sáu, 31 tháng Mười, đã có rất nhiều bạn bè tôi phải quay xe về nhà sau hàng giờ đồng hồ bì bõm trong biển nước. Một vài người trong số họ chỉ còn cách cơ quan vài trăm mét nhưng không thể tiến thêm.
Em gái tôi, đang học lớp 12, vẫn đến trường. Đó là một trường dân lập khang trang bậc nhất thành phố, nhưng cũng đã kịp ngập sâu dưới nửa mét nước.
|
Phóng viên đài quốc gia mà cũng chỉ loanh quanh trên đường Nguyễn Chí Thanh với hồ Ngọc Khánh, cách đài chẳng được đến một trăm mét
|
Đến chiều, bố tôi nhất quyết đòi đi đón “con gái rượu” dù tôi và mẹ hết sức ngăn cản – không xe máy hay ô tô nào chạy được một mạch từ nhà tôi tới trường cả, vì nước đã ngập quá sâu.
Cuối cùng, em gái tôi, cùng một bạn học đã lội bộ khoảng 5km để về nhà. Mất hơn một giờ đồng hồ, tức là nhanh hơn đi bằng xe nhiều.
Bạn em tôi tất nhiên đã phải ở nhờ lại chỗ chúng tôi đêm đó, vì giao thông trong nội thành đã hoàn toàn tắc nghẽn, và dù có không nghẽn thì cũng chẳng ai dám đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cô bé trên đường về nhà. Cây đổ, dây điện đứt, cống rãnh không được đánh dấu,… có hàng tá nguy hiểm rình rập.
Buổi tối, tôi không có đủ kiên nhẫn để chờ bản tin của truyền hình quốc gia. Họ méo mó nghề nghiệp đến mức quyết tâm thách thức lòng kiên nhẫn của khán giả bằng phóng sự dài về chuyến đi của chủ tịch nước. Cái chúng tôi muốn biết là tình trạng mưa lũ kia mà.
Về sau, tôi thấy thật tốt là mình đã không phí thời gian ngồi trước ti-vi, vì cuối cùng thì họ cũng chẳng nói được chuyện gì cả. Phóng viên đài quốc gia mà cũng chỉ loanh quanh trên đường Nguyễn Chí Thanh với hồ Ngọc Khánh, cách đài chẳng được đến một trăm mét.
Nước ngập mênh mông
Lục tung các trang báo điện tử của Việt Nam, tôi hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ một dòng cảnh báo mưa lũ nào. Dự báo thời tiết hôm trước thì nói là chỉ mưa rải rác, khoảng 20mm thôi. Thế mà đường phố đã ngập mênh mông.
Những điều tôi chờ đợi tuyệt nhiên không xuất hiện: không có thông báo nghỉ học cho học sinh, không cảnh báo các tuyến đường nguy hiểm, dự báo thời tiết cực kỳ lờ mờ, không có thông báo các khu vực cắt điện. Hướng dẫn người dân chống lũ lại càng không.
Về sau, qua blog của bạn bè và người quen – blog hóa ra lại thành kênh thông tin quan trọng không kém báo chí trong những ngày này – tôi được biết là trên các tuyến phố lớn cũng không có cảnh báo nguy hiểm nào. Trong những trận ngập trước đây, các nắp cống hở còn có cắm cành cây để đánh dấu, nhưng lần này thì không có.
Người dân thủ đô bị sốc vì những ngày nước ngập
Sáng ngày 1.11, tôi cùng một người bạn tranh thủ lúc tạnh mưa để đi vào khu tập thể Thành Công, một trong những trọng điểm ngập của Hà Nội.
Đúng như chúng tôi dự đoán, nước ngập mênh mông, nhưng quan trọng hơn là các hộ dân ở đó phần lớn đã cạn nước sinh hoạt. Điện thì đã bị cắt vì lý do an toàn rồi nên không thể chạy được máy bơm mà bơm nước nữa.
Nước đóng chai thì có thể mua được, nhưng phải lội đi khá xa và mua với giá cực đắt (đến đây, tôi tự hỏi tại sao báo chí không hề đưa một dòng tin nào về giá nước, trong khi lại đua nhau phàn nàn giá thực phẩm tăng 200-300%).
Chúng tôi có đủ thời gian trò chuyện với nhiều người dân trong khu vực đó. Họ bị cắt điện từ sáng sớm – tất nhiên không kèm theo thông báo nào. Họ cũng tuyệt nhiên không hề kỳ vọng rằng chính quyền sẽ mang nước sạch đến, dù rõ ràng mấy chiếc xe lội nước của quân đội hoàn toàn có thể mang đồ tiếp tế tới.
Đó là chưa kể đến chuyện nước ngập vào toa lét, khiến cho những nhu cầu cá nhân tối thiểu cũng trở nên xa xỉ.
Một người bạn học của tôi đang ở xa, kể lại trên blog rằng cậu ta đã phải từ chối cho người khác mượn toa lét nhà mình. Lý do chỉ vỏn vẹn có ba chữ: phải… để dành.
Niềm tin cuốn theo lũ
Đến tối, một người bạn thân của tôi gửi tin nhắn từ Anh về, nói rằng nhà cô ấy đã ngập tới bậc cầu thang thứ ba. Ở ngay giữa thủ đô, nhưng cứ mỗi trận mưa là nhà bạn tôi bị ngập, chỉ khác nhau ở độ sâu mà thôi.
Tôi bận lục lọi thông tin trên các báo nên không kịp kể cho bạn tôi rằng người dân quanh Hồ Gươm vẫn tranh thủ ra ngắm hồ. Một người bạn khác của tôi đã kịp ghi lại cảnh trẻ vui đùa bên bờ hồ - lúc đó đã phủ nước mênh mông – lúc nắng lên.
Người Hà Nội là vậy đấy, vẫn biết tận hưởng cuộc sống trong những lúc khó khăn.
Trên các tuyến phố ngập nặng thì có dịch vụ thuê thuyền, bè, xuồng cao su hoặc xe bò, xe ngựa. Đôi chỗ người dân mang nơm và cần câu ra bắt cá.
|
Rồi nước sẽ rút. Có điều, nó sẽ mang theo niềm tin của người dân
|
Tất cả đều biết rằng tốt hơn hết là đừng trông chờ gì ở chính quyền. Thủ tướng chắn chắn sẽ không cưỡi trực thăng tới phát mì gói như đã làm trong trận lũ trước ở mấy tỉnh miền núi phía Bắc đâu.
Đến tận ngày 2 tháng Mười Một mới thấy các quan chức Hà Nội tuyên bố là có đi thị sát. Nhưng chẳng có một nguồn tin nào có thể xác nhận cái sự thị sát đó của họ. Vâng, thị sát kiểu gì mà có thể kết luận, như ông Bí thư Thành ủy nói, rằng người dân Hà Nội ỷ lại vào chính quyền cơ chứ!
Đến lúc này, con số người chết đã lên tới trên 40, và dự báo lạc quan nhất cũng nói rằng Hà Nội sẽ còn ngập ba, bốn ngày nữa. Các cơ quan công quyền vẫn còn có khối thời gian để đổ lỗi cho nhau để rồi trách nhiệm vẫn dồn hết lên người dân.
Chẳng sao cả. Rồi nước sẽ rút. Có điều, nó sẽ mang theo niềm tin của người dân.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến gì xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
Nguyễn Sở Vâng, tôi xin chia sẻ với tác giả Hoàng Minh. Niềm tin rút đi và nỗi lo dâng ngược chiều lũ. Một thời gian dài, người ta cứ nói mãi về niềm tự hào Hà Nội thành phố hoà bình.
Hoà bình mà dân chết dễ thế ư. Tôi lo rằng ngay cả các tổ chức quốc tế, các cuộc bình chọn quốc tế cũng bị đánh tráo giá trị.
Lo rằng dân ta, đúng như Bí thư Nghị nói, ỷ nại quá đáng về nhận thức chính trị. Cứ trách móc lãnh đạo yếu kém. Bởi vì thực tế là lãnh đạo Việt Nam hiện nay rất dũng cảm và kiên định.
Quý vị mở báo Nhân Dân ra mà xem. Phiên họp chính phủ hôm 1/11 chẳng ai bàn một lời nào đến lũ ở Thủ đô, ở cái nơi chính phủ đang họp ấy.
Trên thế giới này có chính phủ nào kiên định đến thế trước cái chết của Nhân dân mình! Rồi đến 3/11, Thủ tướng gửi công điện khẩn, bảo các địa phương không được để dân đói. Hoan nghênh Thủ tướng thương dân. Nhưng dân có đợi được 4 ngày "không đói, không chết" để được nhận tình thương không ạ.
Cũng 4 ngày sau khi lũ hoành hành, Bộ giáo dục gửi "công điện khẩn" bảo các trường lo bảo vệ học sinh. Thương cho các cháu chết chìm trước đó không kịp đợi các trường bào vệ. Vậy là phải lo, lo dân không chờ được nữa, lo học sinh chết trước khi được quan tâm, lo quan chức cứ tiếp tục kiên định. Eo ơi, Hà Nội nát!
Hải Nguyên Không có gì sợ hãi ĐCS cả, anh Nguyễn Lâm nói sai rồi. Chính quyền đâu có đàn áp gì chúng tôi mà phải sợ? Người HN chúng tôi chỉ chưa tìm thấy sự tin cậy ở Nhà nước thôi.
Họ hay nói bừa, họ thể hiện trình độ và khả năng ứng xử quá kém làm nhân dân thất vọng, cũng giống như các nhà LĐ Hoa Kỳ làm TG thất vọng. Giống nhau cả anh Lâm ạ.
Rồi lũ sẽ qua đi, HN sẽ trở lại nhịp sống ngày thường, vẫn biết là có nhiều thứ xói mòn theo con nước nhưng từ đó hi vọng vào một sự thay đổi, như vậy thì hợp lý hơn, như vậy mới là yêu nước. Cảm ơn Hoàng Minh về bài viết rất hay của anh.
New Land Tôi chia sẻ với bạn Minh.Đúng vậy niềm tin của người dân Hà Nội đã bị nước lũ cuốn đi mất rồi.Chúng ta đâu còn niềm tin khi phải tự gồng mình lên chống lut màlãnh đạo Thành phố nói chúng mình chỉ ỷ lại chứ?mà khổ nỗi đâu ai đã ỷ lại cho ai được? Họ thật vô trách nhiện và thật thiếu trách nhiệm với "cha,mẹ" của mình.
Mai Ninh Cảm ơn tác giả đã tả đúng tình hình và tâm trạng cụm dân cư chúng tôi đã và đang tự lặn ngụp trong mưa dữ. Khi đó, ai cũng thấy phải tự lo, làm gì dám có ý nghĩ ỷ lại như bác Nguyễn Thế Thảo nhận định mang tính "tống kết".
May, mà báo Hà Nội Mới không bịa đặt thêm những tin lạc quan như truyền thống của báo này trong vụ Thái Hà. Té ra, đảng lo đối phó với tôn giáo hơn là lo đối phó với mưa lũ hại dân.
Tôi muốn nhắn đến báo Thảo một điều: Hãy lấy hết can đảm, dẹp bỏ sự cao ngạo của đảng, mà dùng khẩu khí đầy tớ để xin lỗi dân một câu (chính thức dùng từ "xin lỗi"). Nếu bác có tai mắt trong dân, mong rằng lời nhắn của thằng dân đen này tới bác. Hỏi: Tôi còn có cách nhắn nào khác để đến tai bác mà cái thân tôi vẫn an toàn?
Nguyễn Lâm Tôi nghĩ niềm tin vào đảng CS của người dân Việt Nam đã bị cuốn đi từ lâu và chỉ còn lại sợ hãi. Chúng ta cần một cơn mưa thật lớn để gội sạch cái nỗi sợ hãi đó mới mong có được một tương lại tốt hơn cho dân tộc này.
|