Bốn ngày ngập Hà Nội |
Tác Giả: Nguyễn Trương Quý Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội | ||||
Thứ Ba, 04 Tháng 11 Năm 2008 17:07 | ||||
Mới hai tuần trước, người Hà Nội còn chưa hết ầm ĩ về chuyện mở rộng thành phố của mình thành thủ đô có diện tích lớn thứ hai thế giới, rồi chuyện Hà Nội mở rộng có số người mù chữ cao nhất cả nước và chuyện đi xe máy cần có đến hơn tám chục tiêu chuẩn sức khỏe.
Nhoằng cái, cơn mưa lớn ngày thứ Sáu 31.10 đã khiến câu chuyện về một thủ đô già nua mà kém sức đề kháng bục ra như nước ồ ạt dâng ngập trên diện rộng các đường phố. Thứ Sáu 31.10 Buổi sáng mưa tầm tã, đến trưa ngớt một chút. Nhiều người tranh thủ tạt về nhà ăn cơm hoặc kết thúc công việc của tháng Mười nhưng chắc họ không ngờ đó lại là kỳ nghỉ cuối tuần kinh khủng nhất trong cuộc sống của họ ở Hà Nội. Còn với lũ trẻ con, là kỳ nghỉ cuối tuần dài ngoài mong đợi. Nhưng đấy là chúng còn quá may mắn, nếu so với cô bé Nguyễn Vân Anh học sinh lớp 7A trường Bế Văn Đàn đi học bằng xe đạp bị chết đuối vì trôi xuống cống. Đến cuối chiều, hỗn loạn xảy ra. Mạnh ai nấy chạy để kịp về nhà. Khu tôi ở, điện phụt tắt. Tôi còn kịp xem hai tấm ảnh chụp chiếc xe con và xe máy chìm lút giữa phố Huỳnh Thúc Kháng đỏ ngầu nước. Tuy nhiên, tôi vẫn hi vọng mưa ngớt để tranh thủ đi công chuyện nên cứ ngoan cố để xe máy ngoài sân. Cuộc hẹn được lùi lại vài lần, vì cứ đến gần giờ hẹn là mưa lại ào lên như trêu ngươi, ngập xâm xấp mặt sân. Cuối cùng cái xe cũng được dắt vào nhà và ai nấy đi ngủ sớm, gieo hi vọng thấp thỏm vào ngày cuối tuần yên ổn hơn. Thứ Bảy 1.11 Sáng sớm, cảnh tượng từ năm 1984 mới gặp lại: nước tràn vào nhà. Bể nước ngầm ngoài sân đã bị tràn qua nắp. Cả nhà hì hục khuân vác, đứa cháu tranh thủ đi mượn mấy viên gạch của nhà hàng xóm đang xây nhà để kê đồ cao lên.
Nhiều người cảm giác trải qua những ngày ác mộng Từ lúc này, sinh hoạt được rút lên tầng trên, trừ lúc nấu cơm thì đành chấp nhận bì bõm trong nước. Nhà hàng xóm đã nhanh nhạy lôi tấm giát giường buộc với những cục xốp và đệm cao su làm thành bè. Ngoài ngõ đã ngập sâu đến 1m. Những người phụ nữ nhẫn nại đội nón, dầm mình trong nước đi ra đường kiếm cái ăn. Vốn đã quen với việc giá cả leo thang không kịp trở tay trong một năm nay do lạm phát, các bà các chị lo xa không quản nước bẩn với mưa rét mà trang bị cho cả nhà. Hãy theo chân chị tôi để hình dung ra sự “tấm mẳn” của người đàn bà Việt thành thị thời nay. Chị tôi nghe phong phanh hàng xóm nói ngoài ngõ ngập quá thắt lưng thì tóm ngay lấy một chiếc quần sơ-cua, nhưng đã xác định tinh thần là ngâm mình rồi tí về thay rửa sau. Những người phụ nữ thành phố vốn quen sạch sẽ nay cười ngượng nghịu với nhau vén quần quá đùi, lễ mễ xách túi mua đồ ăn với đồ thắp sáng cho những ngày mù mịt tới. Chợ ngày lũ họp theo đúng kiểu “thần tốc, táo bạo”. Những người bán hàng rong (chẳng cứ lúc này mới thấy hàng rong là cần) kiếm những chỗ còn đủ cao để bày thực phẩm trên những cái mẹt hoặc xách tay mà bán như chợ trời Đông Âu. Bán hàng như những ngày này mới sướng: rau muống 20.000 đồng, rồi 25.000 đồng một mớ, thịt lợn nạc vai bình thường 60.000 đồng một kg, nay vọt lên 160.000 đồng. Bà chị tôi ngần ngừ đi qua một người bán hàng xách hai con gà làm sẵn có giá 200.000 đồng/con. Đi được mấy bước, chị nghĩ bụng, trời này thì không biết đâu mà lường. Hối hả quay lại thì thấy người bán chỉ còn duy nhất một con. Chị tôi gần như giật lấy con gà và trả tiền ngay, không cần mặc cả. Trong các siêu thị và cửa hàng, gạo và mì ăn liền bán chạy như tôm tươi. Người Hà Nội vốn chuộng đồ tươi sống hơn nay cũng phải tích cóp đồ khô như thể ngày mai rỗng kho dự trữ quốc gia.
Đợt mưa lũ bộc lộ ra gay gắt những đòi hỏi chỉnh trang thiết thực cho một đô thị chắp vá Mặc cho phải lội nước bẩn bì bõm, người ta hớt hải đôn đáo ngược từ đầu phố xuống cuối phố, đi bộ hoặc dầm nước vài cây số để khuân về thứ nuôi cả đại gia đình vào mấy ngày nghỉ cuối tuần bất đắc dĩ này. Đã có cái ăn, còn phải lo cái thắp. Nhiều nhà vẫn còn dùng bếp than tổ ong nên không lấy làm lo về hết ga. Nhưng người Việt Nam vốn linh hoạt, người ta chở ga bằng xe đạp, bằng cách đẩy lên mảng len lỏi vào các ngõ. Người Hà Nội quen thức khuya, quen chưng đèn sáng cho văn minh, giờ chẳng lẽ đêm đến lại chỉ có chui vào chăn ngủ sớm. Vì thế, mặt hàng đầu bảng ngoài cái ăn được vơ vét sạch sành sanh là nến, sau đó là đèn pin và pin nghe đài. Nói đến đài, phải nói là một sự thất vọng ghê gớm. Vốn quen cái thói tự kiêu của dân “trung ương” chỉ xem tivi với đọc báo mạng, lắm người Hà Nội bây giờ nhờ mất điện mới biết đến đài tiếng nói Việt Nam hay các kênh phát thanh FM hay của đài phát thanh truyền hình Hà Nội.
Nhưng sao kìa, chờ dài cổ mà chẳng thấy có một phóng sự hay bản tin nào về tình hình ngập úng ở Hà Nội. Trong khi sờ sờ quanh nhà mình đây, mưa cứ từng chập, nước cứ dềnh lên mãi. Chỉ có bản tin thời tiết toàn thông báo lũ trên các sông từ… Thanh Hóa đến Quảng Trị, cùng với nhoằng thông báo giá cả thực phẩm leo thang tại Hà Nội, mà từ sớm cả nhà đã biết rành rành cái miếng thịt đưa lên miệng bữa nay đắt gấp bốn lần bình thường. Còn đài FM, tưởng rằng ưu thế sóng dễ bắt với mọi loại đài để báo tin khẩn cấp, thì chỉ toàn nhí nhảnh hết Avril Lagvine đến Linkin’ Park. Nghe hết chuyến thăm hữu nghị chính thức này rồi đến phóng sự về cơ cấu cây hoa màu ở huyện Chương Mỹ với hậu cần vận tải biển. Sao không thể cứ một tiếng đồng hồ thông báo cho dân Hà Nội biết tình hình ngập lụt cũng như phản ứng xử lý ra sao? Chủ nhật 2.11 Chưa khi nào báo giấy lại khan hiếm đến thế. Người Hà Nội vốn đã coi mình là trung tâm của sông núi, giờ đây càng khao khát được xem người ta mô tả gì về vụ dầm dề của mình. Ấy nhưng mà báo giấy cũng không thể thỏa mãn nổi với vài trang lèo tèo, báo An ninh Thủ đô ngoài trang bìa có hình hai anh công an dìu người dân qua lũ, bài bên trong lại còn có dòng “lãnh đạo thành phố đồng thời cũng yêu cầu các cơ quan báo chí không được đưa tin thất thiệt, gây dư luận không tốt”. Khổ, có nghe được tin nào đâu mà tốt với không. Tin tức về Hà Nội nhiều nhất rút cục lại do một chị bạn gọi điện từ Sài Gòn ra điểm tin báo điện tử VnExpress với Vietnamnet mà nghe. Thậm chí, bà con dưới quê gọi điện lên có hỏi thăm ông bà lũ lụt ra sao, mới biết thì ra khu Mỹ Đình ngập kinh quá, Lexus với Avalon kẹt dưới hầm ngập bùn mấy ngày trời. Cả nhà ngồi chặc lưỡi, ừ xe tiền tỷ đi ở Hà Nội cũng khổ như ai. Ngoài đường Giải Phóng, hàng đoàn xe ngược xuôi như chạy loạn. Ga Giáp Bát ngập ngang ngực, rút cục chẳng xe nào đi được. Xe bus lỏng chỏng đỗ chạy dài hai cây số. Vài cái xe cứu hộ chạy tới lui cẩu vài con xe Camry hay Ford chết máy. Hai bên đường, nilông và rác dạt đầy. Trời lại mưa rào rào, mọi người nhảy lên xe bus ngồi nhờ. Nhiều người đã ngủ qua đêm trên xe bus. Vài hôm sau, tôi mới biết được xe bus được cư dân mạng ca ngợi như người hùng mùa lụt vì hình ảnh không quản ngại khó khăn mà phục vụ bà con. Mà sao không thấy các bác áo cao mũ dài đi xuồng thăm hỏi úy lạo nhỉ? Trước xem TV thấy các tỉnh lũ lụt, có hình ảnh bộ trưởng đội mũ cối mặc áo phao đi thăm mà. Hỏi dở hơi, Hà Nội này quen sướng rồi, khổ mới có ba ngày đã kêu inh ỏi. Cứ xem cái nhà này, 8 con người quanh quẩn trên tầng hai, hết ăn, ngủ với đi toalet. Người già chán vì không có câu lạc bộ dưỡng sinh, không lễ chùa được, trẻ con cuồng cẳng vì không được đá bóng với chơi game, thanh niên buồn vì không được xem phim. Thú vui duy nhất là xem lại album ảnh và chơi tú lơ khơ.
Theo lịch âm dương, ngày hôm nay chủ nhật, lại là hoàng đạo (thật khó tin!), nên lại vẫn có đám cưới. Đám cưới mùa lụt thì người ta vẫn có quyền ăn diện. Các bà mặt hoa da phấn nhưng vẫn xám xanh, vén áo dài ngồi xổm xếp hàng trên mảng cao su để đi vào nhà có đám cưới. Một cái bồn tắm cũ nước ố vàng khè được trải tấm nilông đỏ lên, xung quanh kết dây hoa bằng giấy, chú rể đỡ cô dâu mặc váy đội khăn voăn lẩy bẩy cầm hoa đứng trong. Mà đúng là thuyền hoa! Máy ảnh chớp flash liên hồi. Thật là đám cưới nhớ đời, lắm lộc phải biết! Hai tay thanh niên nhanh trí kinh doanh việc chở đám cưới, hỉ hả khoe kiếm được một triệu. Lộc đấy chứ đâu. Ngày tháng Mười chưa cười đã tối, giờ gặp cảnh nước lụt, khu dân cư càng tối om trong tiếng mưa rào rào và nước ì oạp đập vào vách. Sau những cái cười nhộn nhạo của dân thành phố tự trào, giờ đây ai nấy thấm mệt. Mưa, mưa biết bao giờ dứt? Thứ Hai 3.11 Nước đã rút dần, Hà Nội lại uể oải trở về nhịp sinh hoạt bình thường với phập phồng lo vỡ đê sông Hồng. Nhưng trên mặt báo và blog, lại nóng lên những câu nói như “người Hà Nội quen ỷ lại lãnh đạo” với “đợt mưa lớn vừa rồi là đợt tổng diễn tập” của lãnh đạo thành phố. Có thể những người như bà chị tôi đã hốt hoảng và lo xa quá mức. Bà chị đã làm cho ông chồng lo lắng theo đến mức mua về nhà 1 yến gạo, 5kg khoai sọ, 1 con gà, 2 con cá, nửa cân sườn, một quả đu đủ xanh… Nhưng chị chẳng có kênh thông tin nào ở cái khu dân cư như ốc đảo, ngoài những thông tin tự cứu mình của một người đàn bà có hai đứa con sểnh ra là nghịch nước. Có mưa thế này, mới bộc lộ ra gay gắt những đòi hỏi chỉnh trang thiết thực cho một đô thị chắp vá, chứ người Hà Nội đã quá mệt với những con số 200 triệu đôla đổ vào trạm bơm và 3000 tỷ đồng thiệt hại rồi. Người Hà Nội đang cơn khát tâm lý có mầu sắc dân túy, nên việc một vài câu sơ sểnh cũng dễ bị phản ứng, cho đến thậm chí việc Đài truyền hình đưa tin không đủ kỹ cũng làm người ta tức giận, huống hồ phản ứng chậm chạp của các giới chức khiến người ta muốn nổi điên lên. Chị tôi thì chả còn sức điên lên, mai chị còn phải lo thúc cả nhà dọn dẹp làm vệ sinh nhà cửa. Còn tôi, tôi sẽ tôn nền nhà ra sao với một Hà Nội không biết khi nào hết ngập? Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một kiến trúc sư và dịch giả đang sống tại Hà Nội. Quý vị có ý kiến gì xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it . Toang Thứ hai _ Người HN cần phải chớp lấy cơ hội này để quảng bá cho du lịch TP_một Venice của phương đông (huy động mọi người ra...sông ca hát, tạo không khí lễ hội...). Poorman Thật ra, lỗi phần lớn cũng do bà con ỷ lại, không biết lo xa đúng như lời của bí thư thành ủy HN? Rút kinh nghiệm qua đợt lũ lụt này, bà con HN nên sắm ngay ghe thuyền để sẵn trong nhà, nhưng cách tốt nhất là xây nhà sàn và nếu có mua nhà chung cư thì nên chọn từ lầu 2 hoặc lầu 3 trở đi cho "đảm bảo"! Minh Nam Lúc đầu không ngờ sẽ mưa lâu thế, không ngờ lụt sâu thế. Nó cứ từ từ và lẳng lặng dẫn xác tới, vậy mà không có chút tin nào giúp người dân hành xử cho phù hợp. Tóm lại, bài này không có gì "mới" với gia đình tôi. Duy một điểm mới: Báo chí ta được chỉ đạo "không đưa tin". Hết biết. Té ra số tin được chỉ đạo "không đưa" nhiều hơn tôi tưởng. |