Home Tin Tức Thời Sự Chỉ cần giữ sự tỉnh táo để hiểu là có rất nhiều chuyện Coi dzậy mà hổng phải dzậy...

Chỉ cần giữ sự tỉnh táo để hiểu là có rất nhiều chuyện Coi dzậy mà hổng phải dzậy... PDF Print E-mail
Tác Giả: Trí Ðạo   
Thứ Tư, 29 Tháng 10 Năm 2008 13:45

(20-10-08).

Ngay từ khi ngôi sao Obama xuất hiện, ông đã chinh phục được ngay cảm tình - nói

cho đúng hơn - chiếm được niềm tin tuyệt đối của phe cấp tiến (thên tả, liberal) đặc biệt trong  giới truyền    thông và giới trí thức khoa bảng  với một rổ bằng cấp viết tắt mà chẳng ai hiểu là gì. Kiểu như PhD, mà có người hiểu là Phở Dở. 

Vô tình hay cố ý, họ tự biến thành những cái loa phổ biến lại tất cả những gì ông Obama  nói, nức nở ca tụng gần như mù quáng, cố lờ đi những sai lầm hay khoác lác của ông, bênh vực ông và tiếp tay đánh phe Cộng Hoà không nương tay. 

Chuyện điển hình mới nhất là thái độ của truyền thông đối với bà Thống Đốc Sarah Palin, ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng Hòa. 

Sự đánh phá của báo chí thật mạnh bạo đối với bà Palin, người mà giới truyền thông nhìn thấy ngay là một mối nguy lớn cho cấp tiến, chẳng những cho cuộc bầu cử năm nay, mà còn là trong tương lai lâu dài. Chỉ cần bà Palin làm phó TT trong tám năm hay bốn năm thì bà sẽ là một ứng viên tổng thống với triển vọng rất lớn cho Cộng Hòa. Nếu liên danh McCain-Palin thắng năm nay thì sẽ có nhiều hy vọng Cộng Hòa sẽ nắm quyền một lèo trong mười sáu năm tới, và cũng đi vào lịch sử như là đảng đã giải phóng được phụ nữ bằng hành động thật sự chứ không phải bằng miệng lưỡi như phe Dân Chủ, là phe đã bác bỏ bà Hillary.

Khi ông Obama mới xuất hiện và lo chạy đua với bà Hillary, cũng như sau khi thắng bà này rồi và phải quay qua chạy đua với ông McCain, thì vấn đề kinh nghiệm được đặt ra. Ông Obama tổng cộng có quá trình sáu tháng làm nhân viên thiện nguyện cộng đồng (community organizer), và ba năm thượng nghị sĩ Thượng Viện Mỹ. Một quá trình mỏng hơn trang giấy báo quý vị đang đọc. Thua xa bà Hillary và ông McCain. 

Nhưng không sao. Truyền thông giải thích rằng kinh nghiệm không quan trọng. Không ai có thể nói rằng mình có sẵn kinh nghiệm làm tổng thống.

Đến khi bà Palin xuất hiện thì cũng chính giới truyền thông và giới trí thức ủng hộ Obama hết hồn la hoảng ngay là… bà này chẳng có kinh nghiệm gì hết. Nguy quá! 

Báo cấp tiến Washington Post chính thức viết bài ủng hộ Ông Obama trong số ra ngày 17 tháng 10. Dĩ nhiên. Tờ báo viết: “Vâng, chúng tôi có những dè dặt và lo ngại, hầu như không tránh được, vì kinh nghiệm tương đối ngắn ngủi của ông Obama trên chính trường quốc gia. Nhưng chúng tôi có những hy vọng rất lớn”.

Cũng trong bài này, tờ báo biện minh không thể ủng hộ ông McCain được vì nhiều lý do, một  lý do quan trọng là việc ông này đã lựa bà Palin đứng cùng liên danh, một người “chưa sẵn sàng làm tổng tư lệnh”.. 

Bàn theo kiểu Mao Tôn Cương bàn truyện Tam Quốc Chí, thì ta có thể thấy rõ đối với báo WP, cả ông Obama lẫn bà Palin đều không có kinh nghiệm gì cả, nhưng báo này ủng hộ Obama vì với ông này thì WP có những hy vọng rất lớn.

Làm như thể khi ứng cử tổng thống, kinh nghiệm không cần mà chỉ cần hy vọng, nhưng khi ứng cử phó thì không thể hy vọng được nữa mà kinh nghiệm trở thành yếu tố sinh tử. Thế thì ai là người lấy quyết định nhấn nút bom nguyên tử? Tổng thống hay phó tổng thống? 

Cách suy nghĩ và lý luận này thật quái lạ không thể giải thích nổi. Có lẽ áp dụng lý trí hay toán học kiểu 1+1=2 không còn thích hợp nữa (cho dù có bằng Phở Dở), mà phải tìm câu giải thích qua niềm tin trong một tôn giáo mới. 

Khi Đấng Tiên Tri Obama nói sẽ đi trên mặt nước được thì tất cả các đệ tử phải tin là được. Bà Palin không phải là Đấng Tiên Tri, do đó không thể so sánh được, và bà không thể đi trên mặt nước được. 

 Và để chứng minh cái thiếu kinh nghiệm nguy hiểm này, hai ký giả Charles Gibson của ABC và Katie Couric của CBS, khi được phỏng vấn bà, đã giăng bẫy, hỏi bà những câu hỏi mà không ai có thể trả lời được.

 Kiểu như Gibson hỏi bà “nghĩ sao về chủ thuyết Bush”, một chủ thuyết chỉ có trong trí tưởng tượng của các ký giả, và ngay trong giới ký giả cũng có ít ra là năm cách diễn giải “chủ thuyết” đó. Vì không trả lời vào câu hỏi mơ hồ này, bà Palin bị báo chí rêu rao cả tháng trời liền, giống như bà là người u tối nhất thế giới. 

Hay như Couric hỏi bà “đọc báo nào”. Trong tư thế một chính trị gia, dĩ nhiên bà không muốn có vẻ thiên vị, nhất là khi các báo lớn đều là những tờ báo chuyên bôi bác bà, nên trả lời loanh  quanh, không chịu tiết lộ. Thế là báo chí làm rùm beng như thể bà Thống Đốc tiểu bang lớn nhất Mỹ này mù chữ, chưa ba giờ biết đọc báo là gì. 

Trong khi giới truyền thông lớn đánh bà, thì giới truyền thông lá cải cũng nhẩy vào tham chiến. Các blogs trên internet, và các báo chợ, tố đủ chuyện nhơ nhớp về đời tư của bà. Như con gái út của bà thực sự là con của con gái bà, tức là cháu ngoại của bà. Nhưng vì cô này vị thành niên và chưa chồng, nên bà Palin hy sinh nhận làm con mình để tránh tiếng xấu. 

Con một dân biểu Dân Chủ của Tennessee (mới bị FBI bắt), một đệ tử trung kiên của Đấng Tiên Tri, trí thức với đủ loại bằng cấp của đại học Tennessee, tìm được cách chui vào hộp thư email của bà, mau mắn phổ biến ngay trên internet, và cả ngàn ký giả chui vào tìm rác. Cũng may cho bà, chẳng thấy gì đáng nói (một bài học cho các quý vị dân cử: nhớ đừng để hình bậy bạ trong email nhé). 

Trong 25 đêm liền sau khi bà Palin được đưa ra là ứng viên phó TT, các chương trình hài hước Late Show của David Letterman và Tonight Show của Jay Leno mang bà ra làm trò cười 180 lần, ông McCain 106 lần, ông Obama 26 lần, và ông Biden 16 lần. 

Chương trình Saturday Night Live (SNL) của đài truyền hình NBC tuần nào cũng mang bà Palin lên chọc quê. Sau đó được gửi vào mạng NBC và YouTube cho thiên hạ tiếp tục coi cả triệu lần trên internet. Một màn hài của SNL thậm chí còn ám chỉ không những con trai út của bà chính là cháu ngoại của bà, mà tệ hơn nữa, ông bố của đứa bé không ai khác hơn là… chồng bà Palin. Một gia đình loạn luân hiếm thấy! 

Sau khi bị chỉ trích là phe đảng quá lộ liễu, chương trình SNL cho lên đài một chương trình chọc quê phe Dân Chủ, cho có vẻ công bằng. Màn hài này tố đảng Dân Chủ đã bị tài phiệt thiên tả George Soros mua rồi. Màn hài này lên đài được đúng một đêm, rồi sau đó bị thu hồi ngay, không cho chiếu trên mạng nữa. Lý do là “không hợp với tiêu chuẩn của đài NBC”. 

Bôi bác gia đình bà Palin loạn luân thì ô-kê, nhưng đụng đến đảng Dân Chủ là không hợp tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn gì? 

Hình ảnh bà Palin mà truyền thông đưa ra được thể hiện rõ ràng như một mụ nhà quê ngớ ngẩn, xuất thân trong một gia đình loạn luân, làm thị trưởng một cái làng mà dân số chỉ bằng một phần mười số dân coi đá banh trong một sân vận động mỗi cuối tuần. 

Rồi mọi người mong chờ cuộc tranh luận giữa bà Palin và ứng viên phó tổng thống của Dân Chủ, thượng nghị sĩ Joe Biden. 

Một bà nhà quê u mê đối chất với một cáo già chính trị, đã làm thượng nghị sĩ từ khi bà Palin còn học tiểu học -nếu bà có đi học! Bảo đảm sẽ bị Biden ăn tươi nuốt sống. Các báo cấp tiến còn khuyến cáo Biden nhẹ tay một chút để tránh mang tiếng vũ phu. 

Kết quả hơn bẩy chục triệu người đã có dịp thấy hình ảnh của truyền thông phổ biến ra rõ ràng không giống hình ảnh họ nhìn thấy tận mắt. Bà Palin đã chứng minh là người đàn bà đảm đang, lo được cho gia đình với năm con, mà vẫn là thống đốc một tiểu bang lớn. Đồng thời cũng là người học bài rất nhanh, đối đáp rất mau, vừa đánh rất đau vừa cười rất tươi, ăn nói bình dân giản dị, không có kiểu đao to búa lớn. Chẳng có gì thất thế so với cáo già Biden. Đã vậy lại đẹp  đẽ, duyên dáng, có vẻ rất thực. Khác xa bà Hillary trên đủ mọi phương diện. 

 Đó là điều người dân thường chúng ta nhìn thấy. Không giống như nhận định của giới truyền thông.  Một bà ký giả cấp tiến phán quyết “bà Palin không bị té dập mặt, coi như giỏi lắm rồi”. Một bà khác ví bà Palin với một đứa con nít mới biết đi. Bước chập chững vài bước mà không té, được cả nhà vỗ tay hoan hô. 

Các báo và đài truyền hình lớn đồng loạt phê điểm ông Biden thắng lớn, như là một chính trị gia già dặn, kinh nghiệm, chững chạc, uy tín, nắm vững vấn đề, có vẻ như một giáo sư đang đối chất với cô nữ sinh không thuộc  bài. Vì ông đã liên tục sổ ra hàng loạt chi tiết, thống kê, chứng tỏ dứt khoát ông nắm vững đủ mọi vấn đề một ngàn phần trăm. 

Hơn bà Palin xa lắc, dĩ nhiên. Mà có thể hơn cả các đồng nghiệp McCain và Obama luôn không chừng. 

Một anh ma gà nào chẳng ai biết, đã khui ra là hầu hết những chuyện ông Biden nói đều là… nói sai, nói nhầm, hay nói láo. Và phổ biến trên mạng. Cái anh chàng này đưa ra tổng cộng 22 bằng chứng Biden nói láo hay nói sai.Chúng ta không cần biết hết mà chỉ cần đọc câu chuyện tiêu biểu vui nhất:

Ông Biden quảng bá tính bình dân của mình bằng cách nói bà Palin chỉ cần đi với ông đến tiệm ăn bình dân tên là Katie’s Restaurant ở Wilmington của tiểu bang Delaware mà ông vẫnthường ăn thì sẽ có dịp hỏi những người khách hàng ở đây về đời sống kinh tế hàng ngày của họ. Một thượng nghị sĩ thâm niên cao sang như vậy mà vẫn chịu khó đi ăn nhà hàng bình dân đầu phố để hiểu rõ đời sống dân tình. Đáng phục thay.

 Vấn đề là nhà hàng này đã đóng cửa từ hơn hai chục năm hay ba chục năm rồi, không ai nhớ rõ. Ông vua phóng đại Biden vẫn chứng nào tật nấy. 

Cũng như ông Biden chê TT Bush và McCain đã thiếu khả năng lãnh đạo -leadership - như TT Roosevelt, bằng câu nói bất hủ “khi cơn khủng hoảng tài chánh năm 1929 xẩy ra, TT Roosevelt đã lên ngay đài truyền hình trấn an thiên hạ”. Vấn đề là cuộc khủng hoảng xẩy ra năm 1929 là năm ông Herbert Hoover làm Tổng Thống chứ chưa phải là  Roosevelt, và khi đó thì truyền hình cũng chưa được quần chúng hóa, còn đang trong phòng thí nghiệm. Roosevelt đắc cử TT năm 1932, nhậm chức đầu năm 33 và truyền hình chỉ trở thành thịnh hành vào cuối thập niên 30 đó! 

Những chi tiết này tuyệt nhiên không thấy các báo hay đài truyền hình nói gì nhiều. Tưởng tượng bà Palin hay ông McCain mà phạm những lỗi lầm ấy thì bảo đảm từ đó cho đến ngày bầu cử, không ngày nào là không thấy bình luận về sự u tối của bà nhà quê Palin hay về sự lẩm cẩm của cụ già McCain trên trang nhất của tất cả mọi báo lớn hay trong tất cả các chương trình của truyền hình. 

 Một câu chuyện khác rất tiêu biểu. 

Ông Biden có con trai lớn làm luật sư trong ngành quân pháp. Tháng Chín vừa qua, anh bị điều động đi Iraq. Ông Biden không bỏ lỡ dịp quảng bá rầm rộ. Trong ngày Đại Hội Đảng Dân Chủ, anh này được đưa ra trước đại hội để đọc một bài diễn văn ngắn giới thiệu bố, ứng viên phó TT Joe Biden. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay hoan hô, nhìn cảnh bố con ôm nhau, với ông Biden rơm rớm nước mắt. Báo chí nức nở ca ngợi tinh thần yêu nước, sự can đảm sẵn sàng hy sinh mạng sống của anh, dù anh là sĩ quan quân pháp, qua Iraq làm việc văn phòng. Và cảm phục ông Biden đã không tìm cách cho con trốn lính. 

 Cứ cho là hợp tình hợp lý đi. 

Bà Palin cũng có con trai lớn, được điều động đi Iraq cũng trong tháng đó, trước con ông Biden có mấy ngày. Anh là binh nhì trong một đơn vị tác chiến. Bà Palin kín đáo hơn, không hò hét om sòm. Trong ngày Đại Hội Đảng Cộng Hòa, bà chỉ có một câu ngắn gọn nói về anh này sắp đi Iraq. Và anh này cũng không lên đọc diễn văn gì hết, chỉ lên khán đài cùng với cả gia đình vẫy tay chào thiên hạ sau khi bà Palin đọc xong bài diễn văn.

Phản ứng của báo chí? 

Một bà ký giả viết bài nặng nề chỉ trích bà Palin đã công bố chuyện con trai qua Iraq để lấy điểm chính trị. Bà Palin vì tham vọng cá nhân đã sẵn sàng mang mạng sống của con mình ra làm mồi nhử để lấy phiếu. Theo bà ký giả này thì bà Palin đã nhắc nhở cho quân du kích Al Qaeda tại Iraq biết để họ tìm cách giết con bà. Dù sao thì bà Palin cũng là một người nổi tiếng, giết được con bà sẽ gây tiếng vang cho quân khủng bố. 

Kể cũng lạ! Cùng một câu chuyện tương tự, mà hai phản ứng hoàn toàn khác biệt. Sao không thấy bà ký giả này đặt vấn đề Biden mang mạng sống của con ra làm mồi lấy phiếu khi ông này đưa con mình ra đọc diễn văn trước cả triệu người nhỉ? 

Công bằng mà nói, bà Palin không phải là cáo già chính trị như bà Hillary, cũng không phải là bà Carly Fiorina, cựu chủ tịch tổng giám đốc hãng điện tử Hewlett-Packard. Nhưng dù sao thì cũng không phải là một bà bán bông giấy tại chợ trời sáng chủ nhật như truyền thông mô tả. Bà là thống đốc tiểu bang lớn nhất Mỹ, được sự ủng hộ của hơn 80% dân Alaska và quản lý một ngân sách gần hai tỷ đô la. Trong 49 tiểu bang còn lại, không có thống đốc nào đạt được mức hậu thuẫn ấy! 

Sự thiên vị của truyền thông chẳng phải chỉ giới hạn ở bà Palin. Mới đây nhất là câu chuyện anh “Joe The Plumber”. 

Trong cuộc tranh luận tối 15 tháng 10 vừa qua, những người theo dõi cuộc đấu khẩu bất ngờ đã được làm quen với anh “Joe The Plumber”. Cái tên này được cả hai ứng viên McCain và Obama đưa ra và nhắc đi nhắc lại tổng cộng 26 lần. Cả hai ứng viên thậm chí còn nhìn thẳng vào ống kính truyền hình và gọi “anh Joe ơi, nếu anh có theo dõi chúng tôi …” Nhiều người dĩ nhiên thắc mắc không hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào, anh này là ai, làm gì để tự nhiên nổi lên như cồn, trở nên một nhân vật quan trọng như vậy. 

Anh Joe The Plumber này tên thật là Samuel Joe Wurzelbacher, một anh thợ sửa ống nước. Trong khi ông Obama đi vận động ở Ohio thì gặp anh. Anh chất vấn ông Obama. Đại cương anh nói làm nghề sửa ống nước mấy chục năm, dành dụm được ít tiền, đang tính sang năm sẽ mua lại cái công ty nhỏ anh đang làm. Khi đó thì lợi tức của anh có thể vượt qua 250.000 đô một năm, và như vậy có phải ông Obama sẽ tăng thuế của anh lên không (cũng là câu hỏi của khá nhiều ông bà chủ các tiệm phở, tiệm băng nhạc tại khu Bolsa đã làm hơn số tiền này). Ông Obama hứa cắt thuế cho 95% dân Mỹ và sẽ tăng thuế cho những ai làm trên 250.000. 

Ông Obama trả lời đại khái ông không muốn trừng phạt (punish) sự thành công của anh Joe, nhưng ông muốn san sẻ sự giàu có cho tất cả (spread the wealth). 

Câu chuyện được ông McCain mang vào cuộc tranh luận. Phe Dân Chủ lập tức ý thức tính chất cực kỳ nguy hiểm của hình ảnh anh Joe: một người cong lưng đi làm kiếm tiền cả đời, đến gần cuối đời khấm khá một chút là bị Nhà Nước cưỡng chiếm công lao qua sưu cao thuế nặng để chia lại cho những người nghèo hơn, hay những kẻ không chịu cố gắng làm ra tiền tự nuôi thân. Có vẻ nặng mùi xã hội chủ nghĩa quá.

Các báo cấp tiến liền xúm vào bới móc đời tư để bôi bẩn anh Joe này. Anh bị tố là dân Cộng Hòa giả danh thợ thuyền (tội nặng lắm vì Cộng Hòa thì không thể là thợ thuyền được), trốn thuế (anh có khai báo là còn thiếu thuế khoảng một ngàn đô, như rất nhiều người Mỹ khác), bằng hành nghề hết hạn mà chưa gia hạn lại (tức là không còn là thợ nữa - tội mạo danh), vừa ly dị với bà vợ (gia đình bê bối), lại còn là bà con xa với một ông chủ ngân hàng cách đây hai chục năm bị ra tòa vì tội biển thủ tiền trong ngân hàng của mình. Báo chí phụ họa theo luận điệu khinh rẻ mỉa mai của các ông Obama và Biden: thợ sửa ống nước mà làm tới hơn 250.000? 

Những tấn công cá nhân này chẳng những có tính nhỏ mọn, mà quan trọng hơn nữa, đã đánh sai mục tiêu trong khi phe lờ nhiều nhân vật cực kỳ mờ ám trong sự nghiệp của Obama.

Vấn đề cá nhân anh Joe này là ai, tốt hay xấu, không quan trọng. Cái hình ảnh một người lính thợ cong lưng đi làm cả đời rồi bị Obama sung công tài sản (theo các chuyên gia thuế khoá, anh ta có thể bị thuế lên đến 60% mức lợi tức của mình) chia lại cho người khác mới là điểm quan yếu, làm rất nhiều người Mỹ trong cùng tình cảnh của anh Joe - rất nhiều tại các tiểu bang xôi đậu vòng đai đại hồ - phải suy nghĩ lại trước khi bỏ phiếu cho Obama. Đây là điểm chính yếu nguy hại nhất cho phe Dân Chủ và chính vì vậy mà anh Joe này lập tức bị đánh phủ đầu, không khác gì trường hợp bà Palin. 

Nhưng khi đánh anh như vậy, họ lại đặt ra vấn đề khác: thế không ai có quyền chất vấn Đấng Tiên Tri sao? Chỉ hỏi ông ta một câu hỏi không hợp nhĩ là bị bới móc đời tư ra để làm nhục sao? Tính dân chủ của đảng Dân Chủ như vậy sao? 

Sự thiên vị của truyền thông cấp tiến quả lộ liễu, đến độ chính họ cũng chẳng thèm che giấu, e lệ gì nữa. Như nàng Kiều khi đã qua năm thứ 16!

Đài NBC đã được gọi là đài New Barack Channel. Báo New York Times đã được coi như cơ quan ngôn luận chính thức của Obama. Newsweek đưa hình Obama lên trang bìa tám lần trong năm qua, trong khi McCain được lên hai lần. 

Ký giả Chris Mathews của truyền hình MSNBC thú nhận mỗi lần nghe Obama nói là khí huyết trong người ông chạy rần rần từ chân lên đầu. Kiểu như Trương Tam Phong vận nội công? Ông phán quyết ông Obama là một siêu nhân chỉ giáng thế một lần trong mỗi thế hệ, và tất cả chúng ta phải tạ ơn Thượng Đế đã cho chúng ta cái cơ may sống trong cái thế hệ này, khi siêu nhân Obama giáng thế.

Một thống kê cho thấy 80% các ký giả đã gửi tiền yểm trợ cho Obama, 10% cho McCain, và 10% không cho ai hết. 

Hollywood cũng nhẩy vào cuộc chiến. Một tháng trước ngày bầu cử, đạo diễn Oliver Stone tung ra phim “W.”, một phim bôi bác TT Bush thậm tệ. Không thể nào căn đúng thời điểm hơn. Trong khi đó hãng Warner quyết định không phát hành phim “Hanoi Hilton”, một phim đề cao McCain, cho đến sau ngày bầu cử, với lý do: “tránh gây ảnh hưởng cho cuộc bầu cử”.

 Nền tảng của chế độ dân chủ là sự hiểu biết của quần chúng. Và quần chúng chỉ có được sự hiểu biết qua các phương tiện truyền thông. Báo chí là nguồn gốc tin tức.

Chúng ta muốn am tường tình hình chung quanh bắt buộc phải đọc báo, đọc tin tức cũng như đọc các bài bình luận, xem truyền hình. Chỉ cần giữ sự tỉnh táo để hiểu là có rất nhiều chuyện coi dzậy mà hổng phải dzậy. Nếu không chịu hiểu thì cứ ráng chịu!