Home Tin Tức Thời Sự Các nhà lãnh đạo mới ở Đông Á

Các nhà lãnh đạo mới ở Đông Á PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 24 Tháng 10 Năm 2008 14:48


















Trong bối cảnh quan hệ chính trị vùng Thái Bình Dương chuyển biến mạnh, giới nghiên cứu đang theo dõi sự vươn lên của một thế hệ lãnh đạo mới tại Đông Á.

Viện National Bureau of Asian Research (NBAR) vừa ra một tổng kết về những lãnh đạo sẽ tác động đến quan hệ với Hoa Kỳ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

“Giao lưu và tương tác với thế hệ lãnh đạo chính trị này sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc hoạch định chính sách của Hoa Kỳ với toàn vùng trong thập niên tới.”

Kinh nghiệm sống, quá trình hình thành nhân cách, quan điểm và tính ứng phó với tác động từ bên ngoài ra các chỉ dấu để xác định chân dung của những lãnh đạo tương lai.

Thay đổi thế hệ

Tại Trung Quốc, dự án nghiên cứu nói Thế hệ thứ 5 sẽ bước lên vũ đài chính trị thay thế hệ Hồ Cẩm Đào vào những năm 2012-2013.

Tuy nhiên, trong số họ có hai xu hướng.

Một là những người vươn lên qua bộ máy Đoàn thanh niên được ông Hồ Cẩm Đào đỡ đầu, gọi là ‘đoàn phái’ (tuanpai).

Họ có thiên hướng mỵ dân, nhấn mạnh công bằng xã hội và cân bằng vùng miền, và cũng thiện chí hơn với chính sách môn trường.

Xu hướng thứ nhì được ủng hộ bởi những “thái tử” hay “con ông cháu cha” có xuất phát từ các gia tộc cầm quyền trong hệ thống đảng của Trung Quốc.

Những người này thiên về hướng tăng hiệu quả kinh tế, vì quyền lợi giới thượng lưu.

Nhưng cả hai đều coi “sự sống còn của Đảng là ưu tiên cao nhất” và cũng đều nhạt màu về ý thức hệ so với cha anh họ.

Thế hệ thứ 5 của Trung Quốc muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ nhưng sẽ phản ứng mạnh mẽ với sự chỉ trích Trung Quốc từ bên ngoài.



Hai ông Tập Cận Bình (trái) và Lý Khắc Cường thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc



Tại Nhật Bản, trong cả hai đảng Tự do Dân chủ (LDP) và Dân chủ (DPJ) đều đang xuất hiện các nhân vật thuộc thế hệ sinh ra trong những năm 1975-1988.

Cha mẹ họ sống trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao, ổn định xã hội và họ cũng trưởng thành trong thời gian giá trị truyền thống không tác động mạnh.

Họ cũng sẵn sàng tỏ thái độ hòa giải hơn thế hệ cha anh trong quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Dù khác biệt đảng phái, người người thuộc LDP và DPJ sẽ không thay đổi nhiều trong quan hệ với Mỹ.

Họ sẽ vẫn muốn tăng cường vai trò an ninh quốc tế của Nhật trong trung hạn dù sẽ có những câu hỏi càng nhiều về lý do gắn kết với Mỹ.

Lớn lên trong đấu tranh

Còn tại Hàn Quốc, thế hệ 386 trưởng thành từ phong trào sinh viên dân chủ trong thập niên 1980 sẽ nắm quyền nay mai.

Nếm mùi quyền lực chính trị đầu tiên dưới thời Roh Moo-hyun, họ có tinh thần bài Mỹ và ủng hộ dân chủ cao hơn trước nhưng cũng sẵn sàng ủng hộ hòa giải với Bắc Triều Tiên.

Nhận xét của nhà nghiên cứu Gordon Flake về thế hệ 386 là họ sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách tự tin hơn của Hàn Quốc về thương mại, nhưng vẫn duy trì liên minh với Hoa Kỳ.

Tại Đài Loan, theo nghiên cứu của NBAR, thế hệ tới sẽ là những nhà chính trị duy lý, muốn tiếp tục sát lại gần Trung Quốc về kinh tế nhưng không thúc đẩy thống nhất đất nước với Hoa lục.



Thế hệ 386 trưởng thành từ phong trào sinh viên dân chủ Hàn Quốc trong thập niên 1980

Nghiên cứu của NBAR



Nhà nghiên cứu Shelley Rigger nhận xét trong phần về Đài Loan:

“Vì không có ký ức về những ngày đen tối của Đài Loan, những nhà chính trị trẻ này ít có xu hướng nhìn đối thủ chính trị là kẻ thù.”

Họ cũng sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ tuy tìm cách tránh rơi vào thế dựa hoàn toàn vào Washington.

Dự án của NBAR có trụ sở ở Seattle và Washington D.C. được sự tham gia của các nhà nghiên cứu tại đại học Washington, MIT, The Maureen and Mike Mansfield FoundationDavidson College.

Bạn có ý kiến gì về các nhà lãnh đạo châu Á và nghĩ sao về thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam, xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc. co.uk