Home Tin Tức Thời Sự Anh, Liên Âu theo dõi sát đàn áp tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam

Anh, Liên Âu theo dõi sát đàn áp tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Hai, 20 Tháng 10 Năm 2008 14:01
Số người tham dự đông đảo chứng tỏ có sự nhất trí cao độ của giáo dân phản ứng lại những lời vu vạ và đe dọa tiếp tục của nhà cầm quyền Hà Nội.

Người Việt Online
Saturday, October 18, 2008

*Hàng ngàn giáo dân ở Hà Nội cầu nguyện cho công lý và hòa bình

HÀ NỘI 18-10 (TH) - Chính phủ Anh Quốc và cả khối Liên Âu theo dõi sát tình hình đàn áp tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Ðồng thời, họ cũng áp lực thường xuyên với chế độ Hà Nội với hy vọng nhân quyền được cải thiện.

Bức thư của Bộ Ngoại Giao Anh Quốc gửi cho một tổ chức người Việt ở nước này phổ biến trên VietCatholic News cho hay.

“Chúng tôi đã lưu tâm về những việc tuần hành cầu nguyện đông đảo của các tổ chức Công Giáo bên ngoài những cơ sở đặc biệt ở Hà Nội những ngày gần đây đòi trao trả lại tài sản của Giáo Hội. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình trạng này và thúc bách các giới thẩm quyền tôn trọng tối đa quyền của người dân được biểu tình trong ôn hòa để bày tỏ nguyện vọng của họ.” Bà Meg O'Ryan của Vụ Ðông Nam Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại Giao Anh Quốc viết thư trả lời ông Vũ Khánh Thành của Hội Anh Việt như vậy.


Hàng ngàn giáo dân tụ họp về Nhà Thờ Lớn Hà Nội thắp nến cầu nguyện cho Ðức TGM Hà Nội và cho công lý. (Hình: VietCatholic News)



Bức thư thông báo cho biết tiếp: “Ðại Sứ Quán Anh ở Hà Nội đã nêu vấn đề này với Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh trong buổi họp ngày 23 Tháng Chín. Ông ta đã nhấn mạnh những tranh chấp này phải được giải quyết một cách ôn hòa thỏa đáng giữa hai bên. Ông Bill Rammell cũng đã nêu vấn đề này với ông thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam trong cuộc họp ngày 8 Tháng Mười.”

Dịp này, bức thư của bà O'Ryan cho hay chính phủ Anh cũng như Liên Âu thường xuyên theo dõi tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam cũng như tiếp tục tạo áp lực với chế độ Hà Nội.

“Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các thành viên của khối Liên Hiệp Âu Châu ở Hà Nội, thâu thập những thông tin về các tổ chức tôn giáo, các nhà hoạt động cho nhân quyền và tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Vương Quốc Anh đã tích cực tham gia thảo luận với khối Liên Hiệp Âu Châu cứ nửa năm một lần, trao đổi về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam từ năm 2003 đến nay. Cuộc trao đổi gần đây nhất của đại sứ Anh ở Việt Nam là ngày 10 Tháng Sáu.” Bà O'Ryan viết. “Chúng tôi cam kết rằng, cùng với các đồng nghiệp trong khối Liên Hiệp Âu Châu, chúng tôi coi vấn đề nhân quyền là đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi tiếp tục đòi hỏi chính quyền Việt Nam tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền.”

Mặt khác, theo các tin tức từ Hà Nội, đêm Thứ Sáu 17 Tháng Mười 2008, hàng ngàn giáo dân đã đến cầu nguyện cho đức tổng giám mục, công lý và hòa bình tại nhà thờ chính tòa thành phố Hà Nội.

Số người tham dự đông đảo chứng tỏ có sự nhất trí cao độ của giáo dân phản ứng lại những lời vu vạ và đe dọa tiếp tục của nhà cầm quyền Hà Nội.

Ngày 15 Tháng Mười 2008, đảng CSVN do Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, mời đại diện ngoại giao đoàn đến để giải thích lý do đàn áp giáo dân Công Giáo thời gian gần đây ở khu vực nhà thờ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ.

Cơ quan thông tấn chính thức CSVN gọi các buổi cầu nguyện hậu thuẫn cho giáo xứ Thái Hà và Tòa Tổng Giám Mục đòi lại các tài sản đã bị nhà cầm quyền CSVN cướp đoạt từ mấy chục năm qua là “những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân liên quan”.

Bản tin này còn cáo buộc rằng Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt “đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, lợi dụng đức tin và sự thiếu hiểu biết của một số giáo dân, cố tình vi phạm pháp luật; đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và của giáo hội; làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chính quyền thành phố với Tòa Tổng Giám Mục cũng như nhà thờ Thái Hà, ảnh hưởng đến hình ảnh của Công Giáo trong lòng nhân dân thủ đô và cả nước.”

Nhưng từ trước tới sau, người ta thấy Tổng Giám Mục Kiệt chỉ kêu gọi giáo dân “cầu nguyện liên lỉ” ở bất cứ đâu chứ không hề kêu gọi dân chúng, giáo dân biểu tình hay bạo động.

Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam nói “Vì vậy, các cơ quan nhà nước phải vào cuộc xử lý theo pháp luật, buộc chính quyền thành phố phải quyết định cảnh cáo đối với ông Ngô Quang Kiệt và một số giáo sĩ nhà thờ Thái Hà; cơ quan công an khởi tố vụ án phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng, tới đây sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh theo pháp luật.”

Nhưng Nguyễn Thế Thảo, trong cuộc họp với ngoại giao đoàn đã không kể cho họ nghe sự thực những gì đúng là “vi phạm pháp luật” của nhà cầm quyền. Khởi sự là tính cách pháp lý của các tài sản đã không được nhà cầm quyền đếm xỉa như các bằng chứng sở hữu chủ mà Tòa Tổng Giám Mục cũng như giáo xứ Thái Hà trưng dẫn.

Trong các buổi cầu nguyện, chế độ Hà Nội đã cho công an hành hung, bắt giữ giáo dân. Hơn thế nữa, đã cho hàng trăm người tới đe dọa, chửi bới không những giáo dân mà còn cả Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Nhà cầm quyền các cấp của thành phố Hà Nội đã hành xử bên trên pháp luật thì không được ông Thảo kể ra với các nhà ngoại giao mà ông mời tới để nghe tuyên truyền.

Chế độ Hà Nội cũng đã gửi thư cho Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đòi cách chức, thuyên chuyển Tổng Giám Mục Kiệt và các linh mục cầm đầu giáo xứ Thái Hà đi nơi khác. Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đã viết văn thư trả lời xác định Tổng Giám Mục Kiệt cũng như các linh mục ở nhà thờ Thái Hà đã không làm gì trái giáo luật.

Bây giờ, nhà cầm quyền CSVN đã biến hai mảnh đất tranh chấp thành công viên, làm ngược lại những gì đã hứa với Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và với Tòa Thánh Vatican, nuốt lời hứa. Các buổi cầu nguyện của giáo dân vì thế trở thành cầu nguyện cho công lý và hòa bình, với mục tiêu và ước nguyện lớn hơn.

Trên khắp thế giới, các buổi cầu nguyện cho tổng giám mục và tổng giáo phận Hà Nội, giáo xứ Thái Hà vẫn tiếp tục diễn ra cả trong và ngoài nước Việt Nam.