Giao Chỉ - San Jose
Ghi chú: Bài nầy viết tặng cho 2 ông bạn già:
- Đại tá Kính, quân cảnh ủng hộ Cộng Hòa - và Đại tá Hùng, chiến tranh chính trị ủng hộ Dân Chủ.
Trong hai ông, ai thắng thì Giao Chỉ cũng gửi rượu mừng.
* Vì đâu nên nỗi?
Với câu chuyện tháng 10 năm 2008 tại Hoa Kỳ, chúng ta không thể bỏ qua thời sự kinh tế và chính trị.
Hai công ty tín dụng lừng lẫy nhất của Mỹ sụp đổ để lụy cho hàng trăm ngàn nhà băng lớn nhỏ phải điêu đứng mất chỗ dựa, sau khi có cả triệu chủ nhà vỡ nợ. Dân số Hoa kỳ vẫn chừng đó người, nông sản vẫn đủ cho cả nước, quần áo không hề thiếu. Chiến tranh vẫn ở xa. Nợ nần gia tăng thì đâu vẫn còn đó. Chưa có nước nào xua quân tấn công Hoa kỳ đòi nợ ? Trường học vẫn mở cửa. Xe cộ vẫn có đủ nhiên liệu lưu thông. Các quán ăn tuy hơi vắng nhưng vẫn còn mở cửa. Vậy thì,vì đâu nên nỗi ?
Ông trời từ trên cao nhìn xuống, lắc đầu nói rằng:
“Đám dân đen này chỉ chết vì giấy tờ. Nào là tín dụng, khế ước, công khố phiếu, ngân phiếu, trái phiếu, cổ phần, ngân hàng, quý kim, vàng đen, vàng đỏ"...
Thực sự trị giá của món hàng chỉ có một ngàn. Hùa nhau, đổ xô vào mua bán đổi chác đưa giá lên thành 10 ngàn. Rồi mất tinh thần xuống rụp một cái, còn có 1 trăm. Có khi chẳng còn gì. Như bong bóng nước.
Tôi có người quen, nhà cửa bên Texas chừng 100 ngàn là quá đẹp, nhưng chạy qua Cali, mua nhà 500 ngàn, rồi bây giờ trả không nổi, bỏ của chạy lấy người. Dân đen thành homeless. Nhà đẹp, lại bỏ trống cho tan nát. Ngân hàng đòi về, bán nửa giá tiền, không ai mua. Xem ra hệ thống dân sinh toàn hảo tại Hoa kỳ dường như có cái gì không ổn.
Có người kể rằng ở Santa Rosa, hai người bạn chia nhau mua ngôi nhà song lập, liền vách một bên. Anh làm thợ tiện vẫn đi làm overtime, vợ con chí thú, trả tiền đầy đủ lại có tiền để dành. Gia đình anh bên cạnh, vung tay qua trán, đang lãnh tiền thất nghiệp, nợ nhà băng tháng 2 ngàn trả không nổi, khai khánh tận, dọn về nhạc gia. Anh hàng xóm thợ tiện ra tay, mua lại ngôi nhà quá rẻ còn có 50%. Tháng tháng trả nhà băng chỉ có 1 ngàn. Bèn gọi anh bạn thất nghiệp dọn vào nhà cũ, hai bên thỏa hiệp ra sao không rõ, nhưng gia đình anh bạn thất nghiệp bây giờ hết homeless, ngôi nhà cũ còn nguyên cũng không phải bỏ trống.
Hình như chính phủ Mỹ cũng sắp nghĩ ra cách giải quyết tương tự như đôi bạn thân gốc Việt ở Santa Rosa.
Nhưng muốn như thế, chính phủ phải cấp tốc bỏ tiền ra cứu cả thị trường tài chánh đang “domino” mà ngã xuống dây chuyền.
Lưỡng viện quốc hội và hai đảng Dân chủ, Cộng hòa gầm gừ suốt 7 ngày, sau cùng đã quyết định dành 700 tỷ Mỹ kim cứu nạn. Chúng tôi không phải chuyên viên tài chánh kinh tế nên không thể đưa ra những lý thuyết và danh từ chuyên môn làm phiền độc giả và thính giả. Xin cứ gọi luôn đây chỉ là tiền tệ trên lý thuyết. Tất cả mới chỉ là giấy tờ. Tiền chưa in ra. Thực sự, tiền vẫn còn trong túi người dân Mỹ sẽ đóng góp cho đất nước trong tương lai. 700 tỷ vừa được Tổng Thống Bush ký, xuất ra cho Bộ Ngân khố sử dụng. Như vậy 300 triệu dân Mỹ sẽ phải góp thêm, mỗi người là 2500 Mỹ kim. Nếu chỉ tính gia chủ có lợi tức, mỗi nhà phải góp gián tiếp 10 ngàn mỹ kim. Đó là cách tính của người dân. Chưa phải là chuyên viên.
Với tiền thuế thông thường dân Mỹ vẫn đóng, chính phủ sẽ chi tiêu vào công việc thường lệ. Sẽ phải tìm cách thu thêm 2500 đồng mỗi người. Nói như vậy, nhưng thực tế thì trợ cấp tuổi già, tàn tật, xã hội v.v. đã quá thấp rồi. Cắt đi không được, thì người khác sẽ gánh vào.
Xem như vậy, các vị tổng thống tương lai hứa là không tăng thuế hay sẽ giảm thuế, đều là nói lấy được.
* Khủng hoảng niềm tin
700 tỷ xuất ra để chữa lửa, nếu chưa thực sự tiêu dùng thì ít ra cũng phải làm cho bà con bình tĩnh lại. Hy vọng như thế. Nhưng tại sao tiền xuất ra đã loan báo, thị trường cổ phiếu của cả 2 loại thước đo kinh tế đều vẫn xuống một cách thê thảm. Tính ra trị giá các cổ phiếu tại Hoa Kỳ tổn thất chẳng kém gì gần 1 ngàn tỷ Mỹ kim. Lại còn nhiều hơn cả con số 700 tỷ mà lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ vừa gạt nước mắt đưa ra chữa lửa. Nếu cho rằng trong số 300 triệu dân Mỹ có 1 triệu người mua các loại cổ phiếu thì chỉ quay đi quay lại mỗi người trung bình mất 1 triệu Mỹ kim.
Lẽ dĩ nhiên thực tế có nhiều người mất nhiều hơn và có người chỉ mất phần nào.
Tại sao các nhà chơi stock lại mất tinh thần để thị trường xuống thê thảm như vậy. Tổng Thống Bush có ngay câu trả lời. Ông vừa lên diễn đàn, mặt mũi rất căng thẳng và nói rằng đây là yếu tố tinh thần. Thì ai mà chả biết là vì tinh thần bấn loạn, bán tống bán tháo. Nhưng câu hỏi là tại sao lại xuống tinh thần? Không ai trả lời được hết. Chỉ là hoảng loạn dây chuyền. Các nhà tài chánh trứ danh thế giới phân tích trên truyền hình và báo chí. Càng đọc, càng nghe lại càng khó hiểu. Mọi thứ cứ rối tung lên.
Tổng Thống Bush nói tiếp: “700 tỷ là phương thuốc đúng nhất và duy nhất. Nhưng phải có thời gian cho thuốc ngấm”.
Đành phải chờ xem thuốc có hiệu nghiệm không và sẽ ngấm trong bao lâu. Nhiều nhà kinh bang tế thế nói là còn phải bơm thêm từ 300 tỷ đến 500 tỷ nữa. Quả nhiên, một vài ngày sau thuốc ngấm và thị trường, cổ phiếu lại đi lên từ từ. Như vậy chuyện kinh tế cổ phiếu Hoa Kỳ rất ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống.
Kinh tế xuống dốc qua thước đo cổ phiếu làm cho cả nước ngó về Barack Obama. Điểm ông Dân chủ da đen lên cao khi tinh thần bà con xuống thấp.
Khi Cộng hòa cứu được phần nào trận bão kinh tế thì bà con lại ngó về ông John McCain để mà tỏ tình yêu nước Mỹ.
Cử tri như khán giả xem tennis cứ quay qua quay lại. Nhưng cũng không phải chỉ có Hoa kỳ ngóng về Nữu Ước và Hoa Thịnh Đốn. Thế giới cũng ngóng trông và đợi chờ tin tức về trận phong ba bão táp tại Hoa kỳ.
*Toàn cầu hóa là thế giới đại đồng. Cùng sống cùng chết
Hiện nay ở bên Tàu có ông triệu phú Thượng Hải làm ăn 20 năm có được 100 triệu. Ông chỉ tin vào nền tài chánh Hoa Kỳ. Bỏ ra 60 triệu Mỹ kim tài sản vào các thị trường Âu Mỹ: 20% Âu Châu và 40% tại Mỹ Quốc. Còn lại 40% tại các ngân hàng Thượng Hải và giữ vốn làm ăn.
Một sớm một chiều Nữu Ước chao đảo. Luân Đôn, Singapore, Hồng Kông, Zurich, Genève cũng xuống theo. Từ các lục địa cuộc khủng hoảng theo chân Wall Street mà tuột dốc thê thảm. Từ nhà triệu phú 100 triệu, ông vua Thượng Hải trở thành triệu phú nhà nghèo.
Đó là hình ảnh rất tiêu biểu của cả Châu Á, từ Tàu đỏ Trung quốc đến Tàu vàng Đài Loan đều điêu đứng vì cho Hoa Kỳ vay hay đầu tư vào thị trường cổ phiếu tại Hoa Kỳ. Có thể nhiều nhà tư bản đỏ của Việt Nam cũng chung số phận. Đã có người suy nghĩ quá xa nói là tư bản Hoa Kỳ gài bẫy để thiên hạ đầu tư vào Mỹ thật nhiều rồi cho tụt xuống. Một sáng một chiều. Bỏ 100 triệu US vào Mỹ còn lại một nửa. Hiệp chủng quốc nợ hàng ngàn tỷ bây giờ tính lại kế toán chỉ còn nợ có một nửa. Nhưng vẫn còn giữ thể diện để thiên hạ tín nhiệm phần nào. Ngoài ra không lẽ bạc tỷ trên tay lại dấu ở gầm giường. Thôi đành cùng sống cùng chết với Hoa Kỳ trong một thế giới đại đồng của toàn cầu hóa theo kiểu thế giới tự do.
* Kinh tế và Bầu cử
Trong khi đó thì niềm tin vẫn khủng hoảng đuổi theo hai phe đang thi đua chạy vào Nhà Trắng. Thế hệ cử tri Việt Nam vốn là dòng dõi thuyền nhân có thể nghĩ rằng 2 phe tranh cử như hai tay đua tìm cách vượt biên. Tranh cử và cầm quyền tại Hoa Kỳ trong giai đoạn mới là cả một thử thách hết sức khó khăn.
Hãy phân tích xem đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vượt biên ra sao. Một bên là ông da màu trẻ tuổi, hứa hẹn đủ điều, nhưng không có gì bảo đảm cho cả một tương lai đầy gai góc trước mặt.
Obama, kỳ này đưa Hoa Kỳ xuống thuyền vượt biên năm ăn năm thua mà thuyền trưởng chưa hề cầm lái, nói như thánh sống. Cử tri trẻ tuổi hùa theo vỗ tay rầm trời, phần nhiều các cháu chưa ra trận bao giờ, chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ.
Một bên là ông McCain cao niên, đôi khi nóng nẩy, mệt mỏi và chưa rũ bỏ được hào quang lịch sử cùng với sự ràng buộc quá nhiều vào guồng máy đầy thất vọng của chính quyền hiện tại.
Người hùng của chiến tranh Việt Nam loay hoay vẫn chưa phác họa được con đường cải tiến Hoa Thịnh Đốn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay.
Nếu phải ví hai phe tranh cử theo cái nhìn của dân tỵ nạn, thì rõ ràng là Obama vượt biên bằng đường biển mà chưa hề lái tàu. Chuyến đi lại chọn đúng mùa mưa gió; kèm theo ông Phó là dân chơi, bao năm chỉ chuyên đi tàu bay nên không thể có kinh nghiệm chống hải tặc.
Bên phía McCain, ông già dẫn người đẹp chim sa cá lặn, vượt biên bằng đường bộ. Tuổi cao, vì thương tật, tay không giơ lên cao khỏi đầu.
Tiền bạc không có là bao để chung cho đám lâu la dọc đường. Tiền quảng cáo TV chém còn nặng hơn cả Khmer đỏ. Dân Việt kỳ này có thật thương McCain thì nên góp tiền tối thiểu 35 đồng một người, để ông HO Hoa Kỳ có tiền đi đánh trận sống chết các nơi khác. Tại Cali, thì Cộng hòa không thể địch lại Dân chủ.
*Xin hãy chuẩn bị tinh thần
Nếu quý vị nhìn lên bản đồ chiến lược tranh cử của 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ sẽ thấy rõ tình hình. Bầu cử Hoa Kỳ từ trăm năm nay theo phương thức rất phức tạp lạ lùng. Luật chơi là
“Được ăn cả, ngã về không”
Tại tiểu bang California đông dân và đầy sức mạnh. Ai thắng hơn một phiếu là thắng trọn một bàn, lấy hết số cử tri đoàn.
Gần như 5 kỳ bầu Tổng thống có đến hơn 30 tiểu bang mầu xanh mầu đỏ có nhiều cử tri đa số theo hai phe Dân Chủ Cộng Hòa. Tại Cali là thành trì chủa Dân Chủ. Texas là thủ đô của Cộng Hòa.
Tại những chỗ nầy, hai phe đều không hết lòng tranh cử. Coi như không thể thay đổi, chỉ còn gây quỹ bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Do đó các bạn cao niên Việt Nam của chúng ta phải chuẩn bị tinh thần. Chẳng cần cãi cọ gì thêm mất công. Phải để sức mà xem những tiểu bang mầu vàng chưa dứt khoát theo xanh hay theo đỏ sẽ có kết quả sau cùng.
Hiện nay Dân Chủ đang dẫn trước, lúc nhiều lúc ít nhưng Obama vẫn tiến gần đến Bạch cung hơn cụ McCain. Từ nay cho đến ngày chung cuộc, hy vọng ngựa sẽ về ngược nếu có các yếu tố sau đây:
1/ Kinh tế Hoa Kỳ tạm thời không xuống thê thảm nữa, đứng vững và lên từ từ.
2/ Tổng thống Bush loan báo lịch trình rút quân tại Trung Đông.
3/ Ông Obama tự nhiên có khuyết điểm đặc biệt.
4/ Ông Mc Cain không có điều gì đáng tiếc về sức khỏe và ngôn ngữ tranh cử.
5/ Và sau cùng, dân Mỹ da trắng bước vào phòng phiếu có sự dè dặt sau cùng trong việc chấp nhận một Tổng thống da mầu.
*Chuyện tương lai
Trong dư luận thuần túy của cử tri gốc Việt, thế hệ trẻ Việt Nam cũng như các bạn trẻ Hoa Kỳ suy nghĩ giản dị. Trước hết họ nghĩ rằng tất cả các tin tức bên trong nói là Obama liên hệ khủng bố hay những chuyện xấu xa khác, họ đều không chấp nhận. Phe Cộng Hòa nếu đưa ra khai thác sẽ tác dụng ngược. Thêm vào đó, dư luận Dân Chủ nghĩ rằng Obama sẽ là vị tổng thống hoàn toàn mới mẻ khác với tất cả các đời tổng thống từ trước đến nay. Sẽ trung thành với đường lối cấp tiến của phe Dân Chủ.
Trong khi đó ông McCain có thể là hình ảnh của 1 vị tổng thống độc lập, đi ra ngoài khuôn phép của Cộng Hòa. Là biểu tượng của của vị anh hùng Mỹ quốc, một quân nhân, hào quang của ông làm cho giới trẻ ngần ngại vì gần với hình ảnh một cha già dân tộc và có khuynh hướng độc tài.
Đúng hay không là vấn đề khác. Nhưng đó là tâm lý cử tri.
Sau kỳ bầu cử nầy, sẽ có một bên chiến thắng. Bài học cần phải chuẩn bị không phải là lo lễ đăng quang mà dọn sẵn tinh thần chấp nhận cho người mình ghét sẽ lên làm tổng thống.
Đối với riêng các đồng hương Việt Nam, đa số ủng hộ Cộng Hòa nếu Mỹ có một tổng thống da đen với tinh thần hòa giải cộng thêm một ông phó kỳ thị Việt Nam, chúng ta sẽ còn phải hậm hực từ 4 năm đến 8 năm dài.
Nhưng xin chuẩn bị nghĩ lại, hai trăm năm trước da đen đến nước Mỹ bằng xiềng xích. Làm nô lệ cho các nông trại từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Con đẻ ra nếu được chủ nhân gọi bán ngay tại chỗ còn là hạnh phúc. Nuôi con chừng 5 hay 6 tuổi những đứa trẻ bị đem bán đi. Những bà mẹ bóp cổ con rồi tự vận. Bố bị đánh bằng roi đuôi cá sấu. Cuộc nổi dậy của dân da đen suốt hơn một thế kỷ bất thành. Bài ca bất hủ xin được đi lên miền Bắc nhưng tất cả đều bị giết chết. “Hãy cho dân tôi đi. Let my people go”. Với lời ca da đen ray rứt kèm theo tiếng kèn đồng não ruột ở các phòng trà New Orleans, Tiểu bang Louisiana ngày nay vẫn làm cho cả thế hệ da đen hậu sinh nhỏ lệ.
Nam Bắc Hoa Kỳ không đồng ý với nhau về vấn đề chủng tộc đã gây cảnh tương tàn. Chỉ trong một trận giao tranh quân xanh, quân đỏ xáp lá cà giết nhau bằng gươm giáo chết hơn 50 ngàn người, nhiều hơn 20 năm Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam.
Ngày nay, nếu có được một ông Mỹ da đen lên làm tổng thống thì Obama không phải chỉ là một anh chàng đơn thuần nói dóc mà thành vĩ nhân.
Obama chính là người được định mệnh lựa chọn thay cho cả một lịch sử da đen lầm than suốt 200 năm lập quốc tại Hoa Kỳ.
Chúng ta đều muốn có ông HO Hoa Kỳ McCain vào Bạch cung, nhưng nếu định mệnh đã an bài, thì cũng phải chịu thôi. Chính người da đen đã mở đường bình đẳng cho da vàng vào đất Mỹ. Bây giờ da đen mở cửa Bạch cung cũng để cho da vàng có ngày làm nên lịch sử.
Giao Chỉ, San Jose
Tái Bút: - Xin tặng độc giả điệu luân vũ minh hoa của tác giả vô danh để làm dịu bớt không khí phong ba bão táp tại Hoa kỳ vào tháng 10 -2008 |