Một Vụ Kết Án Có Dụng Ý (?) |
Tác Giả: Trung Điền |
Chúa Nhật, 19 Tháng 10 Năm 2008 14:54 |
Quốc Nội- 10/18/2008 Sáng ngày 15 tháng 10 năm 2008 vừa qua, tòa án thành phố Hà Nội đã tuyên án bốn người liên hệ trong vụ án gọi là lợi dụng chức quyền và quyền tự do dân chủ, tạo xáo trộn xã hội qua vụ tham nhũng PMU 18 gồm Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên cục trưởng cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) bị cảnh cáo; Thượng tá Đinh Văn Huynh, nguyên trưởng phòng 9 thuộc cục điều tra C14 bị 1 năm tù; ký giả Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) bị án treo 24 tháng; ký giả Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) bị 2 năm tù giam. Mấu chốt của vụ án nằm ở hai điểm mâu thuẫn quan trọng như sau: Thứ nhất, hai ông Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh là nhân vật chính trong vụ điều tra vụ án tham nhũng PMU 18. Mọi tin tức, thông tin của vụ án đều tung ra từ hai nhân vật này. Tuy hai ông này bị cáo buộc là tiết lộ thông tin vụ án cho báo chí và báo cáo thông tin sai lạc cho cấp trên để gây những hiểu lầm trong nội bộ, nhưng ông Quắc thì chỉ bị cảnh cáo trong khi ông Huynh là thuộc hạ của ông Quắc bị 1 năm tù giam. Nếu có tội theo đúng sự cáo buộc của tòa thì Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc phải chịu mức án ít ra là 1 năm hay nhiều hơn so với Thượng Tá Đinh Văn Huynh. Thứ hai, cả hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đều viết bài dựa theo những thông tin từ các cuộc họp báo của cán bộ Cục C 14 của Tướng Phạm Xuân Quắc, thế nhưng tòa án lại cáo buộc những nội dung các bài viết của hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến là sai lạc, gây hoang mang trong dư luận. Khi đối chất trước tòa, ký giả Nguyễn Việt Chiến cũng khẳng định các thông tin mà ông viết đều dựa vào những công bố của cục điều tra. Nhiều lần quan tòa cố tình ép buộc ông Nguyễn Viết Chiến phải thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm những nội dung đã viết; nhưng ông Chiến đã quy trách nhiệm đó cho cơ quan điều tra và những bài của ông viết đúng theo luật báo chí. Trong khi ông Hải thì nhận trách nhiệm về hành vi của mình, không cứng rắn phản bác như ông Chiến. Cuối cùng thì hai người đã bị hai bản án khác nhau. Với hai điểm mâu thuẫn nổi bật nói trên, người ta nhìn thấy rằng vụ xét xử 2 nhà báo và 2 cán bộ cục điều tra tội phạm là một vụ kết án có dụng ý. Thứ nhất, việc mang Tướng Phạm Xuân Quắc ra tòa là đòn trả thù của phe nhóm Nông Đức Mạnh muốn dằn mặt những cán bộ ngành công an đã thẳng tay đập vỡ ổ tham nhũng trong Bộ giao thông vận tải và nhất là đã kéo theo sự thất sủng hàng loạt cán bộ cao cấp của phe bảo thủ không được vào Trung ương đảng trong kỳ Đại hội toàn đảng X vào tháng 4 năm 2006. Khi nhận điều tra vụ án PMU 18, Thiếu Tướng Quắc đã tuyên bố rằng đây là vụ án đánh để đời, trước khi về hưu. Điều này cho thấy là Tướng Quắc đã chuẩn bị thế trận để chơi tới cùng với nhóm tham nhũng Nông Đức Mạnh. Nhưng khi đưa Tướng Quắc ra tòa với các tội lợi dụng chức quyền, cố ý làm lộ bí mật công tác.. chế độ chỉ đánh khẽ với bản án ’cảnh cáo’. Tuy muốn trả thù Tướng Quắc nhưng lãnh đạo Cộng sản Việt Nam vẫn còn sợ tướng Quắc — dù ông đã về hưu không còn quyền lực. Lý do là vì lãnh đạo Cộng sản Việt Nam từ Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải cho đến Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Lê Hồng Anh.... sợ tướng Quắc sẽ một lần nữa "lợi dụng quyền tự do tư tưởng" viết hồi ký kể lại những điều thâm cung bí sử qua các vụ án Năm Cam, vụ án Mường Tè (Lai Châu), vụ án Lã Thị Kim Oanh, vụ án tham nhũng Petro, vụ án Dung Quất.... mà chính Tướng Quắc có nhúng tay điều tra. Những vụ án động trời kéo dài nhiều năm nói trên không thể nào không dính đến các lãnh đạo đã và đang còn tại chức nếu Tướng Quắc kể lại những mẫu điều tra của ông. Do đó mà Cộng sản Việt Nam chỉ giơ cao nhưng đánh khẽ vì không muốn đẩy tướng Quắc vào thế phải trả thù cho trận chiến để đời cuối cùng của ông bằng một bộ hồi ký dài nhiều tập liên quan đến các tội tham nhũng của lãnh đạo. Thứ hai, việc mang các nhà báo ra tòa là nhằm tạo một sự răn đe cho giới phóng viên, ký giả không nên quá đà đi sâu vào những loan tải các vụ án tham nhũng. Vì muốn răn đe nên Hà Nội chỉ bắt giam 2 trong hàng chục ký giả phóng viên đã từng làm các phóng sự vụ PMU 18. Điều không ngờ của Hà Nội là việc bắt giữ này đã gây ra một luồng phản cảm với những nghi vấn trong dư luận về thực tâm chống tham nhũng của lãnh đạo và coi đây là đòn trả thù của lãnh đạo Hà Nội đối với các cơ quan truyền thông. Do đó khi bị bắt, hai ký giả Nguyễn Văn Hải báo Tuổi trẻ và Nguyễn Việt Chiến báo Thanh Niên đã bị cáo buộc là lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhưng khi mang ra tòa thì đổi thành tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, để biến chiêu. Vì chỉ muốn răn đe và cảnh cáo nên Hà Nội cố mớm ý để cho hai nhà báo nhận tội, nhưng không ngờ ký giả Nguyễn Việt Chiến lại khăng khăng từ chối việc nhận tội, và cho rằng việc làm của ông hoàn toàn đúng theo luật báo chí của chế độ; chỉ có ông Nguyễn Văn Hải nhận sai trái trong việc làm của mình. Kết quả này đã đẩy Hà Nội ở vào thế lúng túng khó xử. Nếu tha bổng cả hai mà có một người nhận tội và một người không nhận tội thì không ổn tí nào. Cho nên việc kết án ký giả Nguyễn Việt Chiến 2 năm tù đã có một dụng ý của giới lãnh đạo Hà Nội nhằm trừng trị những ai không chịu khuất phục uy quyền của đảng. Nói tóm lại, vụ xử án 2 cán bộ công an và 2 nhà báo qua vụ PMU 18 là một đòn trả thù lẫn nhau giữa các phe nhóm. Bốn người này chỉ là nạn nhân của những toan tính giữa các phe quyền lực khi những hành vi tham ô của lãnh đạo CS bị phơi bày trước công luận. Chỉ tội cho những người thực tâm muốn bài trừ tham nhũng đã trở thành những con dê tế thần trong các vụ xử án sát phạt của các nhóm quyền lực này. |